Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

7610 - Chuyện ngập ở thành Hồ: bộ não quá bé với ước mơ quá lớn?


Một khối đất lấp xuống thì một khối nước tràn lên

Không khơi thông bán đảo Thanh Đa, vùng điều tiết nước cận đô thị đã trở thành cái ao do bị nhà cửa vây kín mặt sông, thì một khi khu đô thị Thủ Thiêm mọc lên theo quy hoạch, chắc chắn bài toán ngập lụt sẽ càng thêm nan giải.

Khi cơn bão số 9 đi qua, trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quyết, phó Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết tối 25-11, vũ lượng mưa lớn nhất là ở quận Tân Bình với gần 408 mm, kế đến là huyện Nhà Bè với 345 mm, quận 1 là 301 mm, còn huyện Cần Giờ là 293 mm.

Lý giải về nguyên nhân ngập diện rộng chưa từng thấy ở TP.HCM, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, cho biết lượng mưa quá lớn, có nơi đến hơn 400 mm. Trong khi hệ thống cống chỉ thoát được 86 mm/3 giờ, kênh rạch thoát được 96 mm/3 giờ. Vì vậy lượng mưa gấp nhiều lần với khả năng thoát nước.

Trong mưa bão, cả TP.HCM đã trở thành 1 điểm ngập duy nhất, không có ranh giới giữa quận trung tâm, huyện ngoại thành. Những ngôi nhà giữa thành phố xuất hiện cá, cua, ếch, rắn,... ở phòng khách; tầng trệt biến mất; tầng 1 biến thành tầng trệt; vật dụng trôi khắp nhà; rác thải theo đường nước trôi tới.

Tp. HCM hứng chịu sự gia tăng tình trạng ngập lụt trong thời gian vừa qua. 
Tại các đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Quốc Hương, Lương Định Của (quận 2), Phan Văn Hớn (quận 12), đường Bà Triệu, Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn)... việc ngập úng kéo dài hơn 2 ngày liền đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, kinh doanh buôn bán và đi lại của người dân. Riêng khu Tân Chánh Hiệp của quận 12, và khu Hiệp Bình Phước của quận Thủ Đức đã ngập cho đến ngày 29-11 vẫn chưa thoát hết nước. Các hệ lụy vệ sinh môi trường, dịch bệnh là điều dễ thấy sau đó.

Xét thuần về lý thuyết, có thể nhìn ra ngay nguyên nhân ngập lụt kéo dài là lỗi từ việc quy hoạch chăm chăm đô thị 'bê tông hóa' xuyên suốt từ các đời lãnh đạo của TP.HCM.

Dễ dàng nhận thấy khi thực hiện các dự án lớn như khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), khu lấn biển Cần Giờ, khu dân cư Bàu Cát (quận Tân Bình), khu dân cư Bình Phú (quận 6), khu dân cư Thảo Điền, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2)… thì rất nhiều ao hồ, kênh rạch đã bị biến mất. Đây là những nơi mà cứ một khối đất lấp xuống thì một khối nước tràn lên, nên giờ thì ngay cả khu Phú Mỹ Hưng, khu Thảo Điền cũng bị ngập do mưa, và ngập luôn lúc triều cường.

Bộ não quá bé với ước mơ quá lớn?

Việc có thêm nhiều khu đô thị, dự án chung cư không chỉ đang “nén đất”, mà còn “nén” thêm số dân lớn, gây áp lực cho cơ sở vật chất tại đây, trong đó đặc biệt là vấn đề tắc nghẽn giao thông, quá tải hạ tầng và ngập lụt ngày mưa lũ. Để rồi vài chục ngàn tỷ đồng đã đổ ra đầu tư cho hệ thống cống rãnh ở TP.HCM trong thời gian qua được thực tế chứng minh rằng, chỉ có tác dụng như là một hiệu ứng bình thông nhau, gom nhiều điểm ngập lại thành một cho tất cả cùng hưởng khỏi ai phân bì (!?).

Một khi các túi điều tiết nước không còn, nước ngầm bị hao hụt, cộng với hiện tượng nóng lên của trái đất làm mực nước biển tăng, và “sức nặng” của nhiều tòa nhà cao tầng ở khu trung tâm TP.HCM, thì đô thị này đang bị “nhấn chìm” là điều dễ hiểu.

Từ số liệu của ông Lê Đình Quyết, tạm tính vì ảnh hưởng cơn bão số 9, nên vũ lượng mưa bình quân ở 19 quận nội thành TP.HCM là 350 mm. Vũ lượng 350 mm có nghĩa là nếu đất không ngấm nước, thì độ ngập trên mặt đất là 350 mm # 3 tấc 5 # 0,35m.

Diện tích 19 quận nội thành là 494 km vuông # 494.000.000 mét vuông. Thể tích của lượng nước mưa # 494.000.000 x 0,35 = 172.900.000 mét khối # 11% dung tích hồ Dầu Tiếng (1,58 tỷ mét khối). Đường phố 19 quận nội thành ngập từ 2 tấc đến một mét, kéo dài từ 12 giờ - 24 giờ, chứng tỏ hệ thống cống thoát nước vô dụng, và đất 19 quận nội thành đã bị bê tông hóa hoàn toàn nên nước mưa không thấm xuống được.

Hạ tầng cống thoát nước tắt nghẽn, sông rạch bị lấp, hồ điều tiết nước như Bàu Cát, Đầm Sen, Kỳ Hoa, Radar Phú Lâm, Hoàng Hoa Thám, ao rau muống Đinh Bộ Lĩnh… biến thành khu đô thị. Ruộng bán ngập ở Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7, vùng bưng 6 xã ở quận 9 không còn, thì lấy gì mà lãnh đạo TP.HCM ngồi đó để viết “kịch bản” ứng phó vũ lượng 400 mm?

“Chế độ tập thể” trong cơ chế của Việt Nam rất mạnh mẽ, ngay trong cơ quan hành pháp cũng phải tuân theo “chế độ tập thể” của chính mình và cả các thành viên bên ngoài. Do đó khi truy tìm nguyên nhân của chuyện ngập ở thành Hồ, có lẽ phải được tính từ khi Ủy ban nhân dân Cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định gồm chủ tịch Võ Văn Kiệt và các phó chủ tịch là Mai Chí Thọ, Lê Đình Nhơn, Nguyễn Văn Hiếu ra mắt vào ngày 24-1-1976.

Và có lẽ trong chuyện tầm nhìn quy hoạch đô thị TP.HCM, thì phải luận công – tội của các đời chủ tịch Trương Tấn Sang, Võ Viết Thanh, Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và hiện nay là Nguyễn Thành Phong. Liệu có quan chức nào giống như lời thú thật của tướng Nguyễn Thanh Hóa chốn công đường vừa rồi, “tôi đã từng thề trước đảng rằng luôn trung thành với đảng, cống hiến hết sức mình nhưng tạo hóa đã cho tôi bộ não quá bé với ước mơ quá lớn...”?

Chỉ một đề xuất

Tokyo, Bangkok... phát triển 30 năm trước cũng “bê tông hóa”, cũng nhà cao tầng nặng nề xây làng loạt. Bangkok còn bị thêm nạn đất lún do mạch nước ngầm bị hút cạn. Còn TP.HCM thì lãnh đạo họp bàn, hết dự án này lại đến dự án kia. Dường như chưa thấy có dự án đem lại kết quả “thoát nước”, mà chỉ... “thoát tiền” (!).

Có thắc mắc kèm giải pháp thế này: Trận lụt Paris năm 1910 đến nay chưa thấy Paris bị lụt lại. Bangkok cũng như Tokyo là thành phố bị lún, có nơi thấp hơn nước biển. Nhưng chỉ bị một vài trận đại hồng thủy là họ có giải pháp chống lụt hiệu quả. Ngay cả Hòa Lan, một quốc gia sống dưới mặt nước biển, cũng không bị “năm nào cũng lụt”; “năm sau ngập lụt nhiều hơn năm trước” như TP.HCM.

Hãy thử một lần giao thành phố này lại cho một người “ngoài đảng” quản trị - những người có kiến thức và tử tế trách nhiệm...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét