Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

9208 - Venezuela, một nền kinh tế tan hoang


Venezuela, một nền kinh tế tan hoang
Bên ngoài trụ sở tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA tại Caracas (ảnh chụp 11/2017)REUTERS/Marco Bello

Là một trong những nền kinh tế trù phú nhất, được thiên nhiên ưu đãi nhất tại châu Mỹ Latinh, nay Venezuela cần gấp 60 tỷ đô la để hồi sinh. Nợ nước ngoài tương đương với 5 năm tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela. Ngành dầu khí, hầu bao duy nhất nuôi sống 32 triệu dân thoi thóp : 1/3 sản xuất là để nộp cho hai chủ nợ chính là Trung Quốc và Nga.

Bất luận những chuyển biến chính trị ở Venezuela đi về đâu, quyền lực thuộc về tổng thống Maduro hay lãnh đạo đối lập, tổng thống tự phong Guaido, điều cấp thiết nhất đối với Caracas làm sống lại cỗ máy sản xuất, vực dậy con gà đẻ trứng vàng là nền công nghiệp dầu khí, chấm dứt nạn lạm phát "1,3 triệu phần trăm", đưa được đất nước trở về với thời kỳ như của năm 2013 khi Nicolas Maduro lên nắm quyền.
Không phải đối mặt với chiến tranh, nhưng vào đầu năm 2019 khi đề cập đến Venezuela, báo giới nói đến một "nền kinh tế bị tàn phá", đến một công cuộc "tái thiết" đòi hỏi "nhiều thời gian và nghị lực". Theo báo cáo gần đây nhất của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, từ năm 2013 đến 2018, 50 % GDP của Venezuela tan thành mây khói. Doanh nghiệp cạn vốn hoạt động. Lạm phát tăng đến nỗi, lương tối thiểu hàng tháng không đủ mua một ký thịt nguội.
10 % dân số đã bỏ ra nước ngoài để kiếm sống và theo dự phóng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, đến cuối năm 2019, hơn 5 triệu dân Venezuela sống lưu vong, chủ yếu là tại các nước láng giềng lân cận như Colombia hay Peru, kế tới là Equador, Achentina và Brazil.
Quay lại với kinh tế thị trường
Mới chỉ năm 2013 khi người hùng Hugo Chavez qua đời, Venezuela còn là một đất nước thịnh vượng. Caracas có thể tự hào đã xóa nạn mù chữ trong hai năm đầu nhiệm kỳ - một thời gian ngắn kỷ lục - và cải thiện đời sống cho dân nghèo. Những thành tích đó có được nhờ lãnh đạo cánh tả Venezuela Chavez, khi lên cầm quyền năm 1999, đã dành đến 43 % toàn bộ ngân sách Nhà nước để phát triển xã hội. Venezuela từng làm dấy lên hy vọng xây dựng một "Mô hình xã hội chủ nghĩa" cho thế kỳ 21.
Nhưng cũng trong một thời gian "ngắn kỷ lục không kém", Venezuela rơi xuống vực sâu : Tháng 1/2019 hơn 30 % trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dịnh dưỡng ; khoảng 2 triệu dân Venezuela đang đợi được chăm sóc y tế. Theo Ngân Hàng Thế Giới, hiện tại "90 % dân Venezuela sống trong cảnh nghèo khó".
Giới hoạt động nhân đạo đồng thanh cho rằng "Venezuela đang cần gấp một chương trình nhân đạo ở quy mô lớn". Nhưng nhìn xa hơn, chuyên gia Douglas Barrios, thuộc Trung Tâm Phát Triển Quốc Tế trường đại học Mỹ Harvard (CID Harvard) ghi nhận, ngoài những khoản viện trợ về thuốc men và lương thực, đất nước này cần "xây dựng lại toàn bộ guồng máy sản xuất, và tái lập lại cơ chế kinh tế thị trường".
Douglas Barrios nhắc lại hai đời tổng thống Maduro và Chavez đã tịch thu đất đai, tài sản và phương tiện sản xuất, áp đặt một hệ thống giá cả khiến các doanh nghiệp Venezuela ngưng đầu tư, thậm chí là "chạy vốn" ra nước ngoài. Hệ quả kèm theo là toàn bộ khu vực sản xuất của Venezuela bị "phá sản".
Công nghiệp dầu hỏa xuống cấp, dự trữ ngoại tệ bốc hơi
Nhìn đến hiện tượng lạm phát ngựa phi, từ 2016 người dân Venezuela đã mệt mỏi vì đồng lương không đủ sống, chính phủ tăng lương nhưng vẫn không bắt kịp thời giá trên thị trường.
Tháng 11/2017 công ty thẩm định tài chính Mỹ, Standard&Poor's coi Venezuela là một "quốc gia bị phá sản bán phần"
Venezuela hiện giữ một kỷ lục đáng buồn của châu Mỹ Latinh : tháng 8/2018 lạm phát tăng 800 lần so với một năm trước. Nicolas Maduro biết rằng lo lắng về cơm áo gạo tiền của muôn dân đe dọa trực tiếp đến chiếc ghế tổng thống của ông nên đã cho phá giá 95 % đồng tiền quốc gia, tăng lương tối thiểu lên gấp 35 cho người dân. Nhưng vô phương : lương tháng tăng 35 lần, còn vật giá tăng gấp 800 lần ! Sức mua có được từ lương tháng tối thiểu ở Venezuela giờ đây chỉ còn bằng 1/5 so với đúng 7 năm về trước.
Hiện tượng lạm phát ngựa phi đó bắt nguồn từ chỗ Venezuela đã đánh mất 70 % dự trữ ngoại tệ so với đỉnh điểm hồi năm 2009.
Dự trữ ngoại tệ của Venezuela có được nhờ vào một nguồn duy nhất là dầu hỏa : vàng đen bảo đảm 76 % ngân sách quốc gia, đem về đến 95 % dự trữ ngoại tệ cho cả nước. Trong khi đó, Venezuela lệ thuộc vào nông phẩm và hầu hết hàng tiêu dùng của nước ngoài.
Ngay cả con gà đẻ trứng vàng là ngành dầu hỏa đã gần như bị bóp chết. Hai chỉ số nói lên hiện tượng này : Năm 1998 trước khi Hugo Chavez lên cầm quyền Venezuela sản xuất mỗi ngày 3 triệu thùng dầu. Đến tháng 5/2018 khả năng sản xuất đã rơi xuống còn 1,3 triệu thùng/ngày. Hồi ông Nicolas Maduro lên kế nhiệm tổng thống Chavez năm 2013 trên toàn quốc có 89 giếng dầu hoạt động, nay Venezuela chỉ còn khai thác dầu từ 39 giếng.
Là một quốc gia có khoản dự trữ dầu lớn nhất thế giới, cao hơn cả so với mỏ dầu của thế giới là Ả Rập Xê Út, công nghiệp khai thác dầu Venezuela tuột dốc không phanh. Thảm kịch đang diễn ra với tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA là một điển hình.
Ba mươi năm trước PDVSA là một trong số 5 tập đoàn dầu khí nặng ký nhất trên thế giới. Năm 2008, cơ quan tư vấn dầu hỏa Petroleum Intelligence Weekly trụ sở tại New York, thậm chí còn xếp công ty dầu khí quốc gia này của Venezuela trước cả những Shell hay Chevron. Nhưng PDVSA đang "rơi xuống địa ngục" : sau ba lần xin gia hạn cuối cùng ngày 16/11/2018 PDVSA đành phải tạm "quịt"chủ nợ là công ty hóa dầu ISDA.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela gần như khánh tận, bởi như phân tích của giới trong ngành tại Pháp, "trong một chục năm vừa qua, PDVSA đã trở thành ngân hàng của chế độ", nắm giữ đến 1/3 nợ công của Venezuela. PDVSA không còn khả năng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Kinh tế gia José Toro Hardy giảng dậy tại đại học Caracas đánh giá để sản xuất thêm được 400.000 thùng dầu mỗi ngày trong một năm sắp tới, Venezuela cần đi vay thêm để đổ vào PDVSA 30 tỷ đô la.
Nga và Trung Quốc, hai chủ nợ của Venezuela
Vấn đề đặt ra là nợ công của Venezuela hiện tại đã "tương đương với 5 lần tổng kim ngạch xuất khẩu" của nước này. Lượng dầu ít ỏi sản xuất ra mỗi ngày, giao động từ khoảng 1,1 đến 1,3 triệu thùng. Hơn một phần ba trong số đó là để thanh toán cho hai chủ nợ là Nga và Trung Quốc và kế tới là để cung cấp cho thị trường Mỹ.
Theo báo chí Matxcơva, từ 2005 Venezuela mua vào 11 tỷ đô la vũ khí của Nga. Đồng thời, qua trung gian tập đoàn dầu khí Rosneft mà tổng giám đốc là một mối thâm giao với Vladimir Putin, nước Nga cũng đã đầu tư nhiều vào ngành dầu khí của Venezuela. Gần đây nhất hồi tháng 12/2018 khi ông Maduro công du nước Nga, điện Kremlin còn hứa hẹn "rót" cho Caracas thêm 6 tỷ đô la để đổi lấy dầu hỏa và khoáng sản.
Trả lời hãng tin AFP Pháp, giáo sư Nicolai Petrov, trường Cao Đẳng Kinh Tế Matxcơva cho rằng trong trường hợp tổng thống tự phong Juan Guaido giành được chính quyền, Nga có nguy cơ mất đi một số lợi thế vốn có từ thời Hugo Chavez. Dmitri Rozental chuyên nghiên cứu về Venezuela của học viện khoa học Matxcơva không vòng vo : "nếu Maduro sụp đổ, rủi ro đầu tư của Nga tại Venezuela bị đe dọa càng cao".
Trả lời ban Hoa Ngữ đài RFI, chuyên gia Eduardo Rios Ludena chuyên gia về châu Mỹ Latinh, CERI Sciences Po Paris không chia sẻ quan điểm này và cho rằng, đối lập Venezuela bắt buộc phải tiếp tục đối thoại với Nga và nhất là chủ nợ số 1 của mình là Trung Quốc :
"Liên minh Trung Quốc-Nga-Venezuela cơ bản là về phương diện thương mại. Chúng ta biết rằng, Venezuela chủ yếu xuất khẩu dầu hỏa, nhưng đây không là nguồn tài nguyên duy nhất của Venezuela, do vậy Trung Quốc đã đầu tư từ 80 đến 90 tỷ đô la vào quốc gia châu Mỹ Latinh này, chủ yếu là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đổi lại, Bắc Kinh đòi Caracas thanh toán bằng dầu hỏa và cho đến bây giờ thì Venezuela chưa trả xong món nợ đó. Mặt khác, Mỹ là thị trường lớn nhất mua dầu hỏa Venezuela.
Trong cả hai trường hợp dù là với Hoa Kỳ hay Trung Quốc, Venezuela đều bắt buộc phải nâng mức cung cấp cho hai khách hàng này. Hơn nữa, hai thị trường tiêu thụ dầu tiềm năng nhất trên thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, thành thử dù là chế độ nào đi chăng nữa thì cũng không một ai lên cầm quyền tại Caracas mà dám làm phật lòng hay thất hứa với những khách hàng lớn như vậy. Chính quyền nào của Venezuela thì cũng cần xuất khẩu dầu và cần có thị trường Trung Quốc".
Đến nay, Nga và Trung Quốc vẫn là những điểm tựa của chế độ Maduro nhưng có tin đồn Bắc Kinh đã ngầm cử người đến gặp các cộng tác viên của lãnh đạo đối lập Venezuela. Cho dù phía Trung Quốc đã cải chính tin trên, nhưng giáo sư Isabelle Rousseau trường đại học Mêhicô không ngạc nhiên về điều này. Bà giải thích :
"Bắc Kinh luôn rất thực tế. Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại của lẫn nhau, với tổng trao đổi mậu dịch hai chiều vượt ngưỡng 650 tỷ đô la. Đây là một món tiền quá lớn và mang tính sống còn đối với Trung Quốc, do vậy Bắc Kinh sẽ không đời nào hy sinh mối quan hệ đó để cứu chế độ Maduro. Nhất là như chúng ta đã biết, Caracas còn nợ Bắc Kinh khoảng từ 20 đến 30 tỷ đô la và tùy theo cách tính, khoản nợ đó có thể lên tới 60 tỷ.
Venezuela phải thanh toán món nợ này bằng dầu hỏa, cung cấp khoảng từ 500.000 cho đến 1.000.000 thùng dầu mỗi ngày cho Bắc Kinh, nhưng các khoản giao hàng của Venezuela rất thất thường và Venezuela không có khả năng để thực hiện cam kết đó. Trung Quốc bắt đầu bực bội vì thái độ thiếu nghiêm túc đó của chính quyền Nicolas Maduro.
Trên thực tế Caracas hiện tại giao cho Bắc Kinh mỗi ngày chưa tới 300.000 thùng dầu. Đổi lại Trung Quốc đã ngừng cấp thêm tiền mặt cho Venezuela. Theo tôi, trong trường hợp thay đổi chế độ tại Caracas, Juan Guaido sẽ sẵn sàng tìm một thỏa thuận với Trung Quốc và chính quyền mới, nếu có, sẽ chẳng dại dột mà gây sự với khách hàng quan trọng này : Trung Quốc vừa là một nước lớn, có phương tiện tài chính để mua dầu hỏa và đầu tư không chỉ tại Venezuela mà còn cả đối với toàn châu Mỹ Latinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét