Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

6201 - Ông Chủ tịch xã có tiền tỷ: quyền được làm giàu

Ánh Liên (VNTB) 

Ông Nguyễn Viết Từ, cựu Chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), người vẫn đang bị lên án vì sở hữu hàng chục lô đất và có hẳn một căn biệt thự hoành tráng tại làng quê nghèo.

Facebooker Hoàng Hạnh bày tỏ: Đây chỉ mới là xã thôi đấy! Thế mới biết, làm quan to, chúng còn vơ vét khủng khiếp như thế nào rồi. Nhưng trong phản hồi gần nhất của ông về số lượng tài sản lớn này, ông cho biết, tiền mua đất do kinh doanh, không phải chiếm đất hay nhận hối lộ, cụ thể là mười mấy cái hồ nuôi tôm. Ông cựu Chủ tịch xã thẳng thắn cho rằng, làm Chủ tịch xã không được mấy đồng, bên cạnh là có 2 người con gái đã định cư ở Mỹ từ năm 2000.

Đội ngũ quan chức giàu bất thường là một trong những biểu hiện của nền chính trị thiếu minh bạch, nhưng trong trường hợp của ông Nguyễn Viết Từ, thì việc ông đi làm kinh doanh khi còn đang làm cán bộ xã là điều hết sức bình thường. Đó là quyền được làm giàu mà ĐCSVN đã cởi trói gần đây, qua Quy định 15/QĐ-TW đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Ngôi biệt thự của ông Nguyễn Viết Từ tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải
Thực tế, những diễn giải của ông Từ thậm chí còn minh bạch gấp vạn lần những diễn giải từ ông chủ của biệt phủ Yên Bái và vài ông chủ khác trên cả nước. Bởi nuôi tôm là một nghề đem lại giá trị kinh tế rất cao, và chính nó có khả năng mua đất và xây biệt thự cao hơn so với 'buôn chổi đót, chạy xe ôm'. Nếu đặt trong trường hợp làm giàu chính đáng thì trường hợp của ông cựu Chủ tịch xã là đáng hoan nghênh. Chưa kể, tại xã Phong Hải mà ông Từ từng làm chủ tịch xã, xuất hiện nhiều tỷ phú nuôi tôm, bản thân địa phương này được đánh giá là nơi nuôi tôm trên cát có hiệu quả cao và đầu tư nuôi tôm mang tính đồng bộ. 

Điều đó cho thấy rằng, không phải quan chức giàu có là quy về tham nhũng, tuy nhiên, qua sự việc này cũng cho thấy, góc nhìn của người dân về đời sống của đội ngũ quan chức trong chính quyền là tiêu cực, điều này xuất phát từ việc giải trình kém về nguồn tài sản hay việc kể khai tài sản của cán bộ nhà nước trong hàng chục năm qua vẫn chưa có gì gọi là tiến triển.

Liên quan đến minh bạch, trong phiên họp 27 về Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: 'Dân muốn biết thu hồi được bao nhiêu tài sản tham nhũng?'. Nhưng rõ ràng muốn thu hồi thì cần phải kê khai đúng, bởi thật khó để chống tham nhũng hay hồi lại tài sản nếu như một quan chức làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhà nước nhưng khi đứng trước tòa chỉ khai báo vỏn vẹn một cái... chung cư như trường hợp ông Đinh La Thăng.

Thành ra, cán bộ cần có nghĩa vụ kê khai và giải trình về nguồn gốc tài sản, kể cả nguồn tài sản có thêm, nếu là giải trình vu vơ thì nguồn tài sản đó sẽ phải được làm rõ và quy nạp ngân sách. 

Trở lại câu chuyện của ông Nguyễn Viết Từ, nếu so với cách giải trình giữa ông Từ với ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, thì người xứng đáng bị truy thu sẽ là ông Quý, tuy nhiên - cơ chế lại không cho phép làm điều đó. Điều này lại tiếp tục đi đến mệnh đề thứ hai, là ngay cả khi bà Chủ tịch Quốc hội sốt sắng, thì nguồn tài sản cán bộ nếu không thể bị giám sát bởi yếu tố 'nhạy cảm' mà ông TBT Nguyễn Phú Trọng từng thừa nhận (và có phần áp đặt) trước đó. Do vậy, sự sốt sắng đó chỉ dừng ở mức biểu hiện nhiệm kỳ, và trường hợp như ông Quý vì thế sẽ chìm xuồng, còn ông Từ thì lại là cơ hội để người dân 'chửi rủa, đá xéo tham nhũng'. Và đấy chỉ mới dừng ở cán bộ cấp cơ sở, chưa phải là cán bộ cấp cao do Bộ Chính trị quản lý.

Thế mới hay, cũng là làm giàu, nhưng bản thân quan chức càng lên chức cao thì lại càng lười làm giàu chính đáng, thay vào đó là tiến hành các phi vụ mua bán dự án (đặt biệt là tài nguyên đất hoặc sản phẩm đặc thù ngành) để thực sự 'giàu lên trông thấy'. Chính những người làm giàu phi pháp này khiến cho Quy định 15/QĐ-TW trở nên mờ nhạt về cả mặt pháp lý và ý nghĩa thực tiễn của nó. Trong khi đó, những cán bộ làm giàu chính đáng lại phải gánh hình ảnh xấu do quan chức tham nhũng tạo ra, và về mặt nhiên, nó hủy hoại động lực làm giàu chính đáng của họ, làm thoái hóa họ đến mức một ngày họ gia nhập đoàn làm giàu phi pháp dựa trên quyền lực.

Một ngày chế tài không được áp dụng nghiêm túc thì ngày đó tham nhũng vẫn hiện hữu; một ngày kê khai tài sản cán bộ vẫn bị coi là nhạy cảm thì việc làm giàu chính đáng cũng bị coi là 'cướp ngày'. Và ngay cả khi người dân chửi rủa những quan chức làm giàu chính đáng là 'quan tham', cũng có lý do chính đáng từ cơ chế không cho phép họ tin vào điều chính trực và làm giàu chính đáng từ các quan lớn bé trong xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét