Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

7643 - Ngôn hài người Cộng sản: "không có chuyện"

Mới đây khi trao đổi tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 27.11, ông Phùng Quang Thức -Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, phố Trần Duy Hưng không nằm trong danh sách các tụ điểm có biểu hiện, nghi ngờ mại dâm. Hiểu nôm na là phố Trần Duy Hưng không có chuyện là phố đèn đỏ tại Hà Nội.

Tin này đưa lên làm gợi nhớ lại khẳng định của quan chức của Cục phòng chống tệ nạn này vào năm 2013, khi cho biết Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) không có hoạt động mại dâm.

Trong khi, tại Hà Nội - phố Trần Duy Hưng là con phố mại dâm nổi tiếng bậc nhất của giới ăn chơi Hà thành, gái mại dâm thuê phòng tại đây và được điều chuyển để phục vụ mại dâm thông qua các động dắt, số điện thoại hoặc bản tin trên các trang web đen. Tương tự là Đồ Sơn và Quất Lâm cũng là hai địa điểm nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực mua bán dâm tại miền Bắc. Sự nổi tiếng của 3 địa điểm nêu trên trở thành một thương hiệu hoặc đặc sản "xác thịt miền Bắc".

Và trong một sự thừa nhận, vào tháng 06.2018, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền thừa nhận với báo giới rằng, ông biết Quất Lâm mới có dịch vụ mại dâm nhưng Đồ Sơn đã nổi tiếng từ lâu. Và vì sao năm 2013 Cục này lại báo cáo cả 2 địa điểm kia không có hoạt động mại dâm thì ông Hiền lại cho hay, vì "địa phương báo cáo lên Cục là vậy".

Có nhiều cách hiểu về câu nói "không có chuyện hạ cánh an toàn"
Có nhiều lý giải xoay quanh những báo cáo trên trời này, trong đó bao gồm cả sự vô dụng của các phòng ban được thành lập hiện nay. Những ban bệ được lập cho có, tiêu tốn nhiều ngân sách, và chứa đựng cách làm hình thức.

‘Không có chuyện’ không chỉ dừng ở lĩnh vực chống mại dâm, cờ bạc,… mà ngay cả lĩnh vực phòng chống tham nhũng.

Ông Võ Văn Thường, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư ĐCSVN trong nhiều lần tiếp xúc cử tri luôn khẳng định, không có khái niệm "hạ cánh an toàn’, trong đó ‘không có vùng cấm, không có tình trạng xử lý nặng ở dưới, nhẹ ở trên". Quan điểm này được đưa ra giữa nguồn tin ông Nguyễn Bắc Son – Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT sắp bị truy tố hình sự, còn ông Trần Bắc Hà thì bị bắt tại Campuchia liên quan đến các sai phạm ngân hàng. Sức nóng của việc bắt - truy tố nhóm lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực truyền thông, tài chính, chính trị khiến nhiều người mặc định quan điểm "không có chuyện" của quan chức Nhà nước Việt Nam là luận điểm chắc chắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những ‘quan tham’ không còn được hạ cánh an toàn hiện nay đều nằm trong một bức ảnh tại khoang máy bay, trong đó ngồi phần giữa là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu xét ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu nhà nước và đứng đầu ĐCSVN thì khai niệm không "hạ cánh an toàn" cũng được định nghĩa bởi chính ông ta, và do đó, "hạ cánh" được hay không là nằm ở vị trí chọn phe như thế nào, nếu đúng phe thì nhẹ, sai phe thì nặng.

Mới đây, Tổng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nói không có chuyện web bán vé bị sập, đã bán hết 85% vé trận,… mặc dù hàng trăm người đã tố VFF là không vào được website ngay trong buổi đầu tiên bán vé, cũng như một chuyên gia CNTT đã lên tiếng về chất lượng website bán vé trị giá 20 triệu đồng của VFF, một trang web bán vé mang tính hình thức bởi server không thể đáp ứng được hàng ngàn lượt truy cập dẫn đến tình trạng trang web bị ngắt kết nối với máy chủ. Vậy con số 85% vé trận Việt Nam – Philippines được hiểu là đến từ phe vé và bán offline là chính. Thế nhưng, VFF chưa bao giờ thừa nhận điều đó.

"Không có chuyện" vô hình chung trở thành một ngôn ngữ đậm đặc chất quan liêu của những lãnh đạo nằm trong cỗ máy cộng sản. Nơi mà một lãnh đạo có thể có rất nhiều thứ, nhưng liêm sĩ và rời bỏ hiện trạng khách quan là thứ duy nhất mà giới lãnh đạo lại thiếu. 

"Không có chuyện" vô hình chung biến luồng thông tin trở thành một hình thức mị dân đặc sệch, tái hiện hoàn hảo thời kỳ bao cấp trong thế kỷ XXI, thời kỳ mà luồng thông tin là độc quyền – tuyên truyền và áp đặt một cách thô thiển.

Dường như lãnh đạo cộng sản chưa bao giờ học được bài học kinh nghiệm, rằng, "không có chuyện" dựa trên sự giả tạo sẽ làm cho tính chính danh và uy tín chính thể xuống dốc không phanh. Bởi thà không nói để người dân tự hiểu, còn áp đặt để định hướng ý niệm người dân khiến họ coi mọi lời tuyên huấn trở thành một vở hài kịch không hơn không kém, thậm chí có lúc trở thành một hình mẫu suy đoán: sẽ có chuyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét