Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

6208 - Nếu Rosenstein ra đi, cuộc điều tra của Mueller sẽ ra sao?


                                     Rod Rosenstein có một công việc khó khăn


Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein nhiều khả năng sẽ từ chức hoặc đối mặt với việc bị Tổng thống Donald Trump sa thải, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin. Tòa Bạch Ốc cho biết ông Rosenstein đã nói chuyện với ông Trump ngày 24/9 và đôi bên sẽ gặp nhau vào thứ năm tới đây tại Bạch Cung để thảo luận về chuyện ông Rosenstein sẽ ‘trụ lại’ hay ‘ra đi.’
Nếu ông Rosenstein rời chức ở Bộ Tư pháp thì sẽ có những hệ lụy đối với cuộc điều tra đang tiếp diễn của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về nghi án Ban vận động tranh cử của ông Trump thông đồng với người Nga để tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016.
Tin về khả năng ‘ra đi’ của ông Rosenstein được đưa ra ba ngày sau khi tờ New York Times tường thuật rằng hồi năm ngoái ông từng tuyên bố muốn ghi âm lại các cuộc nói chuyện với ông Trump cũng như đề cập đến việc sử dụng Tu chính án 25 để tước bỏ quyền lực của Tổng thống Trump. Bản thân ông Rosenstein đã bác bỏ thông tin này và một nguồn tin còn cho biết ông ấy ‘chỉ nói đùa’.
Nếu ông Rosenstein thật sự ra đi thì đó là một việc rất hệ trọng.
Người giám sát Mueller
Rosenstein là người giám sát cuộc điều tra của ông Mueller. Đó là bởi ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp và là sếp của Rosenstein, đã rút ra khỏi cuộc điều tra sau khi ông đưa ra lời khai không đúng và sai lệch trước Quốc hội về các mối liên hệ của bản thân ông với nước Nga. Do đó, Rosenstein là người duy nhất có quyền sa thải ông Robert Mueller trực tiếp.
Trong hơn một năm qua, Rosenstein như đi trên băng mỏng.
Một mặt, ông cam kết bảo vệ cuộc điều tra của ông Mueller trước những người bảo thủ ở bên trong cũng như bên ngoài Quốc hội vốn tin rằng cuộc điều tra này có thành kiến đối với Tổng thống và đã kêu gọi ông Trump sa thải Công tố viên đặc biệt. Tuy nhiên, ông Rosenstein không thể nào thúc đẩy cuộc điều tra quá mức, nếu không, ông sẽ chọc giận ông Trump.
Khả năng ông Rosenstein ra đi sẽ gây một cú sốc vào giữa lòng cuộc điều tra về sự liên hệ của ông Trump với người Nga bởi vì ông Mueller phải được Phó Bộ trưởng Tư pháp thông qua các quyết định điều tra quan trọng. Tổng biện lý Noel Francisco, người sẽ thay Rosenstein nếu ông ra đi, có thể chỉ cần không phê chuẩn các yêu cầu của ông Mueller. Điều đó sẽ làm chậm lại toàn bộ tiến trình điều tra hoặc dẫn đến việc sa thải ông Mueller nếu ông Francisco cảm thấy có lý do.
Ông Rosenstein đã từ chối làm việc đó. Thay vào đó, ông đã cho phép ông Mueller xúc tiến cuộc điều tra mà không gặp cản trở gì. Ông Mueller đã kết tội một số thành viên hàng đầu trong ban vận động của ông Trump, trong đó có cựu chủ tịch ban vận động Paul Manafort, với các tội danh về thuế, tài chính và gian lận ngân hàng. Ông Manafort sau đó đã nhận tội ‘có âm mưu chống lại nước Mỹ’ và tội ‘âm mưu cản trở công lý’ và giờ đây đang hợp tác với cuộc điều tra của ông Mueller.
Tương lai của cuộc điều tra của ông Mueller và thậm chí có thể là nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump tùy thuộc vào việc ông Rosenstein cân bằng khó khăn này tốt đến mức nào.
Ông Rosenstein phải giữ cho ông Trump và Bộ Tư pháp hài lòng. Điều đó không hề dễ dàng.
Cân bằng khó khăn
Sự thể hiện của ông Rosenstein trong một phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy ông phải bước đi trong hoàn cảnh khó khăn ra sao.
Vào đêm 12/12, chỉ vài giờ trước khi ông Rosenstein phải ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Bộ Tư pháp đã cho phóng viên xem một số đoạn tin nhắn chống Trump của hai nhân viên FBI là Peter Strzok và Lisa Page vốn có thư từ qua lại với nhau trong suốt cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016.
Strzok, một cựu quan chức phản gián hàng đầu của FBI nằm trong đội điều tra của ông Mueller, đã nhắn tin cho Page rằng ông Trump là một ‘tên ngốc’. Trong một tin nhắn khác, ông còn bày tỏ hy vọng bà Hillary Clinton sẽ đánh bại ông Trump.
Ông Mueller đã sa thải Strzok hồi tháng 7 năm ngoái, và những trao đổi giữa Strzok và Page vẫn là chủ đề của một cuộc điều tra nội bộ của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, phe bảo thủ bên trong và bên ngoài chính phủ cho rằng cuộc điều tra của ông Mueller đang chống lại Tổng thống Trump.
Không rõ có phải ông Rosenstein đã cho phép công bố những tin nhắn này hay không, nhưng một số chuyên gia pháp lý nghĩ rằng Bộ Tư pháp tung chúng ra vào đêm trước phiên điều trần của ông Rosenstein để lấy lòng những người chống Mueller bên trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện.
“Đó là cách hành xử đáng sợ của Bộ Tư pháp,” ông Matthew Miller, phát ngôn nhân của Bộ Tư pháp dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama, nói với tờ Business Insider vào lúc đó. “Đây là một cuộc điều tra đang tiếp diễn mà những nhân viên này có quyền được xem xét theo đúng trình tự, và giới lãnh đạo chính trị tại Bộ Tư pháp đã ném họ vào lũ sói để giúp cho Rosenstein ghi điểm trong mắt của phe Cộng hòa Hạ viện tại buổi điều trần.”
Tại buổi điều trần, ông Rosenstein biện hộ cho việc công bố những tin nhắn này. Ông nói: “Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Tổng thanh tra để đảm bảo rằng ông ấy không phản đối công bố những tài liệu này. Nếu ông ấy phản đối thì chúng tôi đã không cho công bố.”
Tuy nhiên, cũng tại buổi điều trần đó, ông cũng ra sức bảo vệ cho ông Mueller. Khi Dân biểu Dân chủ Jerrold Nadler hỏi: “Nếu ông được lệnh phải sa thải ông Mueller, ông sẽ làm gì?”
“Nếu có lý do chính đáng. Tôi sẽ hành động. Còn nếu không có lý do chính đáng, tôi sẽ không làm theo lệnh,” Rosenstein trả lời. Sau đó, ông bảo vệ cho cá nhân ông Mueller: “Sẽ rất khó khăn để tìm ra ai đó có khả năng làm công việc này tốt hơn ông ấy.”
Những lời này của ông Rosenstein cho thấy ông đã cố gắng đứng lên bảo vệ cho cuộc điều tra nhưng đồng thời cũng làm vui lòng ông Trump và các đồng minh của ông.
Hồi tháng 5, Rosenstein đã phát biểu trước đám đông rằng ‘Bộ Tư pháp sẽ không bị ép buộc.’ Ông nói tiếp: “Chúng tôi sẽ làm những gì mà nền pháp trị yêu cầu và bất kỳ lời đe dọa nào mà bất cứ ai đưa ra sẽ không tác động đến cách chúng tôi làm việc.”
Tranh cãi chính trị quanh Comey
Được bổ nhiệm từ thời cựu Tổng thống George W. Bush, ông Rosenstein đã chính thức gia nhập chính quyền Trump sau khi được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn ông cho vị trí Phó Bộ trưởng Tư pháp.
Tuy nhiên, ông đã mắc kẹt trong tranh cãi chính trị lớn chỉ hai tuần sau khi nhậm chức. Vào ngày 9/5 năm 2017, ông cùng với Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đưa ra một lá thư trình bày lý do ông Trump nên sa thải ông James Comey, giám đốc FBI lúc đó, do cách ông này xử lý các kết quả cuộc điều tra về email của bà Hillary Clinton.
“Trong năm qua,” Rosenstein viết trong thư, “danh tiếng và uy tín của FBI đã bị tổn hại to lớn và điều đó đã ảnh hưởng đến toàn bộ Bộ Tư pháp.”
“Tôi không thể nào biện hộ cho cách giám đốc FBI xử lý kết luận cuộc điều tra email của bà Hillary Clinton, và tôi cũng không thể hiểu tại sao ông ấy lại không chịu thừa nhận đánh giá gần như rộng rãi rằng ông ấy đã nhầm lẫn,” lá thư viết.
Tổng thống Trump đã sa thải Comey ngay sau đó với lý do là lá thư của Sessions và Rosenstein. Phe Cộng hòa ủng hộ Trump và truyền thông bảo thủ đã ca ngợi quyết định sa thải Comey còn phe Dân chủ thì phẫn nộ. Và sự phẫn nộ này đã lan tới Rosenstein.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét