Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

5058 - Việt Nam, Hoa Kỳ phải chăng là những đồng minh trên thực tế?

Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Carl Vinson tại Đà Nẵng, 3/2018.Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Carl Vinson tại Đà Nẵng, 3/2018. AFP

Những cuộc tiếp xúc Việt- Mỹ trong tám tháng đầu năm 2018 bao gồm những cuộc thăm viếng chính thức của các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai bên, cho đến những cuộc thăm viếng có tính cách kỹ thuật như bà Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí Andrea Thompson đến Hà Nội vào đầu tháng tám, Hội thảo lục quân có sự tham dự của các viên tướng Mỹ vào cuối tháng tám tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm thủ đô nước Mỹ tháng 6/2018,… và gây tiếng vang hơn cả là hàng không mẫu hạm Carl Vinson cặp cảng Đà Nẵng tháng 3/2018.

Nhận định về hàng loạt cuộc gặp gỡ như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Sài Gòn nói với Đài RFA:
Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Đối với nhiều người thì Tổng thống Trump là ngưới khó dự đoán. Việt Nam đã hết sức chủ động trong chính sách đối ngoại của mình gắn kết với Mỹ nhiều hơn, để chủ động hơn trong chính sách, giảm thiểu khả năng bất ngờ đối với Việt Nam, và cũng để tạo mối quan hệ sâu hơn với Mỹ, mặc dầu về mặt chính thức thì Việt Nam cũng không muốn làm Trung Quốc bất an khi thúc đẩy quan hệ sâu với Mỹ.”
Theo một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam không muốn nêu tên, về phía Mỹ đã có một sự thay đổi lớn trong cách nhìn về vai trò của Việt Nam hiện nay, sự thay đổi đó, theo nhà nghiên cứu này thì không hẳn là do quyết định của chính quyền Mỹ hiện tại dưới quyền Tổng thống Trump, mà là một khuynh hướng của nước Mỹ về trật tự thế giới đã bắt đầu hình thành từ năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, và Mỹ trở thành quốc gia siêu cường duy nhất dẫn dắt trật tự thế giới.
Quốc gia siêu cường duy nhất này đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, về cả quân sự lẫn chính trị. Thậm chí có ý kiến từ Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ như là một cường quốc.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một người nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn, dẫn lời những nhà quan sát khác nhau cho rằng cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ vừa phát động với Trung Quốc trong năm 2018, là một cuộc phản công, không để hình thành một trật tự mà Trung Quốc mong muốn.
Bên cạnh chiến tranh thương mại, ông Hoàng Việt cho rằng vấn đề Biển Đông là rất quan trọng. Tại đây Bắc Kinh liên tục lấn lướt các nước nhỏ trong mấy năm qua.
“Hiện nay thì mặc dù Hoa Kỳ không nói ra, nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải kiềm chế Trung Quốc. Đương nhiên vấn đề Biển Đông rất quan trọng. Điều đó cho thấy một điều là thế của Trung Quốc đã thay đổi, không còn một mình một chợ múa gậy vườn hoang như trước nữa, mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã ra tay.”
Ông cho rằng Trung Quốc có phần đã xuống nước, sau khi vừa qua đã đồng ý với các quốc gia Đông Nam Á về việc thúc đẩy một bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, việc nhận ra vai trò quan trọng của Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc là điều mà Việt Nam có thể thủ được nhiều lợi ích, nhất là về mặt an ninh hàng hải:
Hiện tại Việt Nam là nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất đối với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, và tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ tận dụng điều này để giúp Việt Nam có thể về một mặt nào đó, có thể nâng cao năng lực hàng hải của mình ở khu vực Biển Đông, để bảo đảm một mục tiêu lớn hơn của Mỹ là đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực.”
Vào tháng 3/2018, Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần duyên loại Metal Shark, vào tháng 6/2018 hai bên đã có một cuộc đối thoại về an ninh hàng hải tại thủ đô nước Mỹ, cũng vào tháng 6/2018, Mỹ mời Việt Nam tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC ở Thái Bình Dương tổ chức mỗi hai năm một lần.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Hà Nội, 9/7/2018.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Hà Nội, 9/7/2018. AFP
Vào tháng 8/2018, một đạo luật về quốc phòng của Mỹ đã được sự đồng thuận của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong đó có ngân sách viện trợ quốc phòng cho các quốc gia Đông Nam Á.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung cũng đồng ý với nhận xét rằng trong những tiếp xúc giữa Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á vừa qua, việc tiếp xúc với Việt Nam là tăng mạnh hơn hết.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thành Trung, Việt Nam vẫn thận trọng không làm cho Trung Quốc phật lòng. Biểu hiện cho điều đó là việc Việt Nam tuy được mời tham gia tập trận RIMPAC 2018, nhưng chỉ phái các sĩ quan quan sát, chứ không gửi tàu chiến tham dự.
Tương tự như vậy, theo ông Nguyễn Thành Trung, là thái độ của Việt Nam đối với ý tưởng thành lập Tứ giác Ấn Độ Thái Bình Dương, với nòng cốt là bốn quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc:
“Về mặt địa chính trị thì Việt Nam là cực kỳ quan trọng đối với bộ tứ đó. Nhưng vấn đề này còn tùy thuộc vào Việt Nam chấp nhận những chính sách của bộ tứ đó như thế nào? Hiện tại Việt Nam vẫn giữ ở mức nhẹ nhàng, từ tốn, vì chính sách ba không của Việt Nam không muốn gắn chặt với bên nào.”
Cách nhìn những tiếp xúc Việt- Mỹ liên tục diễn ra trong năm nay giữa ông Nguyễn Thành Trung và ông Hoàng Việt cũng có sự khác nhau.
Ông Hoàng Việt đánh giá cao quan hệ quốc phòng, đặc biệt chuyến thăm Việt Nam của bà Andrea Thompson:
“Việc Thứ trưởng (Ngoại giao) Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí, bà Thompson sang thăm Việt Nam, tuy nội dung làm việc chưa được tiết lộ, nhưng có khả năng là Việt Nam muốn mua sắm một số vũ khí của Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy cùng với việc trước đây khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, và tháng ba năm nay hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cặp bến Đà Nẵng, cho thấy trong tương lai quan hệ quốc phòng Việt Nam Hoa Kỳ sẽ phát triển mạnh hơn nữa.”
Ông Nguyễn Thành Trung xem mối quan tâm về kinh tế thương mại quan trọng hơn, đó là chuyến thăm Mỹ của ông Vương Đình Huệ vào tháng 6/2018:
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Mỹ cũng đã gặp ông Lighthizer, cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Hiện tôi vẫn xem kinh tế là quan trọng, kể từ cuộc viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng năm năm ngoái.”
Lý do được ông Trung đưa ra là vì Việt Nam là một quốc gia thương mại, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao hơn cả tổng sản lượng quốc dân, điều đó làm Việt Nam lo âu giữa cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ Trung. Cuộc chiến thương mại này đang phá giá đồng tiền Trung Quốc, đồng tiền Việt Nam, có thể tạo nên những bất lợi quan trọng.
Tuy vậy hai ông Nguyễn Thành Trung và Hoàng Việt đều đồng ý ở điểm Việt Nam vẫn duy trì thái độ không liên minh của mình trong quan hệ với các cường quốc.
Khi được hỏi liệu quan hệ Mỹ Việt có thể sẽ dẫn đến một mối quan hệ đồng minh hay không, ông Hoàng Việt cho biết:
Việt Nam có một chính sách quốc phòng gọi là Ba không. Chính sách này đã chính thức được luật hóa cách đây độ một tháng. Tức là Việt Nam luôn duy trì chính sách Ba không, không liên kết với một quốc gia này để chống lại một quốc gia khác, không cho một quốc gia khác lập căn cứ quân sự trên đất nước mình, … như vậy khả năng Việt Nam chính thức trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ là không có, nhưng vấn đề quan trọng là tuy không phải chính thức là đồng minh với một hiệp ước nào đó, nhưng trong thực tế, không khác gì đồng minh cả, thì cũng không sao.”
Nhận xét này khá tương đồng với nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy, dẫn lời nhà nghiên cứu người Mỹ Patrick Cronin, cho rằng Việt Nam là “đồng minh” chủ chốt của Washington trong khu vực Đông Nam Á. Ông Dy cũng cho rằng việc hoãn lại việc chuẩn thuận luật ba đặc khu của Việt Nam, mà nhiều người cho rằng có lợi cho Bắc Kinh, là một sự điều chỉnh chiến lược của Việt Nam tiếp tục đi theo hướng thân thiện với Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét