Tổ hợp nhà máy xe hơi VinFast có diện tích 335 hécta nằm tại Khu Công Nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng. (Hình: Zing)
HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) – Trong bối cảnh tập đoàn VinGroup của ông Phạm Nhật Vượng đang tăng cường đăng các bài quảng bá, đánh bóng thương hiệu xe hơi VinFast và sự “hoành tráng” của nhà máy lắp ráp, mạng xã hội đồng loạt dấy lên những ngờ vực. Bài về nhà máy VinFast tọa lạc ở Hải Phòng trên báo Zing và VNExpress gần đây đều nhấn mạnh vào chi tiết khu nhà máy sản xuất xe hơi “do các công ty nước ngoài thiết kế và chế tạo các dây chuyền sản xuất, chủ yếu đến từ Đức.”
Tuy vậy, điều khiến công luận đặt dấu hỏi là các bài báo không có bất kỳ hình ảnh cho thấy thiết bị máy móc sản xuất bên trong các phân xưởng. Các ảnh minh họa chỉ là các khu không trực tiếp sản xuất hoặc trung tâm đào tạo, dù rằng nhà xưởng được ghi nhận “đã hoàn thiện và đang lắp ráp dây chuyền sản xuất.”
Hôm 1 Tháng Mười Hai, 2018, nhà báo tự do Nguyễn An Dân ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Đã có những thông tin quảng cáo về VinFast cố ý nhập nhèm và bịa đặt. Một công ty tư vấn của Mỹ mà không thể tìm thấy thông tin rõ ràng về nó, không có cả trang web, đánh giá rằng nhà máy Vinfast vượt hơn cả nhà máy của các thương hiệu tên tuổi như Ford, Land Rover.”
“Có những quảng cáo khác nói rằng VinFast đã mang 160 xe đã sản xuất đi thử nghiệm kiểm tra kỹ thuật ở nhiều nước Á-Âu rất chung chung và không công bố nơi khảo nghiệm. Trong khi nhà máy VinFast theo như tôi tìm hiểu thì đến Tháng Ba, 2019, mới lắp đặt xong, sau đó mới vận hành thử. Vậy thì con số 160 xe đã sản xuất mang đi kiểm tra cũng là lừa dối. Với một tập đoàn vốn trăm ngàn tỷ như VinGroup, mà ra đời các dự án bán xe hơi thu tiền trước cả năm [rồi mới giao xe] hoặc bán cái điện thoại chục triệu đồng cũng thu tiền ngay dù hàng chưa nhận là hoàn toàn không ổn,” ông An Dân viết.
Cùng thời điểm, nhiều blogger ở Việt Nam chia sẻ post của một kỹ sư ẩn danh nói VinFast “mua sườn xe và động cơ model cũ không còn bán trên thị trường của BMW là X5 và Series 5,” “không có phòng thí nghiệm va đập nên thông số an toàn của xe thương hiệu này còn là một ẩn số” và rằng “khi biết quy trình làm xe hơi của VinFast thì từ góc độ một kỹ sư thiết kế, tôi hoảng. Đó không phải là cách làm xe hơi, nói nôm na là một chiếc xe được thiết kế bằng miệng và truyền thông.”
Người ta thấy những ý kiến tương tự như trên không thể tìm thấy trên mặt báo chính thống ở Việt Nam. Về sự kiện gần đây nhất của VinFast, báo Dân Trí hôm 26 Tháng Mười Một, mô tả: “Ba mẫu xe hơi và một mẫu xe máy điện đã được VinFast giới thiệu tại Sài Gòn sau ngày mưa gió kéo dài, ngập úng khắp thành phố. Hàng trăm khách hàng chen nhau đặt mua xe VinFast sau ngày mưa bão.”
Sự tương phản giữa thông tin về xe hơi VinFast trên mặt báo chính thống và mạng xã hội có thể hiểu được là do VinGroup được cho là có quyền năng kiểm soát hầu hết các tổng biên tập ở Việt Nam. Đến nay, các bài báo đưa tin mang tính “tiêu cực” như về các vụ cháy, tự tử xảy ra tại các chung cư, cao ốc của tập đoàn này đều bị gỡ bỏ link.
Thậm chí, một số blogger đưa tin “không hay” về các thương hiệu của VinGroup còn bị tập đoàn cho người “tác động” để gỡ post hoặc tận dụng công cụ report “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” để vô hiệu hóa tài khoản Facebook. (T.K.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét