Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

6178 - Đừng coi thường những nguy cơ của chiến tranh mậu dịch


Một người đàn ông sau khi mua sắm tại một cửa hàng Gap ở Bắc Kinh vào ngày 19 Tháng Chín, 2018. Trước đó một ngày, Trung Quốc công bố mức thuế quan đối với hàng hóa trị giá $60 tỷ để trả thù quyết định của Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Wang Zhao/AFP/Getty Images)
Cuộc chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng leo thang một lần nữa hôm Thứ Ba, 18 Tháng Chín, vừa qua, và Wall Street chả thèm để ý.
Sau khi Bắc Kinh loan báo sẽ trả đũa chống lại đợt quan thuế mới nhất của Tổng Thống Donald Trump áp đặt lên thêm thuế quan cho $60 tỷ nữa hàng hóa xuất cảng từ Hoa Kỳ, chỉ số Dow Jones tăng 184.84 điểm, và trị giá đồng đô la ổn định. Hôm Thứ Tư, thị trường toàn cầu hồi phục.
Một số nhà bình luận chỉ ra là phản ứng đó là vì cả hai bên đã có một chút thụt lùi. Thay vì áp dụng thuế quan 25% lên số $200 tỷ hàng hóa Trung Cộng, chính phủ Trump đã chỉ áp dụng thuế 10%, mặc dầu tổng thống đe dọa là nếu không có gì thay đổi thì sắc thuế sẽ lên 25%. Phía Trung Cộng cũng vậy chỉ tăng thuế cao nhất là đến 10%.
Trên một phương diện nào đó, thái độ thản nhiên của các nhà đầu tư có thể hiểu được. Cuộc tranh cãi mậu dịch giữa Washington và Bắc Kinh đã âm ỉ từ cả năm nay rồi, và nó không có mấy ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế. Tăng trưởng trong tổng sản lượng quốc nội GDP và khả năng tạo công ăn việc làm vẫn tiếp tục mạnh. Lợi nhuận của các doanh nghiệp đạt kỷ lục mới.
Nhưng nguy cơ không nên bị coi thường. Trong khi cả Hoa Kỳ lẫn Trung Cộng không có lợi trong một cuộc chiến mậu dịch toàn diện và kéo dài, có một chút triển vọng là cuộc tranh chấp này có thể giải quyết sớm. Và, tuy nền kinh tế Hoa Kỳ có vẻ hết sức bền bỉ, hầu hết có thể có nguyên nhân từ những kích thích tạm thời qua giảm thuế và tăng chi, nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào một cuộc chiến kéo dài, sự bình tĩnh của thị trường lúc đó có lẽ sẽ bị lung lay.
Cái nguy hiểm nhất là Tổng Thống Trump có vẻ cố tình đọc sai những chuyện mới xảy ra gần đây. Tháng rồi, Mexico đạt được một thỏa thuận mậu dịch sơ khởi với Hoa Kỳ để hồi sinh thỏa thuận Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA).
Đầu mùa Hè năm nay, Liên Hiệp Âu Châu đã ngăn được một cuộc đụng độ với Tòa Bạch Ốc qua hứa hẹn mua thêm hàng xuất cảng của Hoa Kỳ và đi vào điều đình cho một thỏa thuận rộng lớn hơn. Những cuộc thảo luận với Canada đang tiếp tục, và các phe tham dự đang đưa ra những chỉ dấu đầy hy vọng.
Diễn dịch của tổng thống cho những diễn biến này là bắt nạt có hiệu lực: qua việc đe dọa sẽ rút lui khỏi NAFTA và áp đặt thuế quan lên xe hơi của Âu Châu và sản phẩm chế biến từ sữa của Canada, ông đã buộc những đối thủ phải đầu hàng. Thực ra họ có nhượng bộ đôi chút nhưng không đầu hàng. Nay ông nghĩ là ông có thể làm việc đó đối với Trung Cộng.
Sử dụng phương tiện ông ưa thích nhất, ông viết trên twitter “Thuế quan đã đưa Hoa Kỳ vào một vị trí điều đình rất là mạnh, với nhiều tỷ đô la, và công việc đang đổ vào đất nước chúng ta – và ấy vậy gia tăng cho đến nay hầu như không ai thấy cả. Nếu các quốc gia không có những thỏa thuận công bằng với chúng ta, họ sẽ bị ‘đánh thuế quan!’”
Một ngày sau, Tòa Bạch Ốc loan báo là đã áp dụng thêm thuế quan lên $200 tỷ sản phẩm tiêu thụ do Trung Cộng sản xuất, từ quần áo, hành lý đến bếp lò. Đây là cộng thêm vào thuế quan $50 tỷ vào sản phẩm kỹ nghệ mà tổng thống đã loan báo hồi Tháng Năm.
Rõ ràng tổng thống tin là ông nắm lấy thế thượng phong, và nếu chỉ tính toán một cách đơn giản thì ông đúng. Bởi vì Trung Cộng xuất cảng sang Hoa Kỳ gấp hơn bốn lần số hàng Hoa Kỳ xuất cảng sang cho họ, Washington có nhiều khả năng để áp đặt thêm thuế quan hơn là Bắc Kinh.
Sau khi Trung Cộng loan báo đợt hàng hóa mà họ đánh thuế lần này hôm Thứ Ba, họ sẽ không còn hàng Hoa kỳ để trả đũa nữa. Tổng Thống Trump đang đe dọa sẽ áp đặt thuế lên số $267 tỷ hàng của Trung Cộng nữa, tức là tất cả số hàng họ bán sang Hoa Kỳ.
Nhưng sự việc là thuế quan của Hoa Kỳ lớn hơn là những thuế quan trả đũa của Trung Cộng không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ chịu thua. Sự tranh chấp của chính phủ Trump và Trung Cộng là về những vấn đề căn bản hơn là bất đồng giữa Hoa Kỳ với Liên Hiệp Âu Châu, Mexico hay Canada. Chỉ bằng cách đưa ra một số nhượng bộ không quan trọng lắm, Âu Châu và Mexico đã có thể ngăn cản để cho những bất đồng đó không leo thang.
Trung Cộng không có sự lựa chọn đó. Cuối cùng, Tổng Thống Trump và những con diều hâu về mậu dịch trong Tòa Bạch Ốc muốn áp đặt lên Bắc Kinh một hình thức phát triển kinh tế mới – một khuôn mẫu phát triển không bao gồm cách hành xử theo chủ thuyết trọng thương như hỗ trợ cho các nền kỹ nghệ non trẻ, dùng chiêu bài tiếp cận thị trường để đổi lấy kiến thức kỹ thuật, và sử dụng những giới hạn giấy phép cũng như những rào cản không phải là thuế quan để tạo một cái thế yếu hơn cho cạnh tranh từ ngoại quốc.
Ông Peter Navarro, giám đốc của Hội Đồng Mậu Dịch Tòa Bạch Ốc, nói với Fox Business hôm Thứ Ba: “Tiến tới tương lai, chúng ta không thể có một nền kinh tế toàn cầu khỏe mạnh nếu một trong những nền kinh tế lớn nhất căn bản là một thú săn mồi.”
Trung Cộng đã có một số nhượng bộ, giảm thuế quan trên xe hơi nhập cảng từ Hoa Kỳ và bày tỏ sẵn sàng củng cố quyền tài sản trí tuệ. Nhưng họ sẽ cảm thấy khó đầu hàng cho một Tòa Bạch Ốc mà họ tin là cố tình muốn làm chậm lại, hay là có thể, lật ngược sự thăng tiến kinh tế của họ. Các viên chức Trung Cộng đã chỉ ra rất đúng là khi Hoa Kỳ đang kỹ nghệ hóa, trong thế kỷ thứ 19, Hoa Kỳ cũng đã dùng những chiến lược tương tự như Trung Cộng đang làm ngày nay. Và khi tổng thống leo thang, thì Bắc Kinh có vẻ ngày càng cố thủ.
Ở một cuộc họp của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới hôm Thứ Ba, ông Phương Tinh Hải, phó chủ tịch Ủy Ban Chứng Khoán Trung Quốc, nói là ngay cả nếu chính phủ Trump áp đặt thuế quan lên tất cả các hàng xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đủ mạnh để chịu đựng những ảnh hưởng tiêu cực, mà ông dự đoán là sẽ là vào khoảng 0.7% giảm GDP. Ông Phương nói: “Thành ra chúng ta chuẩn bị cho tình huống tệ hại nhất, và chúng ta nghĩ là nền kinh tế sẽ vẫn còn tốt.”
Những viên chức khác của Bắc Kinh đã ngầm ý nói đến phản ứng của Trung Cộng có thể vượt ra ngoài thuế quan. Hồi cuối tuần, cựu Bộ Trưởng Tài Chính Lưu Kế Duy đề nghị là Trung Cộng có thể gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ bằng cách giới hạn hay cắt đứt nguồn cung cấp của các bộ phận quan trọng, như bộ phận điện tử hay bộ phận xe hơi.
Những công ty đa quốc của Hoa Kỳ như Apple, hay General Motor rồi có thể chuyển hệ thống dây chuyền cung cấp của những sản phẩm này sang các quốc gia khác, nhưng dầu sao cũng gây gián đoạn. Còn có những đề nghị là Trung Cộng có thể bắt đầu bán ra cái kho công khố phiếu khổng lồ mà họ giữ, mặc dầu không ai có chức vụ hiện nay nhắc nhở đến điều này công khai.
Mặc dầu hai bên cùng có những lời đao to búa lớn, nhưng vẫn còn có thể nghĩ là có một sự thích ứng nào có thể đạt được. Thuế quan mới của Hoa Kỳ khởi đầu với chỉ có 10% và sẽ phải đến năm mới Dương Lịch mới lên 25%. Điều đó có thể giúp có thêm thời giờ để điều đình.
Nhưng có điều hiện nay Tổng Thống Trump không có vẻ muốn điều đình, ông tin là với những sắc thuế mới và đe dọa thêm nữa sẽ nhanh chóng thuyết phục Trung Cộng. Nhưng nó cũng dễ dàng tạo một cuộc chiến mậu dịch kéo dài mà chúng ta chưa từng thấy và hậu quả thật khó tiên đoán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét