Những năm gần đây, dưới sức ép của quốc tế, và để đổi chác những lợi ích về kinh tế, ngoại giao, nhà cầm quyền VN bèn thả và phóng thích một số tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị sang một quốc gia tự do, dân chủ nào đó, thường là Mỹ hoặc một vài nước Tây Âu. Ví dụ như nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày “được” nhà cầm quyền thả và phóng thích sang Mỹ tháng 10. 2014, mục sư Nguyễn Công Chính, trưởng Giáo hội Lutheran, một giáo hội theo Tin lành, ở Việt Nam, cùng gia đình “được” nhà cầm quyền thả ra và phóng thích sang Mỹ tháng 1. 2017, tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu “được” thả sớm trước hạn tù để sang Pháp “với lý do nhân đạo” vì sức khỏe suy yếu trầm trọng, tháng 1.2017, luật sư Nguyễn Văn Đài và vợ cùng người cộng sự là Lê Thu Hà “được” thả và phóng thích sang Đức tháng 6.2018, tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm cùng mẹ và hai con nhỏ “được” thả và phóng thích sang Mỹ tháng 10.2018 v.v…
Có một số người, không chỉ là dư luận viên mà những người Việt có quan tâm đến tình hình chính trị trong và ngoài nước, thậm chí ngay trong những người đang đấu tranh đòi tự do dân chủ cho VN, bỗng có lập luận cho là nhiều người đấu tranh chỉ để đi Mỹ!
Đồng ý là có những người cơ hội, ngồi ở một nước thứ ba nào đó hoặc lúc đầu sang một quốc gia nào đó theo diện du lịch hoặc hôn phu, hôn thê, sau đó livestream chửi CS rất mạnh bạo, được bao nhiêu người like, follow (dân Việt mình, nhất là người ở hải ngoại, cứ thấy ai chửi VC thật mạnh miệng là like, là ủng hộ) thế là “nổi tiếng”, là làm đơn xin được ở lại tỵ nạn chính trị vì nếu về sẽ bị nhà cầm quyền VN bắt bỏ tù hoặc thủ tiêu (!); có người thậm chí chả đấu tranh ngày nào, nhân có cơ hội đi sang một nước tự do dân chủ, sau đó liền xin ở lại tỵ nạn chính trị và cuối cùng chính phủ nước đó cũng chấp nhận, trước hết vì lý do nhân đạo, vì người này đang có bầu! Nhưng thật ra có được mấy người, trong số hàng trăm người đấu tranh và đã, đang phải chịu tù đày, lại “được” thả và phóng thích đi Mỹ hay một quốc gia tự do dân chủ nào đó?
Thứ hai, có phải ai đấu tranh cũng muốn đi Mỹ hay đi nước ngoài đâu, nhiều khi người ta phải lựa chọn giữa việc tiếp tục ở tù nhiều năm và ra ngoài để tiếp tục đấu tranh, không cách này thì cách khác. Hoặc nhiều khi người ta phải lựa chọn vì con còn nhỏ, vì cha mẹ đã già…chứ chưa hẳn đã vì bản thân. Và cuối cùng, đâu phải ai cũng muốn sang một nước khác khi tuổi không còn trẻ, ngoại ngữ không giỏi, phải bắt đầu lại từ đầu, phải xa quê hương mà chưa biết bao giờ mới có thể quay trở lại, một khi đã ra đi theo diện tỵ nạn chính trị thì con đường trở về coi như rất khó.
Cứ thử hỏi thật lòng những người đã “được” phóng thích theo cách này, nếu được chọn lựa giữa việc ở lại VN (không phải ở trong tù) và đi nước ngoài thì họ sẽ chọn ở lại VN, cho dù bị sách nhiễu, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng được cùng sát cánh với mọi người trong cuộc đấu tranh vì một tương lai cho đất nước, dân tộc, được ngồi với bạn bè café, nhậu nhẹt, chuyện trò, được ăn những món ăn VN, được đón Tết VN…Hay chọn ra đi đến một đất nước xa lạ, dù cuộc sống có bình yên, vật chất có đủ đầy nhưng phải làm lại từ đầu, phải chịu sự cô đơn, nỗi nhớ nhà, nhớ từ hương vị món ngon VN nhớ đi…và không được trở về?
Cuộc sống ở nước người không phải lúc nào cũng chỉ là màu hồng. Trừ khi bạn sinh ra ở nước người hoặc ra đi từ khi còn nhỏ nên dễ dàng hội nhập, còn một khi đã ở vào lứa tuổi trung niên hoặc hơn nữa, U 50, U60, việc làm lại từ đầu hoàn toàn không đơn giản. Ngay những người đã sống nhiều năm ở xứ người, cảm giác không thuộc hẳn về quê hương thứ hai nhưng cũng không còn thuộc về quê hương thứ nhất, cứ mắc kẹt ở giữa, là tâm trạng dễ hiểu. Nhà thơ Thận Nhiên viết trên facebook của mình:
“Từ quê hương thành cố hương.
…Trước, tôi vẫn nghĩ Việt Nam là quê hương thứ nhất, Mỹ là quê hương thứ hai, cho tới gần đây thì thấy điều đó không còn đúng với mình nữa.
Những ràng buộc giữa mình và quê hương thứ nhất ngày càng trở nên lỏng lẻo chứ không như trước.
Quê hương dần dần trở thành hoài niệm.
Những gì hay đẹp của Việt Nam phần lớn đều nằm trong thì quá khứ, thời niên thiếu. Ngược lại, thực tại quá tệ, hầu hết những thông tin từ Việt Nam chỉ gợi lên đau buồn và giận dữ, tệ hơn nữa, tôi thấy nó không còn dính líu gì với thực tại của mình nữa tuy hàng ngày vẫn đau đáu theo dõi không sót một sự kiện nào.
Không hội nhập được toàn phần với quê mới, không dứt bỏ với quê cũ, tôi thấy mình như con cá mắc cạn hơn là loài lưỡng cư có khả năng sinh trưởng và phát triển cả trên cạn lẫn dưới nước.
Và, trong tiến trình tồn sinh đó, quê hương dần dà trở thành cố hương”
Trong số những người bị nhà cầm quyền đẩy sang nước khác, cho đến nay chỉ duy nhất một trường hợp cô Lê Thu Hà, cộng sự của luật sư Nguyễn Văn Đài, là đã tìm cách quay về VN nhưng bất thành.
Lê Thu Hà và Luật Sư Nguyễn Văn Đài bị bắt giam ngày 16.12.2015. Sau hơn 2 năm bị bỏ tù không xét xử, tháng 4 năm 2018 luật sư Đài bị kết án 15 năm tù và 5 năm quản chế, còn cô Hà bị kết án 9 năm tù và 2 năm quản chế với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhờ sự can thiệp của Chính phủ Đức, LS Nguyễn Văn Đài cùng với vợ và cô Lê Thu Hà đã rời trại giam B.14 của Bộ Công an, tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội để sang Đức ngày 8.6.2018.
Nhưng sau 5 tháng cư trú tại Đức, cô Lê Thu Hà đã quyết định trở về Việt Nam sống với người mẹ già là bà Hoàng Thị Bình Minh ở Quảng Trị. Tất nhiên, nhà cầm quyền đã chặn cô Hà lại tại sân bay Nội Bài và "tống tiễn" qua Đức trở lại.
Kể từ ngày bị bắt giam 16.12.2015 cho đến ngày bị trục xuất sang Đức vào ngày 7.6.2018, cô Lê Thu Hà đã ngồi tù suốt hơn 2 năm rưỡi. LS Nguyễn Văn Đài đã từng kể lại việc bị hành hạ dã man, bị khủng bố tinh thần một cách tàn khốc, điều đó chắc chắn đã để lại những hậu quả tâm lý không hề nhẹ lên cô Lê Thu Hà. Một thời gian dài bị cầm tù rồi lại cô đơn trên xứ người, có lẽ cô Lê Thu Hà đã bị trầm cảm và không cảm thấy phù hợp với cuộc sống mới.
Có nhiều người không hiểu quyết định ra đi của tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chủ yếu từ việc không đành lòng nhìn hai đứa con còn nhỏ, vốn thiếu vắng sự bảo bọc, dạy dỗ của người cha, nay lại phải thiếu đi sự chăm sóc, dìu dắt của người mẹ, trong khi người mẹ già của chị thì chưa chắc đã gánh nổi gánh nặng nuôi hai cháu và thăm nuôi con gái trong tù cho tới ngày chị ra tù. Nay có những người cũng sẽ không hiểu nổi vì sao đã được sang một trong những cường quốc hàng đầu của châu Âu và của thế giới như Đức, bao nhiêu người mơ ước được sống ở đó, mà lại khăng khăng quay trở về. Đó là chưa kể đám dư luận viên hay những người chống Cộng cực đoan còn vội kết luận cả hai chắc là “chim mồi”, là “đặc tình” của CS nên mới được ra đi, hoặc trở về như vậy.
Thật ra, nếu đúng cô Lê Thu Hà bị bất ổn về tâm lý hoặc bị trầm cảm sau những tháng ngày tù tội và cô đơn trên xứ người thì cần phải được thông cảm, cần có sự nâng đỡ tinh thần của gia đình bạn bè và sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý. Trầm cảm là bệnh, khá phổ biến ở các nước phương Tây nhưng với người Việt thì vẫn còn xa lạ, không hiểu được, và nếu nặng, có thể dẫn đến tự làm đau mình, tự hủy hoại hoặc tự sát.
Mỗi người một hoàn cảnh. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ vì sao mình dấn thân, vì sao mình lựa chọn ra đi, ở lại hay trở về.
Nhưng suy cho cùng, vì đâu mà hàng triệu người Việt phải rời nước ra đi, bằng đủ mọi con đường khác nhau trong hàng chục năm qua, chế độ nào nhẫn tâm đến độ bắt người ta phải chọn lựa giữa lao tù và lưu vong chỉ vì bất đồng chính kiến?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét