Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

7577 - Hynos thương hiệu một thời


“Hynos, cha cha cha. Chà chà chà, hàm răng em trắng bóc, nụ cười tươi như hoa, cha cha cha”. Đoạn nhạc quảng cáo vui nhộn trên radio gây ấn tượng với tôi từ thuở nhỏ. Nhưng vui hơn hết là lời hát này được phát qua loa phóng thanh từ miệng anh chàng lái xe bán kem đánh răng Hynos đậu trước cửa chợ Hoà Hưng. Cái giọng anh rè rè, hát rê ra nghe như tấu hài, khiến bà con đi chợ bu kín hai cánh cửa phía sau xe mở toang trưng bày các hộp kem mang hình anh Bảy Chà.

Chuyện gốc gác anh Bảy Chà thì tôi đã viết trong bài “Ấn kiều ở Sài Gòn” trước đây, nhắc lại nhiều thêm dông dài. Tôi chỉ xin gợi nhớ hình ảnh người đàn ông châu Phi da đen, cười nhe hàm răng trên các bảng quảng cáo kem đánh răng Hynos giăng khắp Sài Gòn, được dân chúng xem là hình ảnh của anh Bảy Chà. Anh Bảy Chà và anh châu Phi là hai chủng tộc khác một trời một vực, vậy mà dân chúng Sài Gòn vẫn cứ quơ chung làm một. Do đâu mà người ta nghĩ như vậy?


hynos2
Biển quảng cáo kem đánh răng Hynos to đùng có thể bắt gặp ở các cửa ngõ vào thành phố. Nguồn: Manhhaiflicks

Chẳng qua, thời còn Pháp thuộc, người Chà Và luôn được người Pháp xem trọng hơn dân Annam, tuy họ chỉ là một nhóm sắc dân nước ngoài đến Sài Gòn làm ăn sinh sống bằng nghề chuyên cho vay, buôn bán, chăn nuôi dê, mua đất cho thuê, làm cảnh sát… Chính vì sự ưu đãi của người Pháp dành cho họ nên trong dân gian truyền miệng lời vè có ý chăm chọc “Chà và, ma ní tí te / Cái bụng thè lè, con mắt ốc bươu” để nói lên ngoại hình mấy ông Chà Và cởi trần quấn xà rông đưa cái bụng thè lè đứng bán vải ở Chợ Cũ.
Chuyện này cũng không lạ ngay cả đối với người phương Tây, chẳng cần phân biệt người nước nào, hễ là da trắng, người Annam mình khinh gọi “mắt xanh mũi lõ” tuốt. Nguyên cụm từ này xuất phát từ bài văn tế Ngạc Nhi (Garnier), bị quân Cờ Ðen giết gần đê La Thành khi quân Pháp tiến đánh Hà Nội. Tổng đốc Hà Nội lệnh cho Tam nguyên Yên Ðỗ (Nguyễn Khuyến) viết bài văn tế để làm hài lòng người Pháp trong lễ truy điệu. Nhưng bài văn tế chỉ được truyền khẩu lúc đó, sau này mới đi vào văn học Việt Nam. “Than ôi! Một phút sa cơ, ra người thiên cổ. Nhớ ông xưa: Cái mắt ông xanh, cái da ông đỏ. Cái tóc ông quăn, cái mũi ông lõ. Ðít ông cưỡi lừa, miệng ông huýt chó. Ông đeo súng lục liên, ông đi giày có mỏ. Ông ở bên Tây, ông sang bảo hộ…”.
Bài văn tế còn dài, thôi không sa đà. Tôi trở lại chuyện kem đánh răng Hynos với cái hình người da đen cười nhe hàm răng. Với cách nhìn quảng cáo của người làm thương mại, hình ảnh con người hay con vật dễ gây ấn tượng cho người xem nhất. Chẳng hạn xà bông Cô Ba, La-de (bia) con cọp, xá xị con cọp, nước cam vàng con nai… Kem đánh răng Hynos, Perlon, Leyna sản xuất trong nước, không kể đến các thương hiệu nhập cảng của Pháp trước đó như Kool, Gibbs, C’est it, và sau đó là Colgate của Mỹ bán ở cửa hàng PX cho quân đội, thì Hynos là một thương hiệu nổi bật nhờ hình ảnh anh Bảy Chà cười khoe hàm răng gây ấn tượng cho mọi giới.
Những người lớn tuổi còn nhớ vào giữa thập niên 1960 khi ông Vương Ðạo Nghĩa trở thành chủ hãng kem đánh răng Hynos, ông bắt đầu tung chiến dịch quảng cáo rầm rộ từ thành thị đến nông thôn qua mọi phương tiện truyền thông, hình ảnh anh da đen cười nhe hàm răng trắng bóc, màu sắc trắng đen đối lập để quảng bá kem đánh răng của hãng mình. Vào thời gian này, câu vè anh Chà Và được giới bình dân biến tấu, có chút dung tục nhưng rõ ràng “hàm răng trắng” đã in sâu vào trí nhớ của người tiêu dùng. “Chà và ma ní tí te / Hàm răng trắng nhách, con… đen thùi”.


hynos1Quảng cáo kem đánh răng Hynos vào ngày Tết năm 1969.Nguồn: Mnahhaiflicks

Hãy khoan bàn đến chuyện khởi nghiệp của ông Vương Ðạo Nghĩa, ta thử nhìn lại một chút hình ảnh sinh hoạt đời sống của dân Nam kỳ nói chung dân Sài Gòn nói riêng, nhất là vấn đề vệ sinh răng miệng. Mãi đến năm 1945, chuyện vệ sinh răng miệng vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức. Hầu hết dân chúng sống ở nông thôn súc miệng chà răng bằng nước muối. Răng hư thì nhổ, người có điều kiện tài chánh thì khi mất răng đến nha công bịt răng vàng (sau năm 1954 mới bắt đầu xuất hiện nha khoa thẩm mỹ, trồng răng bằng hợp chất nhựa giả sứ). Chỉ một số người sống ở thành thị mới sử dụng bột kem đánh răng đựng trong hộp thiếc nhập cảng từ Pháp mỗi ngày để chăm sóc hàm răng.
Thực ra, việc bảo vệ răng đã có từ ngàn năm trước nhưng việc phát triển ngành nha khoa rất chậm, phải trải qua một chặng đường dài để hoàn thiện các phương thức thẩm mỹ răng. Việc nhuộm răng đen dành cho giới phụ nữ ở xứ ta trở thành một phong tục được xem là chuẩn mực đạo đức và là thẩm mỹ trong việc bảo vệ hàm răng. Nhà thơ Hoàng Cầm từng ca ngợi nét duyên của những cô gái chợ Hồ, chợ Sủi: “Những cô hàng xén răng đen / Cười như mùa thu tỏa nắng…” (Bên kia sông Đuống).
Hàm răng đen bóng của các cô gái trở thành điều bình thường trong cuộc sống ở đàng ngoài. Trong một bài báo của học giả nhà báo Phan Khôi viết trên Tạp chí Phụ nữ Tân Văn (số 66, 1930) dẫn lời của một nhà báo hiệu Lư Sơn Chơn Tướng rằng: “Tôi từng đi đủ Trung – Bắc hai kỳ, tôi thấy những nhà thi lễ, tức là bậc thượng lưu trong xứ, thì đàn bà con gái của họ cũng răng đen, cho như thế là trang nghiêm mỹ lệ; còn trái lại, răng trắng thì cho là đồ ăn chơi đĩ thõa. Coi đó thì biết cái tục răng đen của người Nam là từ các đấng tiên dân bày ra và đã lâu đời lắm rồi, chẳng những cho là đẹp mà cũng lấy đó tỏ ra là nề nếp con nhà nữa…. Khắp nước Việt Nam, trừ xứ Nam kỳ ra, thì tôi thấy đâu đâu đàn bà con gái cũng răng đen hết…”.
Có lẽ, ông Phan Khôi trích dẫn nhận xét của nhà báo nọ viết ra ở khoảng thời gian trước đó nữa khi ông vào Nam làm báo. Phong trào khai hoá văn minh của người Pháp ở mức độ nào đó, đến thời điểm đầu thế kỷ hai mươi đã bắt đầu có hiệu quả. Phong tục nhuộm răng tàn lụi dần chính thức ở khoảng thời gian 1945. Mãi đến năm 1954 khi Việt Nam chia đôi giới tuyến, người miền Nam bắt đầu biết đến hàm răng đen bóng của các bà lớn tuổi miền Bắc di cư. Ðó là những gì còn sót lại của hàm “răng đen nhưng nhức hạt dưa” mà ngày nay vẫn còn có thể tìm thấy ở một vài dân tộc miền núi vùng Tây Bắc.


hynosNgoài Hynos còn có kem Perlon cạnh tranh. Nguồn: Manhhaiflicks

Thời điểm đó cũng chính là thời kỳ ngành nha khoa trong nước bắt đầu phát triển. Việc giữ vệ sinh răng miệng được chú trọng hơn, Người dân ít còn sử dụng vỏ cau khô để chà sạch răng. Bột đánh răng, kem đánh răng theo phương thức sản xuất ở phương Tây bắt đầu phổ biến đến mọi tầng lớp ở thành thị cũng như nông thôn. Và nó hiển nhiên trở thành cơ hội cho các hãng kem đánh răng trong nước khởi nghiệp, cạnh tranh với hàng nhập cảng.
Trở lại chuyện ông Vương Ðạo Nghĩa một người Việt gốc Hồng Kông trở thành chủ hãng kem đánh răng Hynos là một chuyện hy hữu. Nguyên ông làm công cho hãng, do tính trung thực, làm việc cần cù mà được tín nhiệm chọn làm người “thừa kế”, khi người chủ trước gốc Do Thái nhượng lại hết cơ ngơi gầy dựng trở về cố quốc, bởi bà vợ người Việt của ông chẳng may qua đời sớm khiến ông không còn tha thiết chuyện làm ăn. Có nhiều tài liệu cho rằng, người chủ trước là người Mỹ nhưng thật ra chẳng ai biết và cũng chẳng có tài liệu nào ghi nhận chính xác gốc gác của hãng kem Hynos. Hynos liệu có phải là tên họ của ông không, chứ từ khi ông Vương Ðạo Nghĩa tiếp nhận cơ ngơi thì đã có tên thương hiệu này rồi.
Sau khi tiếp nhận, ông Vương Ðạo Nghĩa mở rộng chiến dịch quảng cáo khắp nơi. Bao nhiêu lợi nhuận, ông trích đến phân nửa để làm quảng cáo. Ðặc biệt, ông nhờ người cháu gọi ông bằng chú, là tài tử Vương Vũ trong lần sang Sài Gòn ghé thăm ông, thực hiện đoạn phim quảng cáo. “Thần đao đại hiệp” trong một lần theo đoàn bảo tiêu, vật phẩm quý giá bị sơn tặc cướp phá. Cuộc chiến kinh hoàng máu nhuộm xác thân. Tất cả đều chết, duy chỉ còn mỗi Thần đao tiến đến chiếc xe hàng, mở thùng bảo tiêu thì ôi thôi, bên trong đó là một lô kem đánh răng Hynos.
Ðoạn phim quảng cáo tốn kém này thường chiếu khởi đầu cho một bộ phim Võ thuật Hồng Kông không chỉ có các rạp ở Sài Gòn mà còn ở Hồng Kông, Thái Lan, Singapore nhằm đưa thương hiệu Hynos ra nước ngoài. Sau năm 1975 Hynos bị quốc hữu hoá thành hãng kem đánh răng Phong Lan, rồi theo thời gian thành P/S hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét