Hôm đầu tháng 12 năm ngoái, tôi tình cờ đọc được bài của anh Tưởng Năng Tiến, nói là vì cái họ (bút danh tự đặt) mà anh ảnh bị một số quý vị “chuyên gia đấu tranh” chửi tới bến vì mặc định là “tàu gian”.
Ảnh “cãi” rằng tuy không quen với một đám thương lái có ý đồ “thâm độc” và “phá hoại” Việt Nam nhưng lại được tiếp xúc (qua sách vở) với rất nhiều người Tàu: Lão Tử, Khổng Tử, Lý Bạch, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên, Kim Thánh Thán, Lỗ Tấn, Ba Kim, Kim Dung, Lâm Ngữ Đường, Mặc Ngôn, Trương Hiền Lượng, Lưu Hiểu Ba, Dương Kế Thằng... Họ đều là những tài năng được công nhận trên cả thế giới. Có nghĩa là không phải người Tàu nào cũng xấu, và gian cả.
Chuyện của anh Tưởng Năng Tiến làm tôi cười đau cả bụng. Hóa ra ở đẩu thì ở đâu, cái văn hóa, văn minh cũng không tự ngấm được. Dù sống ở hải ngoại, sống trong nền dân chủ được ca ngợi (mà biểu hiện dân chủ lớn lao nhất là tôn trọng quyền suy nghĩ và phát ngôn của người khác, cho dù nó ngược với mình), thì hóa ra một số người vẫn chỉ cho phép “tráng men” dân chủ thôi. Ừ, tao đồng ý để mày nói đấy, nhưng nói rồi thì mày chết với tao!
Họ còn rất tốt bụng. Lo người khác ra đường bị nắng gió gây ấm đầu, họ luôn thủ sẵn một chồng mũ đủ kiểu đủ dạng, cứ thấy ai ngứa mắt là chụp lên đầu người ta một cái.
Anh Tưởng Năng Tiến, tên gì chả lấy lại lấy cái tên rặt Tàu, bảo sao chả bị bắn tỉa!
Đổ tội cho Tàu
May cho anh là anh sống ở Mỹ. Chứ ở quê nhà Việt Nam, mấy năm nay đợt sóng chống Tàu càng dữ dội. Bất kể thứ gì xấu xa, nham hiểm, tác hại, nhiều người đều (yên tâm) đổ cho Tàu. Quá tiện, Tàu có ở đấy đâu mà cãi! Họ Tưởng nhà anh, ra đường khéo chẳng dám khai tên ấy chứ.
Xưa là đôi dép tổ ong. “Các bác mổ đế dép ra mà xem, có hai viên thuốc trong ấy. Tàu nó nhét vào để hãm hại sức khỏe dân ta đấy các bác ạ.”
Rồi đến chiếc áo ngực phụ nữ. Chiếc túi nhỏ chứa dầu khoáng cùng vài hạt nhựa (có ghi rõ ngay trên nhãn) chứa trong túi áo (có lẽ làm vai trò của một miếng silicon, giúp đẩy bầu ngực căng tròn, còn hạt nhựa làm vai trò của những viên bi, xáo trộn khiến dung dịch không bị đông lại) bị gán mác “chất gây ung thư”.
Áo quần may sẵn vốn được nhập siêu từ Trung Quốc, là mặt hàng nhập khẩu đứng thứ 3 của Việt Nam, chiếm giá trị 3,43 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018. Một ngày nọ thím thương lái nọ bỗng tung lên chiếc clip có những con trùng trắng nhỏ bò ra từ mớ áo khoác. Thiên hạ giật bắn cả người.
Hài nhất là năm ngoái, mớ xoài mút mà dân miền Tây trồng vô số vì nó sây trái, đẹp mã và rất ngọt, cũng bị các chuyên gia chống Trung Quốc làm hẳn clip cắt ngang hạt, lôi ra một miếng mỏng trong trong rồi hô hoán là … xoài giả (!). Cái miếng đấy đích thị là miếng nilon để tha hồ làm hại dân ta! (Kể ra nếu “chúng” đủ kiên nhẫn và khéo léo để xẻ từng quả xoài, nhét miếng nilong vào giữa hạt rồi lại vá víu nguyên lành cả hạt lẫn quả không hề có vết tích, mà cùng lúc cả hàng trăm tấn xoài như thế, thì ta cũng nên bái phục “chúng” đi cho vuông. Công nghệ ấy phải là một chục.0 chứ chả phải ba cái số lẻ 4.0 nữa).
Gạo đồ (hấp chín hạt thóc, rồi lại sấy khô) để bán cho người vùng Nam Á ăn theo tập tục của họ, cũng được anh chị yêu nước nào đấy mua về, nấu mãi thấy nó không dẻo như gạo trắng, bèn loa ngay là gạo giả, gạo nhựa, gạo Trung Quốc.
Mực khô cũng bị vu Trung Quốc làm mực… nhựa, vì dai quá. Nhưng té ra nó chỉ là một loại mực hạng thấp, thương lái mua về trộn với hóa chất cho dai thêm rồi bán.
Té ra, Tàu chưa thấy hại đâu, mà toàn là ta hại ta (vì ngu, hoặc vì tham).
Nông sản nhập vào biên giới, chính thương lái Việt 100% phun xịt thêm hóa chất cho tươi lâu, giữ màu, đem về bán. Vào quán ồn ào, rút giấy ăn soàn soạt xong vo viên ném ngay xuống dưới chân cùng với xương gà xương lợn, chửa thấy Tàu đâu mà toàn anh cả chị hai nhà ta cả. Ra đường nhìn tức mắt rút ngay con đồ đao múa tít. Rác thì đổ ập xuống cống hay xuống sông, bất kể.
Trên mạng xã hội Việt Nam và cả người Việt Nam ở hải ngoại, cứ từng đợt từng đợt phong trào chống Tàu. Chống dùng hàng Tàu đã đành với lý do hàng Tàu toàn hàng dỏm, có nhiều người chống cả du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tức là từ chối cả nguồn lợi về lưu trú, tiêu xài và cơ hội làm ăn buôn bán đến từ lượng người này.
Vô số nghiên cứu của các học giả trong nước Việt Nam lẫn thế giới đã cố gắng giải đáp lý do người Việt thù ghét Trung Quốc như một thứ căn tính được truyền từ trong máu. Trong khi các quốc gia từng có lịch sử xâm lăng và chiếm đóng Việt Nam như Mỹ, Pháp, hay Nhật Bản thì dân Việt xóa đi quá khứ đó khá dễ dàng.
Có thể liệt kê các lý do ghét Tàu như sau
-Việt Nam có thời gian quá dài (1.000 năm Bắc thuộc) bị Trung Quốc đô hộ.
-Lịch sử đấu tranh của Việt Nam chủ yếu là các cuộc nổi dậy chống lại ách thống trị Trung Quốc giành lại độc lập.
-Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 được xem là sự trở mặt trơ trẽn của Trung Quốc với Việt Nam.
-Đường lưỡi bò, chính sách tuyên bố chủ quyền trên vùng biển chồng lấn (vùng biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
-Hành động đưa giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam.
-Sự coi thường chụp giật của một số doanh nhân Trung Quốc khi bắt đầu làm ăn với Việt Nam, xem đất nước này chỉ là chỗ để giải tỏa dây chuyền sản xuất lạc hậu và hàng hóa kém chất lượng, cùng thái độ không hiểu biết về thói quen, văn hóa của người Việt Nam…
Với vị trí địa lý cùng lịch sử đặc thù như vậy, dễ hiểu vì sao người Việt luôn cảm thấy bất an trước Trung Quốc. Chưa có khảo sát cụ thể nào nhưng có thể thấy phần đông người Việt tin chắc rằng Trung Quốc luôn tìm cách xâm lược và chiếm đóng Việt Nam, bất kể lúc nào, bất kể thủ đoạn gì.
Du khách Trung Quốc bị đối xử bất công ở Việt Nam?
Thế nhưng, theo một số học giả và nhà báo Trung Quốc, người dân Trung Quốc-vốn ở ngay sát Việt Nam, lại rất bất ngờ về sự thù ghét sâu xa này.
Trong bài báo đăng trên The Diplomat vào 02/03/2017, Xie Tao (Tạ Thao) được giới thiệu là giáo sư ngành khoa học chính trị tại Trường Anh ngữ và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, là tác giả cuốn U.S.-China Relations: China Policy on Capitol Hill (Routledge, 2009) tả lại chuyến đi đến Việt Nam lần thứ hai của ông:
“ Nhà thơ Nguyễn Trãi (1380–1442) viết về giai đoạn này (đầu thế kỷ 15): “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Nhơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.”
Thành thật mà nói, tôi đã không hề chuẩn bị tinh thần để đón nhận một đoạn thơ như thế. Quả thật, với tôi, nó nghe cũng giống như một đoạn thơ lên án quân Nhật Bản xâm lược Trung Quốc nếu tác giả không được nêu tên. Tôi thực sự choáng váng trước mức độ oán hận trong hai dòng thơ này”.
Cuối năm ấy, một tác giả khác, nhà báo Bạch Vân Dy đến Việt Nam để tìm hiểu về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Nhà báo này kể lại quan sát của ông trên thời báo Hoàn Cầu như sau:
“Đó là thành phố mới nổi Đà Nẵng, và Nha Trang, nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng, hai nơi này thu hút du khách Trung Quốc ùn ùn kéo đến, cũng là nơi châm ngòi cho các tranh cãi có liên quan tới “Trung Quốc”.
Bảy tháng đầu năm nay (2017) tổng cộng đã có 2,2 triệu lượt du khách Trung Quốc tới Việt Nam, tăng 51% so cùng kỳ. Số du khách Trung Quốc đến thăm Việt Nam trong cả năm có thể lên tới 4 triệu. Thế nhưng phía sau con số đẹp ấy là những lời oán trách và bất mãn của không ít du khách Trung Quốc, rất nhiều người cảm thấy mình không được đối xử công bằng: chẳng những có các cảnh rối ren thị trường thường thấy như lừa đảo bịp bợm, mà các sự việc như du khách Trung Quốc bị nhân viên hải quan Việt Nam đòi hối lộ, bôi bẩn hộ chiếu, đối xử thô bạo thậm chí ẩu đả cũng liên tục xảy ra.
Phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” khi xuất cảnh từ sân bay Cam Ranh Nha Trang đã nhìn thấy cảnh thế này: một nhân viên công tác Việt Nam lớn tiếng quát mắng du khách Trung Quốc đang xếp hàng chờ kiểm tra an ninh, bất cứ ai dừng lại hoặc có chi tiết sơ suất nào đó đều bị nhân viên này nghiêm giọng quở trách. Phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” cũng chẳng gặp may. Khi theo thói quen ở nhiều nước, phóng viên giơ tay lấy chiếc rổ đựng giày, nhân viên kia cũng thô bạo đánh vào tay phóng viên và dùng một thứ tiếng nghe không rõ là tiếng Việt Nam hoặc tiếng Trung Quốc ngọng nghịu quát to bảo phóng viên trực tiếp đặt giày lên băng chuyền”.
Các quan sát trên của một người Trung Quốc tại Việt Nam có thể rất lạ lẫm với phần lớn người Việt Nam, khi hầu hết thông tin trên truyền thông đều mô tả du khách Trung Quốc ngang ngược, ở bẩn và thô lỗ.
Trong một đoạn khác, nhà báo Bạch Vân Dy mô tả điều ngược lại:
“Nhiều lúc Đà Nẵng và Nha Trang xem ra lại là hai thành phố rất hữu hảo với người Trung Quốc. Phố lớn ngõ nhỏ ở đây chỗ nào cũng có thể nhìn thấy các biển tiếng Trung Quốc, từ “Phở Quảng Nam” đến “Nơi cho thuê xe máy”, rồi đến “Hàng đặc sản Việt Nam”, dù cho không biết nói một câu tiếng Việt đi nữa bạn cũng chẳng khó khăn tìm thấy nơi mình cần đến. Hơn nữa ở mỗi một cửa hiệu du khách có thể tới hầu như đều có một nhân viên hướng dẫn mua hàng biết nói tiếng Trung Quốc.
Cô Ngọc 21 tuổi làm việc ở một cửa hiệu áo dài trong một trung tâm thương mại lớn, khi bạn chỉ tay vào bất cứ bộ trang phục nào trong cửa hiệu, cô đều có thể nhanh chóng dùng tiếng Trung Quốc cho biết giá cả của chúng. Khi phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” hỏi cô có ấn tượng thế nào về du khách Trung Quốc, cô cười rất cởi mở đáp: “Người Trung Quốc thích mua sắm.” Cô bảo, khách đến Nha Trang nhiều nhất là người Trung Quốc và người Nga, nhưng du khách Nga ít mua hàng.
Trong các lần phóng viên phỏng vấn, rất nhiều người địa phương thừa nhận du khách Trung Quốc đến đây đã kích thích kinh tế vùng này. Theo “Mạng Việt Nam”, 9 tháng đầu năm nay thu nhập ngành du lịch của Đà Nẵng đạt 600 triệu USD, tăng 24,4% so cùng kỳ. Trong đó phần “cống hiến” của du khách Trung Quốc không nhỏ. Cho tới hiện nay số du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng năm 2017 đã vượt quá 440 nghìn lượt người, tăng 23% so cùng kỳ, chỉ kém du khách Hàn Quốc mà thôi.”
Tôi tin rằng nếu tìm tòi nữa thì sẽ có những góc nhìn từ phía người dân Trung Quốc phản ánh các khía cạnh tương tự.
Tâm lý bài Tàu không mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam
Trong các trích dẫn kể trên của các nhà báo và học giả Trung Quốc, cho thấy cho dù vẫn còn tồn tại những cách hành xử cụ thể mang tính tiêu cực của một số người Trung Quốc khi đến Việt Nam, nhưng mong muốn và lợi ích chung của người dân Trung Quốc vẫn là hòa bình và những chính sách thúc đẩy bang giao kinh tế từ cả hai nước để họ có thể hưởng lợi từ việc buôn bán. Người Trung Quốc vốn nằm lòng câu “hòa khí sinh tài”. Ngay tại Việt Nam, những khu có đông người gốc Hoa sinh sống vẫn luôn luôn là trung tâm làm ăn buôn bán của cả thành phố và khu vực. Trong chợ Bình Tây, dễ dàng nhìn thấy những thanh niên tuổi choai choai cởi trần phô thân hình đầy hình xăm nhưng lại đang chăm chỉ buôn bán, khuân vác, tính sổ, làm hàng. Người Hoa cũng ít tham gia bàn luận những chuyện chính trị xã hội. Mục đích an toàn, bình yên để kiếm sống, làm giàu có thể thấy rất rõ được đặt lên hàng đầu.
Mà một mục đích như vậy, người dân bất cứ dân tộc hay vùng đất nào mà chẳng khát khao?
Cho nên, tôi nghĩ với tâm lý phức tạp như vậy của người Việt Nam, việc anh Tưởng Năng Tiến vô tình trúng đạn chỉ là một trường hợp trong vô số trường hợp. Họ, chắc “ngứa mỏ hót chơi” mà thôi.
Cho nên, nếu anh có đọc được bài viết này, mong anh cũng du di cho một số cái đầu (rỗng hoặc nóng) mà dân chơi mạng xã hội Việt Nam xài một thuật ngữ gọi là “tay nhanh hơn não”. Dù có tự xưng “chuyên gia đấu tranh” cho đất nước Việt Nam giàu mạnh, nhưng họ không hề đại diện cho những người dân đã mất mát quá nhiều, giờ đang cật lực lao động. Chính những người dân ít nói ấy mới có thể giữ lại một Việt Nam bình yên cho con cháu chúng ta.
Tre
Tham khảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét