Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Hân hoan trong sương mù




Đại tiệc mở ra, đôi khi vì quá hân hoan mà người ta dễ quên đi những phần quan trọng đã có. Sự kiện Đồng Tâm, Mỹ Đức cũng vậy. Trên các trang báo và truyền hình, rất nhiều hình ảnh ghi lại lực lượng cảnh sát cơ động vui vẻ ra về sau những ngày bị nông dân bắt giữ, hoa chào mừng vị chủ tịch thành phố Hà Nội đến làng để thương thuyết... nhưng khó ai tìm thấy được một bức ảnh đúng thời gian của cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, từ lúc bị bắt giữ, cho đến khi vào bệnh viện, bị khởi tố, theo cáo trạng thị chúng của công an Hà Nội.



Trong ngồn ngộn các thông tin của báo Nhà nước nói về về việc người dân Đồng Tâm hân hoan và biết ơn Đảng, Nhà nước khi được đoàn cán bộ về giải quyết sự việc, cũng như tâm nguyện thả hết những người đã tấn công vào làng bị bắt giữ, tôi lần mò tìm một hình ảnh của cụ Kình về ngày đáng nhớ này. Nhưng mọi thứ cứ mất hút, chỉ có vài thông tin mà ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung đưa ra trước đó: cụ Kình phải vào bệnh viện để mổ vì bị các nhân viên an ninh làm cho chấn thương. Còn người nhà cụ Kình thì cho báo đài ngoại quốc biết rằng có khoảng 20 người canh giữ cụ trong tình trạng như vậy.



Tôi tự hỏi, không biết cụ Kình có nở nụ cười nào trong những ngày vui mà báo chí Nhà nước đưa tin về làng Hoành hay không. Cụ đang thế nào?



Báo chí Nhà nước lúc thì giống như một bầy trẻ con, thích ăn kẹo và thích vỗ tay, lúc thì cay nghiệt và độc ác với những cái nhìn cú vọ có chủ trương. Các bài viết, bình luận như cùng hẹn nhau co giật vô tri với các loại nhạc hiệu. Báo chí cách mạng vẫn thường hay lộng lẫy hai chiều: hoặc ngợi ca hết lời, hoặc đấu tố cay nghiệt đến vô nhân.



Lý ra thì cũng phải nên có một bài viết thăm hỏi và phỏng vấn cụ Kình về chuyện khủng hoảng tạm kết hôm nay, phải không? Bởi đơn giản không có cụ, thì giờ đây ruộng vườn của Đồng Tâm đã chằng chịt kẽm gai ngăn chận, dân làng Hoành cũng không còn bình yên trong cái nhìn quen thuộc công an địa phương: bất kỳ khác biệt nào cũng dễ dàng trở thành thù địch.



Trong một bức ảnh không có máu đổ, không có sự sắp đặt gượng gạo của truyền thông, tôi nhìn thấy Thượng tá Phạm Văn Trung, Trung đoàn phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động vào làng đón người của mình. Anh chắp tay chào người dân với vẻ thành tâm đến xúc động. Bên cạnh là những người lính của anh, mà ai nấy đều có gương mặt thảnh thơi như vừa đi dự một trại hè. Tôi lại nhớ đến lời một người dân ở thôn Hoành trên radio, trong những ngày căng thẳng lịch sử ấy "dân không có ăn thì không sao, nhưng nhất định phải lo đủ suất ăn 30.000 đồng/ bữa cho mỗi người đang bị tạm giữ". Ôi, cực chẳng đã những người nông dân mới đứng dậy. Phải nhọc nhằn tâm can lắm thì những con người ít chữ ấy, luôn cắm mặt vào đất ấy, mới chọn cách thức phản kháng như cha ông mình từ ngàn năm trước.



Chưa thấy có bài báo nào phỏng vấn các nhân vật bị tạm giữ ở Đồng Tâm về những ngày họ mang giáp, cầm dùi cui hừng hực khí thế xông vào làng cho đến lúc thảnh thơi ra về, dĩ nhiên là với một nội dung phi tuyên truyền, để mọi người hiểu thêm về con người làng Hoành. Cũng không có bài báo nào phỏng vấn 15 người nông dân qua những ngày bị bắt, bị cưỡng bức ra khỏi làng của mình, mở đầu cho cuộc khủng hoảng. Có thể báo chí giờ đây quá trẻ con để có thể làm được những điều vừa sức như vậy, nhưng cũng có thể báo chí đã bị bóp nặn thành những đứa trẻ, chỉ thích ăn kẹo và hân hoan vui đùa trong cuộc sống mờ mờ sương mù.



Ông chủ tịch Chung đang trở thành ngôi sao sáng trong việc gỡ ngòi nổ ở Đồng Tâm. Nhưng ông Chung, rõ ràng, cũng chỉ là người may mắn nhận được sự ủng hộ và được gấp rút giao toàn quyền từ những nhân vật cấp cao, nhằm giải tỏa những vướng bận vỉa hè trước cánh cổng hội nghị trung ương 5, khóa 12 đang diễn ra đầy gây cấn cách điểm nóng chỉ có 30km. Ông Chung đã khéo léo làm tròn vai trò của mình nhưng ít có ai dám cam đoan là mọi thứ vẫn sẽ tốt đẹp trong thời gian tới. Nhất là khi trên mạng xã hội, trên các bài báo, vẫn còn những ngôn luận hậm hực và hườm sẳn cho một thái độ quay ngoắt về sau.



Tôi đọc thấy ngôn từ của nhà văn, nhân viên an ninh, những kẻ vô danh cực hữu… vẫn mắng nhiếc người nông dân. Từ ngôn ngữ đầy phân tích về luật đất đai cho đến lối mắng nhiếc hạ cấp nhất, các nòng súng dư luận chuẩn bị sẳn vẫn giương lên khắp mọi nơi. Họ gọi nông dân là tham, là quá đáng rồi đến đụ mẹ -cái lồn về hướng Đồng Tâm. Nhưng không ai trong đám người đó dám mở miệng đặt một câu hỏi giản đơn: vì sao đất dành cho chuyện quốc phòng lại giao cho một công ty bán điện thoại và lắp internet để làm ăn?



Trong một bài viết đầy vẻ hiểu biết trên facebook của một phụ nữ làm trong ngành an ninh, nói rằng nông dân Đồng Tâm đã tham lam muốn chiếm đất của nhà nước, tôi đọc được một lời bình luận đầy hớn hở của một chị người Bắc, rằng nên phổ biến thông tin này “để đồng bào miền Nam mở mắt”.



“Đồng bào miền Nam mở mắt” sẽ mãi là đề tài thú vị về ngày 30/4/1975 cho đến 42 năm sau, và chắc sẽ còn nhiều hơn, về sau nữa. Nhưng chuyện mở mắt, thì chắc là dân Đồng Tâm đã là những người tuyệt vời trong việc nhìn thấy điều cần phải làm, khi có bài học Thái Bình 1997, rồi 2007. Điều đáng thú vị cần phải nghiên cứu, là những nông dân này đã bảo vệ mình tốt đến mức quyết từ chối báo chí Nhà nước, hạn chế cung cấp thông tin cho cả phía nhận vai trò thương thuyết, và chỉ nhỏ giọt những gì cần nói cho truyền thông tự do trong và ngoài nước.



Chắc chắn trong chuyện “mở mắt”, không chỉ người dân Đồng Tâm, mà toàn thể người dân Việt Nam đều nhận ra rằng những biến cố hay oan khiên trên đất nước mình, trong thời chủ nghĩa cộng sản, đều có những bầy giòi bọ tham gia truyền thông dạo đầu hay tung hô cho những bữa tiệc tanh hôi. Thật dễ nhận dạng những giọng điệu như vậy, vốn sẳn sàng chà đạp con người và sự thật để chen chút liếm láp đuôi kẻ mạnh. Loại ký sinh chỉ thích tồn tại và hân hoan trong sương mù.



Cụ Kình chắc không muốn nhận mình là một ngôi sao hay là một anh hùng trong câu chuyện Đồng Tâm. Nhưng không có cụ, ắt hẳn đã không có một ánh sáng le lói nào dẫn đến đại cục hôm nay. Chắc cụ rồi cũng chỉ nhận mình là một người bình thường, một nông dân bình thường.



Quan nhất thời – dân vạn đại, ông bà xưa vẫn để lại lời khôn ngoan cho con cháu về sau như vậy. Nhưng giòi bọ bu bám cường quyền thì đời đời kiếp kiếp vẫn là giòi bọ dù luôn cố nhoi lên, giẫy đạp tranh chỗ của con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét