Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

5089 - Cần có Luật Ngôn ngữ tiếng Việt?

Phải theo Luật chứ không phải ‘lệ’

Từ vụ đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, gồm cả phần phụ âm và nguyên âm, cho đến cách đánh vần theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại, cho thấy phải chăng đã đến lúc cần có Luật Ngôn ngữ tiếng Việt?.

Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 với cách đánh vần đang gây phản ứng trên mạng xã hội, vốn được triển khai từ năm 1983 của thế kỷ trước; đến năm 2002 thì dừng vì Luật Giáo dục quy định thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Nhưng sau đó, sách vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho phép thực nghiệm trong nhà trường.

Cái bất thường ở đây là việc “thực nghiệm Công nghệ Giáo dục Hồ Ngọc Đại” kéo dài suốt từ thập niên 80 thế kỷ trước cho tới tận hôm nay vẫn chưa có ai nghiệm thu.

Ngày 5-9 học trò cả nước sẽ dự lễ khai giảng năm học mới, thế nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn nợ câu trả lời, rằng “sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được thẩm định theo đúng quy định tại Khoản 3, Điều 29, Luật Giáo dục 2005 hay chưa? Hội đồng thẩm định gồm những ai?”.

Ông Hồ Ngọc Đại là con rể của Tổng bí thư Lê Duẩn.

Luật hóa ngôn ngữ để nói đúng, viết đúng Tiếng Việt?

Đầu tháng 11-2016, tại Hà Nội có Hội thảo khoa học quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí tổ chức.

Nội dung chính của Hội thảo xoay quanh “Những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí – truyền thông đã tác động tiêu cực, nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền”.

Ảnh minh họa.
Giải quyết sự “lệch chuẩn về ngôn ngữ” này trên báo chí, kết luận của Hội thảo là cần có Luật Ngôn ngữ tiếng Việt; dĩ nhiên bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác theo kiểu ‘định hướng Tuyên giáo’ để tránh ‘lệch chuẩn’ về tư tưởng thể hiện qua cách rút tít tựa, ‘chapeau’.

Ý kiến chung của các khách dự Hội thảo là Việt Nam có Hiến Pháp 2013, có các Bộ luật Dân sự, có Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ… cùng không ít văn bản pháp quy liên quan đến báo chí, truyền thông, ngôn ngữ. Nhưng luật chuyên ngành ngôn ngữ thì chưa có. Trên thế giới hiện nay có hơn 1.000 bộ luật ngôn ngữ. Trong khi Việt Nam nghìn năm văn hiến thì lại chưa có... Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, được quy định trong Hiến pháp (Điều 5). Đó là cơ sở pháp lý để ban hành Luật Ngôn ngữ.

Nôm na, cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ quốc gia để điều chỉnh kịp thời các hành vi ngôn ngữ, đồng thời phát huy được giá trị của Tiếng Việt.

Ngôn ngữ cần tự do để sinh sôi

Đây là một cách nhìn khác đối với đề xuất Luật Ngôn ngữ quốc gia. Theo đó, chữ viết gắn liền với ký ức, kỷ niệm, tình cảm của con người nên phải hết sức thận trọng nếu muốn thay đổi, chuẩn hóa, hoặc luật hóa nó. Đáp ứng được yêu cầu khoa học, nhưng làm tổn thương đến tâm thức cộng đồng có khi lại là... không khoa học.

Ngôn ngữ là những ký hiệu có tính quy ước, được vận hành dựa vào sự đồng thuận của đám đông, nên có khi tính hợp lý phải lùi bước trước tập quán. Đó là chưa nói những thay đổi đó, việc luật hóa đó có thật sự hợp lý và có tính thuyết phục cao hay không?

Ở Việt Nam, một dự án luật sẽ ngốn ngân sách tính bằng tiền tỷ. Từ vụ cải tiến chữ Quốc ngữ của GS Bùi Hiền mới đây, cho tới “Công nghệ Giáo dục Hồ Ngọc Đại” dai dẳng từ thập niên 80 ở thế kỷ trước tới giờ, cho thấy với việc phản ứng gay gắt của người dân, thì xem ra không cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ luôn là một thực thể chuyển động của đời sống, nên đời sống sẽ giúp ngôn ngữ định dạng ở hình thái phổ quát nhất, tiện ích nhất, thông dụng nhất.

Cách chuẩn hóa hiệu quả nhất là sức ảnh hưởng của tri thức, mà cụ thể là giới cầm bút và giới dạy học. Chỉ cần văn bản của họ thuyết phục, sẽ tạo ra quy chuẩn cho xã hội. Đơn cử, tiến sĩ ngôn ngữ Hồ Xuân Mai từng nói với báo chí rằng ông đã tra 5 cuốn từ điển tiếng Việt, mà vẫn không thấy 2 từ “thu giá” của Bộ Giao thông vận tải.

“Trạm thu giá”, từ đầu tháng 7-2018, đã quay về tên gọi cũ: Trạm thu phí. Có lẽ cái cần nhất hiện nay là “luật ngôn ngữ tiếng Việt” sử dụng trong hệ thống văn bản hành chánh, văn bản quy phạm pháp luật, cũng như hệ thống giáo dục học đường trên toàn quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét