Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

7977 - Little Saigon: Xuống đường Bảo Vệ Người Tị Nạn Việt Nam bị chính phủ Mỹ trục xuất


Nhiều người thuộc các sắc dân khác cùng tham gia biểu tình Bảo Vệ Người Tị Nạn Việt Nam tại Little Saigon hôm sáng Chủ Nhật, 15 Tháng 12, 2018
Nhiều người thuộc các sắc dân khác cùng tham gia biểu tình Bảo Vệ Người Tị Nạn Việt Nam tại Little Saigon hôm sáng Chủ Nhật, 15 Tháng 12, 2018 RFA 


Trước 9 giờ sáng Thứ Bảy, 15 Tháng Mười Hai, nhiều cơ quan truyền thông dòng chính lẫn địa phương đã có mặt cùng những người tham gia tập trung tại sảnh trước cửa thương xá Phước Lộc Thọ trong một cuộc xuống đường Bảo vệ người tỵ nạn gốc Việt có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam. Tuy nhiên, nhân viên bảo vệ của khu thương mại này đã không cho phép đoàn người tập trung nơi đây mà phải dời hẳn ra bên ngoài khu thương mại.
Dù hơi gặp chút khó khăn ban đầu, nhưng không vì thế làm giảm đi khí thế của những người có mặt, trong đó hầu hết là những người trẻ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Có rất đông người thuộc các sắc tộc khác cùng tham gia. Đặc biệt, không có bất cứ nghị viên gốc Việt nào có mặt trong cuộc biểu tình này. Thay vào đó, có sự góp mặt của anh Lý Vĩnh Phong, đại diện Dân Biểu Alan Lowenthal, nghị viên Sergio Contreras của thành phố Westminster, cựu thị trưởng thành phố Garden Grove Bảo Nguyễn, nhiều bác sĩ, giáo sư gốc Việt, và nhiều người trẻ.
Trưa ngày Thứ Sáu, 14 Tháng Mười Hai, một thông cáo báo chí được phổ biến qua email và facebook kêu gọi một cuộc xuống đường biểu tình Bảo vệ Người Tị Nạn Việt Nam có nguy cơ bị trục xuất. Các hội đoàn bất vụ lợi đồng tổ chức cuộc biểu tình này, gồm có: Asians and Pacific Islanders Re-Entry of Orange County (APIROC), VietRISE, VietUnity SoCal, Viet Rainbow of Orange County (VROC), và Common Ground OC.
Trước đó, vào ngày 12 Tháng Mười Hai, 2018, báo The Atlantic đưa ra nguồn tin cho rằng Nội các của Tổng Thống Donald Trump đang tái khởi động những nỗ lực để trục xuất số di dân Việt Nam vốn là những người được sống hợp pháp ở Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua. Nhiều người trong số họ đã trốn thoát khỏi đất nước sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975.
Đây là được cho là động thái mới nhất trong kế hoạch của Tổng Thống Trump, đó là chính sách khắc nghiệt về nhập cư và tị nạn. Lập trường siết chặt nhập cư mới nhất của chính quyền Trump diễn ra trong bối cảnh thời điểm gia hạn thỏa thuận về trục xuất người di cư gốc Việt tới gần.
The Atlantic dẫn lời bà Katie Waldman, người phát ngôn Bộ An Ninh Nội Địa, cho biết 5,000 người gốc Việt bị kết án đã có lệnh trục xuất. Họ là những người chưa được công nhận là công dân Mỹ.
Biểu tình Bảo vệ Người Việt tỵ nạn có nguy cơ bị Mỹ trục xuất ở Little Saigon, California, hôm 15/12/2018
Biểu tình Bảo vệ Người Việt tỵ nạn có nguy cơ bị Mỹ trục xuất ở Little Saigon, California, hôm 15/12/2018 Photo: RFA
Tham gia trong cuộc biểu tình, Bác Sĩ Lương Lý, người sang Mỹ từ năm 1987 theo diện đoàn tụ gia đình ODP, cho biết:
"Lý do chính tôi có mặt hôm nay thứ nhất Việt Nam là người tị nạn, thứ hai vì nhân quyền cho người Việt Nam. Ông tổng thống Trump muốn thay đổi chính quyền, muốn trục xuất những người phạm tội, dù lớn hay nhỏ. Nhưng nếu đã vi phạm luật pháp Mỹ thì đều bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Đây là một điều rất quan trọng đối với người Việt Nam. Vì khi họ phạm pháp, có nhiều loại lớn hay nhỏ, thành ra khi trục xuất những người Việt Nam mà Mỹ và Việt Nam từng đồng ý với nhau vào năm 1995 là không trục xuất họ nên làm như vậy rất ảnh hưởng đến nhân quyền của người Việt Nam, ảnh hưởng tới gia đình của người Việt Nam tại Mỹ."
Mặc dù chân yếu phải chống gậy, ông Nguyễn Văn Phát, 89 tuổi, sang Mỹ từ trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, cũng nhờ con gái chở đến tham gia biểu tình cùng mọi người:
"Tôi thấy việc ông Trump là là sai nên tôi phải đi đến đây để ủng hộ những người biểu tình chống lại điều sai. Hiện giờ tôi đã có quốc tịch Hoa Kỳ nên chuyện này không ảnh hưởng gì nhưng điều ông Trump làm đối với những người khác là sai, nên tôi đến ủng hộ những người này."
Giáo sư Thúy Võ Đặng thuộc trường đại học UCI chia sẻ:
"Quyết định của tổng thống Trump có thể sẽ tạo ra những bất lợi cho cộng đồng mình. Thúy cũng sinh ra trong một gia đình tị nạn, giống như rất nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam, cho nên mình nên tìm hiểu thêm về vấn đề này. Thúy hy vọng rằng nếu có thêm một tiếng nói của Thúy cũng có thể giúp ích cho cộng đồng tìm hiểu thêm."
Tham gia cùng đoàn biểu tình, ông Jerald Kern, ngoài 70 tuổi, cho biết, ông đã sống cùng cộng đồng này 23 năm, các con ông lớn lên với cộng đồng người Việt nơi đây, bạn gái của con trai lớn của ông là người Việt Nam. Ông thấu hiểu tâm tư của những người Việt tị nạn đã bỏ nước ra đi từ sau cuộc sụp đổ năm 1975. Ông không chấp nhận việc chia cắt, ly tán. Theo ông, những người có mặt hôm nay không chỉ đứng lên vì cá nhân họ, vì gia đình họ, mà vì tất cả những người tị nạn hiện diện ở hiệp chủng quốc này.
Bác Sĩ Tâm Lý Xuyến Đông tham gia cuộc biểu tình với nhiều trăn trở của một người từng tiếp xúc nhiều với những bệnh nhân có tâm bệnh mà nguyên nhân xuất phát từ những khủng hoảng tinh thần liên quan đến chính sách trục xuất, cưỡng bách hồi hương này:
"Thực sự vấn đề này mang lại rất nhiều khủng hoảng cho các gia đình Việt Nam có con cái nằm trong danh sách bị trục xuất, bị cưỡng bách hồi hương. Mà đó thực ra đâu còn là quê hương của các bạn, thậm chí có bạn không còn biết tiếng Việt. Có những người cha mẹ đã bị tâm bệnh rất là nặng vì khía cạnh này. Vừa rồi có một bạn bị cưỡng bác hồi hương đã gửi thư qua, có người về Việt Nam được mấy tháng thì chết. Mình làm trong ngành này, gặp những phụ huynh cha mẹ có con ở trong tình trạng này cũng mang tâm bệnh, đây là khía cạnh của sự sống và sự chết của con người, rất nhiều khủng hoảng, rất nhiều bi kịch xảy ra, nhất là khi có những cha mẹ đi vượt biên đã sống chết để mang con mình qua đây mà bây giờ con mình lại có thể bị trả về Việt Nam, có quá nhiều đau thương mà tôi nghĩ điều này vô cùng bất nhẫn cho cuộc sống người Việt Nam mình ở đây."
Anh Tùng Nguyễn, người từng bị tù 18 năm từ năm 16 tuổi, được lệnh ân xá, nhưng cũng nằm trong tình trạng có thể bị cưỡng bức hồi hương.
Anh Tùng Nguyễn, người từng bị tù 18 năm từ năm 16 tuổi, được lệnh ân xá, nhưng cũng nằm trong tình trạng có thể bị cưỡng bức hồi hương.Photo: RFA

Người được truyền thông Mỹ và địa phương chú ý nhiều nhất có lẽ là anh Tùng Nguyễn, người đã từng phạm tội năm 16 tuổi, phải trả giá bằng 18 năm tù giam. Tuy nhiên, anh được Thống Đốc tiểu bang California ra lệnh ân xá năm 2011, và mới đây, anh lại được Thống Đốc Jerry Brown ra quyết định xóa tất cả các tội mà anh đã phạm phải và đã trả giá, được phục hồi các giá trị về quyền công dân. Anh nói:
Là một người từng nằm trong hoàn cảnh này, Tùng đã từng ở tù, Tùng đã từng lầm lỡ khi còn nhỏ, Tùng ở tù 18 năm. Nhưng sau khi Tùng ra tù, Tùng thay đổi cuộc đời, làm lại cuộc đời, Tùng sống và giúp đỡ cho mọi người, cho cộng đồng trong xã hội và những công việc Tùng làm đã được Thống đốc Jerry Brown ân xá cho Tùng, xóa hết tội cho Tùng vì những gì Tùng đã trải qua. Những kinh nghiệm Tùng đã trải qua, Tùng muốn đem điều đó đóng góp và giúp đỡ cho mọi người, bảo vệ cho những người Việt Nam tị nạn đã đến Mỹ trước năm 1995.”
Tùng Nguyễn chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Trump trục xuất người Việt vì anh cho rằng đó là một vi phạm về nhân quyền.
“Hành động này là hành động ly tan gia đình, không có chút thương xót hay xem xét lại tội lỗi của những người như Tùng làm là mấy chục năm rồi, không ai phạm thêm một tội nào hết, sao bây giờ lại đến ly tan gia đình người ta, bắt cha phải mất con, vợ phải mất chồng, trục xuất những người như Tùng về Việt Nam rồi như thế nào? Có những người không nói đươc tiếng Việt Nam thì làm sao họ sống được ở Việt Nam? Rồi vợ con của họ sống bên này họ sống như thế nào? Cho nên đây là một sự vi phạm nhân quyền rất là trầm trọng.”
Liên quan đến vấn đề này, hôm Thứ Năm, 13 Tháng Mười Hai, 26 dân biểu liên bang Hoa Kỳ, đã gởi thư phản đối chính quyền Donald Trump và yêu cầu tôn trọng thỏa thuận hiện tại với Việt Nam, không trục xuất những người đến Mỹ trước năm 1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét