Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

8839 - Một cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Venezuela sẽ như thế nào?


Một cuộc tập trận quân sự của Venezuela ở bang Apure, tháng 4/2015. Ảnh: MARCO BELLO / REUTERS


Bình luận của Frank O. Mora, Giám đốc của Trung tâm Mỹ Latin và Caribbean, Giáo sư tại Khoa Chính trị & Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc tế Florida trên một bài báo đăng trên Tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), ngày 8/11/2017. Mặc dù bài báo đã được đăng hơn một năm trước đây, Luật Khoa cho rằng nó vẫn có giá trị tham khảo nên lược dịch hầu bạn đọc.
Liều lĩnh, tốn kém và tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng
Vào tháng 8/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng Mỹ đang xem xét sử dụng lực lượng quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Ý định của ông nhanh chóng bị các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Mỹ Latin và Caribe lên án là liều lĩnh và phản tác dụng. Tuy nhiên, có một số người, chủ yếu là trong cộng đồng lưu vong Venezuela, vẫn khăng khăng cho rằng một sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ để xóa bỏ chế độ độc tài của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro là thích đáng.
Chưa bao giờ, kể từ khi Hoa Kỳ xâm chiếm Panama vào năm 1989, lại có một tổng thống Hoa Kỳ đe dọa sử dụng vũ lực ở châu Mỹ, cho mục đích chính trị, và dù có lý do chính đáng. Hiện, Hoa Kỳ đã không còn bất cứ thách thức quân sự nào trong khu vực. Ngày nay, Lầu Năm Góc tập trung vào việc giúp các chính phủ Mỹ Latin triệt phá các mạng lưới buôn lậu ma túy, đối phó với phiến quân và ứng phó với các thảm họa thiên nhiên. Lầu Năm Góc không có ý định can thiệp quân sự trong khu vực, mặc dù  họ chắc chắn có đủ khả năng, nếu được yêu cầu làm như vậy.
Nếu quân đội được gửi đến để can thiệp vào Venezuela, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải giải quyết một vài câu hỏi chiến lược quan trọng. Đầu tiên, họ sẽ cần phải “nghĩ” ra được các mục đích chính trị cho sự can thiệp này. Khi các quốc gia tính đến việc sử dụng hoặc đe dọa lực lượng quân sự, mục đích của họ thường rất đơn giản và dễ đoán: muốn ép đối phương thay đổi chính sách, hay thậm chí là thay đổi chế độ. Trong trường hợp của Venezuela, điều đó có thể có nghĩa là gây áp lực bắt chính phủ Maduro, hoặc, phải tái lập lại nền pháp quyền và tham gia vào một cuộc đối thoại nghiêm túc với phe đối lập, hoặc, phải từ bỏ hoàn toàn quyền lực.
Vậy, câu hỏi là, liệu dùng vũ lực để đạt được những mục đích trên, thì có gây ảnh hưởng xấu đến những mục tiêu khác quan trọng hơn của Hoa Kỳ ở châu Mỹ, hoặc còn tệ hơn nữa, hay không? Câu trả lời ngắn gọn, là có.
Chiến sự ở Venezuela có thể nhanh chóng leo thang, kéo Hoa Kỳ sa lầy vào một cuộc chiếm đóng quân sự lâu dài và tốn kém. Ngay cả khi điều đó không xảy ra, can thiệp quân sự sẽ làm xấu đi quan hệ của Hoa Kỳ với các đối tác ở Tây bán cầu và làm suy giảm ảnh hưởng và uy tín của Washington tại nơi đây.
Tệ hơn, sử dụng vũ lực chống lại Venezuela sẽ làm xói mòn và suy yếu các cam kết khác của quân đội Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến tài chính khu vực, và làm các nhà đầu tư ồ ạt rút tài sản của họ khỏi những “thị phi”. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của nước Mỹ. Nhưng không chắc rằng Trump và những người ủng hộ can thiệp quân sự (vào Venezuela) hiểu được chi phí mà nước Mỹ phải đánh đổi này.
Tin tốt là Hoa Kỳ và các đối tác trong khu vực của họ vẫn còn các giải pháp ngoại giao. Giải pháp cho cuộc khủng hoảng Venezuela nằm chính trong lòng quốc gia đó – và Hoa Kỳ có thể giúp đỡ, mà không cần đến giải pháp quân sự.
Một chiếc trực thăng của quân đội Mỹ mang thực phẩm cứu trợ đến Rambala, Panama, tháng 12 năm 2008. Ảnh: ALBERTO LOWE / REUTERS
Đâm lao, Mỹ đã sẵn sàng theo lao?
Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ lực chống lại Venezuela theo ba cách: thông qua răn đe, không kích hoặc chiếm đóng. Mỗi cách đều có thể mở đường cho leo thang xung đột, và mỗi cách đều có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Xung đột hiếm khi diễn ra theo mong đợi của những chính trị gia đứng sau nó.
Biện pháp răn đe liên quan đến việc phô bày sức mạnh của mình buộc quốc gia bị răn đe phải khiếp sợ, từ đó thay đổi hành vi của quốc gia đó. Sự phô trương sức mạnh đó phải đáng tin cậy, phải có “số má”, và thuyết phục được mục tiêu, rằng nó sẽ bị trừng phạt nếu làm trái.
Đối với Venezuela, việc gửi một khu trục hạm Hoa Kỳ đến vùng biển phía nam Caribe là chưa “đủ đô”, vì có lẽ chính quyền Caracas  sẽ coi đó chỉ là hành động đe dọa mang tính hình thức đối với chế độ của họ. Để thuyết phục chính phủ Maduro đàm phán với phe đối lập Venezuela và khôi phục n ền pháp quyền, Washington có thể sẽ phải triển khai một lực lượng gồm một tàu sân bay và một hoặc hai tàu khu trục tới khu vực – có lẽ phải tương đương với hạm đội đã nã tên lửa vào sân bay của chính phủ Syria hồi tháng Tư.
Sau đó, một lần nữa, động thái này có thể không hiệu quả. Nếu động thái đe dọa không hiệu quả, thì, “đâm lao phải theo lao”, Washington sẽ phải hoàn thành vế sau của lời đe dọa (là trừng phạt), vì nếu không, “đế quốc” Mỹ sẽ chẳng khác gì một con hổ giấy. Bằng cách tấn công các căn cứ an ninh và trạm thông tin liên lạc quan trọng từ trên không, có lẽ bằng máy bay ném bom B-1, Hoa Kỳ có thể vô hiệu hóa khả năng đàn áp người dân và phương tiện liên lạc của chính phủ Maduro.
Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải tăng thêm nhân lực, trong các lĩnh vực từ tình báo đến hậu cần. Một trong những mục đích của các cuộc không kích này, có thể là để buộc chính phủ Maduro phải thay đổi hành động và đường lối của mình. Nhưng các cuộc không kích như vậy cũng có thể cổ súy và gây ra một cuộc đảo chính quân sự chống lại Maduro, dẫn đầu bởi các sĩ quan muốn ngăn chặn một sự can thiệp quân sự lớn hơn của Hoa Kỳ.
Các cuộc không kích sẽ gieo rắc hỗn loạn ở Venezuela, gây ra các cuộc đụng độ dữ dội và bạo lực giữa các phe nhóm trong lòng quốc gia và có thể dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước. Washington sau đó sẽ chỉ có một lựa chọn: một cuộc xâm lược toàn diện, nhằm thiết lập một chính phủ mới và tái khôi phục trật tự và sự ổn định.
Đánh bại những lực lượng trung thành với Maduro và lập lại trị an cho Venezuela sẽ cần đến một lực lượng khoảng 200.000 người – nhiều hơn 20.000 so với con số mà liên minh do Mỹ lãnh đạo đã gửi đến Iraq ngay sau khi xâm chiếm quốc gia này. Quân đội Mỹ sẽ phải ở lại Venezuela cho đến khi nền hòa bình, sự ổn định được lập lại và một chính phủ có đủ năng lực và tính chính danh được thành lập. Nếu Hoa Kỳ lật đổ chính phủ Venezuela, họ sẽ phải chịu trách nhiệm tái thiết một chính phủ khác, và điều đó có thể mất nhiều thời gian.
Và bởi vì biện pháp phô trương sức mạnh, xét đến cùng, có thể dẫn đến việc nước Mỹ phải chiếm đóng quân sự kéo dài nhiều năm trời, nên các quan chức Hoa Kỳ chỉ có thể xem xét đến đe dọa quân sự Venezuela, trừ khi họ đã sẵn sàng cho việc “đâm lao thì phải theo lao”. Nếu Washington tỏ ra e ngại việc leo thang quân sự, đồng minh và kẻ thù của Mỹ sẽ coi động thái này là dấu hiệu cho thấy: họ không nên tin tưởng và cũng không việc gì phải sợ Mỹ.
Cái giá phải trả cho việc can thiệp vào Venezuela
Thật khó để nói rõ, liệu sẽ có bao nhiêu sinh mạng và của cải bị tổn thất sau một cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Nhưng có đôi lúc, những con số không còn là điều quan trọng, đặc biệt là trong trường hợp, Hoa Kỳ xâm chiếm Venezuela và sau đó tìm cách tái thiết nó.
Nhưng điều này vẫn chưa phải là tất cả. Sử dụng vũ lực ở Venezuela sẽ chuyển hướng mối quan tâm và sức mạnh, nguồn lực của Hoa Kỳ khỏi các vấn đề an ninh còn cấp thiết và quan trọng hơn vấn đề Venezuela, đồng thời đặt một gánh nặng không cần thiết lên đôi vai vốn dĩ đã nặng trĩu của quân đội Mỹ.
Đúng là ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ có thể sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm tới, nhưng Lầu Năm Góc thì lại đang bận rộn ứng phó với các diễn biến ở nhiều khu vực, từ Iraq, Syria đến Tây Phi và Biển Đông. Khi một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên ngày càng đến gần, Lầu Năm Góc sẽ còn bận rộn hơn nữa. Nếu Bắc Triều Tiên hoặc Iran tin rằng Hoa Kỳ đang bị vướng chân ở Nam Mỹ, những nước này sẽ trở nên “liều lĩnh” và “bất trị” hơn, bằng việc xâm phạm đến lợi ích của Mỹ ở Đông Bắc Á và Trung Đông – điều mà bình thường họ không dám làm.
Hơn nữa, bằng cách phá vỡ ngành công nghiệp dầu lửa Venezuela, can thiệp quân sự của Hoa Kỳ sẽ làm tăng giá dầu toàn cầu và làm suy yếu chính phủ của các quốc gia vốn phụ thuộc vào năng lượng ở Châu Phi và Caribe.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ở Caracas, tháng 7 năm 2017. Ảnh: MARCO BELLO / REUTERS
Cuối cùng, can thiệp quân sự sẽ làm Mỹ phải trả giá đắt cho ảnh hưởng của mình tại Tây bán cầu. Colombia, Peru và một số quốc gia khác đã nhanh chóng lên án đề nghị của Trump, họ gọi giải pháp quân sự của ông Trump chỉ là một kế hoạch không thực tế.
Sử dụng vũ lực sẽ kích thích những phản ứng gay gắt và dữ dội, ngay cả từ phía các đồng minh thân cận nhất của Washington. Can thiệp quân sự sẽ làm các quốc gia trong khu vực nhớ lại quá khứ về một Hoa Kỳ chuyên “nhũng mũi” vào công việc nội bộ của các quốc gia trong khu vực, và Washington sẽ làm mất thiện chí của các quốc gia này. Họ sẽ đánh mất cơ hội hợp tác với các quốc gia này trong việc giải quyết những vấn đề “không của riêng ai” ở Tây bán cầu, từ việc chống tội phạm xuyên quốc gia đến việc liên hợp dùng chung cơ sở hạ tầng năng lượng ở Châu Mỹ.
Vẫn còn biện pháp tốt hơn can thiệp quân sự
Lịch sử đã chỉ ra rằng sự chuyển đổi dân chủ thành công thường phụ thuộc vào các lực lượng trong nước. Khôi phục nền dân chủ Venezuela, là sứ mệnh của công dân Venezuela. Các chính phủ nước ngoài có thể giúp đỡ, nhưng họ chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ. Tuy nhiên, cho đến nay, sự chia rẽ trong phe đối lập Venezuela đã làm suy yếu những nỗ lực của họ trong việc tận dụng sự hỗ trợ quốc tế cho công cuộc khôi phục chế độ dân chủ.
Còn có một vài biện pháp mà Hoa Kỳ có thể triển khai và thúc đẩy. Chẳng hạn, chính quyền Barack Obama và Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các quan chức Venezuela bị buộc tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Đây là nỗ lực của nước Mỹ nhằm gây chia rẽ chế độ Venezuela hòng khiến nó sụp đổ hoặc chí ít là khiến nó thay đổi hành vi. (Chính quyền Trump gần đây đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đó; nhưng cho đến nay, vẫn còn có rất ít hiệu quả.)
Nhưng một số ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Hoa Kỳ là phản tác dụng. Maduro có thể hô hào rằng các biện pháp này là bằng chứng cho thấy ý đồ gây hấn của Hoa Kỳ, ít nhất cũng có thể giúp ông ta tập hợp được một vài hỗ trợ từ các thế lực nước ngoài và từ những thế lực trung thành của ông ta ở trong nước.
Do đó, Mỹ nên hợp tác với các chính phủ châu Âu và Mỹ Latin để áp đặt các biện pháp trừng phạt đa phương đối với các quan chức chính phủ và các tổ chức trong Venezuela chống lưng cho chế độ Maduro, như Trung tâm Ngoại thương Quốc gia (National Center for Foreign Commerce), cơ quan chính phủ quản lý các sàn giao dịch tiền tệ, và Camimpeg, một công ty dịch vụ năng lượng được quân đội hậu thuẫn.
Khi các quốc gia này làm như vậy, họ nên tránh gây tổn hại cho người dân Venezuela, những người đang phải gánh chịu hậu quả của một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Các biện pháp trừng phạt đa phương sẽ cô lập và gây áp lực cho chế độ Maduro, và các chính phủ áp đặt chúng sẽ có tính chính danh để siết chặt chế độ Maduro hơn nữa, nếu họ muốn. Đây là biện pháp mà các nước láng giềng Hoa Kỳ ở Tây bán cầu có thể thừa nhận được – nhưng chỉ khi Washington bớt “lải nhải” về biện pháp can thiệp quân sự và cố gắng hơn để thuyết phục các nước láng giềng của Venezuela “cùng hội cùng thuyền” với mình.
Đề xuất của ông Trump rằng Mỹ có thể sử dụng vũ lực ở Venezuela có thể bị cho là bốc đồng. Các chính phủ và người dân ở châu Mỹ, và những châu lục khác nữa, sẽ chú ý khả năng gây phương hại của Washington.
Điều cuối cùng mà Hoa Kỳ cần chú ý bây giờ là một cuộc can thiệp quân sự sẽ làm phân tán lực lượng và gây xao nhãng quân đội Mỹ khỏi các mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều khác đối với an ninh đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét