Ánh Liên (VNTB)
Báo Dân Trí ngày 24.09 cho đăng tải một bài viết với tiêu đề: Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã nói hộ lòng dân!. Theo đó, khi nói về thuế môi trường thì bà Chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh, 'Tiền thuế bảo vệ môi trường phải đưa vào ngân sách và chi lại cho bảo vệ môi trường thì người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác'.
Câu này không có gì sai, thậm chí là rất đáng hoan nghênh khi nó lên tiếng cho chính tệ nạn của việc thu chi ngân sách sai quy định, bởi rất nhiều lần, nguồn chi cho bảo vệ môi trường hay bảo hiểm xã hội được đem ra giải quyết các vấn đề không liên quan, trong bối cảnh quốc khố trống rỗng. Tuy nhiên, sao lại 'cảm ơn' bà Chủ tịch Quốc Hội?
Bởi sự lên tiếng cũng chỉ cho thấy rằng, vấn đề liên quan đến thu chi ngân sách sai quy định bao năm qua, qua nhiều đời Chủ tịch nhưng vẫn không quyết nỗi. Nói cách khác, tính chất bù nhìn của Quốc Hội mới được giảm thiểu rất nhiều trong thời gian gần đây, thời kỳ mà bà Chủ tịch Quốc Hội được phép 'mở miệng nhiều hơn' thì lại càng đáng lo ngại. Tuy nhiên cảm ơn bà Chủ tịch Quốc Hội không khác gì hoạt cảnh 'ơn mưa móc' chỉ có trong chế độ phong kiến, cái thời kỳ đã chấm dứt cách đây 73 năm về trước? Tại sao trong nhà nước pháp quyền XHCN, lại cảm ơn một điều thuộc về chức năng và nhiệm vụ của một người đứng đầu? Hay là do tính chất 'bù nhìn' khiến cho một sự 'mưa móc' cũng làm cho người viết bài này cảm thấy hân hoan đến mức.... đánh rơi phẩm giá và quyền làm chủ nhân dân của mình?
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: KTDT |
Thứ hai, đáng lý ra khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói như vậy, thì cần phải chất vấn bà tại sao trong thời kỳ bà đang đương nhiệm việc chi sai ngân sách vẫn xảy ra, trách nhiệm và năng lực quản lý bà đến đâu, chứ không phải là cầu cạnh 'cảm ơn' như thế. Minh bạch và yêu cầu được minh bạch là rất cần ở một nền dân chủ sơ khai, nhưng đến thời kỳ pháp quyền XHCN nó trở thành một 'hồng phúc' mà những người đứng đầu đảng và nhà nước ban tặng cho 'dân đen', điều này là trái nghịch lý và phi dân chủ.
Thứ ba, trong khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân 'vỗ về' bằng câu nói mang tính phê phán ngân sách chi sai mục đích nhưng cũng khiến tác giả Bùi Hoàng Tám mừng đến run rẩy cả cây bút thì cũng từ chính Quốc Hội, dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường Vụ Quốc Hội đã tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên khung cao nhất 4.000 đồng/lít h, hay từ 2019 tăng kịch khung thuế môi trường với xăng. Điều này là sự hoan hỉ, hai là bản chất hai mặt của Quốc Hội? Đó là lấy lời lẽ 'vỗ về đám dân', còn mặt kia thì 'bóc lột dân' bằng hành vi? Điều này sao tác giả Bùi Hoàng Tám không lên tiếng phê phán, hay là ngại sự phê phán ấy khiến cho bà Chủ tịch Quốc Hội nghịch lòng?
Thứ tư, bà Chủ tịch Quốc Hội dù có những 'chuyển biến' về mặt phát ngôn, nhưng so với các đời Chủ tịch Quốc Hội trước đó thì nằm cùng trong một dãy quy trình: nói hay, làm bất động. Tức là nói chỉ thiên về 'yên lòng dân', chứ thực tế không có tiến hành hoạt động tương lại (Thay vì công khai minh bạch thu chi, cho kiểm toán vào hoạt động tại nơi thu-chi còn nhiều khuất tất ở các bộ ngành thì lại chỉ nói). Thậm chí, trước đó bà cùng với nhóm Quốc Hội thông qua Luật an ninh mạng (với nhiều điều trái với hội nhập kinh tế quốc tế), lên án quyền biểu tình của người dân,... thì giờ đây bà lại phát ngôn đầy tính văn hoa rằng 'Đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên'. Thế sao ngay trong thời kỳ nắm quyền, là một người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước 'của dân, do dân, vì dân' bà lại có hành vi đi ngược với lời nói 'dân chủ' đến thế (thậm chí không tìm cách thúc đẩy Luật về Hội như WB khuyến nghị)? Đó phải chăng là cái 'bánh vẽ dân chủ' mà bà đã kế thừa một cách hoàn hảo từ nhiều đời Chủ tịch Quốc Hội khác, và chính nó đã làm 'yên lòng' không ít vị nhẹ dạ cả tin, không ít vị 'yêu đảng, thương Quốc Hội'?
Thứ năm, ngay trong vế nói rất 'dân chủ' trên, thì người đứng đầu Quốc Hội cũng đã không quên chèn ngay quan điểm trên-dưới phụng tùng: 'Trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì sau con cái cũng không tôn trọng người khác.' Vậy ai là bố mẹ? Ai sẽ là con cái? Tại sao lại đem giá trị gia đình ra (vốn đôi khi phải mang yếu tố gia trưởng, rập khuôn) để nói về giá trị dân chủ mà người dân cần có? Phải chăng bà Chủ tịch Quốc Hội đang hướng tới một hệ 'phục tùng', mà người dân là con, đảng là cha mẹ?
Quay trở lại với bài viết được đăng tải trên báo Dân Trí của tác giả Bùi Hoàng Tám, đó là một bài viết thực sự nịnh nọt và có phần bẻ bút, thậm chí có chút gì đó 'điếm bút'. Nó không khác gì một thân phận nhu nhược như 'kẻ ăn người ở' trong một gia đình, khép nép tung hô 'ông bà chủ' được chút nào hay chút đó, đặng để 'ông bà chủ đoái lòng thương'. Những bài viết này đáng lý ra phải bị bẻ gãy ngay trong thời kỳ mà quyền con người được nhấn mạnh, tính pháp quyền cần được nêu cao, và tư thế con người đối với cơ quan nhà nước cần phải được tôn trọng. Đã và sẽ phải chấm dứt hệ tư tưởng 'xin - cho', hệ tư tưởng 'đầy tớ - quan thầy' trong ý thức người dân việc, ít nhất là phải đảm bảo đây là cách nói của một nhà nước của dân, do dân. Đã qua rồi cái thời kỳ 'ơn đảng, ơn nhà nước', mà đây và sắp tới phải là thời kỳ của 'tại sao, như thế nào, trách nhiệm ở đâu' khi chất vấn về sự thành bại trong chính sách, chủ trương của nhà nước cũng như phát ngôn và hành vi của đội ngũ quan chức nhà nước.
Một nước hèn mọn khi người dân không đủ dũng khí để nói lên cái sai của đội ngũ quan chức, khi người dân vẫn cam kết 'dân đen' và luôn 'hú họa' với những lời hay ý đẹp của 'quan thầy'. Một người như thế không xứng đáng tư cách công dân, mà chỉ xứng đáng cho kiếp người nô lệ trong tâm thức. Chẳng có gì xót xa hơn khi một người dân gồng mình bởi thuế bao quanh, nhưng vẫn phải 'cảm ơn' vì lời nói vô thưởng vô phạt bởi người làm ra nó.
Đó là sự đớn hèn và đĩ bút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét