Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1883, vụ phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử được ghi nhận xảy ra tại Krakatau (còn gọi là Krakatoa), một hòn đảo núi lửa nhỏ không người ở nằm về phía tây Sumatra, Indonesia. Nghe thấy được từ cách xa 3.000 dặm, những đợt phun trào đã ném những khối đất với thể tích năm dặm khối bay xa 50 dặm vào không khí, tạo ra sóng thần cao 36,5m và giết chết 36.000 người.
Krakatau đã có những biểu hiện bất thường lần đầu tiên sau hơn 200 năm vào ngày 20 tháng 05 năm 1883. Một tàu chiến Đức đi ngang qua đã báo cáo về một đám mây tro và bụi cao bảy dặm phía trên Krakatau. Trong hai tháng tiếp theo, các vụ phun trào tương tự được chứng kiến bởi các thương thuyền và người bản xứ ở gần Java và Sumatra. Với rất ít hoặc hầu như không có ý niệm gì về thảm họa sắp xảy ra, người dân địa phương chào đón hoạt động này của ngọn núi lửa với sự phấn khích như trong các lễ hội.
Vào ngày 26 tháng 8 và ngày 27 tháng 8, sự phấn khích biến thành kinh hoàng khi Krakatau thực sự bùng nổ, tạo ra một chuỗi các thảm họa thiên nhiên vốn sẽ được cảm nhận trên khắp thế giới trong nhiều năm tiếp theo. Một vụ nổ cực kỳ lớn vào chiều ngày 26 tháng 08 đã phá hủy hai phần ba phía bắc của hòn đảo; khi nó trượt xuống eo biển Sunda, giữa biển Java và Ấn Độ Dương, ngọn núi phun trào đã tạo ra hàng loạt các dòng nham tầng (pyroclastic – các dòng chất lỏng chảy nhanh bao gồm khí, tro và đá nóng chảy) và những đợt sóng thần khổng lồ quét qua các bờ biển gần đó. Bốn đợt phun trào khác bắt đầu lúc 5:30 sáng ngày hôm sau đã trở thành những thảm họa. Các vụ nổ có thể nghe thấy từ cách xa 3.000 dặm, và tro được đẩy lên độ cao 50 dặm. Bụi mịn từ vụ nổ trôi dạt khắp trái đất, gây ra những cảnh hoàng hôn ngoạn mục và tạo thành một tấm màn khí quyển làm giảm nhiệt độ trên toàn thế giới xuống nhiều độ.
Trong số khoảng 36.000 ca tử vong ước tính từ vụ phun trào, ít nhất 31.000 ca là do những cơn sóng thần được tạo ra khi phần lớn hòn đảo chìm xuống nước. Những con sóng lớn nhất đo được cao 36,5m, gột sạch những hòn đảo gần đó, tước đi thảm thực vật và cuốn trôi mọi người ra biển. Khoảng 4.500 người đã bị thiêu chết bởi dòng nham tầng cuốn qua biển, trải dài đến khoảng 40 dặm, theo một số nguồn tin.
Bên cạnh Krakatau, vốn vẫn còn đang hoạt động, Indonesia còn có thêm 130 ngọn núi lửa đang hoạt động khác, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét