Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Quân đội không kinh doanh, bộ đội không bị ảnh hưởng gì

Kính Hòa-RFA

 

         Một văn phòng giao dịch của Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel tại Hà Nội. AFP photo
 

Ngày 23 tháng sáu, 2017, tại một cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các vị lãnh đạo thành phố Sài Gòn, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ quốc phòng nói rằng đã có chủ trương của quân ủy trung ương không để quân đội làm ăn kinh doanh nữa.

Nghi ngờ

Theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, hiện sống ở Sài Gòn thì vấn đề không để cho quân đội làm ăn kinh tế đã được nói đến từ lâu, từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi nghe được tin nói quân ủy trung ương quân đội Việt Nam có chủ trương rút quân đội ra khỏi các hoạt động kinh tế, ông Phạm Chí Dũng tỏ ý nghi ngờ, mặc dù cho đó là một chủ trương đúng:

“Họ đã làm một điều đúng, mặc dù đã là quá muộn, cho tới giờ phút này, có làm vẫn còn hơn không. Nhưng mà tôi thì rất hồ nghi rằng đây là một thông tin xác thực. Tại vì nếu xác thực thì không có vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất nó lùm xùm như vậy. Thực ra vẫn có hàng trăm doanh nghiệp quân đội từ bắc chí nam, làm bát nháo đủ thứ chuyện cả, thành ra tôi hồ nghi chuyện này thành một chủ trương như là ông Lê Chiêm nói. Mà nếu có chủ trương thì tôi cũng hoài nghi là chủ trương đó có thực hiện được hay không.”

Vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất mà nhà báo Phạm Chí Dũng đề cập là việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bị một sân golf do quân đội quản lý cản trở. Ngày 12 tháng sáu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp và có yêu cầu Bộ Giao thông- Vận tải thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu về việc xây đường băng thứ ba cho sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tình trạng ùn tắt lâu nay.

Lúc đó cũng có những người như nhà báo Kha Lương Ngãi, từng làm việc cho báo Sài Gòn giải phóng hoài nghi quyết định của Thủ tướng không thực hiện được. Trong khi đó thì một cựu ủy viên trung ương đảng giấu tên nói rằng quyết định của Thủ tướng sẽ mở đường cho việc nghiên cứu vấn đề đưa quân đội ra khỏi những hoạt động kinh tế.

Bình luận về phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm ngày 23 tháng sáu, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế hiện sống ở Hà Nội hoan nghênh phát biểu đó, ông nói tiếp:

“Việc này là một quá trình, và tôi hy vọng rằng Bộ quốc phòng sẽ công bố cho mọi người biết. Nhưng đây là một tín hiệu rất đáng vui mừng. Bởi vì từ lâu rồi, người dân đã lấy làm lo ngại về việc có một lực lượng trong quân đội lại đi kinh doanh, theo thị trường thu lợi nhuận, kể cả khách sạn nhà hàng, đất đai. Tất cả những cái đó gây ra phản cảm, đặc biệt là chuyện sân golf Tân Sơn Nhất. Tôi nghĩ rằng bên quốc phòng sẽ có các bước đi thích hợp và sẽ tính toán để biện pháp đó là khả thi.”

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, cách thức báo chí Việt Nam loan tải nội dung phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm không giống nhau, có báo thì nói việc không để quân đội kinh doanh là chủ trương của Bộ quốc phòng, có báo thì lại nói đó là chủ trương của quân ủy trung ương.

Theo ông Dũng hai cơ quan này không hoàn toàn giống nhau, và người đứng đầu quân ủy trung ương hiện nay là Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. Ông Phạm Chí Dũng nói nếu quả thực đây là chủ trương của quân ủy trung ương thì đó chính là quyết định của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng đề ra chủ trương đó, vẫn theo lời ông Phạm Chí Dũng, vì thấy rằng bên Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã thực hiện được điều này.

Ai sẽ bị ảnh hưởng?

Trong phát biểu ngày 23 tháng sáu, Thượng tướng Lê Chiêm có nói rằng các công ty do quân đội quản lý sẽ được cổ phần hóa, quân đội sẽ thoái vốn của mình ra khỏi các công ty đó. Trả lời câu hỏi liệu việc cổ phần hóa này có làm cho tài sản nhà nước mà quân đội làm đại diện bị thất thoát hay không, nhà báo Phạm Chí Dũng so sánh việc đó với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nói chung:

“Câu trả lời đơn giản nhất là nếu cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội thì nó cũng sẽ diễn ra y chang như vậy thôi, tức là mặc dù danh nghĩa không còn là quân đội nữa, nhưng phía sau vẫn là những nhóm lợi ích, quan chức quân đội, chứ làm sao họ để cho cổ phần hóa một cách công bằng, để cho những người khác chiếm cổ phần chi phối được.”

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến sân golf Tân Sơn Nhất, hiện nay sân golf này đang được một công ty là công ty Him Lam, do một cựu sĩ quan quân đội làm chủ, và về mặt chính thức thì không có liên quan gì đến quân đội cả, dù khởi đầu, nhiều cổ phần của sân golf này do một công ty quân đội quản lý.

Theo một số nhà quan sát thì sở dĩ quân đội được quyền nắm nhiều hoạt động kinh doanh trong một thời gian dài cho đến ngày nay là vì những lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của họ góp phần nuôi sống các quân nhân gia đình của họ.

Ngoài ra trong thời gian gần đây Việt Nam đã chi một số tiền rất lớn trị giá hàng tỉ đô la Mỹ để mua sắm các loại vũ khí hiện đại, ví dụ như 6 tàu ngầm hiệu kilo mua của Nga, trị giá đến 3 tỉ đô la.

Như vậy câu hỏi đặt ra là nếu quân đội không còn kinh doanh nữa thì những chi tiêu này có bị suy giảm hay không? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:

“Việc đó tôi không có bình luận gì, mà tôi chỉ nghĩ rằng là quân đội có thể mang lại một số thu nhập nhất định, nhưng số thu nhập đó đóng góp vào ngân sách quốc phòng bao nhiêu, và việc đó có thể làm giàu cho một số người nào đấy bao nhiêu, các nhóm lợi ích bao nhiêu, thì hiện chưa có báo cáo nên tôi xin là không dám bình luận gì, nhưng tôi nghĩ rằng ngân sách quốc phòng hiện nay chủ yếu bảo đảm các nhu cầu của quân đội, còn ngoài ra việc mua sắm các khí tài quân sự hiện đại, thì sẽ xin quốc hội và chính phủ chấp thuận.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng đồng ý với quan điểm này, ông cho rằng đời sống của người lính và gia đình họ vẫn không thay đổi:

“Tôi cho là chủ yếu ảnh hưởng tới những người trực tiếp nắm các doanh nghiệp đó, họ sẽ bị giảm thu nhập. Tại đây cũng cần phân biệt rạch ròi, vì theo dư luận thì bây giờ cái phạm trù khu vực cá nhân và tập thể nó khác nhau một trời một vực. Những người thiệt thòi nhiều nhất là những người thường xuyên quản lý các doanh nghiệp quốc phòng, hoặc tham gia điều hành trực tiếp các doanh nghiệp quốc phòng.”

Ngoài chuyện sân golf Tân Sơn Nhất, một vụ việc gần đây cũng có liên quan đến hoạt động kinh doanh của quân đội là vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, nơi nông dân nói rằng đất canh tác của họ bị giao cho một công ty của quân đội là Tập đoàn Viễn thông Viettel để kinh doanh.

Nông dân ở Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người là nhân viên công an, cảnh sát cơ động, cán bộ chính quyền, làm con tin để làm áp lực. Các con tin được thả ra sau khi Chủ tịch thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung ký giấy cam kết không truy tố nông dân Đồng Tâm. Nhưng sau đó cơ quan chức năng lại tuyên bố truy tố vụ bắt giữ con tin này.

Chúng tôi đã liên lạc được với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, ủy viên trung ương đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Viettel, để tìm hiểu vụ việc nhưng không được trả lời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét