Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Số phận ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra sao?

Trung Điền





Gần một tuần sau khi Hội nghị 5 trung ương đảng kết thúc và đúng 10 ngày sau khi ông Đinh La Thăng bị cách chức Ủy viên Bộ chính trị và Bí thư thành ủy Sài Gòn, báo Thanh Tra đăng một bài viết đề cập việc Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, nơi con trai của ông Dũng làm Bí Thư, bị điều tra vì vi phạm Luật Tài Nguyên hôm mồng 16 tháng 5.

Tuy nhiên, ngày hôm sau 17 tháng 5, bài báo nói trên đã bị rút xuống. Đây cũng là ngày diễn ra buổi nói chuyện của ông Nguyễn Phú Trọng về kết quả Hội nghị 5 với khoảng 200 cựu cán bộ lãnh đạo đảng và nước, trong đó có sự hiện diện của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ngay sau khi dự buổi nói chuyện của ông Trọng ở văn phòng Trung ương đảng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã được mời đi tham quan tại hai Tỉnh Quảng Ninh và Thành phố cảng Hải Phòng trong hai ngày 18 và 19.

Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Tấn Dũng quay trở lại Hà Nội dự cuộc họp do ông Trọng chủ tọa và cũng là lần đầu tiên ông Dũng được lãnh đạo Tỉnh Quảng Ninh và Thành Phố Hải Phòng chính thức mời tham quan một số dự án xây dựng hạ tầng lên đến hàng trăm triệu Mỹ Kim, đã từng được ông Dũng chấp thuận khi còn là Thủ tướng.

Ông Nguyễn Phú Trọng tại buổi Hội nghị với các cựu cán bộ lãnh đạo đảng và nước, trong đó có sự hiện diện của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Trí Dũng/ TTXVN

Trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng đi tham quan ở Hải Phòng, ông Trần Quốc Vượng, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương đảng, đã bay vào Kiên Giang làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ.

Những động thái nói trên cho thấy là phía ông Nguyễn Phú Trọng đang bắt đầu “tạo vấn đề” đối với ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai ông Dũng trên mặt dư luận, từng bước phanh phui những bê bối ở Kiên Giang - Phú Quốc – sào huyệt của gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng hiện nay.

Đây là cách tấn công địch thủ đã từng được Tập Cập Bình áp dụng trong cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” từ năm 2013 cho đến nay. Đó là tung ra một vài mẩu tin trên mạng xã hội, sau khi nó lan rộng và tạo chú ý trong dư luận, thì những tờ báo đảng bắt đầu những bài viết luận tội đi kèm với một số những phát biểu của các cựu viên chức cao cấp trong ngành kiểm tra, thanh tra của Trung ương, nhằm chuẩn bị cho ủy ban kiểm tra trung ương nhập cuộc điều tra.

Trong trận chiến bắt hai con hổ Bạc Hy Lai vào tháng 7 năm 2012 và Chu Nguyên Khang vào tháng 7 năm 2014, Tập Cận Bình đã tốn hơn 2 năm trước đó với nhiều thế trận.

Trên mặt dư luận, họ Tập đã phanh phui rất nhiều những sai phạm và đời tư bê bối của các con hổ. Sau khi cho thấy hình ảnh “tồi tệ” của đối thủ, báo chí đảng bắt đầu phanh phui những quyết định sai trái dẫn đến những thiệt hại to lớn cho đất nước với những phát biểu đi kèm của một số cựu cán bộ. Trên mặt đảng, Ủy ban kiểm tra trung ương bắt đầu cho điều tra những cáo buộc của “dư luận” bằng cách ngưng các trách vụ và dẫn đến những biện pháp kỷ luật sau đó.

Với con hổ Nguyễn Tấn Dũng, phe Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ không dám khinh thường vì đối thủ có nhiều tiền, nhiều đàn em và được mệnh danh là “bố già” của băng lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước cũng như trong bộ máy chính phủ hiện nay.

Nguyễn Phú Trọng tuy đã triệt hạ được một số “cận thần” của ông Dũng như Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Xuân Sơn, Đinh La Thăng… nhưng đàn em của ông Dũng còn rất nhiều.

Hơn thế nữa, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nắm nhiều trách vụ cao ở trong đảng trước cả ông Nguyễn Phú Trọng gần 10 năm. Ông Nguyễn Tấn Dũng bước vào Trung ương đảng từ khóa VI (1986) trong khi ông Nguyễn Phú Trọng chỉ mới được bầu bổ xung vào Trung ương đảng tại Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ của khóa VIII vào năm 1994. Vì thế, phe ông Trọng sẽ không thể đánh trực diện ông Dũng mà tung thủ đoạn tấn công con cái ông Dũng, đó là vợ chồng Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Thanh Nghị.

Bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Nguyễn Thanh Nghị, hậu duệ của ông Nguyễn Tấn Dũng.


Nói cách khác, uy tín của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nhiều ở trong đảng nên Nguyễn Phú Trọng khó cô lập. Thay vì đánh trực diện, Nguyễn Phú Trọng phải chơi đòn đánh vòng. Đó là đánh vào thân nhân và hàng hậu duệ của ông Dũng. Tuy bẩn nhưng chắc ăn!

Do đó, việc ông Trọng cho điều tra những vi phạm luật Môi trường của Nguyễn Thanh Nghị tại Kiên Giang, tuy chỉ mới phe phẩy ngoài da giống như khởi đầu vụ Trịnh Xuân Thanh bằng việc phanh phui chiếc xe lexus chạy bảng số biển xanh ở Hậu Giang. Mấu chốt là ông Trọng có dụ được một đàn em ông Dũng như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng hợp tác tố cáo những sai phạm của ông Dũng qua một số vụ hay không, tiêu biểu như:

- Chỉ đạo các ban ngành tiến hành dự án Bauxite tại Tây Nguyên (29/4/2009).

- Thất bại trong việc đổ 8 tỷ Mỹ Kim vào nền kinh tế để kích cầu sau vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu 2008-2009.

- Để hai Tập đoàn Vinashin và Vinalines phá sản làm thiệt hại khoảng 20 tỷ Mỹ Kim.

Nếu ông Trọng lập được các cáo trạng để quy trách nhiệm chỉ đạo của ông Dũng về các vụ việc nói trên như đã từng làm đối với ông Thăng thì chắc chắn ông Dũng khó thoát. Nhưng khi ông Trọng làm được điều này thì chính bản thân đảng CSVN sẽ rệu rã tới mức sụp đổ vì hai phe sẽ quy trách nhiệm cho nhau trong cuộc chiến dư luận bất phân thắng bại, và những thủ đoạn sát hại, bắt bớ, truy lùng, thủ tiêu, đầu độc, tự tử như... đã và đang xảy ra tại Bắc Kinh với Tập Cận Bình.

Cuộc nội chiến giữa ông Trọng và ông Dũng sẽ là dấu ấn kết thúc một chế độ gian ác đã kéo dài quá lâu trên đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét