Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

8988 - Di dân bất hợp pháp ở Hoa Kỳ (2)


SỐ LƯỢNG VÀ ĐẶC TÍNH CỦA DI DÂN BẤT HỢP PHÁP Ở HOA KỲ

Trước khi ban hành luật IRCA 1986, có khoảng từ 3.5 triệu đến 5 triệu di dân bất hợp pháp ở Hoa Kỳ. Sau đợt hợp thức hoá do luật IRCA 1986, số di dân bất hợp pháp giảm còn dưới 2 triệu, nhưng đến đầu thập kỷ 1990s lại tăng lên hơn 3 triệu. Ước tính cho thấy sau 1990 có khoảng từ 200,000 đến 500,000 di dân bất hợp pháp vào Mỹ mỗi năm [26]. Dân số di dân bất hợp pháp lên đến mức cao nhất năm 2007 với 12.2 triệu người. Số liệu mới nhất cho thấy, số di dân bất hợp pháp năm 2016 là 10.7 triệu, giảm 13% so với năm 2007 [27].
Di dân bất hợp pháp đến Mỹ bằng nhiều cách. Đa số (60%-70%) di dân bất hợp pháp khi vào Mỹ thì hoàn toàn hợp pháp và có đầy đủ giấy tờ (sinh viên du học, khách du lịch, lao động thời vụ, v.v.) nhưng sau đó trở thành bất hợp pháp vì đã không chịu rời nước Mỹ khi chiếu khán nhập cảnh hết hạn. Chỉ có khoảng 30% đến 40% di dân bất hợp pháp đến Mỹ bằng cách vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp [28].
Khi nói đến di dân bất hợp pháp, người ta thường nghĩ đến di dân từ Mexico, nhưng thật sự, di dân bất hợp pháp đến từ Mexico chỉ chiếm một nửa số di dân bất hợp pháp. Ngoài ra, số di dân bất hợp pháp đến từ Mexico đã giảm từ 2007 trong khi di dân bất hợp pháp đến từ những nơi khác không giảm mà có khi tăng [29].
ttn-bang1.jpg
Bảng 1: Xuất Xứ Của Di Dân Bất Hợp Pháp Tại Hoa Kỳ. Nguồn: An Analysis of Unauthorized Immigrants in the United States by Country and Region of Birth [30]
Thật vây, di dân bất hợp pháp từ Trung Mỹ, Á Châu và Phi Châu được coi là gia tăng nhanh nhất kể từ 2000. Từ năm 2000 đến 2013, di dân bất hợp pháp đến từ Trung Mỹ và Á Châu tăng gấp ba, và đến từ Phi Châu tăng gấp hai [31]. Theo số liệu mới nhất, di dân bất hợp pháp từ Mexico chiếm 53%, Trung Mỹ (đa số từ El Salvador, Guatemala và Honduras) 14%, Asia 16% (trong đó China 3%), Nam Mỹ 6%, Phi Châu 3%, Âu châu, Canada và Đại Dương Châu (đa số là Úc và Tân Tây Lan) 5% [32].

Đa số di dân bất hợp pháp đã sống dài hạn ở Hoa Kỳ. Tính đến năm 2014, 50% di dân bất hợp pháp đã sống ở Hoa Kỳ trung bình 13.6 năm, và con số những người sống ở Hoa Kỳ trên 10 năm ngày càng gia tăng. Năm 2014 có 66% di dân bất hợp pháp đã sống ở Hoa Kỳ trên 10 năm (so với 40% năm 2005), trong khi chỉ có 14% di dân bất hợp pháp sống ở Hoa Kỳ dưới 5 năm (so với 31% năm 2005) [33].
Về tuổi tác, di dân bất hợp pháp có tỷ lệ người trong tuổi lao động cao hơn dân bản xứ (US born). Trong số di dân bất hợp pháp, những người từ độ tuổi 16 đến 55 chiếm 81%, trong khi người dưới 16 tuổi chỉ chiếm 7%, và người trên 55 chiếm 12% [34].
Di dân bất hợp pháp có trình độ học vấn thấp hơn người bản xứ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì đa số di dân bất hợp pháp đến Mỹ để tìm việc lao động chân tay. Trong số những người từ 25 tuổi trở lên, gần một nửa (47%) chưa tốt nghiệp trung học; 25% có bằng trung học hay tương đương; 13% có học đại học nhưng chưa tốt nghiệp 4 năm, và 15% có bằng đại học 4 năm hay cao hơn [35].
ttn-bang2.jpg
Bảng 2: Tuổi Tác và Học Lực Của Di Dân Bất Hợp Pháp Tại Hoa Kỳ. Nguồn: An Analysis of Unauthorized Immigrants in the United States by Country and Region of Birth [36].
Di dân bất hợp pháp tập trung đông nhất ở 6 tiểu bang: California (21%), kế đến là Texas (15%) Florida (8%), New York (7%), New Jersey (5%) và Illinois (4%) [37].
ẢNH HƯỞNG CỦA DI DÂN BẤT HỢP PHÁP ĐỐI VỚI KINH TẾ HOA KỲ
Hiện nay có khoảng 8 triệu di dân bất hợp pháp tham gia lao động, chiếm 5% lực lượng lao động ở Hoa Kỳ [38]. Họ thường làm các công việc không cần kỹ năng hay chỉ cần rất ít kỹ năng, nhưng họ có những ảnh hưởng nhất định đến kinh tế toàn quốc cũng như địa phương.
Đáp Ứng Tình Trạng Thiếu Hụt Lao Động Giản Đơn
Ở Hoa Kỳ, với tỷ lệ tốt nghiệp trung học ngày càng tăng, lao động bản xứ (native-born Americans) có học lực thấp ngày càng hiếm. Từ thập kỷ 1960s đến năm 2000, thành phần người Mỹ bản xứ trong tuổi lao động có học vấn thấp hơn lớp 12 đã giảm từ 52% xuống còn 12% [39]. Kết quả là nguồn lao động không cần kỹ năng từ người bản xứ bị giảm mạnh. Trong khi đó, lao động không cần kỹ năng thật sự là một phần thành quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ: họ làm các công việc trong xây dựng, sản xuất thực phẩm, lau chùi quét dọn, hay thu hoạch nông phẩm. Lao động bất hợp pháp, vốn có trình độ học vấn thấp, sẵn lòng làm các công việc trên cũng như lấp vào những chỗ thiếu nhân công trong hãng xưởng.
Nói chung, di dân bất hợp pháp có tỷ lệ tham gia lao động cao hơn người bản xứ. Một trong những lý do là vì đại đa số di dân bất hợp pháp ở trong độ tuổi lao động (80%). Ngoài ra, di dân bất hợp pháp trong tuổi lao động, nhất là thành phần nam giới, có tỷ lệ tham gia lao động cao hơn người bản xứ cùng lứa tuổi. Trên 90% nam giới di dân bất hợp pháp ở tuổi lao động có làm việc so với 79% nam giới người bản xứ cùng lứa tuổi, trong khi 61% nữ giới di dân bất hợp pháp ở tuổi lao động có làm việc làm so với 72% phụ nữ bản xứ cùng lứa tuổi [40].
Do tình trạng pháp lý và vì học vấn thấp,di dân bất hợp pháp thường làm các công việc chỉ cần kỹ năng thấp (low-skilled jobs) hay công việc không cần kỹ năng. Ngoài ra, tình trạng bất hợp pháp của họ cũng giới hạn cơ hội nghề nghiệp. Hơn quá nửa (56%) lao động bất hợp pháp tập trung trong lãnh vực dịch vụ (service), giải trí và khách sạn (leasure and hospitality), cũng như xây dựng (construction) trong khi chỉ có 31% lao động bản xứ làm việc trong các lãnh vực này. [41].
Lao động bất hợp pháp chiếm một phần quan trọng ở một số bộ phận trong các kỹ nghệ chính ở Hoa Kỳ. Họ chiếm gần một phần tư (24%) tổng số công nhân cắt cỏ và chăm sóc cây cảnh (mowing and landscaping), gần một phần tư (23%) công nhân làm việc trong các tư gia, 20% công nhân sản xuất nông phẩm (crop production), 20% công nhân trong ngành may mặc và trang sức (apparel manufacturing), 19% công nhân trong lãnh vực lau chùi và giặt ủi (cleaning and laundry), và 19% công nhân bảo trì các toà nhà (building maintenance)[42].
Lao đông bất hợp pháp cũng thường tập trung trong một số công việc nhất định. Thí dụ, họ chiếm một phần ba tổng số thợ lắp tường nhà (drywall installers), gần một phần ba (30%) công nhân ở các nông trại, hơn một phần tư (27%) lao động lợp mái nhà (roofers), một phần tư những người giúp việc nhà và thợ sơn, cũng như gần một phần tư thợ xây nhà (masons) và thợ lót thảm hay làm sàn nhà (carpet and floor installers)[43].
Theo quan điểm kinh tế, đem di dân đến các ngành nghề đang thiếu hụt lao động sẽ đưa đến sự gia tăng về lợi tức của Mỹ, bất kể kỹ năng cao hay thấp của di dân [44]. Trong trường hợp của Hoa Kỳ hiện nay, có nhiều lý do khiến lao động bất hợp pháp đáp ứng nhu cầu lao động hữu hiệu hơn lao động di dân hợp pháp. Hàng năm, Hoa Kỳ cấp môt số chiếu khán nhập cảnh cho lao động kỹ thuật cao (H-1B Visa), cũng như lao động đơn giản thời vụ trong các nông trại (H-2A Visa), cho ngành xây dựng, du lịch hay các hoạt động ngoài nông nghiệp (H-2B Visa). Tuy nhiên, thủ tục hành chánh trong việc xin phép tuyển dụng lao động tạm thời, các giới hạn về ngành nghề, cũng như thời gian dài chờ đợi để được nhận chiếu khán nhập cảnh thường không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về lao động thời vụ trong xây dựng hay nông nghiệp, hay những thay đổi về nhu cầu lao động do các biến động kinh tế gây ra. Thực tế là chiếu khán nhập cảnh cho lao động thời vụ ở Mỹ thường đến sau nhu cầu gia tăng lao động khoảng hai hay ba năm [45]. Lao động bất hợp pháp, vì không phải tuân theo các thủ tục hành chánh, đáp ứng được nhu cầu lao động của các chủ nhân nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, các điều kiện áp dụng cho lao động thời vụ khiến lao động di dân chính thức không thể thay đổi công việc một cách dễ dàng trong thời hạn chiếu khán. Họ thường phải làm việc cho chủ nhân đã bảo lãnh họ, mặc dầu người chủ nhân này, vì nhiều lý do, có thể không cần lao động nữa. Trong khi đó, lao động bất hợp pháp không có giao kèo (contract) qui định điều kiện làm việc, mà chỉ có giao ước theo ý muốn của chủ nhân và công nhân. Việc sàng lọc lao động cũng được thực hiện một cách không chính thức. Lao động bất hợp pháp giúp bạn bè và người thân có việc làm ở Mỹ bằng cách thề thốt về phẩm chất của họ. Lao động bất hợp pháp đắp vào những nơi thiếu công nhân bản xứ khi kinh tế bùng nổ, chuyển từ chủ nhân này qua chủ nhân khác cũng như di chuyển đến các vùng khác nhau trong nước Mỹ tùy theo các thay đổi về nhu cầu lao động ở địa phương. Tính không chính thức và linh động tạo ra sự hấp dẫn của lao động bất hợp pháp đối với giới chủ nhân [46].
Ảnh Hưởng Đến Thu Nhập Của Lao Động Bản Xứ
Sự hiện diện của lao động bất hợp pháp đã làm nảy sinh nhiều lo ngại rằng lao động bất hợp pháp tạo sức ép làm hạ thấp lương bổng ở thị trường lao động Hoa Kỳ. Tuy nhiên lao động bất hợp pháp không luôn luôn có ảnh hưởng tiêu cực trên mức thu nhập của lao động bản xứ.
Theo một số nhà kinh tế học chuyên về lãnh vực lao động, lao động bất hợp pháp hạ thấp lương của người Mỹ bản xứ có học vấn thấp, tức là những người có cạnh tranh lao động với di dân bất hợp pháp, từ 0.4% tới 7.4% [47].
Trong khi đó ảnh hưởng của lao động bất hợp pháp lên thu nhập của các thành phần kinh tế khác lại có chiều hướng tích cực. Mức lương thấp trả cho lao động không có kỹ năng làm hạ giá thành hàng hoá và dịch vụ cần nhiều lao động chân tay. Nghiên cứu cho thấy trong hai thập kỷ 1980s và 1990s, giá cả đã giảm xuống cho các dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, giữ trẻ, giặt ủi cũng như các dịch vụ cần nhiều lao động chân tay tại các thành phố ở Mỹ có nhiều di dân không có kỹ năng hay kỹ năng thấp. Giá cả hàng hóa và dịch vụ thấp có nghĩa là thu nhập (incomes) có giá trị cao hơn, và hiệu quả tích cực này được thấy rõ nhất ở những nơi có đông di dân [48]. Nghiên cứu ở California, nơi có số lượng di dân cao nhất nước Mỹ, cũng cho thấy lao động bất hợp pháp không kỹ năng ở Hoa Kỳ đã không tạo ra tình trạng thất nghiệp nơi những người bản xứ cùng trình độ. Nhiều người trong số này, do có nhiều cơ hội tự cải thiện hơn lao động bất hợp pháp, đã đi ra khỏi lãnh vực lao động không kỹ năng để tránh cạnh tranh và chuyển sang loại lao động có kỹ năng với thu nhập cao hơn [49].
Ngoài ra, lao động bất hợp pháp lại còn hỗ trợ cho lao động có kỹ năng đế gia tăng sản xuất. Ông tổ của kinh tế tư bản Adam Smith từng lý luận trong tác phẩm “Wealth of Nations” rằng các nền kinh tế sẽ phát triển tốt nhất khi công nhân được chuyên môn hoá và phân công lao động với nhau. Lao động bất hợp pháp làm các công việc lao động chân tay nặng nhọc, dọn dẹp và làm vệ sinh trong xây dựng hay nơi hãng xưởng để các lao động có kỹ năng chuyên chú vào chuyên môn giúp gia tăng sản xuất [50]. Trong vòng gần 20 năm (từ 1990 đến 2007), những công việc hỗ trợ của lao động bất hợp pháp giúp gia tăng lương của lao động hợp pháp lên 10% [51]
ẢNH HƯỞNG CỦA DI DÂN BẤT HỢP PHÁP ĐẾN KHU VỰC CÔNG
Sống ở Hoa Kỳ, di dân bất hợp pháp có ít nhiều ảnh hưởng đến khu vực công do xử dụng các tiện ích công cộng (đường xá, cầu cống, trường học cho con em, bệnh viện, cũng như sự bảo vệ an ninh trật tự của cảnh sát). Di dân bất hợp pháp cũng ảnh hưởng đến ngân sách của chính phủ qua việc đóng thuế. Theo Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office), từ 50% đến 75% di dân bất hợp pháp có đóng thuế liên bang, tiểu bang và địa phương [52]. Tuy nhiên có sự khác biệt trong ảnh hưởng của di dân bất hợp pháp lên khu vực công ở ba cấp liên bang, tiểu bang, và địa phương.
Ảnh Hưởng Đến Ngân Sách Liên Bang
Ngân sách liên bang hầu như được lợi từ di dân bất hợp pháp vì những người này đóng góp nhiều vào ngân sách liên bang nhưng nhận được rất ít phúc lợi do liên bang quản lý. Cơ Quan Thuế Vụ Hoa Kỳ (Internal Revenue Service, IRS) ước tính hàng năm có khoảng 6 triệu di dân bất hợp pháp đóng thuế [53]. Mặc dù không có số xã hội (social security number, vốn cũng dùng làm căn cước về thuế hay tax identification), nhiều lao động bất hợp pháp khai và đóng thuế bằng cách xử dụng “Số Căn Cước Cá Nhân Của Người Đóng Thuế” (Individual Taxpayer Identification Number, ITIN). Nhận định rằng có nhiều người làm việc ở Mỹ nhưng không có giấy tờ hợp lệ, IRS thành lập ITIN vào năm 1995 để những người này có thể khai và đóng thuế trên các khoản thu nhập của họ (IRS không chia sẻ thông tin về người xử dụng ITIN với cơ quan di trú) [54]. Những người xin và xử dụng ITIN để đóng thuế hy vọng rằng một ngày nào đó nếu có chương trình hợp thứ hoá di dân (như đã xảy ra vào năm 1986) thì họ đã có “hồ sơ” (record) chính thức về việc làm và đóng thuế ở Mỹ. Trong năm 2015, hơn 4 triệu người xử dụng ITIN đã đóng 23 tỷ mỹ kim thuế, trong đó có gần 6 tỷ mỹ kim là thuế từ tiền lương (payroll tax) và thuế bảo hiểm y tế (medicare tax) [55].
Nhiều lao động bất hợp pháp không xử dụng ITIN nhưng vẫn đóng thuế. Để thỏa mãn đòi hỏi về số xã hội khi đi xin việc, nhiều di dân bất hợp pháp xử dụng số xã hội giả, và chủ nhân các cơ sở nơi họ làm việc dùng những số xã hội giả này để giữ lại phần thuế từ tiền lương và nộp cho liên bang và tiểu bang (ở những tiểu bang có thu thuế lợi tức cá nhân). Cơ Quan Quản Lý An Sinh Xã Hội (Social Security Administration, SSA) ước tính khoảng gần 2 triệu di dân bất hợp pháp làm việc và xử dụng số xã hội không khớp với tên của họ [56].
Mặc dù đóng góp hằng năm nhiều tỷ tiền thuế cho liên bang, hầu hết di dân bất hợp pháp, do tình trạng pháp lý của họ, không được nhận lợi ích do chính quyền liên bang cung cấp qua các chương trình an sinh xã hội (social security), bảo hiểm y tế (Medicare, trừ trường hợp cấp cứu), trợ cấp thực phẩm (food stamps), và trợ cấp tạm thời cho các gia đình khó khăn (Temporary Assistance for Needy Families). SAA ước tính trong năm 2010, Quỹ An Sinh Xã Hội (Social Security Trust Fund) thu được 13 tỷ mỹ kim thuế an sinh xã hội đóng góp từ tiền lương của di dân bất hợp pháp, nhưng chỉ chi ra có 1 tỷ mỹ kim cho một số di dân bất hợp pháp trên 62 tuổi. Trong nhiều năm, ước tính là lao động bất hợp pháp đã đóng góp tới 300 tỷ mỹ kim vào Quỹ An Sinh Xã Hội, khoảng 10 phần trăm của quỹ này [57]. Số tiền thặng dư tất nhiên được dùng để hỗ trợ cho người Mỹ cao niên bản xứ hay di dân hợp pháp.
Ảnh Hưởng Đến Ngân Sách Tiểu Bang và Địa Phương
Thu nhập của di dân bất hợp pháp và tiền thuế họ đóng cũng như các dịch vụ và tiện ích họ nhận được cũng ảnh hưởng đến ngân sách tiểu bang và địa phương. Phần lớn nguồn thu của tiểu bang đến từ thuế tiêu thụ (sale tax), thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức cá nhân (chỉ có ở một số tiểu bang). Nguồn thu của địa phương phần lớn đến từ thuế bất động sản (property tax) và thuế tiêu thụ [58].
Theo báo cáo năm 2017 của Institute of Taxtion and Economic Policy, di dân bất hợp pháp một năm đóng gần 12 tỷ mỹ kim tiền thuế các loại cho ngân sách tiểu bang và địa phương (tính trung bình khoảng 8% thu nhập cá nhân) [59]. Tuy nhiên, phần đóng góp của di dân bất hợp pháp không bù lại được các khoản chi cho họ từ tiểu bang và địa phương vì đóng góp của họ tương đối ít (chi tiêu ít, nhà ở giá trị thấp) hơn dân bản xứ và các nhóm di dân hợp pháp do họ có mức thu nhập thấp [60]. Một nghiên cứu vào cuối thập niên 1990s cho thấy di dân bất hợp pháp ở tiểu bang New York đóng khoảng 15% tiền lương cho thuế liên bang, tiểu bang và địa phương trong khi các nhóm di dân khác đóng khoảng 21% đến 31% tiền lương của họ [61].
Trong khi đó, tiểu bang phải gánh chịu, mà ít có cách né tránh, các chi phí nảy sinh từ việc cung cấp các dịch vụ tiện ích cho di dân bất hợp pháp, trong đó có giáo dục và y tế. Vì giáo dục được coi là một nhân quyền ở Mỹ, các trẻ em di dân bất hợp pháp đều được theo học ở các trường phổ thông công lập. Ngoài ra, nhiều trẻ em và thiếu niên (và cả thanh niên) trong các gia đình di dân bất hợp pháp do được sinh ra ở Mỹ nên là công dân Mỹ và đương nhiên được hưởng nền giáo dục công lập, kể cả đại học.
Những gia đình đình di dân bất hợp pháp thường không có bảo hiểm y tế. Do đó, hầu hết di dân bất hợp pháp dựa vào các phòng cấp cứu hay bệnh viện công để điều trị các bệnh thông thường hay để giải quyết các vấn đề sức khoẻ của họ [62]. Ước tính chi phí y tế cho di dân bất hợp pháp vào khoảng từ 6 tỷ tới 10 tỷ mỹ kim mỗi năm. Tuy nhiên con số này chỉ chiếm 1.5% tổng số chi phí y tế cho toàn quốc [63].
Di dân bất hợp pháp làm gia tăng dân số tiểu bang và địa phương. Do đó, hai cấp chính quyền địa phương phải gia tăng chi phí bảo vệ an ninh trật tự (cảnh sát, cứu hỏa) cũng như các dịch vụ đường xá và cầu cống.
Tính chung, dù các tiểu bang và địa phương phải gánh chịu các chi phí nảy sinh do sự có mặt của di dân bấp hợp pháp, các chi phí này chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chưa tới 5% tổng số chi phí cho các dịch vụ nói trên. Tại một vài địa phương ở California, nơi có số di dân bất hợp pháp cao nhất Hoa Kỳ, các chi phí cho di dân bất hợp pháp có cao hơn, nhưng vẫn dưới 10% tổng số chi phí cho toàn địa phương [64].
Chú thích
[26] Gordon H. Hanson, The Economic of Illegal Immigration (Washington, D.C.:, Brooking Institute, Council on Foreign Relation, 2007).
[27] 5 facts about illegal immigration in the US: http://www.pewresearch.org/fact-tank/2018/11/28/5-facts-about-illegal-immigration-in-the-u-s/
[28] Michael Fix and Jeffrey S. Passe, Immigration and Immigrants: Setting the Record Straight (Washington, D.C: The Urban Institute, 1994); Most Immigrants Who Enter the Country Do So Legally: https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2018/06/25/most-immigrants-who-enter-the-country-do-so-legally-federal-data-show/?utm_term=.4b76298aa44e
[29] Xem chú thích [27]
[30] Profile of the Unauthorized population: United States: https://www.migrationpolicy.org/data/unauthorized-immigrant-population/state/US
[31] M. R. Rosenblum and A. G. Ruiz Soto. An Analysis of Unauthorized immigrants in the US by Country and Region of Birth. Migration Policy Institute: https://www.migrationpolicy.org/research/analysis-unauthorized-immigrants-united-states-country-and-region-birth
[32] Xem chú thích [30]
[33] Overall Number of U.S. Unauthorized Immigrants Holds Steady Since 2009: http://www.pewhispanic.org/2016/09/20/overall-number-of-u-s-unauthorized-immigrants-holds-steady-since-2009/#recent-arrivals-a-smaller-share-of-u-s-unauthorized-immigrants
[34] Xem chú thích [30]
[35] Xem chú thích [30]
[36] Xem chú thích [30]
[37] U.S. unauthorized immigration population estimates: http://www.pewhispanic.org/interactives/unauthorized-immigrants/
[38] Testimony of Jeffrey S. Passel – Unauthorized Immigrant Population: National and State Trends, Industries and Occupations: http://www.pewhispanic.org/2015/03/26/testimony-of-jeffrey-s-passel-unauthorized-immigrant-population/
[39] Gordon H. Hanson, The Economic of Illegal Immigration. (Washington, D. C., Brooking Institute, Council on Foreign Relation, 2007).
[40] Xem chú thích [38]
[41] Xem chú thích [38]
[42] Xem chú thích [38]
[43] Xem chú thích [38]
[44] Xem chú thích [39]
[45] Xem chú thích [39]
[46] Xem chú thích [39]
[47] Do Illegal Immigrants Actually Hurt the U.S. Economy?: https://www.nytimes.com/2013/02/17/magazine/do-illegal-immigrants-actually-hurt-the-us-economy.html
[48] Xem chú thích [39]
[49] Giovanni Peri, Immigrants’ Complementaries and Native Wages: Evidence from California. Working paper # 12956. National Bureau of Economic Research: https://www.nber.org/papers/w12956.pdf
[50] Giovanni Peri and Chad Sparber, Task Specialization, Comparative Advantages, and the Effects of Immigration on Wages. Working paper # 13389. National Bureau of Economic Research: https://www.nber.org/papers/w13389.pdf
[51] Xem chú thích [47]
[52] The Impact of Unauthorized Immigrants on the Budgets of State and Local Governments: https://www.cbo.gov/sites/default/files/110th-congress-2007-2008/reports/12-6-immigration.pdf
[53] Paula N. Singer and Linda Dodd-Major, Identification Numbers and U.S. Government Compliance Initiatives. Tax Notes, vol. 104 (2004).
[54] Taxpayer Identification Numbers (TIN): https://www.irs.gov/individuals/international-taxpayers/taxpayer-identification-numbers-tin
[55] Individual Taxpayer Ientification Nnumbers (ITINs): IRS Processes Create Barriers to Filing and Paying for Taxpayers Who Cannot Obtain Social Security Numbers: http://taxpayeradvocate.irs.gov/Media/Default/Documents/2015ARC/ARC15_Volume1_MSP_18_ITIN.pdf
[56] Effects of Unauthorized Immigration on the Actuarial Status of the Social Security Trust Funds. Social Security Administration, Acturial Note Number 151: https://www.ssa.gov/oact/NOTES/pdf_notes/note151.pdf
[57] Xem chú thích [47]
[58] Xem chú thích [52]
[59]. Undocumented Immigrants’ State & Local Tax Contributions: https://itep.org/immigration/
[60] Xem chú thích [52]
[61] Jeffrey S. Passel and Rebecca L. Clark, Immigrants in New York: Their Legal Status, Incomes, and Taxes (Washington, D.C.: Urban Institute, 1998).
[62] Xem chú thích [52]
[63] Dana P. Goldman, James P. Smith, & Neeraj Sood, Immigrants and the cost of medical care. Health Affairs, vol. 25, 2006; Susan Okie, “Immigrants and health care: At the intersection of two broken systems. The New England Journal of Medicine, vol. 357(6), 2007.
[64] Xem chú thích [52]

1 nhận xét: