Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

8048 - Nhà trường hay ‘vương quốc’ của hiệu trưởng đảng viên!

RFA  

Ảnh minh họa.
Ảnh minh hoạ-AFP

Nạn học sinh bị xâm hại tại đường

Vào ngày 15/12, công an huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã khởi tố và bắt giam ông Đinh Bằng My hiệu trưởng trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tại huyện Thanh Sơn vì có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em dưới 16 tuổi, sau tố cáo của nhiều học sinh nam cho biết tình trạng đã diễn ra trong nhiều năm. Vụ việc diễn ra tại trường nội trú Thanh Sơn không phải là một sự việc mới mà còn rất nhiều các vụ việc xâm hại tình dục học đường gây nhiều bức xúc trong xã hội năm 2018.
Hồi tháng 6, một giáo viên nam tại một trường tiểu học ở huyện Hoài Đức, Hà Nội đã xâm hại tình dục với bảy học sinh nữ tại trường. Vào tháng 11, một thầy giáo khác tại Quảng Nam cũng có hành vi hiếp dâm đối với ba học sinh khác tại trường tiểu học. Ngoài ra còn nhiều vụ việc khác nhưng chưa được nạn nhân tố cáo.
Dư luận xã hội đặc vấn đề cho rằng vì sao vụ việc đến bây giờ những vị giáo viên đó mới bị phát hiện, tố cáo.
Thầy Đỗ Việt Khoa, từ Hà Nội chia sẻ với chúng tôi rằng vấn đề này có lẽ còn nhiều, có điều là nạn nhân hay phạm nhân có bị phát hiện và có chịu lên tiếng hay không thôi. Thầy đưa ra một dẫn chứng:
“Ngay tại trường của tôi vào khoảng năm 2005 cũng có một ông giáo viên xâm hại tình dục với học sinh lớp 11, ông ta nhốt học sinh đó vào phòng rồi thực hiện và em học sinh này cũng đã gửi đơn tố cáo nhiều nơi nhưng các cấp không trả lời, hiệu trưởng làm ngơ còn chủ nhiệm bảo không làm gì được người ta đâu.”
Tuy nhiên theo trình bày của nhà giáo Đỗ Việt Khoa thì khi học sinh vừa nêu gửi đơn cho ông; sau khi đọc xong ông phẩn nộ quá và quyết làm đến cùng. Chỉ 24 tiếng đồng hồ sau các cấp phải xử lý và đuổi vị giáo viên xâm hại học sinh ra khỏi trường.
Ông tỏ ra tiếc là vụ ở trường nội trú Thanh Sơn ở Phú Thọ sự việc diễn ra tới mức lâu nhưng tại sao người ta lại im lặng và không phản ánh gì cả để dẫn đến việc rất nhiều em bị xâm phạm như thế.
Nhà báo Nguyễn An Dân từ Sài Gòn trao đổi với Đài Á Châu Tự Do rằng những vụ việc như vậy ngày càng nhiều và nghiêm trọng, tuy nhiên nó là điều không đáng ngạc nhiên. Ông có lý giải:
“Tại vì môi trường trường học và nhất là nội trú thì trẻ em bị cách ly với gia đình nên ít được bảo vệ hơn đối với các trường cha mẹ thường xuyên quan tâm chăm sóc. Thứ hai là sự tiếp xúc về giới tính trong trường học nó cũng diễn ra hằng ngày mà hệ thống trường học nó không còn sự dân chủ, pháp luật VN thì áp dụng tùy tiện nên thành ra kết quả tất yếu là các vụ như thế nó sẽ xảy ra ngày càng nhiều thôi.”

Cơ chế dẫn đến môi trường bất an

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa còn lý giải do cơ cấu của Đảng chi phối toàn bộ mọi hoạt động trong nhà trường Việt Nam khiến hiệu trưởng trở nên như một vị Vua với toàn quyền sinh sát và hành xử theo cách riêng.
“Tóm lại chính quyền ở các cấp đã tạo ra những ông vua con tại các trường, ông vua này là hiệu trưởng, và các thầy cô lên lớp cũng tự cho mình có quyền sinh sát, có quyền cao hơn cả cha mẹ và nhiều khi không theo quy định pháp luật nào cả. Cũng lại lên lớp bắt nạt học sinh, do đó nó gây ra sự bất ổn cho học sinh từ trẻ em mầm non đã bị bạo hành cho đến đại học vẫn bị những áp bức đó.”
Thực tế đó khiến môi trường giáo dục không còn an toàn và học sinh là đối tượng rất dễ bị tổn thương.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương một nhà nghiên cứu xã hội học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ với chúng tôi rằng môi trường này đã tồn tại từ lâu nhưng đến bây giờ người ta mới có dấu hiệu nhận biết khi mà tình trạng đến lúc báo động.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. AFP
Bà trình bày: “Từ khi chuyển qua kinh tế thị trường, khi nền giáo dục đã chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo thành tích, chạy theo kinh doanh thu nhập của nhà trường thì những khía cạnh về đạo đức thì người ta không được chú ý nhiều nữa. Người ta chỉ chạy theo thành tích, điểm cao… Về mặt khía cạnh chừng mực xã hội thì người ta cũng bị khoản lấp đi trước những cái mặt lợi về kinh tế và nó tồn tại từ khá lâu rồi, cho nên bây giờ mới nói là đáng báo động thì không phải, tồn tại lâu bây giờ người ta mới có dấu hiệu nhận ra được là tình trạng đến lúc đáng báo động.”

Khó khăn giải quyết tận gốc

Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo, Ông Phùng Xuân Nhạ hôm 17/12 lên tiếng cho rằng vụ việc ở Phú Thọ là một bài học sâu sắc để đẩy mạnh việc phòng ngừa từ gốc cho học sinh. Nếu không phòng ngừa từ gốc thì đến một lúc nào đó sẽ có những vụ việc tương tự diễn ra.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khẳng định với chúng tôi rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề này là một điều vô cùng khó và bất khả thi. Ngoại trừ có một sư thay đổi rất lớn nào đó diễn ra.
“Ôi giời ôi vô cùng khó, khó như bắt thang lên trời luôn bởi vì một cơ chế quản lý một Đảng, một quyền hành như ở VN thì việc xử lý hoàn toàn tiêu cực là một việc cực kỳ khó và bất khả thi, có vô vàng tiêu cực đây này nó vẫn diễn ra trước mắt đấy nhưng ai làm, các cấp lãnh đạo không làm. Người ta nhận đơn của dân xong người ta vứt vào xó. Nói thẳng ra người dân chúng tôi thấy tương lai mờ mịt lắm, để giải quyết tiêu cực hầu như không tìm ra được lối nào, trừ khi có một sự thay đổi rất rất lớn nào đó mới có thể giải quyết được, còn không nó cứ sẽ lập đi lập lại mãi không hết được đâu.”
Đồng ý với quan điểm này, tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho biết “Để nói giải quyết thì rất là khó bởi vì nó đã tồn tại rất lâu cho nên rất khó và luật pháp thì nó cũng chưa hoàn thiện nữa nên nó vẫn tồn tại những hình thức như thế.”
Nhà báo Nguyễn An Dân nói rõ bộ máy nhà nước chưa xử lý được những vấn đề dân chủ trong Đảng thì nên mở rộng dân chủ ngoài Đảng để các vấn đề xã hội dân sự được phụ giúp Đảng giải quyết và hạn chế những sự việc như thế chứ không ngâm đến bây giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét