Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

9246 - ‘Sông núi trên vai’ = ‘Mountains and rivers on the shoulder’?


                                      Một tiệm sách tại Sài Gòn. Hình minh họa.


Chủ đề “Sông núi trên vai” của “Ngày thơ Việt Nam 2019”, hoạt động thường niên do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hàng năm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang khuấy động dư luận. Người ta ngạc nhiên khi Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức có không ít hội viên là dịch giả lại chuyển dịch “Sông núi trên vai” thành “Mountains and Rivers on the Shoulder” (1). Tuy nhiên ngô nghê trong chuyển ngữ là chuyện nhỏ.
Chuyện lớn hơn là sự trâng tráo của Hội Nhà văn Việt Nam. Ai tin tổ chức có 40.000 hội viên này đã và sẽ gánh vác chuyện sông núi mà dám ưỡn ngực tự nhận đặt “sông núi trên vai” trong sự kiện chủ yếu chỉ nhằm thông báo vẫn còn thoi thóp, chưa… chết hẳn?
Có tổ chức nào đặt “sông núi trên vai” mà khi thảo luận với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền về thời cuộc chỉ xin hỗ trợ, giải quyết khó khăn về nơi làm việc, phương tiện di chuyển, cũng như ăn, ở của những cá nhân tự cho là hữu công (2)?
Có tổ chức nào tự nguyện gánh vác chuyện sông núi lại vật vã nằn nì, hoan hỉ khi vẫn còn được “nuôi” với chi phí lên tới 90 tỉ đồng/năm. Vì 90 tỉ đồng ấy nên cam kết sẽ tiếp tục làm “chiến sĩ” để “giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng” (3)?
Trên thực tế, sông núi quằn quại, tan hoang vì phải nuôi quá nhiều những kẻ trâng tráo như thế. Chỉ tính riêng tiền nuôi các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp như Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi năm, dân chúng Việt Nam phải moi ra, góp vào 68.000 tỉ (4).
Trẻ con thất học, người nghèo thiếu cơm ăn, áo mặc, người già không nơi nương tựa, người bệnh không được chữa trị, phúc lợi teo tóp, chính sách an sinh èo uột, nợ nần của quốc gia càng ngày càng cao, thuế phí càng ngày càng nặng,… là vì như thế.
Đã đành Hội Nhà Văn Việt Nam, rộng hơn là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam không vì sông núi theo nghĩa mà người Việt nào cũng biết. Ai cũng hiểu năm nay, “sông núi trên vai” xuất hiện vào tháng này, chủ yếu nhằm tạ ơn và tái đăng ký lập trường hết lòng, hết dạ tiếp tục phò tá sự nghiệp thâu tóm sông núi đặt vào tay đảng.
Tháng trước, Hội Nhà Văn Việt Nam nói riêng và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nói chung vừa nhận được quyết định, hứa sẽ… tái nuôi. Trước mắt, đảng tạm thời chưa buộc những tổ chức này “tự lực cánh sinh” như “Đề án Cải tiến phương thức hoạt động các hội văn học nghệ thuật” do Bộ Nội vụ soạn thảo.
Song bất kể thế nào thì “sông núi trên vai” vẫn làm người ta lợm giọng… Chỉ có một cách tự an ủi đó là… “rau nào, sâu ấy”. Những tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp được lập ra, được nuôi dưỡng bằng mồ hôi, nước mắt của nam, phụ, lão, ấu để giúp đảng duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam làm sao có thể khác được!
Đã có một Tổng Bí thư huênh hoang: Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như hiện nay (4)! Một Chủ tịch Quốc hội tuyên bố: Phát triển bền vững là con đường tất yếu (5)! Một Thủ tướng không hề thấy thẹn khi bảo với cộng đồng quốc tế: "Việt Nam là một nước dân chủ và chúng tôi lên án chế độ độc tài (6)!.. thì phải có Hội Nhà văn đặt “sông núi trên vai” thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét