Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

6321 - Cuba và 'chủ nghĩa đế quốc, bọn TBCN, cách mạng kiên cường'

Ánh Liên (VNTB) 

Tổng thống Mỹ, Donald Trump trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc kỳ này đã lên án mạnh mẽ các nước áp đặt ý thức hệ XHCN.

‘Các quôc gia trên thế giới phải đóng góp vai trò lớn hơn nữa trong việc thúc đẩy các xã hội an toàn. Chế độ độc tài XHCN gây ra đau thương khủng khiếp và nỗi thống khổ cho những người tốt trên đất nước này. Chế độ hủ bại đã phá hủy một quốc gia thịnh vượng áp đặt một ý thức hệ thất bại, ý thức hệ đã tạo ra đói nghèo và khốn khổ ở mọi nơi từng thử áp dụng nó.’

Đại diện Nhà nước Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Venezuela, Lào, Triều Tiên đều nghe bài phát biểu. Cả sáu nước đều tiến lên CNXH, và ngoại trừ người anh cả Trung Quốc - hiện đang bị lép vế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, những nước còn lại thuộc thể trạng kém phát triển, đang phát triển và bất ổn.

Chủ tịch Castro Miguel Diaz-Canel tuyên bố CNTB gây bất ổn trên thế giới. Ảnh: Zluf
Đáp trả lại, người anh em Tây bán cầu của Việt Nam là Cuba với đại diện là Chủ tịch Castro Miguel Diaz-Canel đã lên án lệnh cấm vận kinh tế của 'đế quốc Mỹ' đối với Cuba, lệnh trừng phạt kinh tế đối với Venezuela, Iran, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Ông Chủ tịch cũng nhấn mạnh, chính CNTB đã gây ra bất ổn, và rằng, sự thay đổi thế hệ trong chính phủ Cuba vừa qua không làm thay đổi về ‘kẻ thù cách mạng, hay kết thúc hệ thống cộng sản’ tại đất nước này.

Như vậy, Cuba vẫn sẽ không đội trời chung với Mỹ, và CNXH (hay Chủ nghĩa Cộng sản) - yếu tố khiến Cuba nghèo đói và thúc đẩy dòng người Cuba vượt biển tìm tự do hằng năm vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. 

Với tuyên bố lần này, Cuba tiếp tụctự giam mình vào trong một kịch bản bất lợi, tù túng và xác lập giọng điệu của thời kỳ chiến tranh lạnh, một phát biểu rất 'cộng sản' nhưng không còn hợp thời.

Buổi họp báo ngay sau đó, ông Donald Trump tuyên bố, ông sẽ chống lại Cuba vì ông không thích những gì đang xảy ra ở đó (tham nhũng và nghèo đói). Điều này đồng nghĩa, nếu Cuba vẫn duy trì ý thức về CNXH (tạo nên khốn khổ và sự đói nghèo), thì điều đó khiến Cuba tiếp tục bị cô lập và nghèo đói trong 8 năm tiếp theo (nếu như Tổng thống Donald Trump ngồi 2 nhiệm kỳ).

Quan điểm của Chủ tịch Castro Miguel Diaz-Canel cũng đồng thời xác lập một tương lai của Cuba, chính là tự do hóa kinh tế của Cuba vẫn là một viễn cảnh xa vời, bởi sự ràng buộc mật thiết với thể chế chính trị. Tức khi ông Chủ tịch vẫn tham vọng giữ bằng được quyền lực độc tài dưới nhãn mác tự hào về ‘cách mạng’ và quyền lực cách mạng, thì khi đó – cải cách kinh tế sẽ không thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh lệnh cấm vận từ Mỹ. Điều này hoàn toàn khác xa so với Việt Nam, cả về bối cảnh lẫn thời điểm.

Để hiểu hơn về sự thất bại trong nội tại của CNXH mà ông Donald Trump lên án, hãy thử nhìn qua sự chuyển biến rất lớn của Cuba sau một cải cách theo hướng tư bản rất nhỏ.

Vào năm 2011, một cuộc cải cách khiêm tốn được chính quyền Raúl Castro áp dụng cho nền kinh tế nước này, với cái gọi là Hướng dẫn chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và cách mạng, tuyên bố này vẫn xác lập hệ thống kế hoạch XHCN là công cụ quản lý chính của nền kinh tế, nhưng cần điều chỉnh phương pháp lại. Dù điều chỉnh nhỏ, nhưng văn bản này đã tạo ra nhiều ánh sáng cho người dân. Và trong một động thái mang tính táo bạo, Chính phủ Cuba đã tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh các doanh nghiệp này thay vì quản lý trực tiếp; lệnh cấm bán nhà và xe hơi tư nhân được dở bỏ; đặc biệt quy định về doanh nghiệp nhỏ được nới lỏng (vốn bị cấm từ 1968) giúp tăng vọt số người làm chủ (kinh doanh nhỏ) từ 147.000 người (2010) lên 392.000 người (2011), và lên 580.000 người (2018), cạnh đó là sự ra đời của 439 hợp tác xã tư nhân.

Ước tính, khu vực tư nhân đóng góp 18% GDP của nền kinh tế, sự cởi mở từ chính sách đã khiến tư nhân phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Những số liệu nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ của TBCN, nhưng nó lại đem lại sức sống cho cả nền kinh tế Cuba - một nền kinh tế già nua, và giờ đây, đứng giữa trung tâm của thế giới CNTB, Díaz-Canel lại lên án yếu tố tạo sức sống đó là gây bất ổn thế giới và Cuba sẽ tiếp tục gìn giữ cách mạng XHCN.

Díaz-Canel làm điều đó để làm gì? Có phải là nhằm chứng minh cho lòng trung thành với cách mạng và hệ thống XHCN mà anh em nhà Castros đã đặt ra. Tuy nhiên, lịch sử gần đây đã chứng minh rằng, những người thừa kế 'cách mạng nhất' (vốn tìm mọi cách duy trì thành quả cách mạng) được lựa chọn cẩn thận ở Mỹ Latinh - đặc biệt là ở Venezuela – lại là nhân tố mang lại nhiều tổn hại về kinh tế và bất ổn về mặt xã hội hơn người tiền nhiệm. Còn những ai thoát ra khỏi lề lối cách mạng, thực hiện các bước táo bạo trong cải cách sẽ làm thay đổi cả đất nước, Mikhail Gorbachev là một điển hình.

Cuba đứng trước sự lựa chọn, nhất là khi Venezuela đang túng quẫn trong bi kịch cách mạng do chính lãnh đạo vô sản gây ra. Nếu Cuba vẫn giọng điệu chống đế quốc, thì Cuba vẫn sẽ mắc kẹt trong thảm cảnh XHCN, bởi cái tư duy lạnh của thời kỳ ‘cách mạng chống đế quốc’ đã và đang khiến nhân dân Cuba trả giá (chứ không phải lãnh đạo).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét