Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

6311 - Nhân sự Nguyễn Phú Trọng đã được chốt ‘chủ tịch nước kiêm tổng bí thư’?



   Nguyễn Phú Trọng có lặp lại 'Tôi bất ngờ!' như khi tái đắc cử tổng bí thư tại đại hội 12?


(VNTB) - Buổi sáng 28/9, trong một cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Trung ương để thông tin về ‘Hội nghị Trung ương 8, khoá XII diễn ra vào tuần tới’, cái cách thông báo của quan chức Lê Quang Vĩnh - Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng - về “Với sự phân công này, các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước được thực hiện bình thường, đầy đủ” (phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là quyền Chủ tịch nước) chắc chắn là ẩn số đáng mổ xẻ nhất trong phương trình mang tên ‘Ai sẽ làm chủ tịch nước’.

Bởi cùng với phát ngôn trên là “Việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là việc hết sức hệ trọng của Đảng và Nhà nước nên cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng quy định. Chắc chắn Trung ương sẽ xem xét nhưng ở kỳ họp nào, có ở kỳ họp sắp tới hay không, thì chúng tôi sẽ thông báo cụ thể sau” - quan chức Lê Quang Vĩnh.

Hai phát ngôn trên đã cấu thành một mạch logic: do Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thực hiện bình thường, đầy đủ các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước, nên cơ chế bố trí nhân sự thay thế cho quan chức Trần Đại Quang vừa thêm từ ‘cố’ là không có gì phải cập rập. Và cơ chế này còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan - như một cách giải thích của Lê Quang Vĩnh.  

Mặc dù chỉ là ủy viên trung ương mà không phải là ủy viên bộ chính trị để chắc suất chủ tịch nước theo nguyên tắc của đảng cầm quyền, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh vẫn có thể ‘tạm quyền’ một thời gian cho đến khi tổ chức ‘cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp’ tìm ra được một ủy viên bộ chính trị để thay thế bà Thịnh.  

Nhưng câu chuyện trên sẽ mang tính quy trình đến mức nhàm chán, nếu không xuất hiện một luồng dư luận vận động khá nhiệt tình cho đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay trước khi Hội nghị trung ương 8 diễn ra:  

- "Hiện giờ cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam là cuộc đấu tranh một mất một còn, chứ không phải là cuộc đấu tranh đơn giản. Nếu mà như thế nào đó, các thế lực nhóm lợi ích mà cấu kết lại thì nó trở thành cái vấn đề rất phức tạp. 

"Phải chăng đã đến lúc hợp nhất hai chức danh: tổng bí thư và chủ tịch nước? Vừa qua tôi đã nhìn thấy ông Tổng Bí thư này [ông Nguyễn Phú Trọng], ông đã làm vai trò của Chủ tịch nước rất đầy đủ. Nào là đi thăm Pháp, thăm Nhật rồi thăm Mỹ ... 

"Làm cái vị trí nguyên thủ quốc gia là chủ tịch nước thì rõ ràng là thì ông Nguyễn Phú Trọng đã làm rồi và bây giờ đã đến lúc nên hợp thức hóa hai cái chức này."  - LS Trần Quốc Thuận.

- "Việt Nam đã nhận thấy từ lâu sự cần thiết không nên để tách rời hai chức danh Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước trong cấu trúc lãnh đạo chính trị. Từ thời ông Lê Khả Phiêu đã muốn như vậy. Nhưng bởi nhiều lý do những chức danh này vẫn chưa được kết hợp làm một." 

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ e ngại sự kết hợp có thể dẫn đến độc tài. Tôi không cho là như vậy. Độc tài hay không trước hết là tư tưởng. Trong các nước XHCN chỉ còn Việt Nam vẫn tách biệt hai chức danh này. Sự ra đi của ông Trần Đại Quang là điều kiện chín muồi. Không nên hoặc không thể chậm trễ hơn nữa. Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng là thích hợp cho cương vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước." - Vũ Cao Phan, cựu Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt – Trung.

- "Thực ra, có rất nhiều việc có thể làm rồi mới cần sửa Hiến pháp, kể cả việc hợp nhất này, bởi vì, khi cần sáp nhập, mà không làm ngay, thì có thể có thay đổi, mà chờ sửa Hiến pháp thì cũng có thể phải mất 6 tháng, còn nếu hợp nhất thì thì chức Tổng Bí thư sẽ nhập vào chức Chủ tịch nước như mô hình chính trị tại Trung Quốc." - chuyên gia Hà Hoàng Hợp.

Luồng dư luận trên hiện ra trong bối cảnh đang tồn tại hai kịch bản ‘chỉ định một ủy viên bộ chính trị không phải tổng bí thư làm chủ tịch nước’ và ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’.

Mặc dù kịch bản thứ nhất đã khá xáo động trong những ngày qua với những cái tên được xướng lên như Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch…, nhưng lại có thông tin cho biết đến giờ phút này Bộ Chính trị đảng vẫn chưa có cuộc họp chính thức nào về tìm nhân sự để trám vào ghế chủ tịch nước.

Trong khi đó, lại có thông tin cho biết kịch bản ‘hợp nhất chủ tịch nước và tổng bí thư’ đang chiếm ưu thế đến 70%. Thậm chí thông tin này còn dự đoán chính ông Nguyễn Phú Trọng, chứ chẳng phải ai khác, sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước.

Ngay trước mắt sẽ là phép thử tại Hội nghị trung ương 8. Tại hội nghị này, nếu bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được ‘Bộ Chính trị tiếp tục phân công giữ chức quyền chủ tịch nước’, cùng lúc hoặc chẳng bao lâu sau đó xuất hiện hiện tượng một số cựu thần, quan chức và ‘quần chúng nhân dân’ đồng loạt xướng lên quan điểm cần ‘nhất thể hóa’ hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư với lý do chủ yếu ‘có lợi cho dân tộc và nhân dân’, có thể cho rằng Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ là phương án ‘nghi binh’ trong một kịch bản kéo dài thời gian để tổ chức một chiến dịch PR cho ông Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình - nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Còn ngồi chính thức vào lúc nào thì chỉ là vấn đề thời gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét