Ngay từ mười mấy năm trước, khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hô khẩu hiệu “Nói không với bệnh thành tích”, tôi đã bảo càng hô to bệnh càng nặng.
Sự thực, không có “bệnh thành tích” nào cả mà là bệnh dối trá. Dối trá đã thành hệ thống. Trên “nói không” nhưng lại khen thưởng thành tích, tức cổ vũ sự dối trá, trong khi ở nơi nào để xảy ra một sự cố gây dư luận xấu là lập tức cắt thi đua khen thưởng. Áp lực của thứ “bệnh thành tích” đó đã biến nhà trường thành nhà tù, mà lại là nhà tù man rợ thời trung cổ.
Tôi tin không có trường sư phạm nào dạy giáo viên tra tấn học sinh. Nhưng vì sao tại các trường học liên tục xảy ra bạo hành, từ mầm non cho đến trung học phổ thông? Thủ phạm bạo hành lại là những nhà giáo được đào tạo bài bản đủ các loại giáo trình sư phạm.
Chuyện cô giáo mầm non bạo hành trẻ em thì không cần nói thêm. Nó vẫn tiếp tục diễn ra, dù không ít sự vụ đã bị xử lý hình sự, kể cả xử lưu động để răn đe.
Gần đây, bạo hành leo thang đến cấp tiểu học rồi trung học cơ sở và trung học phổ thông. Vụ cô giáo bắt học sinh quỳ, uống nước giẻ lau, kể cả bạo hành tinh thần như chì chiết, mắng nhiếc, hạ nhục… đều là sản phẩm của “bệnh thành tích”. Để đạt được thành tích và tránh bị trừ thi đua, chỉ còn cách bạo hành trẻ em, biến trẻ em thành tù nhân răm rắp tuân lệnh cai ngục.
Những sự vụ người ta nhìn thấy qua phản ánh của báo chí chỉ là một phần bé nhỏ của cả một hệ thống khổng lồ. Nhiều sự vụ bị giấu diếm… vì sợ ảnh hưởng đến uy tín và thành tích… của lãnh đạo.
Vụ cô giáo tổ chức tát tập thể dẫn đến hậu quả một học sinh lớp 6 ăn 231 cái tát phải nhập viện chưa là gì so với nhiều sự vụ còn âm thầm trong bóng tối.
Mấy hôm nay tôi ngồi đâu cũng nghe dư luận ầm ĩ vụ một cô giáo bắt ép học sinh đi học thêm, đánh đập, chửi bới, hạ nhục tại lớp đến mức một học sinh nhảy lầu tự tử và để lại bức thư tuyệt mệnh đòi bố mẹ phải trả thù. Sự việc nghiêm trọng đến mức học sinh bị gãy tay gãy chân phải điều trị cả tháng nay nhưng chưa báo nào viết. Các cấp lãnh đạo cố tình ém nhẹm vì thành tích và vô tình trở thành kẻ nuôi dưỡng cái ác.
Mà không nuôi dưỡng sao được khi thủ phạm biến nhà trường thành nhà tù trước hết phải là mấy tên lãnh đạo đồ tể đó. Những tên đồ tể quản lý giáo dục này đặt ra hàng loạt những quy định khắt khe hơn cả nhà tù trung cổ. Bênh cạnh quy định đồng phục từ áo quần, giày dép đến cái logo trên áo, trên sách vở… còn có hàng loạt các điều cấm ngặt nghèo hơn cả trại tù: cấm đi dép lê, cấm son môi, cấm sơn móng chân móng tay, cấm nhuộm tóc…
Nhiều thằng hiệu trưởng mọi rợ đến mức cấm học sinh ăn sáng ngoài đường để dồn vào căn tin do người nhà nó bán. Mặc dù Bộ đã cấm dạy thêm, nhưng gần như trường nào cũng tổ chức dạy thêm và xem học thêm như là một chỉ tiêu thi đua để ép buộc học sinh học đông học đủ để thu tiền.
Cách quản lý của những tên đồ tể này là tạo ra một đội ngũ chó săn mang danh giám thị, sao đỏ, cờ đỏ, đoàn thanh niên chuyên săn lùng học sinh vi phạm để ghi tên và phạt. Bọn này có quyền hành to đến mức bêu danh giáo viên trước trụ cờ khi giáo viên để học sinh lớp mình chủ nhiệm vi phạm. Chúng hành động như những tên mật vụ, chỉ điểm theo dõi từ giáo viên đến học sinh, sơ suất trễ một vài phút hay đeo bảng tên không ngay ngắn cũng không qua được mắt của chúng.
Chúng đánh hơi, lùng sục từ ngoài sân vào trong tận phòng học để sờ ngực, lột áo, lột tất học sinh kiểm tra đeo bảng tên có đúng không, có xăm trổ hay sơn móng chân không. Có trường còn dám cho đoàn thanh niên làm nhiệm vụ của công an giao thông rượt đuổi theo những học sinh đến trường bằng xe máy bất chấp tai nạn. Một môi trường sư phạm mà cả giáo viên lẫn học sinh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ như đàn chuột trong mắt những con cú vọ, nhưng những tên hiệu trưởng đồ tể lại xem đó là mẫu mực.
Việc giáo viên bạo hành học sinh mới chỉ bộc lộ cái ác một phần. Kẻ thủ ác đằng sau phải là mấy tên hiệu trưởng và đám lãnh đạo đồ tể mang danh giáo dục. Theo tôi, muốn thực tâm diệt tận gốc cái ác, mỗi khi xảy ra sự vụ nên trừng phạt những tên đồ tể này. Và cũng phải đặt câu hỏi: ai đã tạo ra nhà trường như nhà tù để những tên cai ngục mang bản chất đồ tể này có đất lộng hành?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét