Chính phủ nên sửa Nghị định 105/2012 (sửa từ NĐ 62). Thay vì quy định cứng 4 chức danh được tổ chức quốc tang nên đưa ra các tiêu chí.
Quốc tang chỉ nên tổ chức với người thực sự có công trạng lớn với đất nước; với một người hoặc nhiều người chết vì những hành động quả cảm hoặc chết trong những tình huống bi thảm...; với những người mà cuộc sống của họ thực sự là một tấm gương và cái chết của họ có khả năng lay động. Những quy định cứng như Nghị định 105 rất có thể đặt chính trị trong những tình huống trớ trêu và đặt nhiều người dân vào cảm giác gần như xúc phạm.
Lãnh đạo đồng triều có thể vẫn phải đọc những lời điếu ngợi ca trong khi họ biết "trách nhiệm" của người chết liên đới trong nhiều hồ sơ trọng án. Nhân dân không lẽ phải "để tang" cho những nhân vật mà sinh thời sau lưng họ nhung nhúc những tội phạm mà các cơ quan tố tụng vừa tống vô tù.
Ngay cả quốc tang thì cũng nên quy định thời gian thật ngắn. Chỉ nên treo cờ rủ trên các công sở. Chỉ nên cấm các hoạt động vui chơi do chính quyền và các đoàn thể tổ chức. Chỉ nên cấm các hoạt động múa hát ngoài trời còn karaoke, phòng trà... là các hoạt động kinh doanh, không nên cấm.
Một chính thể giành được quyền bởi cam kết với dân chúng dẹp bỏ những tàn dư phong kiến thì lãnh đạo không thể lăng tẩm như vua. Dùng tiền ngân sách đã không nên, dùng tiền tư càng khiến dân đặt thêm nhiều câu hỏi (không phải cứ Chủ tịch là "Bác"; không phải bất cứ ai đeo 4 sao đều như "Đại tướng").
Đành rằng, nghĩa tử nghĩa tận. Đành rằng kỷ luật Đảng cũng như tố tụng cần một quy trình. Nhưng cái chết luôn là cơ hội để thiên hạ định luận. Sơn son thếp vàng cho những cái ngai đã mục ruỗng; ca tụng mà bất chấp dân chúng đang bàn tán... là cách tốt nhất để gửi đi những thông điệp tiêu cực. Nhất là khi các nỗ lực tu sửa đang được nhân dân chờ đợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét