Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

6175 - Nhóm lợi ích Bộ Tài Nguyên Môi Trường còn giấu diếm ĐTM đến bao giờ?


ĐTM là tên viết tắt của Đánh giá Tác động Môi trường - một bản báo cáo được chủ đầu tư lập nhằm chỉ ra những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường trước những tác động đó. ĐTM cần được cơ quan có thẩm quyển phê duyệt trước khi dự án được tiến hành.
Với vai trò như thế, ĐTM được kỳ vọng là một chốt chặn hiệu quả ngăn cản những dự án ô nhiễm. Thật vậy, ở Đài Loan nhiều dự án có nguy cơ tàn phá môi sinh đã không thể thành hình bởi ĐTM không được thông qua, chẳng hạn gần đây là Nhà máy Nhiệt điện của TaiPower ở Changhua [1]. Trong một số trường hợp khác, chẳng hạn như Dự án Nhà máy Thép Formosa ở Yunlin năm 2007, qua sự phân tích của các chuyên gia có trách nhiệm đối với ĐTM, công chúng nhận ra tầm nguy hiểm của dự án đã phản đối kịch liệt tới mức dự án bị hủy bỏ ngay cả trước khi Hội đồng Thẩm định ĐTM làm việc.
Thế vì sao Việt Nam cũng áp dụng quy trình ĐTM mà lại không hiệu quả, để lọt quá nhiều dự án gây thảm trạng môi trường từ Bắc chí Nam?
Có nhiều nguyên nhân song quan trọng nhất là Bộ Tài nguyên Môi trường đã giấu diếm các bản ĐTM cũng như giữ toàn bộ quá trình này trong vòng bí mật nhằm tránh né sự giám sát của báo chí và công chúng.
Hình bên trái dưới đây là kết quả từ website thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam khi gõ từ khóa “Formosa”, chỉ bao gồm tên của ĐTM mà hoàn toàn không có nội dung [2]. Trong khi đó ở hình bên phải - website của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan - với cùng từ khóa (台灣化學纖維 trong tiếng Hoa) chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ ĐTM của tất cả các dự án của Formosa cùng các tài liệu đi kèm như biên bản cuộc họp Hội đồng Thẩm định ĐTM, biên bản cuộc họp giữa chủ đầu tư với cư dân địa phương - tóm lại là mọi thông tin về khía cạnh môi trường của dự án. Cũng trên website này, bất kỳ ai quan tâm, bao gồm cả báo chí, các tổ chức dân sự, có thể dễ dàng đăng ký tham gia các buổi họp của Hội động Thẩm định, giám sát các thành viên Hội đồng làm việc. [3]
Kết quả là, dù thảm họa Formosa diễn ra đã hơn 2 năm song tới giờ công chúng vẫn chẳng hề biết vị giáo sư tiến sĩ nào đã tham gia Hội đồng Thẩm định của Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt ĐTM này. Các vị nhờ đó đã vừa tránh được búa rìu dư luận lẫn trách nhiệm pháp lý theo luật định, mà còn có thể ung dung đứng chân vào những Hội đồng thẩm định các dự án khác.
Tương tự, trong vụ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đòi nhấn chìm cả triệu m3 bùn thải xuống biển, chỉ khi sự việc trở nên ồn ào trên báo chí người ta mới phát hiện ra một số nhà khoa học đã bị mạo danh trong hồ sơ ĐTM [4]. Tất cả những dối trá này sở dĩ tồn tại được chính là bởi Bộ Tài nguyên Môi trường giấu diếm toàn bộ hồ sơ ĐTM.
Chính phủ những năm gần đây thường xuyên nói về Cách mạng Công nghiệp 4.0, về mô hình chính phủ điện tử, song một việc giản đơn là đăng tải các hồ sơ ĐTM lên Internet và để người dân lẫn báo chí có thể đăng ký online tham gia giám sát các buổi thẩm định ĐTM mà vẫn không làm được thì chỉ có thể hiểu là nhóm lợi ích Bộ Tài nguyên Môi trường đang cố tình bán đứng môi trường đất nước và sức khỏe người dân để đút cho đầy túi tham của họ.
PS: Bạn mình, một nhà báo môi trường Đài Loan hơn 10 năm đeo đuổi Formosa, đã bỏ nhiều công sức để có được thông tin từ một nhân viên cao cấp đã nghỉ hưu của Tập đoàn mẹ Formosa ở Đài rằng hãy tìm bản ĐTM thứ 4 của Formosa Hà Tĩnh sẽ thấy nhiều thông tin quan trọng làm sáng tỏ sự việc. Tuy nhiên tụi mình đã chẳng thể nào tìm ra bất kỳ bản ĐTM nào của dự án này, điều mà bạn nhà báo không thể nào hiểu nổi.
Sau thảm hoạ Formosa nhiều tổ chức môi trường quốc tế thường hỏi mình đã có bất kỳ thay đổi thể chế (institutional changes) nào về môi trường nhằm ngăn chặn các thảm hoạ tiếp theo xảy ra không. Đáng buồn phải trả lời là với nhóm lợi ích Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn cố tình bưng bít thông tin để trục lợi thì sẽ chẳng thể nào có được những thay đổi như vậy, và việc thảm hoạ tiếp theo xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét