Phát biểu tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương hôm 28/11, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao nỗ lực của lực lượng công an trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, đồng thời nhắc nhở lực lượng này giữ mình trong sạch, liêm chính, “đừng ham chức tước, địa vị” vì “vật chất chỉ là phù vân”.
“Thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh quốc gia được chỉ đạo triển khai quyết liệt, giữ vững an ninh chính trị, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa. Công tác phòng chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra”, TTXVN dẫn lời ông Trọng khen lực lượng công an trong buổi họp có mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước, mặc dù có một số tiêu cực, nhưng ông không vì thế mà phủ nhận công lao đóng góp của lực lượng công an trong việc “góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ được lòng dân yên, chính trị xã hội ổn định, đất nước phát triển”.
“Vừa rồi, nhiều nước sang thăm, mong muốn học tập kinn nghiệm của Việt Nam”, ông Trọng nói.
Ngoài ra, Tổng bí thư-Chủ tịch nước của Việt Nam cũng đặc biệt khen ngợi lực lượng công an về nỗ lực “tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế” và cho đây là “điểm sáng” của Đảng ủy Công an Trung ương trong năm 2018.
“Tại sao ông Trọng lại nói như vậy?”, TS. Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát tình hình thời sự-chính trị Việt Nam nói. “Điều đầu tiên cần nói là ông ấy là đồng tác giả của chủ trương tái cơ cấu Bộ Công an. Chủ trương này đã được đưa ra 4, 5 năm rồi nhưng tới đầu năm 2018 mới làm được”.
“Cuối năm 2017, chính ông Trọng là người đưa ra chủ trương tái cơ cấu Bộ Công an. Việc đầu tiên của tái cơ cấu là xóa bỏ 6 tổng cục trong Bộ Công an, trong khi đó lại duy trì toàn bộ số tổng cục trong Bộ Quốc phòng. Thứ hai, giảm bớt số tướng bên Bộ Công an, nhưng vẫn giữ nguyên số tướng bên Bộ Quốc phòng”, TS. Phạm Chí Dũng nói với VOA.
Theo nhà nghiên cứu này, Bộ Công an là một cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch chống tham nhũng, vốn hay được gọi là “chiến dịch đốt lò”, của ông.
“Cho tới nay, ông Trọng đã nắm được hai cứ điểm quan trọng nhất trong Bộ Công an là cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan an ninh điều tra, do người của ông Trọng là Thượng tướng-Thứ trưởng Lê Quý Vương và Thượng tướng-Thứ trưởng Bùi Văn Nam nắm hai cơ quan này”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Trong giai đoạn “chiến dịch đốt lò” đang bước vào giai đoạn mới, mà theo nhận định của TS. Phạm Chí Dũng là “mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, sát máu hơn”, thì sự tiếp sức của Bộ Công an là một “điều kiện cần”. Chính vì vậy, ông Trọng mới có những lời “ve vuốt” đối với Bộ Công an, bất chấp những bê bối xảy ra trong Bộ này trong năm nay.
“Đây chẳng qua chỉ là một động tác chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng đối với Bộ Công an mà thôi. Còn thâm sâu trong đầu ông ấy nghĩ gì thì không hẳn như lời ông nói”, TS. Phạm Chí Dũng nhận định thêm.
Bên cạnh những lời khen ngợi, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi họp ngày 28/11 cũng nhắc nhở lực lượng công an “không được ngủ quên trên vòng nguyện quế” trước tình hình “âm mưu chống phá của các thế lực thù địch còn lâu dài”, “suy thoái trong nội bộ còn âm ỉ”, “tình trạng khiếu kiện đông người” và cả vấn đề “an ninh mạng”.
Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng lực lượng công an “trọng liêm, trọng chính, trọng đức”.
“Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian, còn vật chất chỉ là phù vân… Cha ông đã tổng kết: Danh thơm còn mãi, đùng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ xu nịnh”, TTXVN dẫn lời ông Trọng nói.
Đây là kỳ họp Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đầu tiên kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, lên kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch nước vào cuối tháng trước. Ông là lãnh đạo thứ hai của đảng Cộng sản Việt Nam, sau Hồ Chí Minh, giữ hai chức vụ cùng một lúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét