Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

7608 - Năm thách thức đối với “Vành đai và Con đường”

Theo “Eurasiareview 

chna surfing.jpg
Bước sang năm thứ 5, nếu BRI là cách để Trung Quốc thúc đẩy cải cách và mở cửa, Trung Quốc phải cho phép sự linh hoạt thay vì áp dụng một công thức phát triển “không có gì mới mẻ” cho các nước đối tác.
Mùa thu này, sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc bước sang năm thứ 5. Kể từ khi được công bố, BRI đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng không phải là không gây tranh cãi, bất đồng. BRI, sáng kiến quan trọng bậc nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chắc chắn sẽ tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu cơ sở hạ tầng gia tăng ở các quốc gia đang phát triển và Trung Quốc muốn xuất khẩu năng suất dư thừa để hỗ trợ sáng kiến này. Do đó, việc Trung Quốc nhận diện được 5 thách thức đối với BRI khi nó bước sang năm thứ 5 sẽ là rất quan trọng.
Thách thức thứ nhất là ổn định tình hình nợ ở trong và ngoài nước. Cho dù đẩy mạnh đầu tư ở nước ngoài, song Trung Quốc vẫn là “người đến sau” trong lĩnh vực cho vay và viện trợ tài chính phát triển mà các nước tiên tiến đã thống lĩnh từ lâu. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở rộng tín dụng sang các thị trường “dưới chuẩn” để thiết lập chiến lược một cửa dường như là “con dao hai lưỡi” cho cả nước này và các quốc gia chủ nhà. Ví dụ, rất khó để kiểm soát và điều tiết khoản nợ công vốn đã được định khung của Trung Quốc khi nước này đầu tư ở những nơi dễ biến động và rủi ro cao. Mặt khác, nếu quan điểm lạc quan của Trung Quốc đối với tình hình phát triển kinh tế của các quốc gia có triển vọng tốt, thì sự can thiệp của nước này sẽ được coi là “người thay đổi cuộc chơi”. Vì thế, đây là một chiến thuật có nhiều rủi ro nếu không xem xét cẩn thận thì nó có thể sẽ phản tác dụng.
Thách thức thứ hai là tìm kiếm các biện pháp sáng tạo và có thể chấp nhận được để giảm thiểu rủi ro. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như một hình thức thanh toán thay thế các khoản vay hay việc sử dụng hoán đổi trả nợ để kiếm lời đã làm nảy sinh những lo ngại trên toàn thế giới. Nhiều người chỉ trích Bắc Kinh sử dụng các khoản cho vay để thu mua tài nguyên và tài sản chiến lược của các quốc gia vay nợ và gọi đây là “chính sách ngoại giao bẫy nợ”. Vì vậy, việc vạch ra thời hạn hợp lý cho các quốc gia mắc nợ lớn trả nợ là rất quan trọng cho hình ảnh của BRI trước công chúng. Không ai nghi ngờ năng lực của Trung Quốc trong việc xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng trên thế giới, nhưng việc phát triển một khuôn khổ để thực hiện các dự án khả thi ở nước ngoài có thể sẽ mất nhiều thời gian. Vì thế, yếu tố thận trọng khi hoạch định các dự án thương mại lớn là hết sức cần thiết để giảm thiểu rủi ro tài chính cho Trung Quốc và đảm bảo dự án có tác động tích cực cho các quốc gia chủ nhà.
Thách thức thứ ba là phải mở rộng yếu tố địa phương trong các dự án BRI để xua tan những lo ngại và đảm bảo rằng dây chuyền cung ứng của Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho các quốc gia chủ nhà từ các dự án cơ sở hạ tầng. Dù ở bất cứ nơi đâu, các nhà thầu Trung Quốc nên chú ý đầu vào chẳng hạn như lao động, nguyên liệu…để đóng góp hiệu quả hơn cho các nền kinh tế địa phương. Thiết lập quan hệ đối tác với các công ty địa phương để nâng cao hiểu biết về môi trường kinh doanh nội địa sẽ là một ý tưởng không tồi. Những kỹ năng, kiến thức và chuyển giao công nghệ cũng cần thiết để xây dựng năng lực địa phương và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong vận hành và bảo trì. Mặc dù điều này sẽ ảnh hưởng đến quy mô, tốc độ và hiệu quả của các dự án xây dựng của Trung Quốc, nhưng nó sẽ thúc đẩy và lan tỏa những lợi ích mà BRI đem lại ngay từ giai đoạn xây dựng.
Thách thức thứ tư là khả năng thay đổi lãnh đạo ở các quốc gia tham gia BRI. Các cuộc bầu cử gần đây ở Sri Lanka, Malaysia và Pakistan đã đẩy các dự án do Trung Quốc tài trợ vào tình thế khó khăn. Những lời đe dọa như xem xét, trì hoãn, thương lượng lại hay hủy các dự án làm tổn hại đến giới đầu tư Trung Quốc, quan hệ rạn nứt và khiến cho các dự án dài hạn khó triển khai. Tuy nhiên, đây là những thực tế mà Trung Quốc phải xem xét. Những lý do tham nhũng và trái luật sẽ tạo ra sức ép khiến giới lãnh đạo mới tranh cãi hoặc đòi thương lượng lại các dự án do nước ngoài tài trợ. Vì thế, việc đảm bảo các điều kiện, từ giai đoạn đầu bỏ thầu cho đến giai đoạn kết thúc xây dựng, là một hình thức chống lại các "cơn gió ngược" chính trị như này.
Trung Quốc cũng phải nhận ra rằng không thể dựa vào những mối quan hệ tích cực với chính phủ hiện nay. Điều này đặc biệt đúng với các nền dân chủ, nơi các yếu tố khác như đảng phái đối lập chính trị, doanh nghiệp địa phương, xã hội dân sự, truyền thông đa phương tiện và giới học giả vận dụng ảnh hưởng của họ và rất quan trọng trong việc ủng hộ hoặc tác động ảnh hưởng đến việc thay đổi lãnh đạo. Việc duy trì quan hệ dài hạn với các đối tác ở các nước chủ nhà là một đầu tư quan trọng, không chỉ là chìa khóa thành công cho BRI mà còn cho tầm nhìn rộng mở của Trung Quốc trong việc xây dựng một cộng đồng tương lai chung vì nhân loại.
Thách thức thứ năm là cần phải tìm cách cân bằng hợp lý giữa việc thiết lập hoặc điều chỉnh các tiêu chuẩn tài chính và cam kết giới thiệu những tiêu chuẩn mới. Việc Trung Quốc nổi lên như một nhà tài trợ mới sẽ làm đảo lộn các quy tắc vay mượn quốc tế vốn được thiết lập từ lâu. Điều này có thể đẩy các quốc gia vay mượn và các thị trường tài chính phát triển vào thế nguy hiểm. Nhiều năm qua, các nước đang phát triển và kém phát triển đã phàn nàn về các điều kiện cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Vì thế, việc Trung Quốc cam kết cho vay “không kèm theo điều kiện” đã gây được tiếng vang. Cuối cùng, các thế chế đa phương cho vay cứng nhắc đến nay đã không thể tạo ra không gian cho các nền kinh tế mới nổi để góp phần định hình chương trình nghị sự viện trợ của thế giới.
Năm 2016, để đối phó với các hoạt động mở rộng viện trợ của Trung Quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã xem xét lại các quy định cho vay. Dù tốt hay xấu, danh mục viện trợ của Trung Quốc đem lại lợi thế rõ ràng cho nhà nước hơn là tư nhân khi đầu tư vào các dự án ở các quốc gia đang phát triển và kém phát triển. Theo đó, Trung Quốc ép các nhà gây quỹ truyền thống và tài chính tư nhân cân nhắc kỹ làm cách nào tốt nhất để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng khổng lồ ở Phương Nam.
Khi BRI bước sang năm thứ 5, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tiến đến nâng cao năng lực kiểm soát các thách thức đối với sáng kiến này. Nếu BRI là cách để Trung Quốc thúc đẩy cải cách và mở cửa, Trung Quốc phải cho phép sự linh hoạt thay vì áp dụng một công thức phát triển “không có gì mới mẻ” cho các nước đối tác. Về điểm này, việc cam kết cùng tư vấn, hợp tác và đem lại lợi ích cho nhau phải không còn là khẩu hiệu. Cuối cùng, thành công của BRI có thể phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của Trung Quốc trong việc cân bằng các nhu cầu trong nước và lợi ích của các quốc gia tham gia với mong muốn đi tiên phong và có tác động đến cải cách cấu trúc quản lý toàn cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét