Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tuyên bố đầu tiên bởi một người của công chúng về việc các loại hình âm nhạc phổ biến có khả năng gây bất ổn xã hội có từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, khi nhà triết học vĩ đại Plato đã viết: “Khi dạng thức âm nhạc thay đổi, các bức tường của thành phố rung chuyển”. Nhiều phát ngôn tương tự đã được đưa ra trong những năm 2000, khi những người muốn bảo vệ hiện trạng gọi các ca sĩ khác biệt như Igor Stravinsky, Elvis Presley và Ice-T là mối nguy hiểm cho xã hội.
Vào ngày này năm 2005, trong một cuộc tổng công kích, Tổng thống Iran mới đắc cử Mahmoud Ahmadinejad đã gọi các nghệ sĩ nêu trên và nhiều người nữa như vậy khi ông tuyên bố cấm hoàn toàn âm nhạc phương Tây trên các chương tình truyền hình và phát thanh của nhà nước ở Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Việc tuyên bố lệnh cấm hoàn toàn phù hợp với sự ác cảm đối với văn hóa phương Tây mà Tổng thống Ahmadinejad trước đây đã thể hiện khi còn là thị trưởng của Tehran. Chẳng hạn, trong khi tại chức vào năm 2003, Ahmadinejad đã ban hành lệnh cấm đối với tất cả các quảng cáo ngoài trời có hình ảnh ngôi sao bóng đá quốc tế David Beckham. Tuy nhiên, trên thực tế, lệnh cấm đối với âm nhạc phương Tây chỉ đơn giản là sự tuyên bố lại một chính sách chính thức lâu đời được áp dụng lần đầu tiên ở Iran sau Cách mạng Hồi giáo 1979. Khi cấm tất cả âm nhạc ngoại trừ các loại hình với chủ đề tôn giáo rõ ràng, nhà lãnh đạo Iran Ayatollah Khomeini đã nhận xét vào thời điểm đó rằng “Âm nhạc làm trì độn tâm trí vì nó liên quan đến sự khoái lạc và điên cuồng, tương tự như ma túy. Nó hủy hoại những người trẻ tuổi của chúng ta, những người đã bị đầu độc bởi nó.”
Trong những thập niên sau cuộc cách mạng nhưng trước khi Ahmadinejad đắc cử, sự khoan dung đối với âm nhạc phương Tây đã gia tăng đến mức các tác phẩm của một số nhạc sĩ phương Tây – cụ thể là George Michael, Eric Clapton, The Eagles và Kenny G., theo BBC – đã trở nên tương đối phổ biến trên các chương trình truyền hình quốc gia của Iran. Lệnh cấm của Tổng thống Ahmadinejad đã chấm dứt điều đó, nhưng có thể dự đoán rằng nó không có mấy tác động trong việc dập tắt sự yêu thích âm nhạc phương Tây ở một quốc gia nơi 70% dân số ở vào độ tuổi dưới 30 vào năm 2008. Theo báo cáo trên tạp chí Time và The San Francisco Chronicle vào cùng năm đó, những hoạt động ngầm dành cho các thể loại âm nhạc pop, rock và hip-hop theo phong cách phương Tây được sáng tác trong nước đã tiếp tục phát triển mạnh tại thủ đô Iran bất chấp lệnh cấm được công bố vào ngày này năm 2005.
Nguồn: Ahmadinejad bans all Western music in Iranian state television and radio broadcasts, History.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét