Nguyễn Thị Từ Huy (NTTH):
- Như vậy trong việc bổ nhiệm cán bộ sau năm 1946 ông Hồ
không thực sự có quyền ?
Vũ Thư Hiên:
- Ông Hồ Chí Minh không còn bao nhiêu quyền lực như năm
1946, bắt đầu sớm hơn, nó ít dần từ năm 1947 kia, khi chính phủ rời Hà Nội lên
Việt Bắc, theo cha tôi. Chủ tịch phủ thời kháng chiến đóng ở Thác Dẫng huyện
Sơn Dương (Tuyên Quang) hầu như rất ít công việc. Tôi có thời gian ở đấy, khoảng
độ nửa năm.
Tôi và anh Phạm Sĩ Liêm (sau làm phó chủ tịch Hà Nội) cùng làm việc
ở đó như một thứ nhân viên văn phòng, làm cả việc chép sách kinh điển mác-xít,
cả việc chạy công văn khi hai cậu liên lạc tên Bính và Phoóng, người Tầy, lên
cơn sốt rét. Quan sát công việc của Chủ tịch phủ lúc bấy giờ tôi thấy nó giống
một cái cơ quan hành chính rỗi việc. Các sắc lệnh do bên đảng quyết, các cán bộ
chủ tịch phủ soạn văn bản, ông Hồ Chí Minh ký. Phủ chủ tịch không phải, không hề
giống cơ quan chỉ huy cuộc kháng chiến chống Pháp. Nói nó là đại bản doanh của
chính phủ kháng chiến như người ta miêu tả là nói quá. Những quyết định quan trọng
cho cuộc kháng chiến là ở những cuộc họp, chúng diễn ra không phải ở một nơi nhất
định, chắc chắn không ở thác Dẫng. Chủ tịch phủ không phải là nơi điều khiển
công việc điều hành đất nước. Tất cả các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến
đóng trong một khu an toàn (gọi tắt là ATK) , có một trung đoàn bảo vệ, lấy bí
danh là tiểu đội Thanh Sơn. Có thể nói sự xa cách về địa lý giữa các cơ quan
cũng làm cho ông Hồ dần mất quyền quyết định trong mọi việc. Nơi ông Hồ ở là
Núi Hồng cách thác Dẫng không xa. Ông thường chỉ ra thác Dẫng khi tiếp khách. Mọi
cơ quan đều mang bí danh: Chủ tịch phủ là ban Kiểm tra 12, Bộ nội vụ là Tiểu đội
1. Bộ Thông tin Tuyên truyền là Ban canh nông xã Công bằng. Nha công an Việt
Nam là Ông Cả Nhã hiệu Việt Yên. Các cơ quan đều ở cách nhau khá xa, gần nhất
cũng năm bảy cây số đường rừng. Liên lạc giữa các cơ quan đều dùng người chạy
công văn, không có điện thoại dây hoặc phương tiện khác. Ngay giữa chủ tịch phủ
và nơi ông Hồ ở cũng liên lạc bằng công văn chạy bộ. Lúc bấy giờ Hồ Chí Minh
không còn nhiều người ở bên cạnh như khi ở Hà Nội. Trong tình hình ấy vai trò của
ông Trường Chinh khác trước rất nhiều. Vì sao? Vì tất cả các tỉnh uỷ, tức là hệ
thống đảng, là do Trường Chinh nắm, mà nguyên tắc đảng lãnh đạo thì cả hệ thống
hành chính đều tùy thuộc vào nó (đảng). Sự chỉ huy này không nằm ở chủ tịch phủ.
Một thí dụ: Trung Quốc nhiều lần nhắc nhở, mà nhắc nhở ông Trường Chinh, chứ
cũng không cần nhắc nhở ông Hồ Chí Minh, rằng để một người do đế quốc đào tạo
làm Bộ trưởng Bộ công an là không được. Bên Trung Quốc không làm như thế. Ông Hồ
có hỏi cha tôi nghĩ sao về việc thay ông Lê Giản bằng Trần Quốc Hoàn. Cha tôi
trả lời : “Anh Hoàn ở tù cùng với tôi ở Sơn La. Người này không có học. Bộ này
cần người có học”. Chuyện Trần Quốc Hoàn là người thế nào tôi có viết trong hồi
ký “Đêm Giữa Ban Ngày”. Vì ăn cắp chữ chì có hàm lượng antimoine cao của nhà in
IDEO để bán cho các lò đúc gang, Trần Quốc Hoàn bị bắt. Trong tù, Hoàn được mấy
ông cộng sản thương tình khuyên là nên khai lấy chữ chì cho đoàn thể để in truyền
đơn, thì sẽ được xem là tù chính trị, sẽ không bị đánh đập như tù hình sự. Thế là
Trần Quốc Hoàn trở thành tù chính trị. Lúc đó Lê Đức Thọ cũng ở Sơn La. Lê Đức
Thọ lấy em vợ của ông Đặng Châu Tuệ, một cán bộ cách mạng lão thành, bà này có
một cửa hàng sách ở Nam Định, hằng tháng gửi cho chồng 5 piastres (năm đồng bạc
Đông Dương), trong khi giá gạo chưa tới 2 piastres một tạ. Lê Đức Thọ chỉ cần
thuê Trần Quốc Hoàn chừng 5 hào (50 centimes) là đủ để Trần Quốc Hoàn vui vẻ phục
dịch Thọ mọi việc hàng ngày. Sau này người hầu mẫn cán được Lê Đức Thọ nhớ đến,
đưa lên làm Bộ trưởng Bộ công an.
- Nhưng nếu nói là Hồ Chí Minh không có thực quyền thì công
lao của ông Hồ đối với hai cuộc kháng chiến nằm ở đâu ?
- Nằm ở hình ảnh ông ấy, được ngành tuyên truyền dày công dựng
nên. Ông được thánh hoá trong sự sùng bái, cứ như thể ông là người lãnh đạo
trong mọi việc. Trong thực tế, công việc chỉ huy (tôi không muốn dùng chữ lãnh
đạo với ý nghĩa người có được sự đồng thuận của nhân dân coi là người chỉ đường
cho mình) nằm trong tay Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp, (về danh nghĩa thì có cả
Phạm Văn Đồng, nhưng ông này chẳng quyết định việc gì), tiếp đến là Lê Duẩn, Lê
Đức Thọ. Căn cứ vào một bằng chứng duy nhất được nhiều người biết thì đến năm
1964 ông Hồ mới thực sự bị loại khỏi hệ thống quyền lực. Bằng chứng ấy là:trong
một cuộc họp với cán bộ tuyên giáo ở Hưng Yên vào năm này, Tố Hữu đã nói: “Ông
Cụ lẫn cẫn rồi. Bây giờ mọi việc do anh Ba và chúng tôi đảm nhiệm”. Mà Tố Hữu,
uỷ viên Ban Bí thư trung ương đảng, có thể coi như người phát ngôn chính thức của
ban lãnh đạo đảng.
NTTH:
-Vấn đề là tại sao bộ máy quyền lực phải tuyên truyền cho
ông Hồ ? Tại sao trong kháng chiến chống Pháp ông Trường Chinh không làm một
chiến dịch tuyên truyền hình ảnh của mình ?
Vũ Thư Hiên:
- Trường Chinh có muốn thế cũng không được. Trong đảng lúc ấy
còn rất nhiều người tính về thâm niên cách mạng còn hơn Trường Chinh. Họ không
dễ tán đồng một sự sùng bái như thế. Vào giai đoạn năm 45-46 ông Hồ đã là một
ngôi sao sáng rồi, sáng đến mức không thể dập tắt được, để có thể thay thế bằng
một ngôi sao khác. Ông Hồ được tuyên truyền rộng rãi như một người suốt đời tận
tuỵ với dân tộc, không ham hố quyền lực cũng như danh vọng. Trường Chinh không
thể nào sánh bằng. Người ta chỉ có thể tuyên truyền cho vai trò Trường Chinh bằng
cách phát hành lẫn vào chân dung các lãnh tụ cộng sản quốc tế: Marx, Engels,
Lenin, Stalin, với Hồ Chí Minh và Trường Chinh được treo ở vị trí thấp hơn. Những
chân dung màu đẹp đẽ được in ở bên Tàu, bằng giấy tốt, được phát không cho dân
chúng, được trang trọng treo ở các nhà bên trên cái gọi là ban thờ tổ quốc. Tôi
cho rằng trong một bối cảnh như thế ông Hồ cũng chẳng cần đến quyền lực, nó chẳng
để làm gì, một khi ông đã được đàn em bê lên bệ thờ, được mê mẩn trong khói
hương với những bản tụng ca không lúc nào tắt tiếng ở bên dưới.
NTTH:
- Một câu hỏi ngoài lề: trong sinh hoạt, ông Hồ Chí Minh là
người thế nào?
Vũ Thư Hiên:
Theo tôi biết, mà biết chắc, về chuyện ăn uống, ông là người
rất giản dị, có thể dùng chữ “đạm bạc”. Trong kháng chiến chống Pháp, mọi thứ đều
thiếu. Mọi người chiều ông, rất quan tâm bữa ăn cho ông, ông muốn ăn gì chẳng
được, nhưng tôi biết, ông không hề đòi hỏi. Bữa ăn của ông thường chỉ có rau
dưa, vài khúc cá kho mặn (người Nghệ mà). Người ta chiều ông đến nỗi khi nghe
ông nói thèm cà Nghệ, thế là cà Nghệ được chuyển từ Nghệ An, qua bao nhiêu tỉnh,
qua cả vùng địch chiếm, để mang tới Việt Bắc quả cà còn tươi nguyên. Đó là lòng
dân, là chuyện có thật, chính tôi được ăn ké món cà muối xổi. Trong ông Hồ,
theo tôi thấy, bằng mắt mình, có một anh nông dân thâm căn cố đế. Tôi nhớ những
lần ông ra thác Dẫng, anh Phạm Sĩ Liêm khoe bí đỏ đậu nhiều lắm, thế là ông tức
tốc ra vườn cùng anh Liêm kiếm cái lót dưới quả bí non để nó không bị thối, còn
tôi thì có thể lợi dụng thời gian đó ung dung xoáy của ông vài điếu thuốc lá
cho hai đứa. Phải rất nông dân thật thà mới nói thế này với ông bà Trần Duy
Hưng: “Cô chú đông các cháu, hằng tháng cho các cháu lên ăn với tôi một vài bữa". Lời kể của ông Trần Duy Nghĩa, con bác sĩ Trần
Duy Hưng, cho tôi thấy thêm một lần chất nông dân của ông, khi đứa trẻ Trần Duy
Nghĩa vô ý làm vãi vài hạt cơm trong bữa ăn với ông Hồ. “Cháu phải biết: cái
này là của ngọc thực, nông dân phải làm lụng một nắng hai sương mới ra được hạt
gạo, cháu nhặt lên mà ăn nhá!” – ông nhẹ nhàng bảo. Đức tính tiết kiệm của ông
được nói đến nhiều, được ca ngợi nhiều, nó cũng là sự thật. Bên cạnh sự thật ấy
có một sự thật khác. Ông Hồ không thể bỏ thói quen nghiện thuốc lá ngoại. Thuốc
lá ngoại thời kháng chiến rất đắt, phải mua ở các chợ giáp ranh giữa vùng giải
phóng và vùng tạm chiếm, tiền mua vài bao thuốc có thể nuôi sống một gia đình
nông dân đông con một tháng. Ông nghiện thuốc lá Mỹ: Craven A, Phillips Morris,
State Express 555, đôi khi là Camel, không bao giờ ông hút thuốc lá Pháp như
Bastos, Melia, Cotab. Tôi không biết nếu người ta không chiều ông, lo thuốc lá
Mỹ cho ông hút thì tình hình sẽ ra sao? Ông có hút thuốc sừng bò như bộ đội
không? Người ta đã chiều, và tôi nghĩ chiều thế cũng phải thôi, ông dù sao cũng
là chủ tịch một nước, mà ông không có đòi hỏi gì hơn. Tôi có đọc một hồi ký buồn
cười khi thấy tác giả viết rằng người ta dùng một đại dội biệt động áp tải cả tạ
thuốc lá từ Hà Nội ra cho ông Hồ hút. Cứ như thể ông ấy hút mỗi ngày vài tút,
và thuốc lá dự trữ không bao giờ bị mốc. Còn chuyện khi về Hà Nội ông có đầu bếp
riêng, ông thích ăn ngon, với những món ăn khó kiếm như gà Quảng Châu vv…, tôi
không được biết, thời kỳ này tôi không còn có dịp gặp ông, được ăn cùng ông để
biết bữa ăn của ông thế nào, nhưng tôi tin những bài viết ấy là thực. Cái gọi
là tiêu chuẩn cho “lãnh tụ”. nó còn hơn suất “đặc táo” trong kháng chiến rất
nhiều. Các ông “lãnh tụ” tự cho mình có quyền được hưởng những thứ mà dân thường
không thể hình dung, là chuyện bình thường. Có hẳn một “Ban bảo vệ sức khoẻ
Trung ương” lo toan đủ thứ cho các vị được sống sung sướng, sống hạnh phúc cơ
mà. Cái gì ta không biết, ta có thể tưởng tượng.
Có nhiều người cho rằng
trong việc chuyển đổi thể chế từ độc tài cộng sản sang dân chủ phải bắt đầu từ
việc giải thiêng hình tượng ông Hồ Chí Minh. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng
những cuộc đấu tranh nhằm vào những sai trái của thể chế hiện tại, đấu tranh từng
điểm một, tiến lên từng bước một, đưa đấu tranh từ ngoài vào trong, khuyến
khích đấu tranh từ trong ra ngoài, mới là cái quan trọng sẽ dẫn tới sự chuyển đổi
mong muốn.
NTTH:
- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét