Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng tạo nên sự tăng trưởng kinh tế. Một quốc gia muốn có nền kinh tế vững mạnh thì buộc phải có nhiều giá trị gia tăng, trong đó vai trò của kinh tế tư nhân mang tính quyết định. Tuy nhiên tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân đang bị suy giảm nghiêm trọng với hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản mỗi năm. Thực trạng này đã dẫn tới một loạt những hệ lụy về mặt xã hội như thất nghiệp, tính bền vững của nền kinh tế kém, cản trở các hoạt động đầu tư…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2018 tại Việt Nam là 83.108 doanh nghiệp, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, chỉ có 11.637 doanh nghiệp thành lập mới giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 22% về số vốn đăng ký so với tháng trước.
Qua sự kiện này, một số cán bộ nhà nước cho rằng tình trạng các doanh nghiệp phá sản là quy luật đào thải bình thường của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động quá lớn, diễn ra trong thời gian dài liên tục và trở thành “phong trào” thì điều đó rất đáng lo ngại.
Doanh nghiệp phá sản do môi trường kinh doanh và gánh nặng chi phí
Hiện có nhiều nguyên nhân buộc doanh nghiệp phải đóng cửa. Trong đó, môi trường kinh doanh chính là nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam không những chưa cải thiện mà vẫn còn tồn tại tình trạng tham nhũng vặt ở mọi cơ chế. Khó khăn nhất của các doanh nghiệp tư nhân là các điều kiện đăng ký kinh doanh. Mặc dù mang tiếng là thủ tục một cửa, nhưng trên thực tế để đến được cửa cuối cùng, doanh nghiệp phải đi qua nhiều “cửa nhỏ” khác. Đó là còn chưa kể tới nhiều rào cản, phí “bôi trơn”, tiền bạc cho các nhóm lợi ích… khiến các doanh nghiệp lựa chọn giải thể như một giải pháp giảm thiểu nợ nần.
Một khó khăn khác là chi phí mà các doanh nghiệp Việt đang phải gánh không ngừng tăng lên, kéo theo lợi nhuận giảm xuống. Trong đó, chi phí lớn nhất vẫn là chi phí vận tải, chiếm tới 40-60% tổng chi phí. Giá vận tải ở Việt Nam đắt đỏ chủ yếu là do các loại phí cầu, đường, BOT. Đồng thời, nhà cầm quyền CSVN tìm cách tận thu để bù đắp bội chi ngân sách cũng là yếu tố khiến các loại thuế tăng cao. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường tăng gấp đôi; tiền lương tối thiểu tăng, đóng góp bảo hiểm xã hội cũng tăng. Đây là gốc rễ của việc nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, buộc phải giải thể trong thời gian qua.
Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Trong lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, hàng hóa Trung Quốc đã dùng Việt Nam là “sân sau” để né những đòn trừng phạt của Mỹ. Thực tế, nhiều hàng hóa gồm quần áo, giày dép và túi xách của Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam để sau đó xuất sang Mỹ.
Bên cạnh đó, thuế từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến các công ty Trung Quốc phải chuyển hướng xuất khẩu. Với vị trí địa lý gần gũi, hàng hóa dư thừa của Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ chuyển hướng sang thị trường Việt Nam. Việc này dĩ nhiên làm xáo trộn hoạt động, chuỗi cung ứng của rất nhiều doanh nghiệp liên quan. Và với lợi thế cạnh tranh về giá, hàng Trung Quốc đang gây sức ép đến thị trường Việt Nam.
Hậu quả là làm cho sản phẩm Việt Nam mất lợi thế, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường do giá bán sản phẩm cao. Điều này khiến quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt bị thu nhỏ, và đóng cửa do không còn thị trường để phát triển.
Chính sách phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế
Từ nhiều năm qua nhà cầm quyền CSVN luôn duy trì tình trạng đối xử không công bằng giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước. Với khoản ngoại tệ khổng lồ mà các nhà đầu tư ngoại quốc mang đến đã khiến cho giới chức lãnh đạo cộng sản chạy theo chiều chuộng, ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng mặt khác lại tìm cách “vặt lông” các doanh nghiệp trong nước.
Ví dụ thủ tục đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, doanh nghiệp FDI hoạt động theo Nghị định 73, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước lại hoạt động theo Nghị định 46 với yêu cầu cao và khắt khe hơn. Một ví dụ khác là doanh nghiệp FDI chỉ cần có vốn 300 tỷ đồng để kinh doanh nhưng doanh nghiệp trong nước phải có vốn 1.000 tỷ. Chưa hết, doanh nghiệp Việt Nam phải có diện tích tối thiểu 5 ha và phải tự xây trụ sở, nhưng doanh nghiệp FDI thì được thuê trụ sở và không cần phải có mặt bằng…
Sự phân biệt đối xử thiếu công bằng còn diễn ra giữa giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, một số chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam thường ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước về các vấn đề như vốn, ưu đãi độc quyền, thuế phí, mặt bằng… Khiến không gian hoạt động của giới doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế đáng kể.
Từ thực trạng trên, có thể thấy là trong khi các doanh nghiệp Việt yếu, đã không nhận được sự tiếp sức nào, nhưng đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. Những bất công trên đang tạo thêm những gọng kìm siết chặt khu vực kinh tế tư nhân, càng khiến cho doanh nghiệp tư nhân đã nhỏ lại trở nên kém phát triển, thậm chí là tới bờ vực phá sản.
Nền kinh tế yếu, thiếu khả năng cạnh tranh
Bên cạnh những bất cập về chính sách, tình trạng thiếu một hệ sinh thái cần thiết để hình thành trục liên kết đang là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Việt Nam được ví như mảnh đất cằn cỗi cho việc xây dựng doanh nghiệp, và tình trạng này không được cải thiện sau nhiều năm. Thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam khi bước ra thị trường có rất ít cơ hội được tiếp cận với thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động, các chương trình hỗ trợ phát triển. Đặc biệt là nền kinh tế Việt Nam quen với cơ chế quản lý kinh doanh lạc hậu, thiếu kết nối với nhau dẫn đến cơ hội liên kết với các tập đoàn lớn để tiêu thụ sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị đã bị hạn chế đáng kể.
Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản cao tại Việt Nam còn đến từ nguyên nhân là do thiếu vốn, thiếu thị trường và kém về ứng dụng khoa học – kỹ thuật nên hiệu quả hoạt động thấp, khó có khả năng cạnh tranh. Tình trạng ấy khiến “sức đề kháng” của các doanh nghiệp trở nên yếu và khó thích nghi với môi trường kinh doanh ngày càng nhiều biến động.
Đối với một nền kinh tế đang trong tiến trình hội nhập, lẽ ra môi trường kinh doanh phải là không gian mở với những điều kiện thuận lợi để bùng nổ ra nhiều doanh nghiệp tư nhân. Nhưng những diễn biến thực tế tại Việt Nam lại không như vậy.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nằm ở sự sai lầm trong hoạch định chính sách của những quan chức cộng sản thiếu kinh nghiệm điều hành nền kinh tế thị trường. Cộng với sự tham lam những món lợi béo bở từ những khoản đầu tư ngoại quốc, khiến nhà cầm quyền CSVN dành ưu đãi lớn cho hai nhóm doanh nghiệp quốc doanh và FDI. Trong khi không đánh giá đúng mức tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, nhóm này bị phá sản hàng loạt cũng không có gì là lạ.
Hiện nay, từ đảng cho đến chính phủ đều hợp ca bài cải cách thể chế nhưng tất cả các biện pháp đưa ra đều chỉ chắp vá trong mục tiêu duy nhất là thu hút đầu tư FDI để nuôi sống chế độ mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét