Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

8022 - Ai bảo kê Phó thống đốc Đặng Thanh Bình? (phần 1)


Ông Đặng Thanh Bình nghe tuyên án chiều 2-7. (Ảnh chụp màn hình từ Tuổi Trẻ)


Phá 15.000 tỷ đồng = án treo!
Khi Đặng Thanh Bình - quan chức cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước - không giấu được cái nhếch môi mãn nguyện lúc được Tòa án cấp cao tại TP.HCM thay đổi hình phạt tù 3 năm sang 3 năm tù treo với lý do ‘cao tuổi’ vào ngày 5/12/2018, mạng xã hội đã sôi sục phản ứng: không thể nói gì hơn về một bản án bất công ghê gớm trong một ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ khi kẻ gây thiệt hại đến 15.000 tỷ đồng thì được hưởng án treo, còn những đứa trẻ tuổi vị thành niên chỉ vì ăn cắp vào ổ bánh mì thì lại bị một chế độ - bị nhiều người dân tố cáo ‘có một rừng luật nhưng chỉ tồn tại luật rừng’ - giáng xuống đầu hàng chục năm tù giam.
Ngay cả một tờ báo nhà nước là Pháp Luật TP.HCM cũng phải rút tít ‘Tòa sai khi cho cựu phó thống đốc hưởng án treo’ khi Hội đồng xét xử (HĐXX) ‘vận dụng’ Luật Người cao tuổi.
Theo mổ xẻ của Luật sư Trịnh Văn Hiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư 
tỉnh Quảng Nam, điều kiện cho người bị kết án phạt tù, được hưởng án treo được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018 của HĐTP TAND Tối cao. Theo hướng dẫn này thì tình tiết người cao tuổi không phải là cơ sở xem xét cho hưởng án treo… Luật Người cao tuổi cũng không có quy định nào nói về việc người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên hưởng án treo. Trong khi điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS quy định: Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên và được coi là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… HĐXX có quyền cho các bị cáo hưởng án treo nhưng phải dựa vào các quy định của BLHS, việc tòa vận dụng thêm Luật Người cao tuổi để cho hưởng án treo là sai.

Trước đó, phiên tòa xử sai phạm của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước do Đặng Thanh Bình phụ trách (đặt tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, sau là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB)) dù liên đới mật thiết đến sai phạm của Phạm Công Danh của Ngân hàng Xây Dựng mà Danh đã phải nhận án tù giam vài chục năm trời, nhưng ngay cả bản án sơ thẩm 3 năm tù giam đối với Đặng Thanh Bình vẫn là quá nhẹ so với tội trạng mà quan chức này đã tàn phá trên quê hương của y.
Đặng Thanh Bình được thế lực nào bảo kê?
Bản án mà về thực chất là ‘trả tự do ngay tại tòa’ cho Đặng Thanh Bình xảy ra trong bối cảnh chiến dịch ‘đốt lò’ của quan chức vừa trở thành chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng - đang một lần nữa được tuyên rao ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’. Theo đó trong năm 2018, khá nhiều quan chức như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ ‘Nhôm’, Út ‘Trọc’, Phạm Công Danh, Trầm Bê, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa… đã phải nhận án từ ‘vừa nặng’ đến’ mút mùa’.
Bản án với lý do giảm nhẹ hiếm có ‘cao tuổi’ đối với Đặng Thanh Bình xảy ra trong bối cảnh tại phiên tòa này, đại diện Ngân hàng nhà nước ‘nêu ý kiến đề nghị không xử lý hình sự nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình”.
Nhưng trong thực tế pháp đình ở Việt Nam, không thể xảy ra một nghịch lý theo kiểu Đặng Thanh Bình, nếu không có một sự bảo kê đủ mạnh, nếu không muốn nói là một lực bảo kê từ những cấp rất cao mà có thể chi phối và thậm chí thao túng cả các cơ quan tư pháp như viện kiểm sát và tòa án trung ương.
Thế lực nào và những quan chức cao cấp đã bảo kê cho Đặng Thanh Bình?
Thế lực đó có móc xích gì với ‘đại diện Ngân hàng nhà nước nêu ý kiến đề nghị không xử lý hình sự nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình”?
Lê Minh Hưng - con trai của cựu bộ trưởng công an Lê Minh Hương, đương kim thống đốc Ngân hàng nhà nước và là quan chức chưa bao giờ dám thừa nhận về những sai phạm tày đình của hoạt động giám sát các tổ chức tín dụng dưới thời Đặng Thanh Bình - có phải là cái tên cần được gạch đậm bên dưới về những dấu hiệu bảo kê lộ liễu trên?
Nhưng trên tất cả, dư luận xã hội đang dồn nghi ngờ vào Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng. Phải chăng ông Trọng thể hiện mối ưu ái ‘phe ta’ đối với Đặng Thanh Bình?
Hay còn một cái bóng khác đang thấp thoáng sau tấm màn chính trị và cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử Đặng Thanh Bình: Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước, đang nghiễm nhiên là ủy viên bộ chính trị kiêm trưởng ban Kinh tế trung ương?
‘Tổ hợp’ Nguyễn Văn Bình - Đặng Thanh Bình
Vào tháng Tám năm 2017, có một hiện tượng đáng chú ý và cần mổ xẻ trong đời sống chính trị và “chống tham nhũng” bất thần sôi sục ở Việt Nam: trùng với thời điểm đại gia Trầm Bê - nhân vật được dư luận đặt cho biệt hiệu “tay hòm chìa khóa” của Nguyễn Tấn Dũng thời ông Dũng còn là thủ tướng - bị Bộ Công an bắt vào đầu tháng Tám ấy, một số tờ báo nhà nước, trong đó đặc biệt là những “mũi xung kích” Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tổ Quốc… đã đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của cơ quan Ngân hàng nhà nước trong mối liên quan mật thiết với các đại án ngân hàng như Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước mỗi năm tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra lớn, bé và có quyền chủ động công bố về sai phạm liên quan của các ngân hàng, các cá nhân liên quan. Cơ quan này được phụ trách bởi một chánh thanh tra được xem là “người của Thống đốc Bình”. Thế nhưng từ sau vụ Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) - một đại gia ngân hàng - bị công an bắt giam vào năm 2012, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước đã không phát hiện hay xử phạt được vụ việc thất thoát lớn nào tại Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu - những ngân hàng mà vào năm 2015 Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo “mua lại với giá 0 đồng”, nhưng bị rất nhiều dư luận nghi ngờ rằng ông Bình đã tìm cách rút rỉa một số tiền lớn của ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để cứu 3 ngân hàng sắp sụp đổ này.
Mặc dù dư luận nghi ngờ trên đã lan cả vào kiến nghị của một số đại biểu quốc hội từ năm 2015, nhưng cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ giải đáp minh bạch nào từ phía Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Nếu chỉ riêng đại án Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng đã “nuốt” đến hơn 6 ngàn tỷ đồng, có thể mường tượng con số mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình dùng để “mua lại với giá 0 đồng” của 3 ngân hàng đại án có thể lên đến vài chục ngàn tỷ đồng. Và nếu trò ma quái này được chứng minh là có thật thì sau Thống đốc Bình, nhân vật mà nay là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiên phải chịu trách nhiệm vì khi đó đã chưa hề có ý định ‘trở về làm người tử tế’.
Chỉ đến phiên tòa xét xử cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào đầu năm 2018, lần đầu tiên một con số mà Ngân hàng nhà nước đã dùng để ‘mua giá 0 đồng’ trong chiến dịch cứu vãn 3 ngân hàng trên mới được ông Thăng khai ra: khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng đây là chỉ là một phần chứ không phải tất cả số tiền dùng để ‘mua giá 0 đồng’. Tuy nhiên từ khi lời khai đó hiện ra cho đến nay, giới quan chức Ngân hàng nhà nước và cá nhân cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn câm như hến.
Nguyễn Văn Bình lại được xem là “cánh tay mặt” của Nguyễn Tấn Dũng thời còn là thủ tướng. Ông Bình còn kinh hoàng hơn hẳn Trầm Bê về “thành tích” thao túng thị trường tín dụng, tiền tệ, vàng và các phi vụ thâu tóm ngân hàng.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét