Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

8019 - Trận chiến Mỹ-Trung trên các con chip


Một công nhân Trung Quốc với một con chip mới có tên Hengxing-1, của công ty Hi-Target. Dự trù Hengxing-1 sẽ được thay thế phần lớn chip nhập cảng. (Hình: china.org.cn)


Trong cuộc gặp gỡ giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đầu Tháng Mười Hai ở Buenos Aires, Argentina, hai ông đồng ý xuống thang cuộc chiến tranh mậu dịch. Trong số các điều tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc cam kết có một chuyện khá nhỏ: Bắc Kinh sẽ không ngăn cản vụ công ty Qualcomm của Mỹ mua công ty NXP của Hòa Lan nữa.
Tại sao hai ông phải bàn về một chuyện mua bán giữa hai công ty như vậy? Vì Qualcomm là một nhà chế tạo đứng hàng đầu về làm những con “chip” điện tử tối tân nhất; mà hai phần ba số thu nhập của công ty này là do bán “chip” cho các công ty điện tử, viễn thông, cho Trung Quốc. Hồi đầu năm, chính phủ Trump đã ngăn không cho một công ty Singapore mua Qualcomm, vì sợ những bí mật kỹ thuật của Qualcomm sẽ lọt vào tay người nước ngoài.
Những chuyện rùm beng được hô hoán trong cuộc chiến tranh mậu dịch giữa hai nước như thuế quan, cán cân mậu dịch không cân bằng, thực ra chỉ là mặt nổi nhất thời trong cuộc chạy đua kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc chiến kinh tế lớn trong thế kỷ 21 giữa hai nước sẽ diễn ra trong nghề sản xuất những con chip nho nhỏ những càng ngày càng tối tân. Trong cuộc chạy đua này, Mỹ đang dẫn trước và Trung Quốc đang đuổi theo sau khá xa. Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu của công ty Huawei chỉ cho thấy một phần nhỏ của toàn thể cuộc chiến, liên quan đến những thứ chip dễ làm nhất mà người Trung Hoa đã bắt chước làm được nhưng vẫn phải nhập cảng để sản xuất những máy điện thoại di động.
Những con chip hiện nay đang giúp cho kinh tế thế giới chạy: điện thoại, xe hơi, máy bay, tiền chuyển từ ngân hàng này qua ngân hàng khác, thanh toán hóa đơn giữa các xí nghiệp, cả hệ thống viễn thông và các hỏa tiễn quân sự… Cần chip hơn cần dầu lửa, vì có nhiều nguồn năng lượng khác thay thế dầu lửa. Như đã trình bày trong bài trước về vấn đề này, “Số tiền Trung Quốc hiện đang chi ra mỗi năm để nhập cảng chip cao hơn số tiền họ mua dầu lửa.”
Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã nhìn thấy rõ thế “hạ phong” của họ trong vụ ZTE. Cựu Tổng Thống Barack Obama đã ra lệnh truy tố ZTE về tội bán hàng cho Iran trong đó có những bộ phận mua từ nước Mỹ, trong số đó có những con chip của Intel. Khi chính quyền Trump ra lệnh các công ty Mỹ không được bán chip cho ZTE, công ty sản xuất điện thoại di động lớn hàng thứ hai của nước Tàu, sau Huawei, đứng trước viễn ảnh phải ngưng hoạt động, vì không có chip thì không còn làm được cái gì nữa. Số phận của Huawei cũng tương tự, nếu chính quyền Mỹ ra tay.
Vụ ZTE và Mạnh Vãn Chu bị bắt cho cả thế giới thấy vai trò cường quốc kinh tế của Trung Quốc rất mong manh. Tập Cận Bình đã giành $150 tỷ giúp các công ty chạy đua với Mỹ. Nhưng còn lâu mới đuổi kịp. Mỹ và các nước đồng minh như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, đang chiếm thượng phong trong ngành sản xuất chip. Và việc sản xuất chip liên kết các quốc gia này không cách nào thoát được.
Việc sản xuất chip phụ thuộc những dây chuyền trong một mạng lưới tiếp liệu toàn cầu. Một công ty làm chip ở Mỹ cần đến hàng chục ngàn xí nghiệp khác ở các nước tiên tiến. Quặng silicon đào lên từ rặng núi Appalachians có thể được gửi qua Nhật Bản biến chế thành những cục silicon tinh ròng, rồi được chuyển qua Đài Loan hoặc Nam Hàn để biến thành những miếng dùng được, theo khuôn mẫu sản xuất của một công ty ở Hòa Lan. Khuôn mẫu này lại do một công ty khác, ARM, đứng đầu ngành “vẽ kiểu” (design) chip trên thế giới. Công việc sau cùng là đem thử coi chip có làm đúng phận sự hay không, việc này rẻ tiền nhất, có thể đem qua Trung Quốc, Việt Nam hay Phi Luật Tân làm. Việc ráp các con chip này lại để dùng vào các mục đích dị biệt có thể làm ở nước Đức, Mexico hay Trung Quốc. Một miếng chất bán dẫn được đưa qua đưa lại giũa nhiều quốc gia khắp năm châu mới được chế biến thành những mảnh chip đem bán.
Cho nên, trong mạng lưới tiếp liệu của việc sản xuất chip, không nước nào có thể đứng một mình. Các công ty Trung Quốc đang cố làm chip nội hóa; nhưng việc họa kiểu (design) vẫn phụ thuộc ARM, một xí nghiệp Anh Quốc nay đã được bán cho Soft Bank, một công ty Nhật; cả hai nước đều là đồng minh của Mỹ.
Hội các nhà sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ cho biết một công ty thành viên của họ cần đến 16,000 xí nghiệp cung cấp mới làm được chip của mình, trong số đó có 8,500 xí nghiệp ở nước ngoài.
Mặc dù Cộng Sản Trung Quốc vẫn hô hào “tự túc” về số chip dùng trong nước, nhưng họ vẫn còn chạy đằng sau rất xa. Vì các tiến bộ kỹ thuật đều xuất hiện ở Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Từ năm 1966 đến nay, giải Turing Award, giống như giải Nobel trong công nghiệp điện toán, đã phát 67 lần, các nhà khoa học Mỹ chiếm 48 lần. Trung Quốc không chiếm được một giải nào. Không phải vì người Trung Hoa kém thông minh mà vì hệ thống chính trị độc tài và kinh tế quốc doanh không khích lệ các nhà khoa học.
Địa vị dẫn đầu của Mỹ được củng cố vì việc sản xuất những thứ chip tối tân nhất đã được tập trung vào một số công ty của Mỹ và các nước đồng minh. Năm 2001, trên thế giới có 29 công ty chế tạo các thứ chip tối tân nhất. Hiện nay chỉ còn năm công ty đóng vai trò đó. Nếu những công ty này không đem cho thì các xí nghiệp Trung Quốc không biết bao giờ mới tự tìm ra được các kỹ thuật tân tiến của họ. Việc bắt chước kỹ thuật khi sản xuất xe hơi hay động cơ phản lực dễ dàng hơn; việc họa kiểu những thứ chip mới khó gấp vạn lần.
Vụ ZTE đầu năm 2018 cho Cộng Sản Trung Quốc một bài học về quản lý kinh doanh. Công ty này bị chính phủ Mỹ phạt $1.2 tỷ vì các người lãnh đạo vốn là công chức, cán bộ, không phải là các nhà kinh doanh. Họ không tính toán đường xa nên tự đặt vào tình trạng lệ thuộc quá  nhiều vào các nguồn cung cấp chip ngoại quốc, trong khi tìm cách phát triển thị trường khắp thế giới, như ZTE và Huawei.
Công ty ZTE hoạt động được nhờ tiếp liệu từ những công ty Mỹ như Qualcomm, Intel và Micron; họ mua các bộ phận quang học của Maynard, Acacia, Oclaro và Lumentum, cũng như Mia phần mềm từ Microsoft và Oracle.
Các nhà kinh doanh Trung Quốc còn một nhược điểm khó chữa, là không có thói quen tôn trọng luật lệ. Sống dưới một chế độ độc tài toàn trị đã quen suốt đời, họ làm ăn thành công nhờ “quan hệ” với các cấp lãnh đạo, có thể qua mặt luật pháp. Họ tin rằng địa vị của mình sẽ giúp họ lẩn tránh mọi ràng buộc của luật pháp. Họ giữ thói quen đó khi làm ăn ở nước ngoài; tìm cách chạy quanh luật lệ cho tới khi bị trừng phạt mới mở mắt ra.
Bà Mạnh Vãn Chu bị truy tố chỉ vì đứng ra chứng minh với các ngân hàng rằng công ty Skycom không phải của Huawei, cho nên Huawei không bán gì cho nước Iran cả; trong khi chính quyền Mỹ đã điều tra thấy các chứng cớ ngược lại.
Nhưng lầm lẫn lớn nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc là khích động tự ái dân tộc quá lố khi nói lớn tiếng với dân chúng rằng Trung Quốc có thể tự túc về kỹ thuật tân tiến, mặc dù đó chỉ là một giấc mộng xa vời. Ngay cả khi khả năng khoa học kỹ thuật của người Trung Hoa ngang bằng người Mỹ thì cũng không một quốc gia nào có thể hoàn toàn tự túc được. Kinh tế thế giới liên đới chặt chẽ, không nước nào, kể cả nước Mỹ, có thể đứng một mình mà làm đủ các thứ cần thiết trong đời sống! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét