Những người biểu tình cầm ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình trên đường dẫn tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 11 năm
2015.AFP photo
Không đồng tình
Luật Biểu tình tiếp tục không có mặt trong tờ trình của
Chính phủ lên Thường vụ Quốc hội. Quyền hiến định của người dân tiếp tục bị đưa
vào giai đoạn chờ đợi. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tuần qua chấp thuận với
chính phủ về việc tiếp tục lùi dự án luật Biểu tình với lý do cần chuẩn bị kỹ
hơn.
Báo mạng Vnexpress có trích dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Lê
Thành Long khi giải thích nguyên nhân chưa trình được Quốc hội, nội dung cho biết
tiến trình của dự án Luật biểu tình do Bộ Công an soạn thảo đã đến giai đoạn
chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định, tuy nhiên do nội dung chưa đạt yêu cầu nên phải
rút lại.
Thường vụ cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thời gian qua đã
thực hiện các yêu cầu trên như thế nào, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc
chưa trình được các dự án; thời hạn trình sẽ vào lúc nào.
Nhưng, đó là cách lý giải của phía chính phủ.
Với luật sư Ngô Ngọc Trai, ông lên tiếng cho rằng các cơ
quan ban ngành đã cố tình trì hoãn một văn bản luật liên quan đến một quyền rất
quan trọng của người dân là quyền biểu tình.
“Tôi hoàn toàn không đồng tình với các cơ quan như Bộ Công
an hay chính phủ trong trường hợp này.
Như chúng ta biết dự luật này từ hàng chục năm nay cứ bị trì
hoãn mãi vì đủ lý do mà tôi cho là không xác đáng. Tôi cho đây là một quyền thể
hiện và là một giải pháp để người dân đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người ta.”
Rất nhiều những trường hợp được Luật sư Ngô Ngọc Trai nhận định
là quyền lợi của người dân đã không được bảo vệ theo luật pháp. Chính vì vậy,
biểu tình, xuống đường là cách người dân lựa chọn để đòi hỏi cơ quan ban ngành,
Trung ương giải quyết quyền lợi cho họ một cách chính đáng.
Hơn nữa, cũng theo Luật sư Ngô Ngọc Trai, ông cho rằng quyền
biểu tình là một giải pháp lối ra cho các bức xúc, những mâu thuẫn về quyền lợi
của nhiều bộ phận dân chúng khác nhau.
Lo sợ
Những người phản đối công ty Formosa biểu tình tại Hà Nội
vào ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Nghệ sĩ từng từ chối bằng khen của Thủ tướng, nhà đấu tranh
Kim Chi, người có mặt trong nhiều cuộc biểu tình ôn hoà đòi quyền tự do dân chủ
cho biết bà thấy “thất vọng vì sự giả dối” và bức xúc vì chính phủ không thực
hiện được bất cứ điều gì đã hứa.
“Họ trì hoãn là vì họ sợ thôi. Nếu có luật biểu tình thì có
khi hàng triệu người xuống đường. Bây giờ người ta chưa vượt qua được nỗi sợ
hãi cho nên khi mà họ bắt bớ đánh đập thì họ không dám đi. Cho nên nếu có luật
biểu tình thì họ không khủng bố được. Tôi nghĩ vậy.”
Bà cho biết dù người dân thực hiện những cuộc biểu tình ôn
hoà, bất bạo động, nhưng phía nhà cầm quyền vẫn áp đặt tội gây rối trật tự, hoặc
có hành vi chống phá nhà nước.
“Họ vu cho là quấy phá, làm mất trật tự công cộng…họ cấm tụ
tập đông trên đường phố. Như vậy họ trì hoãn là để cho người ta phải sợ hãi,
không dám dân thân, để buộc người ta tội phản quốc.”
Nỗi lo sợ là một lý do có lẽ không chỉ riêng nghệ sĩ Kim
Chi, mà tất cả những người đấu tranh trong nước đều có thể nhận thấy trong việc
nhà cầm quyền liên tục trì hoãn dự án luật Biểu tình.
“Họ sợ, rất sợ đám đông. Vì biểu tình là một cách bày tỏ
chính kiến và đấu tranh bất bạo động. Đối với nhà cầm quyền Việt Nam, một đất
nước độc tài không có nhân quyền dân chủ thì họ trì hoãn được ngày nào thì họ
coi đó là có lợi cho họ. Họ rất sợ tiếng nói của dân chúng.”
Chính nghệ sĩ Kim Chi là người đã từng bị bắt bớ vì tham gia
những cuộc tưởng niệm như chiến tranh biên giới 17-2, tưởng niệm trận chiến Gạc
Ma, biểu tình đòi minh bạch cho thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra…
Không tôn trọng quyền công dân
Câu chuyện gần đây nhất, chỉ trong đầu tháng Tư này, Công an
thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã ra lệnh khởi tố nhóm người biểu tình chiếm Uỷ
ban Nhân dân huyện Lộc Hà liên quan bồi thường thiệt hại do tai hoạ môi trường
Formosa gây ra. Phía nhà cầm quyền gọi đây là vụ án hình sự gây rối trật tự
công cộng.
Cho dù, quyền biểu tình cũng như nhiều quyền cơ bản của công
dân được qui định trong tất cả các bản Hiến pháp của nước Việt Nam Xã hội Chủ
nghĩa, kể từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới Hiến pháp gần đây nhất
2013. Điều 25 của Hiến pháp 2013 cũng khẳng định công dân có quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực
hiện các quyền này do pháp luật qui định.
Do đó, Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng việc liên tục trì hoãn
dự án Luật Biểu tình là không tôn trọng quyền của người dân.
“Xem thường quyền tự do dân chủ, quyền hợp pháp hợp hiến của
người dân. Như thế cũng có nghĩa là không tôn trọng Hiến pháp nữa. Vì Hiến pháp
qui định công dân được quyền biểu tình rồi.”
Một vấn đề khác góp phần trong việc dẫn đến sự bất cập trong
việc thông qua các dự án luật, trong đó có Luật Biểu tình, được luật sư Ngô Ngọc
Trai đề cập đến là “Quyền lực chính trị của các ban ngành quá lớn.”
“Người ta có thể làm sai mà chẳng làm sao cả. Cho nên họ cứ
làm như thế và khiến người dân thấp cổ bé họng, không đủ khả năng thay đổi tình
thế. Chính quyền thì cứ phủ nhận và người dân thì không làm gì được.”
Nếu kết luận về vấn đề này, về góc độ pháp lý, Luật sư Ngô
Ngọc Trai nhận định “đơn thuần là không tôn trọng quyền của người dân và không
thực thi đúng qui định của Hiến pháp.”
Thì ở vai trò của người dân “thấp cổ bé miệng” chỉ biết dùng
biểu tình ôn hoà làm phương pháp đòi quyền lợi chính đáng, nghệ sĩ Kim Chi nói
rằng bà khó tin sẽ có ngày Luật Biểu tình theo Hiến pháp qui định sẽ được thông
qua, cho dù “bày tỏ bất đồng chính kiến là quyền của mỗi con người.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét