Đây là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam không chỉ ‘tôn trọng tự do hàng hải’ mà còn ‘tôn trọng tự do hàng không’.
Đi với Mỹ có mất đảng?
Vừa hiện ra một khái niệm mới trong cách phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia”. Khái niệm trên được ‘kiến tạo’ bởi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo vào ngày 15/2/2019 về việc tàu hải quân Mỹ vừa đi qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó vào ngày 11/2, Hải quân Mỹ thông báo hai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Preble của nước này đã áp sát Đá Vành Khăn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đá Vành Khăn nằm trong số 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và ngang nhiên bồi đắp thành đảo nhân tạo trong vài năm gần đây.
Đây là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam không chỉ ‘tôn trọng tự do hàng hải’ mà còn ‘tôn trọng tự do hàng không’. Đây cũng là một chỉ dấu mới và đáng được mổ xẻ và phân tích, đặc biệt liên quan đến một Biển Đông cùng hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang ngày càng nóng lên bởi nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Trung, và nếu cuộc chiến này xảy ra, dù chỉ với quy mô nhỏ và phạm vi hẹp, Việt Nam sẽ không thể ‘vô can’, thậm chí còn phải đưa đầu chịu báng trong tư thế ‘trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết’.
Khái niệm trên cũng xuất hiện trong bối cảnh một trong những lần hiếm hoi kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979, một chiến dịch tố cáo ‘giặc Trung Quốc xâm lược Việt Nam’ đã được tổ chức ồn ào bất thường và được bật đèn xanh bởi Ban Tuyên giáo trung ương, mà cơ quan này hẳn phải nhận được cái gật đầu mạnh mẽ bất thường không kém bởi Bộ Chính trị, đặc biệt là giới tướng lĩnh trong Bộ Quốc phòng và có thể cả ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Một lần nữa trong rất nhiều lần, câu châm ngôn dân gian đương đại lại sống dậy: ‘đi với Tàu còn đảng mất nước, đi với Mỹ còn nước mất đảng’.
Nhưng cũng không hẳn là thế. Sau vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc lao vào Biển Đông vào năm 2014 như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Việt Nam, đã có những dấu hiệu và cả hành động cho thấy Việt Nam âm thầm từ bỏ dần chính sách ‘Ba không’ của mình và phát sinh chủ thuyết ‘can đảm bám Mỹ’, nhất là trong tình cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như còn lại cuối cùng của Việt Nam - các mỏ và giếng dầu khí - đã bị Trung Quốc như một tên cướp xông thẳng vào nhà, với cái búa sắc ngọt sẵn sàng chém xuống, đòi chủ nhà phải chia tài sản cho y.
Sau chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng Bảy năm 2015 và được đón tiếp trọng thị như một nguyên thủ quốc gia, cùng với những hứa hẹn của Mỹ về hỗ trợ quân sự từ năm 2017 đến nay, có lẽ Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều đồng nghiệp của ông ta - đặc biệt là những đồng nghiệp có sẵn thân nhân và nghe nói cả khối tài sản ngồn ngộn ở xứ sở Cờ Hoa, hẳn đã phát minh một chân lý: đi với Mỹ có thể cứu được nước mà không nhất thiết bị mất đảng.
Vì sao Người phát ngôn BNG giang thẳng cánh tay?
Hơn một tháng trước lời ‘lên tiếng’ vào ngày 15/2/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng đã ‘can đảm’ giang thẳng cánh tay “Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, và kêu gọi các nước đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông” vào ngày 9/1/2019, và nói thêm rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”. Phát ngôn này nằm trong bối cảnh nữ phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết tàu USS McCampbell đã thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý thuộc Quần đảo Hoàng Sa “để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức.” Đó là các đảo Cây, đảo Lin Côn và đảo Phú Lâm.
Như vậy đã có đến hai lần trong hai tháng đầu năm 2019 và hầu như đã mang tính hệ thống và logic, Bộ Ngoại giao và đứng phía sau là Bộ Chính trị Việt Nam đã không phản đối, nếu không muốn nói là có thể hiện thái độ cổ vũ, trước hoạt động áp sát quần đảo Hoàng Sa của các tàu chiến Mỹ. Lần đầu tiên là ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ vào đầu năm 2016.
Vì sao từ đầu năm 2016 đến nay, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra “can đảm” lạ thường đến thế?
Phải chăng đây chỉ là một động tác mị dân để cho thấy dàn lãnh đạo vừa cũ vừa mới trong Bộ Chính Trị không đến nỗi quá “thân Trung” hoặc ‘hèn với giặc, ác với dân’ như nhiều dư luận lên án?
Hay đã xuất hiện ra một mối nguy hiểm nào đó từ phía Trung Quốc mà Hà Nội không thể nhún nhường hơn?
Nếu mối quan hệ Việt-Trung vào năm 2016 diễn ra tạm thời êm ả, thì đến giữa năm 2017 bắt đầu sóng gió. Trước sức ép của Trung Quốc và thậm chí Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công các cứ điểm quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, vào ngày 24 tháng Bảy, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam,” cùng lúc phải ngậm đắng nuốt cay khi không thể khoan và xuất cảng dầu ở Bãi Tư Chính để bù đắp cho lỗ hổng toang hoác của nền ngân sách rỗng ruột.
Sau đó, Trung Quốc còn gây sức ép thêm một lần nữa vào tháng 3 năm 2018 tại Bãi Tư Chính khiến Repsol đã phải ‘ bỏ của chạy lấy người’ từ đó đến nay. Không những thế, Trung Quốc còn gây sức ép ở mỏ Lan Đỏ và Cá Voi Xanh mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam mất ăn ngay trên ‘vùng biển chủ quyền không tranh cãi’ của mình.
Giờ đây, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.
Không thể khác hơn, đó là nguồn cơn khiến Bộ Ngoại Giao Việt Nam tỏ ra “can đảm” từ bất ngờ đến dần có hệ thống khi đưa ra tuyên bố hoặc “tàu Mỹ đi qua vô hại”, “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông” và ‘tôn trọng tự do hàng hải’.
Thế còn ‘tôn trọng tự do hàng không’ - khái niệm mới của cùng tác giả là Bộ Ngoại giao Việt Nam mà đằng sau đó phải là Bộ Chính trị đảng?
Sẽ là ‘máy bay Mỹ bay qua vô hại ở Biển Đông’?
Dường như có một mối liên hệ nào đó giữa khái niệm ‘tôn trọng tự do hàng không’ với một sự kiện thương mại: lần đầu tiên kể từ năm 1975, Việt Nam được mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ, giúp cho các hãng hàng không của nước này tiết giảm chi phí quá cảnh và tăng trưởng doanh thu lẫn lời lãi cho đảng cầm quyền.
Nhưng tính liên hệ cao hơn của ‘tôn trọng tự do hàng không’ có thể là quân sự, với sự kiện ‘Trung Đoàn không quân Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng Tây Bắc’ vào cuối tháng Mười Một năm 2018.
Rất có thể, Bộ Quốc Phòng Việt Nam cùng quân ủy trung ương của ông Nguyễn Phú Trọng - bằng chỉ đạo cho công khai cuộc chuyển quân của đoàn không quân Sao Đỏ lên vùng Tây Bắc - đang muốn lặp lại chiến thuật “răn đe Trung Quốc” khi Việt Nam mời cả một hàng không mẫu hạm của quân đội Hoa Kỳ - USS Carl Vinson - đến “giao lưu quân sự” tại cảng Đà Nẵng vào tháng Ba năm 2018.
USS Carl Vinson lại là một tàu sân bay hùng hậu của Mỹ đang chờ sẵn ngoài Thái Bình Dương.
Mạch logic quan hệ phòng vệ quốc phòng song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã hình thành kể từ tháng Bảy năm 2017 khi Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch phải đi Mỹ cầu viện - thời điểm mà Việt Nam ‘mất ăn’ ở mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở đông nam Biển Đông. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều tàu khu trục Mỹ xuất hiện ở Biển Đông và thách thức Trung Quốc bằng động tác áp sát một số đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng không chỉ có thế, cái cách phát ngôn ‘tôn trọng tự do hàng không’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam rất có thể đang mở đường cho máy bay chiến đấu của Mỹ hoạt động trên không phận Biển Đông như một hàm ý ‘máy bay Mỹ bay qua vô hại ở Biển Đông’, tiếp nối khẩu ngữ ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ bật ra lần đầu tiên vào đầu năm 2016.
Vào tháng Mười năm 2018, hai máy bay B-52 của Mỹ đã áp sát các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.
Sau hải quân là không quân, và chỉ còn thiếu lục quân.
Lục quân và thủy quân lục chiến - đó sẽ là vấn đề Cam Ranh - một quân cảng khống chế đến 2/3 Biển Đông mà một cách tối thiểu, nó sẽ được dùng để làm căn cứ hậu cần cho một quốc gia nào đó đang giúp Việt Nam kháng Tàu. Vào lúc này, Mỹ là quốc gia duy nhất làm điều đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét