Sự kiện Đồng Tâm nằm trong một chuỗi sự kiện có dính tới
tranh chấp đất đai lâu dài giữa chính quyền và người dân địa phương, mà cao điểm
của nó là chuỗi xung đột gay gắt diễn ra từ ngày 15/04 đến ngày 22/04/2917, với
diễn biến và tính chất mang tính điển hình và để lại nhiều dấu ấn có tính lịch
sử.
Chuỗi tranh chấp này bắt nguồn từ năm 1980, khi Chủ tịch Hội
đồng bộ trưởng (vị trí Thủ Tướng hiện nay) ký một quyết định thu hồi đất của ba
xã tại huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm để xây dựng sân bay Miếu Môn.
Xét trong bối
cảnh thời kỳ đó thì đây là một quyết định quan trọng về mặt quân sự khi nó được
coi là một vành đai phòng thủ không quân của Hà Nội nhằm đề phòng một cuộc xâm
lược tiềm tàng đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do các thay đổi về thời cuộc, ý tưởng
về việc xây dựng sân bay Miếu Môn không còn được đặt ra. Vùng diện tích từng được
thu hồi và bàn giao cho Bộ Quốc Phòng được giao cho một số đơn vị quân sự quản
lý. Sau 37 năm, đã có rất nhiều thay đổi, tuy nhiên vùng quy hoạch treo Miếu
Môn vẫn tồn tại như một di sản chiến tranh và gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của
người dân địa phương. Nó chiếm dụng một phần rất lớn tài nguyên đất đai đáng ra
có thể phục vụ tốt cho phát triển kinh tế xã hội thời bình. Tuy nhiên, sự mâu
thuẫn giữa chính quyền và người dân địa phương không bắt nguồn từ quyết định
thu hồi đất trong quá khứ, mà bắt nguồn từ chính bộ máy chính quyền cấp xã và cấp
huyện tại Đồng Tâm, Mỹ Đức với các vấn nạn lạm quyền và tham nhũng kéo dài
trong nhiều chục năm trong việc mua bán, chuyển nhượng hoặc xác nhận cho nhiều
giao dịch đất đai khiến người dân mất hoàn toàn niềm tin vào bộ máy công quyền.
Năm 2014 khi Bộ Quốc Phòng quyết định giao đất thuộc vùng quy hoạch sân bay Miếu
Môn cho tập đoàn Viettel xây dựng một công trình mà đến nay vẫn không rõ ràng
thuộc mục đích thương mại hay quốc phòng (Viettel là một tập đoàn có hoạt động
chủ yếu là kinh doanh của quân đội), mâu thuẫn giữa người dân và phía chính quyền
bị đẩy lên đỉnh điểm. Vấn đề mấu chốt là sự không rõ ràng về ranh giới giữa
vùng đất bị thu hồi năm 1980 và vùng đất mà người dân địa phương cho rằng đã được
bàn giao về địa phương từ hàng chục năm và nằm ngoài mốc giới quy hoạch sân bay
quân sự. Người dân có lý vì họ có nhiều bằng chứng cho thấy phần đất mà Bộ Quốc
Phòng và chính quyền địa phương định cưỡng chế thu hồi đã được chuyển nhượng
giao dịch (với rất nhiều sai phạm của các quan chức địa phương) trong nhiều
giao dịch dân sự hợp pháp (vì có xác nhận và hợp thức thủ tục của chính quyền)
trong nhiều chục năm.
Tình trạng Đồng Tâm đã âm ỉ trong nhiều năm khi người dân địa
phương với một nhóm đại diện rất có uy tín do người dân tự lựa chọn (Đứng đầu
là cụ Lê Đình Kình, một lão nông cao niên 82 tuổi và từng là Bí thư xã Đồng Tâm
những năm 1980) đâm đơn khiếu kiện các quan chức địa phương về 50 vấn đề sai phạm
trong quản lý đất đai. Vụ kiện này đến nay đã được xác nhận là có cơ sở về ít
nhất 28 nội dung và có nhiều quan chức địa phương đã bị khởi tố hình sự. Trên
thực tế, tình trạng ở Đồng Tâm cũng tương tự như những gì đã và đang diễn ra ở
hầu hết các địa phương trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khi bộ máy chính quyền các
cấp đều mục ruỗng và tha hoá trong vấn nạn tham nhũng gần như đã thành bất trị
do hệ thống chính quyền độc tài và nạn lạm dụng quyền lực. Đồng Tâm, do đó
không phải là sự kiện cá biệt.
Cụ Lê Đình Kình.
Người dân địa phương đã phản đối ôn hoà đối với các hoạt động
đo đạc nhằm giải tỏa mặt bằng của Bộ Quốc Phòng và chính quyền địa phương.
Chính quyền và quân đội ngay lập tức có những biện pháp vốn mang tính điển hình
của một chế độ độc tài và lạm quyền: Bộ quốc phòng khởi tố vụ án hình sự chống
người thi hành công vụ với những căn cứ mà giới luật sư cho rằng hết sức mù mờ,
còn lực lượng công an thì lên một kế hoạch bắt giữ những người mà họ cho là
lãnh tụ tinh thần của người dân Đồng Tâm. Đây là một lối hành xử quen thuộc của
chính quyền và họ đã áp dụng thành công nó ở nhiều nơi mà nhiều người dân nhanh
chóng bị tội phạm hoá và chưa bao giờ có cơ hội được bảo vệ về pháp lý. Ngày
15/04/2014, lực lượng công an lên một kế hoạch vây bắt mà sau đó được người dân
địa phương gọi đúng bản chất: "bắt cóc". Họ lừa dụ nhóm đại diện dân
địa phương mà đứng đầu là cụ Kình ra cánh đồng thực địa để chỉ dẫn về mốc giới,
trên thực tế là nhằm tách nhóm đại diện này khỏi cộng đồng địa phương. Và tại Đồng
Sênh, công an cưỡng chế bắt 5 người địa phương lên xe công vụ mà không có lệnh
bắt giam. Xô sát xảy ra, một người địa phương bị đánh trọng thương và cụ Kình,
lão nông 82 tuổi và có uy tín nhất ở địa phương bị gãy xương đùi dưới sự trấn
áp của công an. Sự kiện gây phẫn nộ đến đỉnh điểm. Người dân địa phương kéo ra
vây bắt 38 người gồm các cán bộ Huyện Mỹ Đức và một trung đội cảnh sát cơ động
được điều về tham gia trấn áp. Số người này sau đó bị giam giữ tại nhà văn hoá
xã Đồng Tâm còn người dân địa phương thực sự đã tham dự trong một phong trào
"rào làng kháng chiến".
Những đoạn clip được quay lại và đưa lên mạng xã hội cho thấy
đã có sự va chạm bạo lực giữa cảnh sát và người dân. Hàng trăm cảnh sát cơ động
và công an đã phải tháo chạy dưới làn mưa gạch đá của người địa phương. Chướng
ngại vật được dựng lên trên các con đường dẫn vào xã và người dân địa phương kiểm
soát gắt gao sự ra vào của người lạ. Trong khoảng thời gian từ ngày 15/04 khi
xung đột bùng phát, đến ngày 22/04 khi có sự tiếp cận của chủ tịch Hà Nội về
đàm phán với địa phương, chính quyền xã Đồng Tâm không còn tồn tại trên thực tế.
Các cán bộ địa phương hoặc đã bỏ trốn, hoặc bị người dân giám sát gắt gao. Sự
kiện Đồng Tâm đã vượt mức nhiều lần một vụ tranh chấp đất đai khi người dân đã
loại trừ, nếu không muốn nói là đã lật đổ bộ máy chính quyền cấp xã.
Nếu nguyên nhân cốt lõi của xung đột xuất phát từ bộ máy
tham nhũng tại địa phương, thì những diễn biến tiếp sau là sự bước qua ranh giới
pháp luật không thể bàn cãi của người địa phương khi họ đối đầu trực tiếp với lực
lượng công an và bắt giữ 38 viên chức chính quyền và cảnh sát cơ động. Tuy
nhiên, nó mang tính nghiêm trọng hơn một vụ phạm pháp vì đã rất gần với một cuộc
khởi nghĩa địa phương, khi người dân lật đổ chính quyền và không thừa nhận một
phần pháp luật hiện tại. Trong khoảng một tuần xung đột, có rất nhiều đồn đoán
được nêu ra về phản ứng của chính quyền và có rất nhiều dự báo tiêu cực. Tuy
nhiên, sự việc đã khép lại trong hoà bình khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP
Hà Nội về làm việc với người dân Đồng Tâm và cam kết bằng giấy viết tay ba nội
dung, trong đó có việc sẽ phải thanh tra làm rõ ranh giới đất thu hồi tại địa
phương, làm rõ vụ việc bắt giữ gây thương tích cụ Lê Đình Kình và quan trọng nhất
là cam kết "không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân địa phương trong
những diễn biến trong quá trình xung đột". Đây chắc chắn là phương án được
cơ quan cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam là Bộ Chính Trị thông qua, và
cũng là lần đầu tiên bộ máy chính trị độc tài tại Việt Nam phải lùi bước trước
một cuộc đấu tranh của người dân.
Đây là một thắng lợi rất có ý nghĩa của người dân Đồng Tâm.
Có nhiều người nói đó là thất bại của chính quyền. Có lẽ đúng nếu nhìn nhận về
khả năng kiểm soát xã hội của chính quyền hiện tại. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây
là một thắng lợi của hệ thống chính trị Việt Nam, khi nó đã lựa chọn giải pháp
thỏa hiệp tiếp thu, thay vì trấn áp bằng bạo lực. Đây là một yếu tố tích cực đối
với tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam khi nó cho thấy người dân có thể đấu
tranh, và với những cách thức đúng thì chính quyền buộc phải lắng nghe và tìm
cách thoả hiệp điều chỉnh.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét