Hình minh họa.
Tin vịt về bắt cóc trẻ em đã khiến một người đàn ông 28 tuổi ở Long An bị đâm chết sau khi chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở Ấn Độ và Mexico. Lê Hoài Bảo, người đang chơi đùa với con gái bốn tuổi ở công viên tại thị trấn Hậu Nghĩa, đã bị Nguyễn Ngọc Hải Điền, 26 tuổi, đâm chết do nghi ngờ ông Bảo bắt cóc trẻ con.
Cả báo Tuổi Trẻ và trang tin VTC nói ông Điền chạy vào công viên tách hai bố con ông Bảo ra sau khi nghe thấy bà bán vé số hô có người bắt cóc trẻ con. Hai bên sau đó cãi lộn và ông Điền chạy vào quán gần công viên lấy dao đâm chết ông Bảo.
Tuổi Trẻ nói vợ chồng ông Bảo từ Kiên Giang lên thị trấn Hậu Nghĩa thuê nhà trọ để ở và mở tiệm hớt tóc, và viết thêm:
“Họ mới khai trương tiệm cách nay gần 10 ngày thì xảy ra án mạng.
“Người bán vé số là một phụ nữ đã lớn tuổi, có bệnh lãng tai, gia đình rất khó khăn, từ nơi khác đến tạm trú đi bán vé số, khi đi ngang nhìn thấy cha con đang chạy đùa vui, bà tưởng cháu bé bị gã đàn ông chạy theo bắt cóc nên "tri hô" chứ hoàn toàn không biết gì.”
Nỗi lo sợ và nghi ngờ vô cớ về nạn bắt cóc trẻ em cũng đã gây ra những cái chết thương tâm ở những nơi khác trên thế giới.
Tại Ấn Độ, khoảng 20 người đã bị dân chúng đánh chết vì nghi họ bắt cóc trẻ em trong năm 2018, theo BBC.
Hãng tin này thuật lại vụ hai người đàn ông vô tội ở Guwahati thuộc bang Assam tại đông bắc Ấn Độ bị hàng chục người đánh bằng đủ thứ vũ khí trong đó có cả gậy và búa cho tới chết do nghi oan cho họ.
Nghệ sỹ với khả năng chơi nhiều nhạc cụ Nilotpal Das, 29 tuổi và bạn, Abhijeet Nath, bị hàng trăm dân địa phương vây bắt khi tới thăm thác nước Kangthilangso ở huyện Karbi Anglong, cũng thuộc bang Assam hồi tháng 6/2018.
Người dân nhận được các tin nhắn không đúng sự thật trên WhatsApp về chuyện đã bắt được những kẻ bắt cóc trẻ em và đổ tới đông tới mức cảnh sát cũng khó có thể vãn hồi trật tự. Cảnh sát trưởng địa phương nói dân chúng còn định đánh cả cảnh sát.
Hai nạn nhân bất tỉnh nhân sự được cảnh sát đưa tới bệnh viện nhưng đã chết khi tới nơi.
Bà Radhika Das, mẹ của Nilotpal được dẫn lời nói: “Cuộc sống của tôi tan vỡ sau cái chết của con trai. Tôi mong sao Thượng đế lấy mạng của tôi đi để tôi không phải thấy ngày này.”
Hàng ngàn người đã đổ xuống đường đòi công lý cho hai người chết oan và hơn bốn mươi người đã bị buộc tội trong vụ này.
Chuyện tin đồn nhảm lan truyền nhanh nhờ WhatsApp đã khiến Facebook, công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin trị giá hàng tỷ đô la này, hạn chế số người và nhóm mà một người có thể chuyển tin đến xuống còn năm như hiện nay.
Sau cuộc tra tấn hai người vô tội ở Ấn Độ, chuyện thảm thương tương tự cũng đã diễn ra ở thị trấn Acatlán tại bang Puebla thuộc miền trung Mexico.
Hai cậu cháu, Alberto Flores, 43 tuổi, và Ricardo Flores, 21 tuổi, bị đưa về đồn công an sau những tranh cãi với người dân địa phương trong tháng 8/2018, theo BBC.
Nhưng các tin nhắn sai trái về chuyện hai cậu cháu là nghi phạm bắt cóc trẻ em đã nhanh chóng được truyền đi qua WhatsApp. Người ta thậm chí còn rung cả chuông để kêu gọi người dân đổ về đồn công an.
Cuối cùng đám đông đã phá cổng đồn công an để xông vào lôi hai cậu cháu ra đánh và đổ xăng vào đốt.
Cuộc tra tấn được truyền trực tiếp trên mạng xã hội và bà Maria del Rosario Rodriguez, mẹ của Ricardo Flores đã bình luận trên trang phát trực tiếp qua Facebook: “Đừng đánh họ, đừng giết họ, họ không phải là kẻ bắt cóc trẻ em.”
Nhưng không ai, kể cả cảnh sát, có thể ngăn những kẻ đang sôi máu vì tin đồn nhảm ngưng tay. Cho tới nay năm người bị buộc tội kích động người khác phạm tội và bốn người bị kết tội giết người.
Mối lo bắt cóc trẻ em để bán, bắt lao động khổ sai hay thậm chí để lấy nội tạng là có thực. Nhưng mối lo có thực này nhiều khi lại khiến người ta dễ phao tin đồn nhảm hay dễ tin vào những tin nhảm và làm những điều tồi tệ vì những tin thất thiệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét