Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

5077 - Tiền Trung Quốc: May mắn hay gánh nặng đối với Campuchia?




Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Campuchia – Trung Quốc, và mối quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ gần gũi như hiện nay. Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Campuchia. Chỉ riêng trong hai năm qua, Campuchia đã ký hơn 30 hiệp định song phương với Trung Quốc.
Trung Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Campuchia trong 5 năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2017, với tổng giá trị đầu tư đạt 5,3 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn đó. Trong năm 2017, Campuchia đã thu hút 1,4 tỷ USD đầu tư vào tài sản cố định từ Trung Quốc, tương đương 27% tổng giá trị đầu tư vào Campuchia.
Thương mại song phương giữa Campuchia và Trung Quốc đạt hơn 5,1 tỷ đô la vào năm 2017. Xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc chủ yếu bao gồm các sản phẩm nông nghiệp như gạo, sắn, hạt điều, dầu cọ và cao su, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Campuchia chủ yếu là ô tô, xe máy, vật liệu xây dựng, vải, thuốc lá và phân bón.
Đến năm 2017, Campuchia đã nhận được khoảng 4,2 tỷ đô la Mỹ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc. Và đến cuối năm 2017, nợ công nước ngoài của chính phủ Campuchia đã lên tới 9,6 tỷ đô la Mỹ, trong đó khoảng 42 phần trăm là nợ Trung Quốc.
Trung Quốc đã làm biến đổi Campuchia theo nhiều cách đáng kể. Tiền của Trung Quốc đã cho phép Campuchia cải thiện cơ sở hạ tầng, kết nối khu vực và khả năng cạnh tranh. Đến cuối năm 2017, hơn 2.000 km đường, bảy cây cầu lớn và một khu cảng container mới tại Phnom Penh đã được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp dệt may cũng góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của Campuchia bằng cách tạo việc làm cho hơn nửa triệu công nhân nước này.
Trong lĩnh vực du lịch, Trung Quốc cho đến nay đã đầu tư vào một số dự án quy mô lớn, bao gồm một khu nghỉ mát quốc tế ở tỉnh Koh Kong và khu phức hợp nghỉ dưỡng và khách sạn năm sao ở tỉnh Preah Sihanouk. Khách du lịch Trung Quốc đến Campuchia đã vượt một triệu lượt trong năm 2017, mang lại khoảng 700 triệu đô la Mỹ cho nền kinh tế Campuchia.
Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng của Campuchia, với tổng số vốn hơn 7,5 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào bảy nhà máy thủy điện và khoảng 4 tỷ đô la Mỹ vào hai nhà máy điện than.
Tuy nhiên, sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc cũng tạo ra sự quan ngại ngày càng lớn ở Campuchia. Bất chấp các lợi ích kinh tế, sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đi kèm với các cam kết và rủi ro đáng kể. Sự phụ thuộc vào viện trợ của Trung Quốc có thể khiến Campuchia rơi vào bẫy nợ, dẫn đến mất quyền tự chủ trong vai trò một quốc gia có chủ quyền và sự suy giảm quan hệ với các quốc gia thành viên ASEAN khác.
Sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các dự án của Trung Quốc cũng đang gây ra những thách thức xã hội và môi trường ở Campuchia. Các tổ chức xã hội dân sự thường chỉ trích rằng các công ty Trung Quốc đang chạy đua để khai thác tài nguyên của Campuchia trong khi lơ là việc thực thi các thực tiễn quốc tế tốt nhất về phát triển.
Đập Kamchay, dự án đầu tư quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc tại Campuchia, là một ví dụ điển hình. Đập phá hủy 2.000 ha rừng năng suất cao, đe dọa các loài động vật, giảm chất lượng nước và ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của các cộng đồng địa phương.
Công ty Trung Quốc Union Development đã được nhượng quyền khai thác gần 40.000 ha đất – gấp bốn lần diện tích được cho phép theo luật pháp Campuchia – để phát triển một trung tâm du lịch trị giá hàng tỷ đô la ở tỉnh Koh Kong của Campuchia. Các nhóm nhân quyền cáo buộc rằng các ngư dân đã sinh sống trong khu vực này nhiều thế hệ qua đã bị trục xuất, đưa vào nội địa và phải chuyển sang làm nông dân.
Đầu tư của Trung Quốc vào thị trường bất động sản của Campuchia hầu như chỉ nhắm vào tầng lớp thượng lưu Campuchia, cũng như khách du lịch và doanh nhân Trung Quốc. Điều này làm giá cả bất động sản tăng lên, khiến cho hầu hết người dân Campuchia không có khả năng chi trả.
Đầu tư của Trung Quốc cũng đang biến Sihanoukville, từng là khu nghỉ mát ven biển hàng đầu của Campuchia, thành một thành phố sòng bạc nhộn nhịp. Sự gia tăng chưa từng thấy về số lượng khách du lịch và sòng bạc ở Sihanoukville chỉ đang mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ người giàu của Campuchia, nhưng nhiều người Campuchia khác đang bị đẩy ra khỏi khu vực do chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Mặc dù đầu tư của Trung Quốc mang lại sự giàu có cho Campuchia, sự giàu có này chủ yếu được lưu giữ lại trong cộng đồng người Hoa ở đây. Cư dân và du khách người Trung Quốc ở Campuchia mua hàng từ các doanh nghiệp Trung Quốc, ăn ở các nhà hàng Trung Quốc và ở tại các khách sạn của người Trung Quốc. Hiệu ứng lan tỏa đối với các doanh nghiệp địa phương là rất ít.
Quyền lực và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc có thể là một nguồn lực mang lại sự phát triển bền vững ở Campuchia, nhưng để điều này xảy ra đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ từ cả hai nước. Cả hai bên phải nỗ lực phối hợp để thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính bao trùm trong các dự án phát triển.
Trách nhiệm chung và quan hệ đối tác nhiều bên phải là nguyên tắc định hướng cho đầu tư nước ngoài tại Campuchia nhằm đảm bảo đầu tư và viện trợ của Trung Quốc góp phần vào sự tiến bộ về kinh tế, xã hội và môi trường của Campuchia trong dài hạn.
Pheakdey Heng là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Enrich
Nguồn: Pheakdey Heng, “Are China’s gifts a blessing or a curse for Cambodia?”, East Asia Forum, 29/08/2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét