Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

8842 - Donald Trump như một nhân vật lịch sử của thế giới



Những người Mỹ biểu tình thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Tổng Thống Donald Trump và ông Roger Stone, một người thân tín của Tổng Thống Trump, hôm 29 Tháng Giêng, 2019, tại Fort Lauderdale, Florida. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)


Theo thường lệ, khi một vị tổng thống Mỹ lên nắm quyền được hai năm, người ta bắt đầu lượng giá vị tổng thống này và dự phóng xem lịch sử sẽ nhìn người đó như thế nào. Trong một bài lượng định về ông Donald Trump, ký giả Nick Bryant có nhắc đến một cuộc thăm dò ý kiến 200 nhà chính trị học tại Mỹ về ông Trump, thì ông được đánh giá đứng thứ 44 trong số tất cả 44 ông tổng thống đến nay (Mỹ có 45 đời tổng thống nhưng chỉ có 44 ông vì ông Grover Cleveland làm tổng thống hai lần không liên tục).
Nhưng lúc gần đây, tôi đọc được một bài khá thích thú của ký giả Gideon Rachman của nhật báo Financial Times. Ông Rachman là một trong những nhà báo hiếm hoi có một tầm nhìn lịch sử không bị những sự kiện cấp thời ảnh hưởng quá mạnh.
Trong quá khứ, ông Rachman tập trung đến những chiều hướng thay đổi lớn, tỷ như sự suy thoái tiệm tiến của phương Tây và sự nổi lên của phương Đông (đặc biệt là Trung Quốc) trong hai mươi năm qua. Cuốn sách gần đây nhất của ông Đông Phương Hóa (Easternisation) là một cuốn sử đầy hấp dẫn về đề tài này.
Nhưng trong bài báo tôi đọc được, ông Rachman nói về ông Trump. Ông Rachman không phải là một ái mộ ông Trump. Tuy nhiên ông cho rằng vị tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ được ghi nhận như là một trong những cá nhân hiếm hoi đã làm thay đổi hướng đi của lịch sử và là đại biểu cho tinh thần của thời đại. Ông Rachman viết: “Ông Trump là kẻ nói láo mà chính quyền của ông đã lập ra một trại giam nhốt trẻ em. Ông Rex Tillerson, cựu ngoại trưởng của ông, được nói là đã gọi ông là một ‘thằng ngu’ (moron). Nhưng tất cả những điều đó không ngăn chặn ông Trump trở thành người mà triết gia Georg Hegel gọi là ‘một nhân vật lịch sử của thế giới.’”
Georg Wilhelm Friedrich Hegel là một triết gia Đức của thế kỷ thứ 19 thuộc trường phái lý tưởng với một quan điểm tiến hóa về lịch sử. Lý thuyết của ông rất phức tạp, nhưng có thể rút gọn lại thành tiến trình biện chứng (mà sau này Marx học trò ông đem phổ biến rộng rãi) bao gồm ba giai đoạn: chủ đề (thesis), phản đề (antithesis) và hợp đề (synthesis). Mệnh đề đầu tiên đưa ra là chủ đề; cái đối kháng với nó là phản đề và khi hai mệnh đề đối kháng này được dung nhập lại với nhau trở thành một mệnh đề mới, ta có một hợp đề.
Hegel coi lịch sử cũng tiến hóa qua một tiến trình như vậy. Theo Hegel, lịch sử là một tiến trình diễn biến đưa tới sự thể hiện thành hiện thật của lý tưởng lý trí (Idea of Reason) qua một loạt những biểu tượng tinh thấn của thời đại. Những biểu tượng này được thể hiện qua những hành động của các người hùng hay những nhân vật của lịch sử thế giới, những con người như Alexander Đại Đế hoặc Julius Caesar vốn thể hiện tinh thần của thời đại mình hơn tất cả mọi người khác.
Trong thời Hegel, người đó là Napoleon. Tuy rằng Hegel phải tản cư ra khỏi thành phố ông ở là Jena khi quân Pháp của Napoleon chiếm thành phố này vào năm 1806, nhưng điều này không làm cho ông mất đi lòng thán phục. Trong một bức thư gởi người bạn Friedrich Immanuel Niethammer, ông viết: “Tôi trông thấy hoàng đế – cái linh hồn của thế giới (Weltseele)… Quả thật là một cảm giác thần diệu thấy một cá nhân như vậy, tại đây, tập trung vào một điểm trên lưng ngựa và làm chủ thế giới.”
Nhưng ông Trump chắc chắn không phải là Caesar hay Napoleon rồi, vậy thì vì sao Rachman lại cho ông Trump cái vinh dự đó?
Ráchman dẫn lời Hegel trong cuốn “Lectures on the Philosophy of History”: “(Một nhân vật của lịch sử thế giới) không cần có nhận thức về cái ý tưởng mà được thể hiện qua ông ta. Ông ta chỉ nhìn thấy một ‘mục đích’ bất kể mọi thứ khác. Có thể rằng những người như vậy đối xử với những quan tâm vỹ đại khác, ngay cả linh thiêng một cách tồi tệ hoặc phi đạo đức. Và trong tiến trình đó có thể đạp nát nhiều bông hoa ngây thơ và nhiều vật quý trên con đường đi của mình.”
Thành ra theo Rachman, đối thủ của ông Trump, ông Emmanuel Macron với tác phong lịch sự, khuynh hướng toàn cầu hóa là biểu tượng cuối cùng của tinh thần đang giẫy chết của những thập niên 1990 và 2000 với các nhà chính trị trung tâm. Trong khi đó ông Trump và những nhóm dân túy cánh hữu tại Châu Âu là biểu tượng của một tinh thần mới. Và ông Trump với những hành động bốc đồng và liều lĩnh có thể phù hợp với mô tả của Hegel như là một cá nhân biểu tượng cho tinh thần của thời đại, tuy rằng ông ta “không có một ý thức nào về ý tưởng mà ông ta là thể hiện.”
Nhưng người hùng của Hegel không phải chỉ có thế. Hegel còn mô tả thêm rằng những “Nhân vật của lịch sử thế giới” – những người hùng của một thời đại phải là những người có viễn kiến, “các hành động của họ, lời nói của họ phải là những cái gì tốt nhất của thời đại… vì họ là những người hiểu rõ nhất tình hình, và qua họ mà những người khác học hỏi và đi theo hay ít nhất chấp nhận các đường lối chính sách của họ.”
Thành ra đối với số trên 60% dân Mỹ không ủng hộ Tổng Thống Trump có lẽ khó ai mà có thể tin rằng ông là người hiểu rõ vấn đề nhất và qua ông những người khác có thể học hỏi và đi theo.
Có lẽ điều tốt nhất mà ta có thể hy vọng cho ông Trump là một bước trung gian dẫn đến bước tới của lịch sử. Một khi ông Trump và những người theo ông cho chúng ta thấy chúng ta cần phải né tránh những gì, thì lúc đó người ta có thể nói đến chuyện tổng hợp hai khuynh hướng chính trị và đưa vào một giai đoạn mới vượt qua sự phân hóa giữa tả và hữu. Và đó có thể là di sản đáng quý nhất của ông Trump. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét