Dù chính thể độc đảng ở Việt Nam vẫn chưa chịu trả nguyên trạng Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức, nhưng Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh vẫn có một chuyến công du quốc gia này vào hai ngày 20 và 21 tháng 2 năm 2019, mà rất có thể đó không phải là một chuyến thăm chính thức.
Ngay cả báo chí nhà nước Việt Nam khi đưa tin về chuyến thăm trên cũng rất ngắn gọn và không hề dùng từ ‘thăm và làm việc chính thức’ như cái cách mà họ rất sính dùng cho những chuyến công du đối ngoại của giới chóp bu Việt Nam.
Tin tức về một chuyến đi Đức của Phạm Bình Minh thực ra đã được tiết lộ cách đây vài tháng bỡi trang Thoibao.de (một trang tin của cộng đồng người Việt ở Đức) mà hẳn phải có thông tin từ phía Bộ Ngoại giao Đức.
Theo Thoibao.de, việc tìm cách khôi phục toàn diện quan hệ ngoại giao Việt-Đức, kể cả quan hệ đối tác chiến lược mà bị phía Đức đình chỉ từ ngày 22/09/2017, sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong chuyến đi thăm Đức (không chính thức) này. Nhưng tất cả những sự kiện cho thấy cho tới chừng nào điều kiện của phía Đức „phục hồi nguyên trạng tức là trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức“ chưa được đáp ứng, thì quan hệ giữa hai nước Đức – Việt chưa thể bình thường hóa hoàn toàn, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược chưa thể được khôi phục.
Thoibao.de cũng cho biết điều bất ngờ là đây không phải là chuyến đi thăm chính thức, tất cả những tờ báo khác ở Việt Nam cũng không ghi đó là chuyến đi thăm chính thức CHLB Đức của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ngay cả Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas, người mà bản tin trên nói rằng đã mời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh sang thăm Đức, cũng không có một cuộc gặp gỡ hay tiếp đón chính thức Phó thủ Tướng Phạm Bình Minh. Trong lịch hẹn chính thức của Bộ Ngoại giao Đức hoàn toàn không có đề cập gì đến chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Việt Nam vào 2 ngày 20 và 21/02/2019 sắp tới:
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng không có được một cuộc gặp gỡ hay hội đàm chính thức với bà Thủ tướng Đức Merkel, người đứng đầu Chính phủ CHLB Đức:
Người Đức chưa hề quên lãng vụ bắt cóc
Vào tháng 1 năm 2019 - tròn một năm rưỡi sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã một lần nữa đề cập đến vụ này trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini, khi bà Merkel đến thăm và tham dự cuộc họp của nguyên thủ quốc gia của 4 nước Đông Âu là Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Ba Lan tại Bratislava - thủ đô Slovakia.
“Thưa bà Thủ tướng! Trong năm gần đây, người ta biết rằng một doanh nhân người Việt Nam bị bắt cóc tại Berlin. Sau đó cũng có sự tham gia của cơ quan chính phủ Slovakia vào vụ bắt cóc này. Bà nhận thấy như thế nào, liệu lòng tin và sự hợp tác giữa hai nước có bị ảnh hưởng hay không và bà đánh giá cuộc điều tra của Slovakia đã tiến triển làm sáng tỏ đầy đủ chưa?” - phóng viên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), đặt câu hỏi.
“Vâng, chúng tôi đã bàn thảo ngắn về vấn đề này, vì tất nhiên chúng tôi quan tâm đến việc làm sáng tỏ vụ việc. Nhưng tôi không nghi ngờ gì về việc Slovakia đang làm tất cả những điều cần thiết để làm rõ vụ bắt cóc” - Thủ tướng Đức Merkel trả lời trong cuộc họp báo sau hội đàm giữa 2 nước Đức và Slovakia vào tháng 1 năm 2019.
Thông điệp tối thiểu mà bà Merkel muốn gửi đến chính quyền Việt Nam là người Đức vẫn kiên định nguyên tắc nhà nước pháp quyền và những đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng pháp luật Đức và trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức dù Thanh rất có thể là một quan chức tham nhũng, phải xin lỗi và cam kết không tái phạm, bất chấp phía Việt Nam đã tìm cách ‘câu giờ’ hoặc đánh bài lờ trong suốt một năm rưỡi qua.
Một thông điệp khác của bà Merkel mà có thể ngầm được hiểu là chiến dịch phối hợp giữa các cơ quan cảnh sát và công tố của Đức và Slovakia để điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc có thể đang đến hồi kết thúc, với những bằng chứng xác thực và đủ tính thuyết phục, để nếu Bộ Chính trị Việt Nam vẫn không chịu đáp ứng những đòi hỏi của Đức và Slovakia thì rất có thể sẽ là một cuộc họp báo liên quốc gia Đức - Slovakia để công bố những bằng chứng ấy cho toàn thế giới biết.
Cho tới nay, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn hầu như chưa được phía Việt Nam giải quyết với Đức, khiến cho mối quan hệ Đức - Việt vẫn đóng băng, quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam vẫn bị tạm ngừng, các chương trình viện trợ của Đức cho Việt Nam bị tạm hoãn và kéo theo rất nhiều khó khăn cho giới doanh nhân Việt Nam sang Đức làm ăn và với giới Việt kiều sinh sống tại Đức.
Từ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7 năm 2017, chuyến đi Đức vào tháng 2 năm 2019 của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh là lần đầu tiên Việt Nam đi với cấp bộ trưởng. Tuy nhiên những dấu hiệu ‘chuyến đi thăm không chính thức’ trước chuyến đi này lại cho thấy một hiện tồn và tương lai vẫn còn quá u tối: Đức có thể đã chấp nhận đề nghị của Việt Nam cử bộ trưởng ngoại giao sang Berlin để tiếp tục đàm phán về vụ Trịnh Xuân Thanh, nhưng đây có lẽ chỉ là một cuộc làm việc tay đôi mà không phải chính thức, bởi người Đức chỉ muốn biết một ủy viên bộ chính trị Việt Nam có đưa ra bất kỳ chỉ dấu nào để chuyển hứa hẹn thành hành động cụ thể, chứ không phải quá nhiều cam kết và hứa hẹn trước đây của Việt Nam nhưng cho tới nay vẫn chưa có bất cứ lời hứa nào được thực hiện.
Cũng có một ẩn ý khác của Nguyễn Phú Trọng khi cử Phạm Bình Minh đi Đức lần này: sau khi EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) bị Hội đồng châu Âu hoãn phê chuẩn vô thời hạn mà nguồn cơn thực chất là Việt Nam vi phạm trầm trọng nhân quyền, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại một lần nữa tìm cách vận động những quốc gia có ảnh hưởng lớn đến Liên minh châu Âu như Đức. Vì thế vấn đề EVFTA nhiều khả năng được Phạm bình Minh nêu ra với Đức trong chuyến đi lần này.
Tuy thế: ‘nhiều lần bất tín, vạn lần không tin’. Đến giờ thì chẳng có gì bảo đảm là người Đức sẽ bị phía Việt Nam ma mị để gật đầu dễ dãi cho một EVFTA mà sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho một chính thể độc trị và chà đạp nhân quyền tàn bạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét