Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

6166 - Căn bệnh Venezuela (The Venezuelan Disease)



Trong lịch sử hiện đại có nhiều địa phương và lãnh thổ đươc lấy tên để đặt cho các hiện tượng chính trị và xã hội.
Ví dụ khái niệm “Phần Lan hóa” (Finlandization) (1) ám chỉ quốc gia nào muốn học tập chính sách đối ngoại của Phần Lan trong giai đoạn 1945-1990. Nước Phần Lan nhỏ bé ở Bắc Âu, nằm cạnh nước Nga khổng lồ, luôn chịu áp lực thôn tính từ nhiều thế kỷ. Trong chiến tranh thế giới II, Liên Xô chiếm Phần Lan. Vì vậy Helsinky phải liên minh với Hitler để chống lại sự chiếm đóng của Stalin. Cũng vì vậy mà Phần Lan bị LHQ lên án. Năm 1944 Phần Lan ký hòa ước với Liên-Xô và đồng ý nhường một phần lãnh thổ phía nam. Liên Xô không thôn tính Phần Lan như 3 nước Pribaltic khác là Lithuania, Estonia và Litva. Để đảm bảo sự thịnh vượng của mình, Phần Lan chấp nhận một mô hình Tư bản Chủ nghĩa thân Liên Xô, chấp nhận nhiều yêu sách của Mạc Tư Khoa trong cả đối nội và đối ngoại. Ngày nay, cả phương Tây lẫn Nga vẫn coi Phần Lan, tuy là thành viên EU, là vùng đệm trung lập.
“Hội chứng Stockholm” (Stockholm Syndrom) (2) là diễn biến tâm lý của những người bị bắt con tin, sau một thời gian chung sống với bọn bắt cóc đã dần đi đến đồng cảm với chúng. Sự việc diễn ra từ ngày 23 đến 28.8.1973 tại một nhà bank ở trung tâm thủ đô Thụy Điển khi bọn cướp nhà bank giam giữ bốn nhân viên trong đó để thương thảo với cảnh sát. Trong suốt 5 ngày này, bốn vị con tin luôn sợ bị chết vì đạn lạc của cảnh sát tấn công hơn là sợ những tên cướp. Khi được giải thoát, họ còn biết ơn “các anh cướp” đã cho họ đi đái, đã cho họ ăn. Họ viết đơn xin tha cho “các anh”, trong khi những vất vả nguy hiểm của cảnh sát thì họ không biết đến.
Cuối tuần rồi, tiều phu tôi lại đi dự hội chợ IBC về Truyền thông quốc tế ở Amsterdam (International Broadcasting Convention). Ở đó tôi gặp lại nhiều đồng nghiệp từ khắp năm châu. Riêng anh bạn Alberto từ Venezuela thì không thấy nữa. Alberto là chủ một công ty chuyên cung cấp kỹ thuật cho các đài truyền hình ở Venezuela.
Những năm trước, khi trao đổi với tôi về chuyện làm ăn bên đó, anh vẫn lạc quan là giới chủ và trung lưu vẫn đủ mạnh để quật đổ chế độ Chavez bằng chính trường. Quả thật, những năm sau đó làn sóng phản đối Chủ nghĩa Xã hội kiểu Chavismo đã dâng lên cuồn cuộn, thậm chí người ta tưởng một cuộc nội chiến sẽ xảy ra.
Mấy email cuối cùng của tôi, Alberto không trả lời. Một đồng nghiệp Nam Mỹ nói: Alberto đã đóng cửa công ty, bỏ ra nước ngoài. Venezuela đang chìm đắm từ từ. Một đất nước đang tan rã. Tôi coi Alberto là nạn nhân của “Căn bệnh Venezuela”.
Venezuela từng là một nước giàu có nhất Nam Mỹ, với trữ lượng dầu mỏ đứng đầu thế giới. Năm 1998, khi Việt nam còn lóp ngóp ở mức PP-GDP (thu nhập bình quân theo sức mua) 1.500USD/năm thì Venezuela đã đạt 20.000 USD. Đất nước này đã từng có một nền dân chủ đại nghị, từng là quê hương của nhiều hoa hậu nhất thế giới. Những năm đầu của chế độ Chavez, Venezuela là người cung cấp tín dụng hào hiệp cho các phong trào cánh tả Nam Mỹ.
Các chính phủ tư sản trước đó cố tình lãng quên số phận của hàng triệu người nghèo đã khiến họ ùn ùn đi theo phong trào cách mạng Bolivar của Hugo Chavez. Năm 1998 viên sỹ quan thiên tả đã lên cầm quyền trong một cuộc bầu cử dân chủ.
Chavez là một chính khách đầy sức quyến rũ, với chiếc mũ bê-rê đội lệch và những bài phát biểu hùng biện kiểu Fidel Castro.
Quyến rũ hơn là cuộc cách mạng XHCN được xây dựng trên nền tảng một hiến pháp đa đảng và kinh tế TBCN. Xã hội đó đã khiến cho Chavez không thể làm như Cu Ba hay Việt Nam. Nền kinh tế thị trường cũng như các đảng phái và truyền thông tự do còn nguyên. Nhưng Chavez đã làm sai hết tất cả những gì có thể làm sai: Từ quốc hữu hóa các tập đoàn dầu lửa đến việc can thiệp vào ngân hàng trung ương để in tiền thỏa thích. Ngay cả trò chơi Chủ nghĩa CS xăng dầu cũng thể hiện sự ngông cuồng của một hiệp sỹ cánh tả. (Giá xăng ở Venezuela rẻ hơn nước lã đã nêu trong bài trước).
Hiệp sỹ bò tót Tây Ban Nha khác các nhà cách mạng cửa miệng Á-Phi ở chỗ: nói là làm! Chavez đã giữ lời hứa với số đông bần hàn đi theo ông. Đổi lại viện trợ xăng dầu, hàng đoàn cán bộ y tế và giáo dục Cuba đã đem lại ánh sáng văn hóa và sức khỏe cho hàng triệu dân nghèo Venezuela. Nhà nước cũng có những chương trình phúc lợi, sử dụng thuế thu từ người giàu để nâng đỡ kinh tế người nghèo. Chính lực lượng này đã đền ơn, giúp Chavez và Maduro lần lượt vượt qua mọi cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý và thay đổi hiến pháp, bất chấp mọi sự phản kháng của thị dân, trí thức, trung lưu và giới chủ.
Sau khi sống sót cuộc đảo chính hụt 2002, Chavez đã biến bộ máy cảnh sát và quân đội tư sản thành lực lượng vũ trang cách mạng của người nghèo và lực lượng này đủ sức đàn áp tất cả các cuộc nổi dậy ở Venezuela suốt 10 năm qua.
Hậu quả cuộc cách mạng XHCN mang tên Bolivar: Việc tước đoạt tài nguyên và tích trữ quốc gia để phát chẩn toàn quốc và quốc tế, việc ban phát quyền lãnh đạo kinh tế cho những kẻ chỉ biết trung thành với mình và việc quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước theo kiểu tiêu tiền chùa đã phá tan toàn bộ cơ sở kinh tế của nước này.
Thế giới đang nói về thảm họa di dân Venezuela. Các doanh nhân, trí thức, tư sản đã rục rịch bỏ đi từ vài năm trước. Nhưng trong những tháng vừa qua, có khoảng 2 triệu người thị dân, sinh viên, công chức đua nhau xếp hàng chạy qua biên giới Columbia, Brazil. Thu nhập theo đầu người giảm từ 20.000 USD năm 1999 xuống 12.100 USD năm 2017 (3) quả là đáng sợ. Nhưng 12.100 USD thì vẫn còn cao so với nhiều nước, vậy sao lại có làn sóng bỏ nước ra đi như hiện nay, có nạn đói ở nhiều vùng?
Khốn nỗi là số tiền đó được phân phối bất bình đẳng, nhưng ngược lại với trước đây 19 năm. Tức là lực lượng cần lao, thất học được ưu ái hơn, đã chiếm quyền chia chiếc bánh đang xụm lại.
Hơn thế nữa sau vài năm liền biểu tình, đình công, xuống đường chọi nhau với cảnh sát, đổ bao nhiêu máu mà không thấy khả năng sụp đổ của Maduro, phe đối lập bắt đầu thối chí. Tuy nền kinh tế tư nhân vẫn còn nguyên, nhưng khu vực nhà nước đang phình ra với bộ máy quan liêu tham nhũng chỉ biết lo phân phát bổng lộc cho nhau đã khiến giới chủ khánh kiệt và bỏ cuộc (như anh bạn Alberto). Khi giới chủ bỏ cuộc thì nền kinh tế bị trụy tim. Nông dân không có phân bón vì hãng vận chuyển đóng cửa. Lượng nông sản vốn đã ít ỏi lại ứ đọng dẫn đến nạn đói…
Vòng xoáy đói nghèo đang phá tan xứ sở của dầu mỏ và hoa hậu, khi mà nguyên khí quốc gia tan rã.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét