Đội tuyển BĐVN cách đây 10 năm (2008) và nay (2018) mới giành được 2 lần Cup vô địch của một giải đấu gồm 10 đội tuyển quốc gia thuộc “vùng trũng” nhất của bóng đá thế giới. Vậy sao người Việt lại ăn mừng những chiến thắng này đến mức phải gọi là “cuồng loạn”!?. Đặc biệt là chiến thắng, được huy chương Bạc của đội tuyển U23 tại giải U23 Châu Á hồi tháng 1/2018, toàn dân đổ ra đường, Quốc Hội, Chính Phủ, chính quyền các địa phương tổ chức đón các cầu thủ cứ như những người anh hùng chinh phục Sao Hỏa trở về! Trong khi đội U23 Uzbekixtan vô địch thì trở về trong không khí rất bình thường.
Mấy trận đội tuyển VN thắng ở giải Vô địch châu Á và được xếp thứ 4; rồi những trận Bán kết giải AFF Cup 2018, đội tuyến BĐVN thắng Philippines, Mã Lai, cũng hàng triệu người “đi bão”, hỗn loạn giao thông, gây ra cái chết cho mấy chục người, hàng trăm người thương tích, một cách vô nghĩa và rác rưởi đầy phố phường…
Người ta chở cả nhà trên xe máy, cả trẻ nhỏ, cụ già, phóng như điên; người ta phất cờ, thổi kèn, đánh trống, gõ nồi xoong…; người ta hò hét đến thất thanh, cháy cổ “Việt Nam vô địch”! “Việt Nam vô địch, đéo cần nói nhiều”!… Ở các làng quê hang cùng, ngõ hẻm đến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng “tụ tập đông người”, hò hét, nhảy múa, reo mừng chiến thắng…
Vì sao người Việt lại “máu” bóng đá đến vậy nhỉ? Mình đã có ý kiến rằng, nên đổi tên nước thành “CỘNG HÒA BÓNG ĐÁ VIỆT NAM” sẽ thấy “Thế nước đang lên”; sẽ có “Đại đoàn kết toàn dân tộc”; sẽ “Phát huy được tiềm năng, thế mạnh và mọi nguồn lực cho phát triển”; sẽ “Hòa quyện lòng yêu nước với tình yêu bóng đá” để dân ta “sẵn sàng hy sinh để bảo vệ màu cờ sắc áo của Tổ quốc”; sẽ có tinh thần chống ngoại xâm “Quyết tử cho Tổ quốc bóng đá quyết sinh”!… Và có lý do để gào thét “Tự hào Việt Nam hỡi, Tự hào Việt Nam ơi”, một cách không dối lòng… Vì sao nhỉ?
1. Có phải vì người Việt YÊU BÓNG ĐÁ? Hình như không phải! Nếu yêu bóng đá thực lòng, thì những trận đấu của các CLB đã kín sân, chứ không lèo tèo khán giả ở nhiều trận đấu; nếu yêu bóng đá, đã có nhiều người dân mua cổ phiếu của các CLB bóng đá và gắn bó với đội bóng cả lúc thành công lẫn khi sa sút, khó khăn… Nếu yêu bóng đá, người ta sẽ hứng thú thưởng thức vẻ đẹp của bóng đá; sẽ chú ý đến việc phân tích chuyên môn của các trận đấu; sẽ quan tâm đến tài năng, nghệ thuật, phẩm chất của mỗi cầu thủ… Và như thế lý trí sẽ cân bằng với cảm xúc, không có chuyện phát cuồng rồ dại khi đội nhà thắng và khùng điên khi đội nhà thua…
2. Vì “MÁU THÀNH TÍCH? “Thi đua lập thành tích”, “Đón danh hiệu…”, “Đón Huân chương”, “Mừng chiến thắng” … đã ăn vào máu người Việt Nam rồi! Từ 1946, Cụ Hồ phát động “thi đua tăng gia sản xuất và giết giặc lập công”; “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”! Nhờ nghệ thuật tài tình đó, mà chính phủ chỉ có “hai bàn tay trắng” đã làm nên bao kỳ tích trong kháng chiến chống Pháp và những năm sau hòa bình 1954 ở miền Bắc. Chẳng có gì ngoài những lời động viên, mấy tờ Giấy khen, mấy cái Huy hiệu mà huy động được bao nhiêu nhiệt huyết của người dân quên mình vì “thành tích”! Giai đoạn ấy, làm được như vậy là là kỳ tài!
Nhưng “bài học thi đua” áp dụng vào phong trào Hợp tác xã nông nghiệp, rồi “người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua”… suốt 60 – 70 năm qua đã làm hỏng tất cả! Tất cả đều thành giả dối ở mức độ nào đó! Tất cả không quan tâm đến chất lương và quá trình làm ra sản phẩm, mà chỉ chạy theo thành tích hão huyền, dối trá, được tô vẽ hào nhoáng. Từ đứa trẻ mẫu giáo đã cố ép mình theo cô để được “Phiếu bé ngoan”; học sinh lên lớp 100%, thi THPT đỗ 98% đến 100%, một lớp có 100% HS tiên tiến, trong đó 80% tiên tiến xuất sắc… Rồi GDP tăng trưởng nhất nhì thế giới; rồi xuất khẩu hàng đầu; vốn FDI đổ vào VN nhất khu vực; Rồi “Sài Gòn như Singapore”, “Hà Nội như Paris”, tỉnh nào cũng là “Đầu tàu”, là “Trung tâm … của thế giới”; rồi những “Quả đấm thép”, rồi dấy lên phong trào” Khởi nghiệp, sáng tạo”, “Đi đầu trong cách mạng 4.0”… nghe dậm dật cả người!
Nhưng tỉnh ra thì thấy đất nước tan hoang “rừng vàng, biển bạc”; môi trường sống bị hủy hoại; dân ta gánh một núi nợ chất chồng; nhìn vào đâu so sánh với các nước trong khu vực cũng thua kém, cũng tụt hậu ngày càng xa. Chả có “thành tích” gì là thật, là để ăn mừng xứng đáng, là để tự hào đúng nghĩa…Buồn bực quá! Tủi hổ quá!…
Ôi đây rồi: Đội BĐVN chiến thắng! Đó là sự thật! Thật 100%, có trọng tài quốc tế công nhận! Truyền hình công khai, khắp các nước khu vực! Vậy là bao nhiêu tủi hổ dồn nén bùng lên, “vỡ òa”, giải tỏa bao ẩn ức, bùng cháy bao khát khao, hy vọng, không sao kìm nén nổi nữa! Người ta gào to lên “Việt Nam vô địch”, “Việt Nam chiến thắng”, “Tự hào Việt Nam”… tự đáy lòng, trào dâng cảm xúc thật, nước mắt tràn mi; không phải ngượng ngùng, xấu hổ… Bao nhiêu năm khao khát mới có một THÀNH TÍCH THẬT để tự hào! Nỗi niềm là thế.
3. Vì “MÁU LỄ HỘI”? Người Việt vốn có truyền thống sinh hoạt cộng đồng quần tụ đông vui. “Ăn no rồi lại nằm khèo; hễ thấy trống chèo, vác bụng đi xem”. Thấy ở đâu ồn ào, “có đám” là phải chạy đến hòa vào đám đông. Đám ma, đám cưới, đám rước… đám gì cũng đông.
“Theo thống kê của Bộ VH- TT- DL, hiện cả nước có 7.966 lễ hội. Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được tổ chức”. Lễ hội là phải càng đông vui, càng chen vai thích cánh, “mông chạm mông, vú cọ vú”, càng thích; là phải cờ phướn rợp trời, loa loa vang điếc óc, chiêng trống inh tai, hò reo ầm ĩ… mới thỏa lòng! Vậy là “Lễ hội mừng chiến công bóng đá” đáp ứng được “máu lễ hội” của người Việt.
4. Vì “ĐƯỢC XẢ STRESS”. Cuộc sống “phóng thể” lao theo bao nhiêu cám dỗ, gặp bao nhiêu thất bại, căng thẳng, lo hãi… khiến nhiều người tâm trạng bất an. “Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%“.
Với tình trạng tâm thần như vậy, khi được tự do xả tress, người ta sẽ trở nên hưng cảm thái quá, khó kiểm soát nổi hành vi… Người ta thấy nhiều người nhảy nhót trên nóc ô tô đang chạy; có cô gái cởi phăng hết quần áo; nhiều chàng trai phóng xe máy đến rợn người; những đám đông uống bia rượu xả láng; nhiều đoàn người phất cờ, trống chiêng, hò hét “đi bão” gần hết đêm, chẳng biết là mình đi đâu, để làm gì!
5. Vì “ĐƯỢC CHÍNH TRỊ HÓA”? Ở Việt Nam, biểu tình chống Trung cộng chiếm biển đảo, giết hại ngư dân; biểu tình phản đối Formosa hủy diệt môi trường; biểu tình lên án chặt phá cây xanh; biểu tình chống cưỡng chế phá nhà, cướp đất… Tất cả những hành vi chính đáng của người dân như trên, nhưng gây lo hãi cho chính quyền, đều bị đàn áp dã man. “Cấm tụ tập đông người”! “Đi biểu tình là do các thế lực thù địch xúi giục, thuê tiền”! “Là bị kẻ địch lợi dụng lòng yêu nước”; “là chống phá chế độ”; “Là âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”!… Thậm chí chính quyền còn nuôi một đội quân chuyên đi canh cổng, ngăn chặn không cho nhiều người dân ra khỏi nhà, sợ đi biểu tình. Xã hội căng thẳng, bức bối…
Thế mà ăn mừng chiến thắng của bóng đá thì tha hồ tụ tập đông người, hàng triệu người xuống đường biểu tình hô “Việt Nam vô địch”, càng làm các quan chức chế độ khoái chí. Và chính họ mới lợi dụng sự cuồng dại vì bóng đá của người dân để “Tôn vinh lòng yêu nước, tự hào dân tộc”, mới hò hét “Thế nước đang lên”; mới bắt các cầu thủ đến “Chào Thủ tướng”, “Chào Chủ tịch Quốc hội”… để các vị được PR không mất tiền.
Bóng đá đang bị Chính trị hóa: Đi biểu tình cổ vũ bóng đá là “yêu nước”; đi biểu tình chống xâm lược, tham nhũng là “phản động”! Vậy là tình yêu bóng đá bị lợi dụng, nống lên thành “yêu nước”, “tự hào dân tộc” để khỏa lấp đi bao nhiêu nỗi xấu hổ, tủi nhục, đắng cay của đất nước này.
Nhưng có một niềm an ủi và hy vọng: Sự “cuồng vọng bóng đá”, cho thấy dân ta vẫn có một sức sống tiềm ẩn, sẵn sàng vùng lên mãnh liệt, vì một cái gì đó chạm vào lòng yêu nước, tự hào dân tộc chính đáng. Dân tộc này vẫn chưa chịu câm nín, lụi tàn, chỉ mê lầm tí thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét