Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và nữ ứng viên tổng thống
Pháp, Marine Le Pen tại Matxcơva ngày 24/03/2017.Mikhail KLIMENTYEV / SPUTNIK / AFP
Điện Kremlin khoanh tay ngồi nhìn Marine Le Pen, ứng cử viên
tổng thống Pháp từng tuyên bố "chia sẻ quan điểm" với Matxcơva về
tình hình thế giới bị bỏ lỡ cơ hội trở thành tổng thống siêu cường thứ 5 trên
thế giới ? Emmanuel Macron đắc cử sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với nước Nga của
Vladimir Putin. Kremlin tuyên bố "tôn trọng" sự chọn lựa của cử tri
Pháp, nhưng Hạ Viện Douma nghiêng hẳn về phía bà Le Pen.
Nhiều giờ sau khi Paris thông báo kết quả bầu cử tổng thống
Pháp ở vòng một tối ngày 23/04/20147, truyền thông Nga vẫn đưa tin bà Marine Le
Pen về đầu, lấn át ứng cử viên Macron của phong trào Tiến Bước. Tổng thống
Vladimir Putin đã tiếp đại diện của Mặt Trận Quốc Gia.
Trước bầu cử tổng thống Pháp ở vòng 1, ba trong số bốn ứng cử
viên có triển vọng nhất, tỏ lập trường thân Nga. Emmanuel Macron là một ngoại lệ.
Với Jean-Luc Mélenchon của phong trào Nước Pháp Bất Khuất, tổng thống Putin là
rào cản cưỡng lại sức mạnh của "đế quốc Mỹ", cho dù Nga không là một
mô hình dân chủ lý tưởng trong mắt ông Mélenchon.
Dưới nhãn quan ứng cử viên cánh hữu, François Fillon, nguyên
thủ Nga là một "mối quen biết thân tình". Họ đã nhiều lần làm việc với
nhau trong thời gian cả hai cùng giữ chức thủ tướng. Ngoài ra, ứng viên Fillon
còn muốn tận dụng hào quang của Putin trong lòng một phần cử tri Pháp có lập
trường bảo thủ.
Với đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia thì khác. Ứng cử viên đảng
này, Marine Le Pen, mùa thu 2016 đã sang tận New York, ngồi đợi hàng giờ ở tháp
Trump với hy vọng được tiếp kiến tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump. Bà
không được toại nguyện. Thủ tướng Đức, Angela Merkel tiếp ba ứng cử viên tổng
thống Pháp là François Fillon cánh hữu, Benoît Hamon của đảng Xã Hội và
Emmanuel Macron, nhưng không dành cho bà Le Pen vinh dự đó.
Riêng tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành thời giờ để tiếp
lãnh đạo đảng Mặt Trận Quốc Gia hôm 24/03/2017, một tháng trước bầu cử Pháp
vòng 1.
Buổi tiếp xúc với chủ nhân điện Kremlin là một "thành
tích" ngoại giao của ứng cử Le Pen. Nữ ứng cử viên tổng thống Pháp này
không che giấu lòng ngưỡng mộ đối với nguyên thủ Nga.
Marine Le Pen mạnh dạn tuyên bố với báo chí là bà cùng quan
điểm với tổng thống Nga về tình hình quốc tế trong lúc Paris và Matxcơva đang bất
đồng sâu đậm trên nhiều hồ sơ từ Syria đến Ukraina. Hai ngày sau khi tiếp bà Le
Pen, nước Nga cấm và đàn áp một cuộc biểu tình chống tham nhũng do nhà đối lập
Alexandre Navalny khởi xướng.
Le Pen-Putin, mối quan hệ nguy hiểm ?
Liên hệ giữa đảng Mặt Trận Quốc Gia của bà Le Pen với
Matxcơva đã được thắt chặt hơn kể từ năm 2013, sau nhiều chuyến công tác của
Marine Le Pen tại Nga.
Năm 2014, một ngân hàng tư nhân Nga do chính một người bạn
thân với tổng thống Putin làm chủ, cấp 9 triệu euro tín dụng cho đảng Mặt Trận
Quốc Gia. Hai năm sau, ngân hàng này tuyên bố phá sản, không thể tiếp tục cho
Marine Le Pen vay thêm tiền.
Theo nhà nghiên cứu Anton Chekhovtov Viện Khoa Học Xã Hội tại
Vienna, Áo, được Le Monde trích dẫn, Marine Le Pen chỉ được tổng thống Nga
Vladimir Putin chiếu cố, một khi tai tiếng việc làm giả liên quan đến bà
Penelope Fillon bùng nổ, khả năng đắc cử của ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa
François Fillon bị "mỏng dần".
Việc mời ứng cử viên của đảng Mặt Trận Quốc Gia đến điện
Kremlin là thông điệp rất rõ ràng của Matxcơva.
Một nhà báo Pháp bình luận : "Trước khi bức màn sắt
ngăn đôi hai khối Đông Tây được dẹp bỏ, Liên Xô ủng hộ ứng cử viên tổng thống
Pháp của đảng Cộng Sản PCF. Nay, "đại diện của Matxcơva tại Paris là bà
Marine Le Pen".
Tin tặc Nga trong tầm ngắm
Có lẽ vì vậy mà viện nghiên cứu Mỹ Brookings Institution
không loại trừ khả năng "Nga tung một đòn xấu nhắm vào Emmanuel
Macron", ứng cử viên duy nhất không lọt vào mắt xanh của ông Putin.
Cố vấn của cựu tổng thống Obama, ông David Axelrod, giải
thích : sự kiện ông Macron hay bà Le Pen đắc cử tổng thống Pháp 2017 sẽ đem lại
những thay đổi lớn trong quan hệ giữa Nga với các nền dân chủ phương Tây.
Emmanuel Macron một người chủ trương bồi đắp cho Liên Hiệp
Châu Âu thêm vững mạnh, củng cố quan hệ giữa Paris với Bruxelles, giữa hai đồng
minh thân thiết là Pháp và Mỹ. Ứng cử viên tổng thống Macron chống đối chính
sách bãi bỏ cấm vận nước Nga. Ngược lại bà Le Pen thì chủ trương bài châu Âu để
xích gần về phía Nga.
Không phải tình cờ mà báo chí Matxcơva tập trung tấn công ứng
viên thuộc phong trào Tiến Bước !
Nhật báo Le Monde số ra ngày 25/04/2017 nêu một chi tiết nhỏ
: Chủ Nhật vừa qua vào lúc các phòng phiếu ở Pháp chưa đóng cửa, đài truyền
hình quân đội Nga, Zvevda, đã thông báo kết quả Le Pen-Macron lọt vào vòng 2,
hashtag bằng tiếng Pháp JeVoteMarine- Tôi bỏ phiếu cho Marine xuất hiện trên
màn ảnh tivi.
Vincent Jauvet, phóng viên tạp chí L'Obs nêu lên câu hỏi :
liệu tổng thống Putin có đi xa hơn nữa hay không trong việc giúp đỡ Marine Le
Pen chinh phục điện Elysée ? Câu trả lời theo ông Jauvet là có.
Tác giả đưa ra những bằng chứng cụ thể : hai cơ quan truyền
thông của Nga là Sputnik France chi nhánh hoạt động tại Pháp và đài truyền hình
RT- hậu thân của Russia Today là cánh tay nối dài của điện Kremlin để giúp bà
Le Pen đắc cử. Sputnik thì chỉ phỏng vấn những người thân cận, những thành viên
đảng Mặt Trận Quốc Gia. RT thì chỉ phỏng vấn có một người, đó là phó chủ tịch đảng
này, ông Steeve Briois.
Đáng chú ý hơn nữa, vẫn theo tuần báo L'Obs, cả Sputnik lẫn
RT cùng nêu lên khả năng kết quả bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 hôm 23/04/2017
"sai lệch" vì có gian lận. Hai kênh truyền thông này của Nga cùng
"nêu lên giả thuyết" ấy, nhưng không đưa ra bằng chứng. Vincent
Jauvet đặt câu hỏi , đây là một loại "fake news" tức là tin giả mà
Sputnik và RT tự ý tung ra hay do đã được Matxcơva chỉ thị ?
Hãng tin Reuters cho biết, tình báo Mỹ đang điều tra về khả
năng Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa tiết lộ hai báo cáo mật của
một viện nghiên cứu chiến lược Nga có liên hệ với tình báo nước này. Tài liệu
thứ nhất, được ban hành hồi tháng 6/2016 đề nghị "can thiệp" vào chiến
dịch vận động tranh cử tại Mỹ, qua kênh các mạng xã hội, RT và Sputnik để yểm
trợ ứng cử viên nào có khuynh hướng thân Nga.
4 tháng sau, vào lúc mà Hillary Clinton gần như cầm chắc phần
thắng trong tay, văn bản thứ nhì đưa ra tiêu chí ngưng vận động để ủng hộ
Donald Trump, tập trung nỗ lực vào các chiến dịch tuyên truyền không chính thức
với mục đích làm mất uy tín của vòng phiếu và chứng minh có gian lận bầu cử để làm suy yếu tổng thống Mỹ tương lai.
Vẫn theo nhà báo Jauvet, hai tài liệu được phát hiện nói
trên là cơ sở để tổng thống Barack Obama tố cao Nga vào bầu cử Hoa Kỳ. Điện
Kremlin bác bỏ tin do hãng thông tấn Anh Reuters loan tải.
Vậy thì có gì bảo đảm là Matxcơva sẽ không nhúng tay vào bầu
cử tổng thống Pháp ?
Nhật báo tài chính Mỹ, Wall Street ấn bản ngày 24/04/2017 khẳng
định : ứng cử viên tổng thống Pháp, Emmanuel Macon bị tin tặc tấn công. Thủ phạm
là những nhóm tin tặc Nga, chính những người từng đột nhập và phá hoại chiến dịch
vận động tranh cử của bà Clinton hồi năm 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét