Vào ngày này năm 1919, ba tuần sau hiệp định đình chiến, cùng ngày mà quân đội phe Hiệp Ước tiến vào Đức lần đầu tiên, một quốc gia mới được tuyên bố thành lập ở Belgrade, Serbia. Khi các đế chế Áo và Đức bị đánh bại, “Vương quốc mới của người Serbia, Croatia và Slovenia” nổi lên từ tro tàn, được ủng hộ bởi lời hứa từ Hội Quốc Liên rằng sẽ hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số ở châu Âu. Vương quốc mới thành lập gồm khoảng 500.000 người Hungary và số người Đức tương tự, cùng hàng chục ngàn người Romania, người Albania, người Bungary và người Ý.
Thái tử Alexander, con trai của vị vua Serbia ốm yếu, người đã chỉ huy quân đội Serbia trong Thế Chiến I, trở thành quan nhiếp chính trong chính phủ lâm thời. Năm 1921, được sự ủng hộ của các đại diện Serbia trong chính phủ và bất chấp sự phản đối của những người Croatia ủng hộ chế độ liên bang, một hiến pháp mới được thông qua, tạo nên một chính quyền trung ương mạnh mẽ; Alexander lên ngôi vua sau khi cha ông qua đời cùng năm đó.
Căng thẳng leo thang khi chính phủ mà người Serbia chiếm đa số phủ nhận quyền tự chủ của các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Croatia và người Slovenia. Vào mùa hè năm 1928, để đáp trả vụ Puniša Račić (một nghị sĩ người Montenegro) bắn chết nhà lãnh đạo Croatia Stjepan Radić cùng hai đồng nghiệp ngay tại nghị viện, phe Croatia đã rút khỏi nghị viện và tổ chức một chế độ ly khai đặt tại Zagreb. Tháng 01/1929, đất nước đứng trên bờ vực nội chiến, Alexander đã đình chỉ hiến pháp, giải tán nghị viện và tất cả các đảng phái chính trị, và trở thành nhà độc tài kiểm soát đất nước. Ông đã đổi tên nước thành Yugoslavia (Nam Tư) nhằm thống nhất các nhóm dân tộc đang mâu thuẫn lẫn nhau.
Tuy nhiên xung đột vẫn tiếp tục diễn ra khắp vùng Balkan, và vào năm 1934, Alexander bị ám sát bởi những người Croatia cánh hữu cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc trong một chuyến thăm cấp nhà nước tới Marseilles, Pháp. Con trai ông, Peter, đã điều hành đất nước thống nhất đến năm 1941, khi quân Đức xâm chiếm Serbia và Croatia tuyên bố độc lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét