Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

5068 - Trật tự thế giới: Phiên bản nào?



Cuối cùng thì tương lai của trật tự thế giới chủ yếu tuỳ thuộc vào tài năng lãnh đạo chính trị của Hoa Kỳ và Trung Quốc.


Kết quả bầu cử Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 11 năm 2016 đã gây sốc không những cho người Mỹ mà toàn thế giới. Không lâu sau đó, giới lãnh đạo chính trị Úc nhìn thấy nhu cầu cấp bách trong việc hoạch định lại chính sách ngoại giao, dưới thời Trump và xa hơn. Từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 5 năm 2017, Đặc vụ Bạch thư Chính sách Ngoại giao Úc đã tổ chức được 24 thảo luận bàn tròn trên khắp nước Úc, gặp mặt trao đổi với hơn 60 chuyên gia hàng đầu của Úc về chuyên đề này, và nhận hơn chín ngàn hai trăm đệ trình [1].
Đặc vụ này cũng đã tiếp xúc với đủ mọi thành phần trong xã hội Úc, từ sinh viên, nông gia, lãnh đạo doanh nghiệp, giới khoa bảng cho đến đại diện của bao nhiêu tổ chức xã hội dân sự trên khắp Úc để tìm hiểu nguyện vọng và quan điểm của họ. Tháng 3 năm 2017, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) triệu tập tất cả các đại sứ, ủy viên cao cấp và tổng lãnh sự từ khắp nơi trên thế giới về thủ đô Canberra để bàn về các mục tiêu ngoại giao, thương mại và chính sách phát triển trong bối cảnh chính trị toàn cầu bất định hiện nay [2].
Giới lãnh đạo chính trị Úc nhận định rất rõ tầm quan trọng của việc hoạch định một chiến lược ngoại giao có tầm nhìn năm đến mười năm để giúp lèo lái quốc gia trong bối cảnh chính trị mới. Đó là sức mạnh của Hoa Kỳ đã gia giảm mà lãnh đạo hiện nay lại có vẻ không muốn tiếp tục nhiệm vụ của mình, trong khi sự trổi dậy của Trung Quốc tuy góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Úc trong những thập niên qua nhưng đã gia tăng những quan ngại về an ninh quốc phòng và xâm nhập tình báo mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rõ ràng đứng phía sau.
Một năm sau, với bao nhiêu tham khảo và tranh luận sôi nổi và bao nỗ lực lớn lao trong việc vận dụng trí tuệ và chuyên môn hàng đầu của quốc dân, đứng đầu là Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc DFAT, chính quyền Úc đã công bố Bạch thư này vào ngày 23 tháng 11 năm 2017 [3]. Trong Bạch thư này, Úc ghi nhận là không riêng gì Úc mà hầu như toàn cầu đang ở trong giai đoạn thử thách đối với những luật lệ và nguyên tắc mà trước nay đã là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác quốc tế. Xu hướng chống lại toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, và sự cạnh tranh địa chính trị đang trắc nghiệm trật tự quốc tế. Úc ghi nhận sau Thế Chiến II, nền an ninh và thịnh vượng của Úc đã được trợ giúp bởi lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ, nền kinh tế toàn cầu ngày càng rộng mở và sự phát triển của các định chế và luật lệ quốc tế. Các nguyên tắc như thị trường mở, tầm quan trọng của luật lệ và quy tắc để hướng dẫn sự hợp tác quốc tế, sự công khai ghi nhận các quyền và tự do phổ quát, và nhu cầu để các nhà nước phối hợp chặt chẽ với nhau đối với các thử thách toàn cầu, đã giúp cho Úc đạt được các quyền lợi và giá trị của mình. Đặc biệt Úc ghi nhận tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ để bảo đảm nền an ninh toàn cầu, kể cả xuyên qua các mạng lưới đồng minh của Hoa Kỳ và sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Á châu và Âu châu.
Nói tóm lại, Úc đề cao giá trị của trật tự quốc tế do Hoa Kỳ hình thành và lãnh đạo, cho Úc cũng như sự thịnh vượng toàn cầu, kể từ hậu Thế Chiến II đến nay.
Vài hàng về chữ nghĩa
Trước khi đi vào chi tiết, tôi xin dành vài hàng để nói về chữ nghĩa. Tiếng Anh, chữ liberty có nghĩa là tự do. Theo tự điển Oxford thì liberty là trạng thái được tự do trong xã hội từ các ràng buộc mang tính cưỡng chế áp đặt bởi uy quyền (hay chính quyền) lên cách hành xử hay quan điểm chính trị của một người. Chữ Liberal thì nhiều người Việt dịch là tự do, như Liberal Party là Đảng Tự do, là không chính xác. Liberal, cũng theo tự điển Oxford, có nghĩa là sẵn sàng tôn trọng hoặc chấp nhận cách hành xử hoặc ý kiến khác với cái của mình; cởi mở với các ý tưởng mới; tôn trọng các quyền và tự do cá nhân v.v… Nói cách khác, liberal nên hiểu là phóng khoáng hay cấp tiến. Liberalism (hay liberals, tức những người theo chủ nghĩa này), là một triết học chính trị ảnh hưởng nhất đối với Tây phương, điển hình là các triết gia Rene Descartes từ thế kỷ 17, John Locke thế kỷ 17/18, John Stuart Mill thế kỷ 19 và John Rawls thế kỷ 20. Chủ nghĩa này cũng có bao nhiêu nhánh khác nhau, nhưng tựu chung đề cao hai giá trị chính: tự do (liberty) và bình đẳng (equality). Phần lớn những người theo xu hướng này đề cao giá trị tự do hơn bình đẳng. Ngoài ra, xu hướng này đề cao sự tiến bộ không ngừng của xã hội, đặt nặng vai trò của lý luận và của khoa học kỹ thuật. Do đó chủ nghĩa/người cấp tiến là thích hợp nhất cho liberalism/liberal.
Trở lại Bạch thư này, cụm từ trật tự quốc tế dựa trên quy luật (rules-based international order), trật tự quốc tế (international order), hay trật tự dựa trên quy luật (rules-based order) được sử dụng nhiều lần. Trước, trong và sau khi Bạch thư này được công bố, các chuyên gia và các nhà khoa bảng cũng tranh luận rất nhiều về các chữ nghĩa hay định nghĩa này. Một tên khác phổ biến hơn từ nhiều thập niên qua là trật tự quốc tế cấp tiến (liberal international order) nhưng cuối cùng Bạch thư chọn rules-based international order có lẽ vì hai lý do chính. Một, để trung hòa hơn, vì chính quyền hiện nay là thuộc liên Đảng Cấp tiến (Liberal Party) và Đảng Quốc gia (National Party) trong khi đây là chính sách cho toàn quốc gia. Hai, để đề cao yếu tố quy luật trong trật tự này. Hoa Kỳ, phần lớn, tôn trọng luật quốc tế và hành xử đúng mực, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Khi cần Hoa Kỳ vẫn cho mình là ngoại lệ hoặc/và ngoại hạng. Với cung cách hành xử của Trump cùng với những thách thức lớn lao lên nền trật tự hiện nay, đặc biệt từ Trung Quốc tại Biển Đông và mộng bá quyền của họ, các nhà chính trị và ngoại giao Úc vì thế mà quyết định cần phải nhấn mạnh đến trật tự quốc tế dựa trên quy luật.
Trật tự qua lăng kính của chủ nghĩa cấp tiến
Tại Hoa Kỳ, tức cái nôi của trật tự này, cuộc tranh luận về nguồn gốc, động cơ và tiến trình của trật tự này cũng tốn bao nhiêu bút mực và giấy in. Gần đây nhất là các bài viết trên các số mới nhất của tạp chí Foreign Affairs, tạp chí hàng đầu của Hoa Kỳ về các vấn đề ngoại giao. Cụm từ liberal international order được sử dụng nhiều nhất, nhưng thỉnh thoảng các chữ trật tự thế giới hay trật tự toàn cầu (world order or global order) cũng được dùng.
Liền sau khi Trump thắng cử cuối năm 2016, nhà khoa học chính trị nổi tiếng Joseph S. Nye Jr, tác giả của “quyền lực mềm”, đã bày tỏ quan ngại đối với tương lai của trật tự [4]. Theo Nye thì trật tự quốc tế cấp tiến xuất hiện sau năm 1945 là sự bố trí lỏng lẻo của các định chế đa phương trong đó Hoa Kỳ cung cấp các mặt hàng công cộng toàn cầu như chế độ thương mại tự do hơn và tự do của biển cả, và các quốc gia yếu hơn được sự bảo vệ từ sức mạnh của Hoa Kỳ.
Theo Nye thì Hoa Kỳ đã cho Anh vây khoản tiền lớn, ủng hộ các chính phủ tại Hy Lạp và Thổ Nhỉ Kỳ theo xu hướng Tây phương năm 1947, đầu tư rất lớn vào việc tái kiến thiết Âu Châu qua Kế hoạch Marshall năm 1948, lãnh đạo liên minh bảo vệ sự xâm chiếm Nam Hàn năm 1950, và ký hiệp định an ninh mới với Nhật năm 1960. Các hành động này cũng như những việc khác đã tăng cường sức mạnh của trật tự và kiềm chế quyền lực của Sô Viết. Tuy ghi nhận nhiều vấn đề và giới hạn của nó, Nye biện luận rằng sự thành công quá rõ của trật tự này trong việc bảo đảm và ổn định thế giới trong hơn bảy thập niên qua đã đưa đến sự đồng thuận mạnh mẽ rằng bảo vệ, tăng cường và mở rộng hệ thống này là nhiệm vụ trọng yếu của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Nye kết luận rằng người Mỹ và dân tộc khác có thể không để ý đến an ninh và thịnh vượng mà trật tự này đã cung cấp cho đến khi không còn nữa, và tới lúc đó thì đã quá trễ.
Một trong các học giả hàng đầu về chủ nghĩa cấp tiến quốc tế hiện nay là G. John Ikenberry, giáo sư chính trị và bang giao quốc tế tại Đại học Princeton có cùng quan điểm này. Ikenberry biện luận rằng nếu Trump thực hiện các lời hứa bầu cử của mình về thương mại, liên minh, luật quốc tế, đa phương, bảo vệ môi trường, tra tấn và vấn đề nhân quyền, thì nó sẽ kết thúc vai trò của Hoa Kỳ như là người bảo đảm cho trật tự thế giới cấp tiến (liberal world order) [5]. Khi Trump tuyên bố “Kể từ nay trở đi, Hoa Kỳ sẽ là trên hết”, thì Trump đã đặt vấn đề với những thành tựu mang lại do nền trật tự Hoa Kỳ thiết lập trước đây. Đối với người cấp tiến, bảy thập niên qua tuy không hoàn hảo nhưng Hoa Kỳ cũng như trật tự này đã đem lại những thành tựu lớn lao. Ikenberry nhận định trong suốt thời gian này Hoa Kỳ đã vận dụng được quyền lực nhất trên sân khấu chính trị, vậy mà Trump lại cho đây là thời đại mà quốc gia mất mát và suy sụp. Sự thách thức của Trump cho nền trật tự cấp tiến là rất nguy hiểm vì nó coi thường các quy tắc và giá trị của nền dân chủ cấp tiến. Tổng thống lại đi đặt vấn đề về tính chính đáng của các thẩm phán liên bang, tấn công vào truyền thông, và không tỏ vẻ tôn trọng Hiến pháp hay nền pháp trị. Các sự thật, bằng chứng, kiến thức khoa học, sự cần mẫn và cẩn trọng trong công việc, đàm thoại lý luận – các yếu tố cần thiết trong đời sống chính trị dân chủ - bị phỉ báng hàng ngày. Do đó Ikenberry nhận định từ xưa đến nay, trật tự được thiết kế bởi các cường quốc đến rồi đi, nhưng họ thường kết thúc bằng bị ám sát, không phải bằng tự sát. Thế mà Hoa Kỳ, một cường quốc hàng đầu thế giới, lại bắt đầu tự phá huỷ lấy trật tự mình xây dựng nên!
Năm sau, cũng trên tạp chí Foreign Affairs, số mới nhất tháng Bảy/Tám, Ikenberry tỏ vẻ lạc quan hơn về sự tồn tại của trật tự này. Có lẽ một phần là do sự thay đổi đáng kể trong thái độ và chính sách mà chính phủ Trump đã thực hiện trong gần một năm qua. Cùng viết với Daniel Deudney, hai vị giáo sư này nhận định rằng rằng Trung Quốc và Nga đã làm tiêu tan mọi hy vọng chuyển hóa sang dân chủ, trong khi Hoa Kỳ và Anh, hai nước bảo hộ của trật tự quốc tế cấp tiến, lại tự chọn thái độ tự huỷ [6]. Tuy nhiên hai ông tin rằng chủ nghĩa cấp tiến (liberalism) trong đó nền dân chủ cấp tiến (liberal democracy) như là một hệ thống chính quyền, và nền trật tự cấp tiến (liberal order) như là một khung sườn định hình chính trị quốc tế, sẽ tiếp tục ngự trị. Lý do, theo hai ông, vì tính cách tương thuộc (interdependence). Khi sự tương thuộc về kinh tế, an ninh và môi trường càng gia tăng, thì người dân và chính phủ khắp nơi sẽ phải làm việc với nhau để giải quyết vấn đề, nếu không sẽ bị tổn hại nghiêm trọng trên bình diện toàn cầu.
Hai giáo sư nhận định sau Thế Chiến II, các nền dân chủ cấp tiến đã hợp tác để tạo ra một trật tự mà phản ảnh quyền lợi chung của họ. Sau hơn bảy thập niên, mặt dầu có những điểm bất toàn của nó, nó đã bám rễ quá sâu, trong đó hàng trăm triệu người, nếu không phải là tỷ người, đã có những hoạt động và mong đợi nhắm vào các định chế và khuyến khích của trật tự này, cho nên không dễ gì thay đổi nó. Nếu nghĩ rằng một vài năm theo xu hướng mị dân mà quốc gia sẽ đột ngột thay đổi chủ nghĩa cấp tiến là điều không tưởng. Các xã hội tư bản dân chủ cấp tiến đã phát đạt và mở mang vì nó rất giỏi trong việc kích thích và vận dụng sáng tạo nhưng đồng thời giải quyết các ảnh hưởng quá đà của chính nó hay các yếu tố tiêu cực ngoại cuộc.
Các tranh luận về trật tự
Tuy áp đảo, biện luận này đã bị phê bình từ nhiều học giả và khuynh hướng khác nhau. Phản biện lại cái nhìn của Ikenberry là giáo sư chính trị học Graham Allison, người đã đặt tên “bẫy Thucydides” [7]. Allison biện luận rằng xu hướng đang ngự trị hiện nay (tức cấp tiến) đưa ra ba luận điểm chính [8]. Một, trật tự cấp tiến đã là nguyên nhân chính của nền hòa bình lâu dài giữa các cường quốc trong bảy thập niên qua. Hai, thiết kế nền trật tự này là động lực chính của khế ước Hoa Kỳ đối với thế giới trong giai đoạn đó. Ba, tổng thống Hoa Kỳ hiện nay Donald Trump là mối đe dọa chính của nền trật tự này, và qua đó nền hòa bình thế giới.
Allison phê bình các luận điểm của Ikenberry, Nye và luôn cả lời kêu gọi của cựu phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong những ngày cuối của chính quyền Obama “hãy hành động khẩn cấp để bảo vệ nền trật tự quốc tế cấp tiến”. Allison cho rằng tuy tất cả các mệnh đề trên đều chứa đựng một số tự thật, mỗi cái có nhiều phần sai hơn đúng. Nền hòa bình lâu dài không phải là kết quả của trật tự cấp tiến mà là phó sản của sự cân bằng quyền lực nguy hiểm giữa Sô Viết và Hoa Kỳ trong bốn thập niên rưỡi của Chiến tranh Lạnh, rồi một giai đoạn ngắn thống trị của Hoa Kỳ. Khế ước Hoa Kỳ đối với thế giới không được định hình bởi lòng ham muốn được phát huy chủ nghĩa cấp tiến ở ngoài nước hoặc để xây dựng một trật tự quốc tế mà là nhu cầu phải làm những gì cần thiết để duy trì nền dân chủ cấp tiến ở trong nước. Và mặc dầu Trump đang phá hoại các yếu tố căn bản của nền trật tự hiện tại, ông không hề là mối đe dọa lớn nhất đối với nền ổn định toàn cầu.
Tóm lại, Allison biện luận thay vì đi tìm trở lại một quá khứ tưởng tượng cho rằng Hoa Kỳ đã uốn nắn hình thành thế giới như thế trong sự hình dung của mình, Hoa Thịnh Đốn nên giới hạn các nỗ lực của mình để bảo đảm một trật tự bên ngoài vừa đủ để tập trung vào việc tái xây dựng nền dân chủ cấp tiến sống động hơn tại nước mình.
Allison phân tích các lập luận của mình như sau. Trước hết sự thiết kế của Liên Hiệp Quốc cũng đã có vài vấn đề không bình đẳng hay công bằng. Chẳng hạn như Hội đồng Bảo an LHQ được năm cường quốc (Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Pháp) có ghế ngồi thường trực và có quyền phủ quyết, do đó cho họ cái quyền ngoại lệ, khi nào phù hợp với mục đích của mình thì ủng hộ, nói chung là tuỳ tiện. Còn việc hình thành các định chế quốc tế khác và cả NATO chủ yếu là để kiềm chế và ngăn chặn Liên Sô. Allison cũng phê bình các chính sách đơn phương của Hoa Kỳ sử dụng vũ lực để tấn công các quốc gia khác, từ việc ném bom Belgrade, Serbia đến xâm chiếm Iraq và Afghanistan v.v…
Allison nhận định trong các đe dọa mang tính cách sinh tử đối với nền trật tự toàn cầu, Trump là một nhưng không phải là cái hệ trọng nhất. Hành động Trump rút ra khỏi các nỗ lực mà các chính quyền trước tìm cách hạn chế khí thải nhà kính hay cổ võ thương mại gây nhiều lo lắng, và sự hiểu lầm của Trump về sức mạnh cần phải có sự đoàn kết với đồng minh, thì thật quấy rối. Nhưng sự trổi dậy của Trung Quốc, sự hồi phục của Nga, và sự suy thoái quyền lực toàn cầu của Hoa Kỳ, đã là những thử thách lớn hơn Trump nhiều. Allison kể rằng trong chuyến đi sang Trung Quốc gần đây, một trong các viên chức cao cấp trong chính quyền đã đặt câu hỏi thật khó trả lời cho ông. Đó là phần lớn giới ưu tú Hoa Kỳ nhận định tính cách và kinh nghiệm của Trump không thích hợp để làm lãnh đạo của một quốc gia vĩ đại. Vậy thì đổ lỗi cho ai? Trump, cơ hội chủ nghĩa giành lấy thắng lợi, hay hệ thống chính trị đã cho phép ông đạt được điều đó?
Trước thời Trump, giai cấp chính trị đã mang lại các cuộc chiến chưa chấm dứt và không thành công như ở Afghanistan, Iraq và Libya, cộng với sự khủng hoảng tài chánh và đại suy thoái, đã làm mất uy tín của chính mình. Những thảm hoạ này đã làm suy yếu sự tự tin trong nền tự trị cấp tiến hơn những gì Trump có thể gây nên. Thử thách quan trọng nhất đối với những người Mỹ tin vào nền quản trị dân chủ là việc tái xây dựng nền dân chủ hữu hiệu ngay tại nước mình. Allision cho rằng để làm được điều đó, Hoa Kỳ không cần phải cải hóa người Trung Quốc, người Nga hay bất cứ một ai khác sang niềm tin của người Mỹ về giá trị tự do. Và nó cũng không nhất thiết phải thay đổi các chế độ khác trở thành dân chủ. Allison trích phần phát biểu của cố tổng thống John F Kennedy năm 1963 rằng chỉ cần làm sao duy trì nền trật tự thế giới “an toàn cho đa nguyên”, tức bao gồm các quốc gia dân chủ lẫn phi dân chủ, là cũng đủ rồi.
Những người theo chủ nghĩa hiện thực (realism) cũng mạnh mẽ phản biện quan điểm của xu hướng cấp tiến về trật tự này. Giáo sư lịch sử và bang giao quốc tế Stephen Kotkin không nhìn nhận những định chế đa phương và các tiến trình của hệ thống hậu chiến là “trật tự quốc tế cấp tiến”, cái mà ông cho là cái nhìn ảo huyền của một số người, thật ra nó là cơ chế để tổ chức và phát triển vòng ảnh hưởng lớn lao của Hoa Kỳ [9]. Nhưng không giống như các nước Âu châu và Nhật Bản, Hoa Kỳ dành rất ít thời gian để áp đặt nền cai trị thuộc địa trực tiếp đối với các nước khác từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20. Thay vào đó, Hoa Kỳ chọn phát huy quyền lợi của mình với các đồng minh tự nguyện, các định chế đa phương và tự do thương mại. Sự lựa chọn đó đến từ ý thức tư lợi (enlightened self-interest) hơn là lòng vị tha, và được yểm trợ bởi sức mạnh quân sự áp đảo.
Trong cuộc thảo luận bàn tròn với các chuyên gia trong ngành khoa học chính trị tại Hoa Kỳ, giáo sư chính trị học thuộc ngành bang giao quốc tế tại Đại học Harvard Stephen Walt, một blogger nổi tiếng trên tạp chí Foreign Policy, cũng phê bình quan điểm của giáo sư Ikenberry, về tác phẩm Liberal Leviathan của ông [10]. Các luận điểm chính của Walt là như sau. Một, mặc dầu hệ thống trật tự này có quy luật thật, cái mà các nhà cấp tiến gọi là dựa trên quy luật (rules-based), nhưng ông không thấy nó có nghĩa lý gì khi mà các cường quốc áp dụng một cách tuỳ tiện. Thay vào đó, người hiện thực thấy hệ thống này được định nghĩa chủ yếu bởi quyền lực và quyền lợi, mà phần lớn quyền lợi lại được định hình nặng nề bởi quyền lực. Các cường quốc sử dụng quy luật để tiến đạt quyền lợi của mình nhưng lại bỏ nó một bên nếu nó không phục vụ quyền lợi của mình. Hai, những điều nằm trong lý thuyết của cuốn sách của Ikenberry không mang tính tích cực hay giải thích, bởi quá nhiều cách mà các cường quốc (nhất là Hoa Kỳ) đi xa từ các biện luận chính của sách này. Thay vào đó, nó mang tính cách tiêu chuẩn hay quy định hơn, tức các nhà nước nên hành xử như thế nào để gặt hái nhiều lợi ích khác nhau. Tuy thế, Walt cũng cho rằng thật là mỉa mai vì phần lớn ông cũng đồng ý với các quy định cụ thể trong cuốn sách này, và thế giới sẽ trở nên tốt hơn nếu các nhà nước hành xử như Ikenberry đề nghị. Nói chung Walt, hay xu hướng hiện thực, phê bình Ikenberry hay xu hướng cấp tiến là họ quá lạc quan. Walt nhận định rằng trên thực tế giới làm chính sách Hoa Kỳ lắm khi nói cho xướng cái miệng về luật và quy định và quy tắc và đa phương, nhưng khi đụng phải chuyện, cái thường xảy ra, thì họ cứ làm theo cách riêng của họ thôi.
Giữa trường phái cấp tiến và với các nhà nghiên cứu sử học thì cũng có lắm bất đồng. Đó là cuộc tranh luận sôi nổi giữa học giả và người điều hợp chương trình trên kênh CNN Fareed Zakaria với nhà sử học nổi tiếng hiện nay Niall Ferguson trong loạt tranh luận có tên the Munk Debate Series. Ferguson thì cho rằng cái gọi là trật tự quốc tế cấp tiến thật ra không có trật tự, không phải quốc tế, và cũng chẳng cấp tiến chút nào [11]. Trong khi đó, theo Fareed Zakaria thì khoảng một năm sau biến cố Pearl Harbor, tổng thống Hoa Kỳ Frank Roosevelt gặp Thủ tướng Canada Mackenzie King (người nắm giữ chức vụ này lâu đời nhất tại Canada, trên 21 năm) tại văn phòng bầu dục. Lần gặp mặt này, tuy Hoa Kỳ chỉ mới chính thức tham chiến và viễn ảnh chiến tranh chấm dứt vẫn còn khá xa vời, Roosevelt hoàn toàn tin tưởng vào thế tất thắng của phe đồng minh. Nhưng điều Roosevelt quan tâm hơn là viễn ảnh tương lai: làm thế nào để xây dựng một thế giới hợp tác và cạnh tranh chứ không phải đối đầu và chiến tranh nữa. Nên nhớ lịch sử thế giới cho đến thời điểm đó phần lớn mang đậm nét chiến tranh, xung đột, đế quốc thực dân, chủ nghĩa thương mại bảo hộ/quốc gia và chế độ bóc lột.
Zakaria biện luận rằng Roosevelt không thể tiếp tục ủng hộ một thế giới trật tự như thế nữa. Viễn kiến của Roosevelt là: một, phải làm cho Trục Quyền (Axis powers, gồm Đức Ý Nhật) đầu hàng hoàn toàn vô điều kiện; hai, phải yêu cầu Anh quốc và Pháp quốc không tái xây dựng đế quốc của họ khắp nơi như trước đây. Theo Roosevelt thì cần phải xây dựng một thế giới mà tự do và quyền tự quyết có tác dụng bao quát hơn; ba, Roosevelt mong muốn một thế giới có tự do mậu dịch, thương mại, nhưng cũng cần dựa trên luật lệ rõ ràng và cơ cấu hẳn hoi để qua đó các bất đồng hay tranh chấp chính trị có thể được giải quyết một cách ôn hòa (như Liên Hiệp Quốc). Roosevelt không sống để nhìn thấy viễn kiến của ông được thực hiện ra sao sau Thế Chiến II, nhưng trong suốt thời gian tại vì, ông nỗ lực không ngừng để thực hiện viễn kiến đó. Cho đến nay, nhìn lại thì trật từ này tất nhiên không hoàn hảo, không bắt đầu suông sẻ, nhưng không thể phủ nhận vai trò và kết quả nó đã đóng góp để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của nhân loại sau Thế Chiến II cho đến nay.
Bài mới nhất của giáo sư chính trị học Michael J. Mazarr thuộc RAND Corporation trên tạp chí Foreign Affairs phản biện lại bài viết của Allison, trình bày ở trên [12]. Mazarr nhận định rằng 70 năm qua phần lớn giới bình luận Mỹ ủng hộ ý tưởng một trật tự quốc tế dựa trên quy luật do Hoa Kỳ lãnh đạo. Vậy mà gần đây có nhiều học giả, chuyên gia, kể cả Graham Allison, đã bác bỏ nó và cho nó là một “huyền thoại”. Mazarr ghi nhận bài viết của Allison có nhiều điểm quan trọng nhưng đã đi sai theo ba hướng quan hệ với nhau: nó đọc sai lịch sử của trật tự hậu chiến, thổi phồng các mục tiêu của trật tự, và lầm lẫn các hoạt động toàn cầu quá hạn của Hoa Kỳ với các hoạt động của chính trật tự này.
Thứ nhất, về lịch sử, Allison biện luận trật tự này là hệ quả không lường của Chiến tranh Lạnh, nghĩa là một tai nạn lịch sử. Nó diễn ra vì sự lo sợ và chủ trương cân bằng quyền lực, chứ không phải ý đồ định hình nền chính trị thế giới. Vì thế, Allison ngụ ý, nó luôn là quyền lực chính trị thực tiễn được đội lốt để có thể phổ biến các giá trị cấp tiến. Theo Mazarra thì cái nhìn đó, tốt nhất, chỉ là một chiều của một lịch sử phức tạp. Mỗi viên chức nhìn vấn đề khác nhau về trật tự này khi họ bắt tay thực hiện nó, nhưng nói một cách tổng quát, vào đầu thập niên 1940 Hoa Kỳ đã đầu tư vào Liên Hiệp Quốc, chế độ thương mại quốc tế, và các định chế toàn cầu để ổn định kinh tế để qua đó cấu tạo một thế giới giới có trật tự hơn mà khó trở thành nạn nhân của các thảm nạn của thập niên 1930. Các khái niệm này đã có trước khi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nhận ra rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Sô chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ. Tổng thống Franklin Roosevelt đã có những cuộc đàm thoại sâu sắc với thủ tướng Anh Winston Churchill và những người khác (như thủ tướng Canada Mackenzie King, mà Zakaria đã trình bày ở trên) về các vấn đề này đầu thập niên 1940. Tóm lại, theo nhận định của Mazarr thì Hoa Kỳ không hề có ý định chơi trò quyền lực chính trị hay ngăn chặn Sô Viết sau Thế Chiến II khi lập nền trật tự này, mà chủ yếu là xây dựng nền tảng cho nền chính trị thế giới hợp tác nhau hơn dựa trên các quy luật chung. Các định chế và các quy luật chung này nhắm đến sự ổn định kinh tế và địa chính trị chứ không phải để truyền bá các giá trị của Hoa Kỳ.
Thứ hai, về thổi phồng các mục tiêu của trật tự, như “nó là nguyên nhân của yếu tố nền hòa bình lâu dài giữa các cường quốc trong bảy thập niên qua”, thì Mazarr cho rằng ông không biết có quan điểm cực đoan về tầm quan trọng của trật tự vậy không. Tâm thức của giới lãnh đạo Hoa Kỳ khi giải thích và thuyết phục công chúng về sự cần thiết hình thành Liên Hiệp Quốc là rằng “một tổ chức quốc tế mới là một sự cần thiết nghiêm trọng, ngay cả khi nó không thể giải quyết được hết các vấn đề của thế giới”. Các định chế nói trên, cùng với các quy luật và quy ước ràng buộc, đã trở thành một hệ thống mà các viên chức Hoa Kỳ đã ý thức rõ ràng khi tiến hành thực hiện nó kể từ giữa thập niên 1940. Đây là một trật tự mà đã miêu tả một cách nổi bật trong tất cả các Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ kể từ thập niên 1950. Nó cũng là một trật tự mà hàng tá quốc gia khác đã đặt trọng tâm trong khái niệm của họ về an ninh và thịnh vượng, như Úc, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật, Tân Tây Lan, Nam Hàn và bao quốc gia khác. Mazarr cùng cơ quan RAND Corporation đã bỏ ra hai năm tìm hiểu và đánh giá trật tự này. Họ kết luận các quốc gia này đều nhìn nhận rằng trật tự này là có thật và lo ngại một cách sâu sắc nếu nó qua đời [13].
70 năm nhìn lại để nhận thức, một số hy vọng của các kiến trúc sư của trật tự này đã rõ ràng đạt được phần nào. Các tiến trình đa phương mà các kiến trúc sư này tạo ra đã giúp ổn định nền kinh tế toàn cầu và ngăn chặn sự hung hăn. Bằng cách sắp xếp ba phần tư nền kinh tế thế giới chung quanh bộ quy định rộng (broad set of norms), nó đã tạo ra một lực hút mạnh về trọng tâm ổn định của nền chính trị thế giới. Các quốc gia đều biết muốn duy trì khả năng cạnh tranh, họ không thể chống lại một trật tự đang thắng thế như thế.
Thứ ba, về lầm lẫn các hoạt động toàn cầu quá hạn của Hoa Kỳ với các hoạt động của chính trật tự này, thì Allison biện luận các hành động quân sự đơn phương của Hoa Kỳ kể từ năm 2001 mang tính phá hoại trật tự này đã tự dẫn chứng (speak for itself). Mazarr phản biện rằng hiếm khi các hành xử quốc tế có thể tự dẫn chứng. Các hành xử thường được các quốc gia khác diễn dịch trong bối cảnh hiểu biết rộng hơn về quyền lực và mục đích. Hoa Kỳ đã tự đặt quyền lực của mình trong dự án đa phương này, đã giúp chính nghĩa hóa vai trò của mình trên thế giới, và chiếm được sự nhẫn nại (của các quốc gia khác) vào những khi Hoa Kỳ thất bại với sự cam kết các lý tưởng của mình. Do đó giải pháp là phục hồi, không phải từ bỏ, chủ nghĩa đa phương mà đã từng thuyết phục được sự đối kháng đối với quyền lực của Hoa Kỳ.
Mazarr kết luận rằng những nhà sáng tạo nên trật tự thời hậu chiến đã đặt ra mục tiêu vừa giới hạn vừa cách mạng. Họ thực hiện nó trong các ràng buộc của quyền lợi quốc gia và cân bằng quyền lực quốc tế để xây dựng định chế và quy trình mà có thể định hình đặc tính của nền chính trị thế giới. Hệ thống này đã đạt một số thành quả đáng kể, trong đó có hòa bình và thịnh vượng. Khi mà thế giới đang bước vào một thời kỳ cạnh tranh gây gắt hơn, các nhà làm chính sách Hoa Kỳ cẩn trọng không nên coi thường tầm quan trọng của trật tự thời hậu chiến này. Trật tự này không hề là một huyền thoại; nó là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của Hoa Kỳ hiện nay.
Dù thiết kế với cái nhìn hiện thực, hay cấp tiến, hay cả hai, của giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ đầu thập niên 1940, kết quả, như chúng ta cũng biết, là sự ra đời của các định chế quốc tế và toàn cầu, ngay cả trước khi Thế Chiến II chấm dứt, bao gồm: Liên Hiệp Quốc năm 1945 (United Nations); Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại năm 1947 (General Agreement on Tariffs and Trade/GATT), tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organisation/WTO); Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund/IMF) và Ngân hàng Tái Xây dựng và Phát triển Quốc tế (the International Bank for Reconstruction and Development/IBRD, sau này là Ngân hàng Thế giới/World Bank) thành lập năm 1944, hoạt động năm 1946. Điều không thể phủ nhận là thế giới đã thay đổi lớn lao và toàn diện nhờ sự hợp tác và tương thuộc qua các định chế quốc tế này.
Vài kết luận
Sự trổi dậy không mang tính hòa bình như reo rao mà ngược lại đầy tính gây hấn, trên Biển Đông cũng như trong các chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng và khắp nơi, đã làm bao người quan ngại đối với nền trật tự hiện nay và nền hòa bình tương lai. Trung Quốc có tham vọng bá quyền và có khả năng qua mặt Hoa Kỳ về kinh tế trong một thập niên rưỡi, tuy về mặt quân sự và khoa học kỹ thuật thì còn xa mới bắt kịp, ít nhất là ba thập niên nữa.
Vấn đề nằm ở hai mặt trận chính: chiến lược đường dài, và lãnh đạo.
Theo nhà bình luận chính trị người Mỹ và cũng là một blogger Kevin Drum, thì nếu không có cuộc cách mạng công nghệ, đầu tiên là động cơ hơi nước, lý thuyết vi trùng, điện và xe lửa, thì lịch sử thế giới đã hoàn toàn khác; sẽ không có cuộc cách mạng dân chủ như đã diễn ra trong thế kỷ 18, 19, 20 như đã thấy [14]. Cuộc cách mạng công nghệ tới đây sẽ quyết định vận mệnh trật tự thế giới. Drum nhận định rằng vấn đề là liệu Trung Quốc, trong vòng 20 năm tới, đạt được kỹ nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence/AI) tốt nhất không? Nếu được, họ có thể trở thành bá quyền, nếu họ muốn; nếu không thể thì chẳng gì phải quan tâm cả.
Tuy Hoa Kỳ là nước dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo AI hiện nay, lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc không hề dấu tham vọng muốn qua mặt Hoa Kỳ trong mặt trận này vào năm 2030 [15]. Trong khi ngân sách cho Nền tảng Khoa học Quốc gia của Hoa Kỳ bị cắt giảm 10 phần trăm xuống còn 175 triệu đô la thì ngân sách dự chi của Trung Quốc vào năm 2030 cho AI là 100 tỷ đô la. Sự chênh lệch về ngân sách đầu tư cho nền khoa học kỹ thuật quốc gia như thế hiển nhiên sẽ dẫn đến kết quả khác nhau vào năm 2030.
Ngoài khoa học kỹ thuật, Trung Quốc đã chuẩn bị nhiều mặt trận khác. Nhà chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc Michael Pillsbury đã nghiên cứu kỹ lưỡng các chiến lược, chiến thuật của giới diều hâu Trung Quốc hơn bốn thập niên qua, và đã đề nghị các biện pháp cần thiết để vận dụng chính các khái niệm từng được họ sử dụng trong thời Chiến Quốc và bốn thập niên qua để đánh bại chính họ [16]. Pillsbury trình bày chi tiết đề nghị này trong 12 bước. Tựu chung là cần nhận diện được những trí trá của Trung Cộng, lưu trữ tất cả các hồ sơ tài liệu này một cách hệ thống, hoạch định các chiến lược cạnh tranh, tìm đồng thuận chung để phối hợp hành động cho hiệu quả, hỗ trợ cho các nhà đối kháng và xu hướng cải cách tại Trung Quốc, đánh vào các điểm yếu của chế độ, có biện pháp cứng rắn với sự gian lận ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ v.v…
Trên đây là các đề nghị của Pillsbury, nhưng chính quyền Hoa Kỳ hiện nay và tương lai có tán thành và sẽ thực hiện bao nhiêu điều trong này thì chưa rõ. Các chiến lược đường dài của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng và thống nhất. Hiện tại Trump đã công khai tuyên chuyến với Trung Quốc trên mặt trận thương mại, nhắm đến hàng hóa nhập cảng trị giá 505 tỷ Mỹ kim. Nhiều người chưa gì đã vội tung hô Trump và tin chắc Trung Quốc sẽ thua cuộc. Thuế nhập cảng có thể là phần quan trọng trong cuộc chiến thương mại này, nhưng không đủ để quyết định và tác động để buộc Trung Quốc phải đổi chiều. Như Abigale Grace nhận định trên tạp chí Foreign Policy, các nhà hoạch định sách lược tại Hoa Kỳ cần chuẩn bị cuộc cạnh tranh trên nhiều mặt trận bắt nguồn từ tư thế chính trị, mặt trận tuyên truyền trong nước, và các chính sách kinh tế cưỡng ép các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc [17]. Grace cho rằng Trung Quốc biết đây là ưu tiên hàng đầu của Trump nên đã chuẩn bị người dân của họ cho cuộc chiến dài và xấu này, và họ có khá nhiều dụng cụ/vũ khí để trả đũa. Lãnh đạo Trung Quốc muốn đạt mục tiêu chiến lược lớn hơn cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ hiện nay, đó là họ không muốn chơi theo các luật lệ thế giới. Nói cách khác mục đích cao nhất của họ là muốn thay đổi nền trật tự hiện nay, như Pillsbury đã nghiên cứu tỉ mỉ trong sách ông.
Về mặt quân sự thì quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua ngân sách quốc phòng khổng lồ cho năm tài chánh 2019, 716 tỷ đô la Mỹ, vào ngày 22 tháng 7 năm 2018 [18]. Phải chăng Hoa Kỳ muốn đầu tư mạnh mẽ vào quốc phòng để Trung Quốc không thể nào bắt kịp, sức mạnh quân sự Hoa Kỳ sẽ áp đảo, như thế Trung Quốc phải biết sợ, dù là một chút thôi, để không dám thách thức Hoa Kỳ trong tương lai!
Ngoài ngân sách quốc phòng và chiến tranh mậu dịch nói trên, chính phủ Trump vẫn chưa trình bày rõ ràng các chiến lược lâu dài khác của Hoa Kỳ là gì trong việc đối đầu với Trung Quốc, và chiến lược ngoại giao của mình. Trump tỏ vẻ muốn kéo Nga về phía Hoa Kỳ, nếu không là đồng minh thì cũng không là đối thủ gây thêm khó khăn cho Hoa Kỳ để Trump có thể dồn nỗ lực kiềm chế Trung Quốc trong thời gian tới. Trump có đạt được mục tiêu kéo Nga về phía mình hay không thì nó hoàn toàn không đơn giản chút nào.
Về mặt lãnh đạo thì nền dân chủ như Hoa Kỳ và nền độc tài như Trung Quốc có những ưu và khuyết khác nhau.
Nền tảng sức mạnh của các chế độ dân chủ, tự bản chất, là từ mỗi người dân. Từ mỗi cá nhân, các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức do người dân thành lập trong xã hội đó. Nếu so sánh năng xuất (productivity) giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì khoảng cách vẫn còn là một trời một vực. Nhưng Trung Quốc đông dân gấp bốn lần Hoa Kỳ. Ngoài ra, sức mạnh của một quốc gia không chỉ là tập hợp năng xuất mỗi cá nhân trong quốc gia đó là còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó lãnh đạo chính trị của quốc gia đó đóng vai trò chiến lược then chốt. Nó mang tính đường dài và đòn bẫy cho mọi chính sách phát triển của quốc gia đó.
Hoa Kỳ, mỗi hai năm thay thế một phần lập pháp, và mỗi bốn năm thay thế lãnh đạo hành pháp. Cho dù giới lãnh đạo hành pháp tài giỏi xuất chúng bao nhiêu, họ cũng phải khôn khéo thương lượng và thuyết phục quốc hội để thông qua các ngân sách, nhân sự, dự luật mới cũng như các tu chính với bộ luật cũ vv… Hành pháp cũng bị ràng buộc bởi các diễn nghĩa của tư pháp, nhất là Tối cao Pháp viện, đặc biệt khi đưa ra các Lệnh Hành pháp (Executive Order). Nhiệm kỳ là bốn năm, tối đa là hai nhiệm kỳ, trong đó có sự thay đổi nhân sự thường xuyên trong vai trò điều hành và lãnh đạo ở các cấp bậc cao nhất. Ngoài ra còn bao nhiêu sự ràng buộc của hiến pháp và pháp luật, cũng như sự đấu tranh liên tục giữa các ngành tư pháp, hành pháp, lập pháp, truyền thông cũng như sự vận động không ngừng nghỉ của giới doanh nhân và các tổ chức xã hội dân sự.
Do đó dù có tầm nhìn chiến lược lâu dài và tối ưu đi chăng nữa, giới lãnh đạo chính trị tại Hoa Kỳ nói riêng và các nền dân chủ cấp tiến nói chung khó thể nào thi hành các chiến lược quốc gia của mình nếu không giỏi thương thuyết và thỏa hiệp. Nó cũng rất khó khăn thuyết phục quốc hội/dân đầu tư ngân sách đầy đủ và ủng hộ các chính sách dài hạn, ngoài tầm của một nhiệm kỳ bốn năm. Tuy vậy, trong nền dân chủ, sự chuyển tiếp lãnh đạo từ người này sang người khác hoặc chính quyền này sang chính quyền khác luôn ổn định, qua các thủ tục rõ ràng, và với hàng trăm năm kinh nghiệm, luôn diễn ra hiệu quả và tốt đẹp. Tất nhiên mọi lần chuyển tiếp lãnh đạo đều mất thời gian để được quốc hội thông qua, và để người kế nhiệm nắm rõ các vấn đề chuyên môn và các thủ tục cần thiết để điều hành hiệu quả.
Trong khi đó, Trung Quốc là độc đảng, khống chế mọi ngành khác, một cách toàn diện và tuyệt đối, nên các chính sách về kinh tế, chính trị, văn hóa v.v… đều dễ dàng được thông qua và thi hành. Bảy người trong Ủy ban Thường vụ Trung ương Đảng cũng như 25 người trong Bộ Chính trị hầu như nắm mọi quyền lực trong tay. Mục tiêu lâu dài của giới lãnh đạo Trung Quốc là tiếp tục tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, gia tăng tiềm năng quốc phòng, tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên và nhất là đầu tư tối đa vào cuộc cách mạng công nghệ tới, đặc biệt về trí tuệ nhân tạo, để phát huy ưu thế chiến lược, nhất là so với Hoa Kỳ. Tuy cũng đấu đá khủng khiếp với nhau để tranh giành quyền lực, nó hiếm khi công khai minh bạch mà thường mà kín đáo và xảo quyệt. Sau Mao Trạch Đông, các vụ đấu đá thanh trừng trong đảng cũng long trời lở đất. Đặng Tiểu Bình hiểu được điều này hơn ai hết cho nên muốn đặt giới hạn hai nhiệm kỳ để hy vọng có sự chuyển tiếp suông sẻ. Tuy nhiên, mục tiêu này đã được thay thế bởi mục tiêu chiến lược quan trọng hơn: cuộc chạy đua bá quyền với Hoa Kỳ. Đó là lý do vì sao Tập Cận Bình (Xi Jinping), được mệnh danh là Chủ Tịch của Mọi Thứ (Đảng, Nhà Nước và Quân Đội), không còn bị giới hạn hai nhiệm kỳ trong vai trò chủ tịch nước nữa vào ngày 17 tháng Ba năm 2018. Giới diều hâu Trung Quốc ủng hộ Tập để bảo đảm sự liên tục trong việc lèo lái và thực hiện giấc mộng bá quyền của họ.
Mặc dầu đây là sức mạnh của Trung Quốc, đó cũng chính là điểm yếu của họ. Chế độ độc tài nào cũng có vô số giới hạn và rủi ro của nó. Bởi để tập trung quyền lực như thế vào tay mình, Tập và nhóm diều hâu đã loại trừ bao nhiêu thành phần trong đảng không đứng về phía mình, do đó họ cũng có lắm kẻ thù. Đó là chưa kể chính sách vô cùng thô bạo và cung cách tàn bạo mà họ đã đối xử với người dân, đặc biệt là các nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Ngoài ra người Hoa đã kinh nghiệm bao nhiêu tai họa trong thời Mao, với chủ nghĩa tôn sùng cá nhân, nên dù giới trẻ có thể không nắm rõ vì sử liệu giáo dục bị bóp méo trầm trọng, những người từng sống thời đó chắc hẳn còn nhớ rõ và hiểu sâu. Người Hoa Đài Loan và Hồng Kông hiển nhiên rất quan ngại về cánh tay nối dài của Bắc Kinh, nhất là khi Tập đã lập lại nhiều lần cảnh cáo đối với mọi nỗ lực độc lập tách rời khỏi Trung Quốc. Vào ngày 14 tháng 8 vừa qua, Andy Chan, 27 tuổi, lãnh đạo của Đảng Quốc gia Hồng Kông, với chủ trương độc lập từ Trung Quốc, đã hùng hồn phát biểu tại Câu Lạc bộ Phóng viên Ngoại quốc rằng “Trung Quốc là mối đe dọa đối với mọi người tự do trên toàn thế giới” [19]. Mọi chế độ chính trị đều quan ngại sức mạnh của truyền thông, nhưng chế độ độc tài thì không chỉ quan ngại mà là thật sự lo sợ, vì truyền thông có khả năng phơi bày sự thật về mình. Nhưng cái mà chế độ độc tài lo sợ nhất là người dân có tư duy độc lập và suy nghĩ phê phán. Như thế, mọi tuyên truyền của họ đều vô hiệu quả, và họ không thể kiểm soát tư tưởng và ngày càng mất dần ảnh hưởng đối với người dân.
Kinh tế Trung Quốc hiện đang chậm lại, và còn gặp khó khăn trong cuộc chiến thương mại hiện nay nên thành phần bất mãn hoặc đối trọng với Tập có thể khai dụng cơ hội đặt vấn đề về hiệu quả của việc tập trung quá nhiều quyền lực vào một cá nhân [20]. Bốn năm tới, và xa hơn nữa, các thử thách đối với Trung Quốc không hề nhỏ mà ngày càng gia tăng. Nền kinh tế sẽ không tiếp tục tăng trưởng như trước. Khi người dân càng có nhiều thì càng mong đợi nhiều, và khi mong đợi không được đáp ứng thì, cho dù bộ máy tuyên truyền đồ sộ và tốn kém khủng khiếp bao nhiêu, nó cũng sẽ không thoả mãn được nhu cầu mong đợi khổng lồ từ một tỷ bốn trăm triệu người dân của họ hiện nay.
Cuối cùng thì tương lai của trật tự thế giới chủ yếu tuỳ thuộc vào tài năng lãnh đạo chính trị của Hoa Kỳ và Trung Quốc, và hiệu năng của cơ chế vận hành quốc gia, tức guồng máy đẩy quốc gia đó về phía trước. Dù chưa thể tiên đoán được kết quả tương lai ra sao, chúng ta có thể lạc quan rằng những gì được xây dựng dựa trên chân thiện mỹ thì vẫn vững ổn hơn giả ác xấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét