Nguồn: Mark Suzman, “The Truth
About Development Aid,” Project Syndicate, 03/04/2017.
Bản dự thảo ngân sách 2018 được chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố gần đây đã đề xuất cắt giảm đáng kể các khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ, gây ra một cuộc tranh luận về vai trò của những khoản chi đó trong việc cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Cuộc tranh luận này là quan trọng, vì trong quá trình xóa bỏ những sự bất bình đẳng thu nhập lớn nhất trên thế giới, viện trợ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng – và có lẽ thậm chí còn quan trọng hơn bao giờ hết – vì những lý do chưa được thấu hiểu rộng rãi.
Trong 25 năm qua, các chương
trình viện trợ nước ngoài đã giúp mở ra một thời kỳ phát triển chưa từng có ở
các quốc gia đang phát triển. Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ và tỷ lệ đói nghèo cùng cực
đã giảm đi một nửa. Các đối tác đa phương mang tính cách tân như Quỹ Global
Fund và Gavi, Liên minh Vaccine – trong đó Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất – đã cứu
mạng hàng triệu người khỏi những căn bệnh truyền nhiễm như sốt rét, HIV, hay
lao. Quỹ Bill & Melinda Gates cũng luôn tự hào được đồng hành cùng những
sáng kiến này trong nỗ lực giảm chi phí tiêm chủng và các biện pháp can thiệp
khác, từ đó tăng cường tác động đáng kể của mình lên chất lượng y tế toàn cầu.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy
các chương trình y tế và phát triển đem lại những lợi ích kinh tế to lớn. Ví dụ,
với mỗi đô la đầu tư cho các hoạt động tiêm chủng cho trẻ, các quốc gia đang
phát triển sẽ được lợi 44 đô la về mặt kinh tế.
Dù vậy, phần lớn người dân vẫn
chưa nhận thức được những tiến bộ mà viện trợ phát triển đem lại. Khi tiến hành
khảo sát 56.409 người tại 24 quốc gia, chỉ 1 trên 100 người biết được rằng chỉ
số đói nghèo toàn cầu đã giảm đi một nửa. Hơn hai phần ba đối tượng khảo sát
còn cho rằng tỷ lệ đói nghèo cùng cực đang gia tăng. Những nhận thức sai lầm rất
phổ biến ấy khiến cho số phận chính trị của các nguồn ngân sách viện trợ nước
ngoài càng trở nên mong manh.
Thêm vào đó, người dân ở các quốc
gia viện trợ lại thường đánh giá quá mức khoản tiền mà chính phủ của họ chi cho
viện trợ. Tại Mỹ, viện trợ nước ngoài chiếm chưa tới 1% ngân sách liên bang, ấy
vậy mà một khảo sát ý kiến dân chúng gần đây lại cho thấy 73% dân Mỹ tin rằng
viện trợ góp “một phần đáng kể” hay “một phần tương đối” vào nợ quốc gia.
Một nhận thức sai lầm khác cũng
phủ bóng lên đánh giá của các nước viện trợ: quan điểm cho rằng viện trợ cho
các quốc gia đang phát triển là một hành động hào phóng đơn thuần, mà không đem
lại lợi ích hữu hình cho họ. Thực ra là ngược lại. Việc tài trợ cho các chương
trình phát triển phục vụ cho chính lợi ích của các quốc gia viện trợ, cả về an
ninh và kinh tế.
Nếu không có viện trợ, tình trạng
đói nghèo và bất ổn gia tăng có thể cuốn các quốc gia phát triển dính vào các
cuộc xung đột ở những nơi xa xôi và mang bất ổn tới biên giới mình dưới hình thức
các cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn, cũng như dịch bệnh. Ngược lại, khi viện
trợ được sử dụng để giúp tăng thu nhập ở các nước đang phát triển, nó có thể tạo
ra các việc làm hướng tới xuất khẩu tại các quốc gia cung cấp viện trợ. Trong số
15 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ – tức là các nước tự cung tự cấp có tiêu
thụ hàng hóa và dịch vụ Mỹ – có tới 11 nước từng là nước nhận viện trợ.
Ngày càng nhiều quốc gia đang
phát triển đang bắt đầu làm chủ tương lai của mình. Họ ngày càng đóng góp nhiều
hơn vào tiến trình phát triển của chính mình, thông qua các chương trình cộng đồng
trong nước với sự hỗ trợ của các chính sách tài chính và thuế khóa khôn ngoan.
Đầu tư được ưu tiên cao độ cho các lĩnh vực tối quan trọng như giáo dục, chăm
sóc y tế cơ bản, và gia tăng năng suất nông nghiệp, tạo nền tảng cho một tương
lai thịnh vượng và tự chủ. Kinh tế và vốn tư nhân cũng ngày càng mở rộng vai
trò của mình đối với các dự án phát triển.
Mặc dù vậy, hiện nay, viện trợ vẫn
rất cần thiết để lấp đầy các khoảng trống trong đầu tư trong nước, giải quyết
các thất bại thị trường, và khuyến khích thêm đầu tư từ khu vực kinh tế tư
nhân. Và chắc chắn là cho dù chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong
vài thập niên qua, vẫn còn nhiều việc cần làm để duy trì những tiến bộ về y tế
và phát triển này.
Hơn một tỷ người vẫn đang phải sống
dưới mức một đô la một ngày. Mỗi năm có tới hơn ba triệu trẻ em chết khi chưa đầy
một tháng tuổi. Giải quyết những vấn đề này và nhiều vấn đề dai dẳng khác – một
phần trong nhóm mục tiêu đầy tham vọng của Liên Hợp Quốc tính tới năm 2030, một
phần kế hoạch Các mục tiêu Phát triển Bền vững – sẽ hoàn toàn bất khả thi nếu
thiếu đi dòng vốn viện trợ phát triển.
Nói như thế không có nghĩa là các
chương trình viện trợ hiện có là hoàn mỹ. Ngược lại, chúng ta phải thận trọng
khi tiếp tục phát triển các chương trình này. Nhưng những than phiền rằng tiền
viện trợ hiện không được sử dụng hiệu quả như mong muốn có thể làm trầm trọng
hóa quá mức vấn đề. Sự thật là nhờ có những chương trình viện trợ được thực hiện
với chi phí hợp lý và thiết kế chuyên sâu dựa trên kinh nghiệm, những nguồn vốn
bị sử dụng kém hiệu quả chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số nguồn viện trợ
đã được cấp.
Một vấn đề lớn hơn nữa chính là
việc thiếu thông tin. Đó là lý do tại sao nhiều người làm việc trong lĩnh vực
phát triển chúng ta phải nỗ lực hơn để cải thiện việc đối thoại với các nhà hoạch
định chính sách và công chúng, cho thấy viện trợ phát triển hoạt động như thế
nào và tiến bộ mà nó đã thúc đẩy ra sao.
Bất chấp một số vấn đề bất ổn tồn
tại, tôi vẫn lạc quan rằng tiến bộ trong y tế và phát triển toàn cầu sẽ vẫn tiếp
tục. Đã tham gia những lĩnh vực này trong gần hai thập niên, ở Liên Hợp Quốc và
nay là ở Quỹ Gates, tôi biết lập luận ủng hộ cho viện trợ phát triển là rõ ràng
và thuyết phục. Tôi tin thế giới sẽ không quay lưng với thách thức lịch sử là
giảm bớt những cách biệt trong y tế toàn cầu, xóa bỏ đói nghèo cùng cực, và kiến
thiết một thế giới an toàn và bình đẳng hơn.
*
Mark Suzman là Giám đốc Chiến lược
và Chủ tịch Ban Chính sách và Vận động Chính sách Toàn cầu tại Quỹ Bill &
Melinda Gates.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét