Người ‘ăn ốc’ chưa bao giờ lộ mặt mà toàn bộ quy trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ phó thác cho Bộ Ngoại giao Việt Nam...
Thông báo mới nhất từ Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vào ngày 20/2/2019 cho thấy cuộc đàm phán về vụ Trịnh Xuân Thanh giữa Việt Nam và Đức đã một lần nữa nhuốm chút hy vọng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’ giữa hai nước - quan hệ mà Nhà nước Đức đã tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn vào tháng 9 năm 2017 - 2 tháng sau khi ra thông báo phản đối Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao Đức đã ra một bản tin và một Thông cáo báo chí, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas đã nhấn mạnh mối quan tâm của ông đến một sự hợp tác chặt chẽ dựa trên sự tôn trọng các giá trị chung:
“Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát”. (Thoibao.de)
Cách nói mở đường của Maas cho thấy nhiều khả năng Phạm Bình Minh đã hứa hẹn ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’.
Tuy nhiên theo thông tin từ phía Bộ Ngoại giao Đức và được giới truyền thông quốc tế đưa tin, trước đây Việt Nam cũng đã hứa hẹn không dưới một lần về ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, nhưng sau đó bặt tăm.
Liệu có gì bảo chứng cho những hứa hẹn của Phạm Bình Minh vào lần này, không chỉ bởi bộ ngoại giao của ông Minh đã ‘hứa lèo’ không ít lần với Đức, mà còn bởi trọng lượng thật sự của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh đã được lịch sử chứng minh là khá nhẹ cân.
Người ta vẫn còn nhớ một sự kiện bi hài chính trị: 3 tháng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đảng CSVN tổ chức Hội nghị trung ương 6, trong đó Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh hiện ra với bản báo cáo chuyên đề về… dân số.
Về sau này, nhiều thông tin không chính thức cho rằng ông Minh đã bị thất sủng từ sau vụ Trịnh Xuân Thanh với lý do tế nhị là ông ta không muốn bị biến thành kẻ ‘đổ vỏ’. Còn trên bình diện ngoại giao, đã có những dấu hiệu cho thấy Phạm Bình Minh và bộ ngoại giao của ông ta muốn ‘chạy làng’ khỏi vụ Trịnh Xuân Thanh.
Vậy có giá trị gì cho lời hứa của một đương sự ‘đổ vỏ’, trong khi ngồi trên ông ta mới có thể là một đương sự khác - chính là người ‘ăn ốc’ - nhưng có quyền lực mang tính quyết định hơn nhiều, người mà nếu chính miệng ông ta nói rằng ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’ thì người Đức mới có chút cơ sở để tin đó là sự thật.
Nhưng bởi người ‘ăn ốc’ chưa bao giờ lộ mặt mà toàn bộ quy trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ phó thác cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, chẳng có gì chắc chắn là báo cáo và kiến nghị của Phạm Bình Minh sau cuộc đàm phán với Đức vào tháng 2 năm 2019 sẽ nhận được cái gật đầu dễ dàng của ‘Tổng chủ’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét