Vai trò lãnh đạo đang sa sút của Mỹ và trật tự dựa trên nguyên tắc đang suy yếu có quan hệ phụ thuộc qua lại với chủ nghĩa xét lại và thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh. Cách thức điều này diễn ra ở Biển Đông là một tiền lệ nguy hiểm cho các điểm nóng quân sự khác trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khu vực này có thể làm gì để ứng phó?
Dẫn giải
Trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sự phụ thuộc ngày càng tăng về kinh tế đã cho phép Bắc Kinh xét lại bản chất của các mối quan hệ quốc tế và một trật tự dựa trên nguyên tắc lấy sự tuân thủ luật pháp dựa trên hiệp ước quốc tế làm nền tảng. Việc Mỹ phớt lờ khu vực này sau cuộc chiến chống khủng bố của họ và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 cũng tạo điều kiện cho sự dịch chuyển nhanh chóng có liên quan trong cán cân quyền lực chính trị và sức mạnh quân sự.
Bất chấp việc ngầm thừa nhận điều này thông qua chiến lược “xoay trục” và sau đó là chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ, sự “tái can dự” này đã bị xói mòn bởi chủ nghĩa hòa bình với Trung Quốc dưới thời Chính quyền Obama và sau đó là việc Tổng thống Trump đắc cử. Kết quả bao gồm việc củng cố các chính sách theo chủ nghĩa xét lại vi phạm luật pháp quốc tế, sự hăm dọa không bị kìm hãm đối với các nước khác trong khu vực, và sự suy giảm niềm tin vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Cuối cùng, trật tự dựa trên nguyên tắc dần bị xói mòn, và một môi trường hỗn loạn và quân phiệt hơn đang lấp vào chỗ trống.
Thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh
Trật tự khu vực sụp đổ có lẽ bắt đầu bằng cuộc chiến chống khủng bố nhưng những quan điểm cạnh tranh nhau ở châu Á về Trung Quốc và Mỹ đã ngày càng bị phân cực kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Chính sách “gây cảm tình” ban đầu của Bắc Kinh kể từ đó đã bị thay thế bởi những hành động mang tính hăm dọa nhiều hơn, và vấn đề gây chia rẽ lớn nhất, ít nhất là đối với Đông Á, là những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Bất chấp sự can dự của ASEAN kể từ năm 1992, Trung Quốc phần lớn đã vi phạm đáng kể các chuẩn mực theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) của ASEAN năm 2002 và sau đó nước này cũng vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) thông qua những hoạt động như xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên quy mô lớn.
Trong phạm vi khu vực, việc Trung Quốc chiếm lấy bãi cạn Scarborough từ tay Manila vào năm 2012 là một “sự kiện mang tính bước ngoặt”. Nỗ lực của Chính quyền Obama trong việc thương thuyết để Bắc Kinh và Manila rút khỏi bãi cạn này đã thất bại. Tuy nhiên, điểm xoay trục cuối cùng là việc Bắc Kinh nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo có diện tích gần 1.300 hecta từ đầu năm 2013.
Bất chấp việc một bài báo của Philippines ngày 31/7/2013 lần đầu tiên đề cập đến khả năng cải tạo đất, phải đến tháng 2/2015 hình ảnh toàn diện về các đảo nhân tạo mới được công khai. Vào thời điểm này, Mỹ và các đồng minh của họ, dù vô tình hay cố ý, đã phớt lờ áp lực quốc tế yêu cầu họ phải ngăn chặn hành động xây dựng đảo – chẳng hạn như phong tỏa bằng hải quân – khi vấn đề xây dựng đảo vào thời điểm đó là sự đã rồi.
Kiềm chế hay tạo điều kiện?
Chính phủ Trung Quốc và truyền thông nhà nước tuyên bố rằng Bắc Kinh là nạn nhân của các chính sách kiềm chế phi lý của Mỹ và đồng minh. Họ chỉ ra những diễn biến như việc đồn trú lực lượng lính thủy đánh bộ ở Darwin và sau đó là các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, hầu như không có sự kiềm chế hữu hình nào đối với hành vi của Bắc Kinh.
Đối với một số quốc gia châu Á, việc cộng đồng quốc tế không đưa ra được hành động kiên quyết nhằm ngăn chặn những vi phạm trắng trợn của Bắc Kinh đối với luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên nguyên tắc thậm chí còn đáng chú ý hơn so với việc Bắc Kinh thực sự vi phạm UNCLOS.
Tổn thất có thể có ở Biển Đông – trong mọi kịch bản chưa đến mức chiến tranh – đối với tất cả các bên hữu quan đã được phản ánh trong các tuyên bố công khai từ các sĩ quan quân đội cấp cao tại nhiệm và mãn nhiệm của Mỹ và Úc.
Củng cố sự chống đối hay đầu hàng?
Đầu năm 2017, những hành động khiêu khích của Trung Quốc đã buộc Úc và Ấn Độ phải đưa ra những lập trường ngày càng cứng rắn. Chẳng hạn, tại Đối thoại Shangri-La vào tháng 6/2017, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tuyên bố rằng khu vực này phải duy trì “cấu trúc dựa trên nguyên tắc” và “điều này đồng nghĩa với việc hợp tác, chứ không phải là… chiến thắng thông qua tham nhũng, can thiệp hoặc hăm dọa”. Trong trường hợp của Ấn Độ, tác giả đã ở New Delhi một tuần sau đó và trong suốt cuộc đối đầu đang diễn ra tại Doklam, nơi lập trường của Ấn Độ về Trung Quốc trở nên cứng rắn theo từng tuần.
Do vậy, cuối năm 2017, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí khôi phục Đối thoại an ninh bốn bên (Bộ Tứ 2.0); việc nhắc lại lần đầu tiên đối thoại này đã sụp đổ vào năm 2008 khi Úc rút khỏi các cuộc tập trận Malabar sau khi Trung Quốc gây áp lực. Cuộc họp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của Bộ Tứ 2.0 đã được tổ chức vào tháng 11/2017, và nội dung các cuộc thảo luận bao gồm cả việc duy trì trật tự dựa trên nguyên tắc, an ninh biển và quyền tự do hàng hải và hàng không. Tuy nhiên, thiếu sự nhất trí về các vấn đề then chốt để đưa ra một thông cáo chung.
Vấn đề là năm 2018 đã xuất hiện những dấu hiệu lẫn lộn về mức độ cam kết với Bộ Tứ và mức độ phản kháng đối với những vi phạm của Bắc Kinh. Tháng 4/2018, Thủ Tướng Modi đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên giữa các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Hàn Quốc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hai tuần sau đó. Cả hai cuộc gặp này đều sử dụng ngôn từ nồng ấm hơn một cách đáng chú ý và truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên đã “đưa mối quan hệ lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở lại đúng lộ trình”.
Thiếu vắng vai trò lãnh đạo kinh tế của Washington sau khi họ từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (một khu vực thương mại tự do chiếm 40% GDP toàn cầu), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn khác không bao gồm Mỹ - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hiện tại, có nhiều tranh cãi về tính thiết thực và tương lai của Bộ Tứ, nhưng thiếu vắng vai trò lãnh đạo đáng kể của Mỹ và/hoặc một “cú sốc” quốc tế để gắn kết 4 nước lại với nhau, Bộ Tứ sẽ không tác động rõ ràng đến phân tích phí tổn/lợi ích của Bắc Kinh. Chẳng hạn, trong thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Ấn-Trung, New Delhi một lần nữa từ chối yêu cầu của Canberra tham gia trở lại các cuộc tập trận Malabar với tư cách là quan sát viên.
Trong khi đó, niềm tin của khu vực vào Mỹ đã bị xói mòn hơn nữa do Chính quyền Obama giảm bớt 19% ngân sách hỗ trợ an ninh cho Đông Nam Á (năm 2010-2015) và Tổng thống Trump vào năm 2018 tuyên bố ý định giảm bớt tổng ngân sách thêm 24,4%.
Trật tự hậu Chiến tranh thế giới thứ hai sụp đổ?
Trung Quốc đã chứng tỏ có năng lực rất lớn trong việc tự làm mới bản thân cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế và những thành tựu trong một vài thập kỷ qua, đối với một nước đông dân như vậy, là chưa từng có tiền lệ. Vì vậy, thách thức của Bắc Kinh đối với trật tự khu vực trong đó có vai trò lãnh đạo của Mỹ, các chuẩn mực và luật pháp quốc tế cũng vậy. Dựa trên quỹ đạo hiện tại, trật tự châu Á hậu Chiến tranh thế giới thứ hai đang trên bờ vực suy tàn.
Ngoài việc thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ, sự lưỡng lự lớn hơn của khu vực trong việc ứng phó với các mối đe dọa khu vực đang gây bất ổn sâu sắc; điều này sẽ không thay đổi chừng nào không có một quan điểm hài hòa hơn nhiều về những mối đe dọa then chốt mà trật tự dựa trên nguyên tắc mang tính ổn định phải đối mặt. Trong khi đó, một cuộc chiến thương mại tiềm tàng sẽ làm suy yếu trật tự kinh tế tự do và gây bất ổn hơn nữa cho khu vực.
Những đánh giá cho rằng Biển Đông trên thực tế sắp mất về tay Bắc Kinh có thể gây tranh cãi; họ giả định không có thay đổi đáng kể nào trong cách tiếp cận của khu vực về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu khu vực này hợp tác mạnh mẽ với nhau nhằm thay đổi phân tích phí tổn/lợi ích của Bắc Kinh, thì có thể diễn ra thay đổi tích cực. Để đạt được mục tiêu này, Biển Đông cần một Bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa nhưng năng lực của ASEAN trong việc đàm phán về vấn đề này là điều còn phải bàn cãi.
Có thể làm gì?
Một nhóm nhỏ các nước ASEAN có thiện chí có lẽ cần đàm phán về Bộ quy tắc hoặc các nước tuyên bố chủ quyền chính thuộc ASEAN thay vào đó có thể đưa ra một Bộ quy tắc ứng xử với các nước có liên quan không thuộc ASEAN có vai trò then chốt và thể hiện nó như một sự đã rồi đối với Bắc Kinh. Còn cần rất nhiều điều nữa, trong đó có các FONOP và các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển đa quốc gia. Các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển đa quốc gia có thể kiểm soát và bảo vệ các nguồn lực trong khu vực không có tranh chấp “về mặt pháp lý” thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước có thiện chí.
Những hoạt động này cũng có thể áp dụng trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Để đạt được mục đích này, cần phải có một cuộc đối thoại chiến lược giữa những bên ủng hộ trật tự dựa trên nguyên tắc. Dù được dẫn dắt bởi các chính phủ hay bởi các tổ chức tư vấn chiến lược khu vực theo Kênh 1.5 (như là bước đi đầu tiên), thì một cuộc đối thoại như vậy có thể giúp điều phối các hoạt động đa phương và là nền tảng cho việc phát đi tín hiệu mạnh mẽ hơn tới Bắc Kinh.
Hơn nữa, cuối cùng sẽ cần có một hiệp ước phòng thủ chung để đảm bảo cho các phản ứng tập thể trước những nỗ lực về mặt quân sự nhằm làm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông, Đài Loan, biển Bắc Natuna và biên giới Ấn Độ.
Tiền lệ ở Biển Đông (và Crimea) sẽ khuyến khích hơn nữa các nước theo chủ nghĩa xét lại thực hiện thêm những hành động mang tính hăm dọa khi chính sách ngoại giao thất bại. Khu vực này không thể kỳ vọng Mỹ sẽ một mình bảo vệ châu Á; nếu các nước tuân thủ nguyên tắc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hành động cùng nhau thì điều đó có thể lôi kéo Mỹ tái can dự vào khu vực này một cách thực chất hơn và có tính xây dựng hơn. Thất bại trên mặt trận nào cũng sẽ phát đi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng nước này được hưởng lợi từ các hành động hăm dọa và/hoặc các hành động quân sự trong tương lai ở các vũ đài khu vực khác.
Christopher Roberts là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Viện Phân tích Quản trị và Chính sách, Đại học Canberra, Úc. Bài viết được đăng trên RSIS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét