Việt Nam đứng hạng 175/180, không thay đổi so
với xếp hạng năm 2016.Ảnh RSF
Việt Nam là một trong những nước vi phạm quyền tự do báo chí
và bỏ tù nhiều nhà báo, blogger nhất thế giới, báo cáo thường niên của Tổ chức
Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn thuộc
các nước đội sổ.
Ông Benjamin Ismail, Trưởng Ban Châu Á Thái Bình Dương của
RSF, nói trong thông cáo báo chí rằng ngày càng có nhiều chính phủ tại châu Á cố
tình lẫn lộn giữa nhà nước pháp quyền và dùng luật để cai trị.
"Bằng việc tăng cường dùng các luật hà khắc, các chính
phủ có khuynh hướng toàn trị hy vọng biện minh được cho nỗ lực siết ruyền thông
và tiếng nói chỉ trích.
"Khi không đối phó được với quốc tế lên án, chính phủ
các nước này nhanh chóng tung ra các nguyên tắc không can thiệp, chủ quyền hoặc
thậm chí an ninh quốc gia nhằm né tránh các trách nhiệm nhân quyền quốc tế và bổn
phận hiến định về bảo vệ tự do truyền thông và thông tin," ông Ismail nói.
Được RSF công bố hàng năm từ 2002, Chỉ số Tự do Báo chí Thế
giới đo mức độ tự do truyền thông tại 180 nước.
Châu Á Thái Bình Dương là khu vực vi phạm tồi tệ thứ ba trên
thế giới nhưng lại có những nước nằm đội sổ nhiều nhất.
Lào đứng thứ 170 trong khi Việt Nam (175), Trung Quốc (176)
và Bắc Hàn (180).
RSF vào tháng 11 năm ngoái lập danh sách mà họ mô tả là
"kẻ thù của tự do truyền thông" trên thế giới. Tổng Bí thư Đảng Cộng
sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, có tên trong danh sách 35 người bao gồm
lãnh đạo một số nước, chính khách, lãnh tụ tôn giáo.
'Lo tuyệt thực'
Trong một diễn biến đáng chú ý, mẹ của blogger Mẹ Nấm, tên
thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tỏ ra quan ngại về việc con mình không nhận đồ
ăn và tiền gửi của gia đình khi gửi vào trong tù.
Blogger Mẹ Nấm 'bị bắt giam, khởi tố'
Bà Nguyễn Tuyết Lan nói với BBC rằng vào ngày 17/04 bà có đi
gửi một số đồ ăn và thuốc vitamin cho con mình nhưng cán bộ trại giam tại Khánh
Hòa nói không được gửi thuốc.
"Tôi thắc mắc là sao người khác gửi được mà tôi lại
không gửi được thì hôm sau cán bộ trại giam nói là "chị Quỳnh nói là nếu
những thứ gì mẹ tôi gửi vào thì phải cho tôi nhận đủ không thì sẽ không nhận
cái gì nữa".
"Tức là cán bộ trại giam gọi tôi lên nhận lại toàn bộ
những thứ tôi gửi trong đó có đồ ăn và tiền tôi gửi vào. Điều này làm tôi rất
lo bởi nếu không có tiền và không có đồ ăn thì con tôi sẽ ăn bằng cái gì và tới
08/05 thì tôi mới có tới thăm con tôi," bà Lan nói.
Bà Lan cho biết kể từ khi con bà bị bắt bà chưa được gặp con
mình lần nào và bà dự định ngày 08/05 tới trại là vì 07/05 hết hạn bắt tạm
giam.
Trong khi đó, nhà hoạt động Trịnh Kim Tiến nói với BBC về
quan ngại mà bà gọi là "có khả năng Mẹ Nấm tuyệt thực" để phản đối.
"Với sự thân hiểu của tôi về chị, tôi cho rằng Quỳnh đang tuyệt thực lần
hai để phản đối hành vi cửa quyền của công an tỉnh Khánh Hoà."
Trước đó, nhà hoạt động này viết trên trang Facebook cá
nhân: "Việc kiên quyết cự tuyệt nhận đồ của người nhà gửi vào như một lời
nhắn của chị đến mọi người."
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người
cũng là nhà đấu tranh về môi trường, đã bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội
Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Công an tỉnh Khánh Hòa khi đó nói bà Quỳnh đã "soạn thảo,
đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân..."
Vào tháng 03/2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh bà Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh là một trong số 13 phụ nữ được trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm
Quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngay sau đó nói:
"Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang
bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động
thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai
nước".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét